Có người nói rằng: “Làm lành, tạo phước, niệm Phật vãng sanh, những điều ấy không đủ để tin theo.” Nhất Nguyên này hỏi rằng: “Tại sao ông lại không tin?”
Người kia Đáp: “Cứ lấy việc trước mắt mà nói, có người trong sạch, ngay thẳng, làm lành, lẽ ra phải được đầy đủ phước thọ, trái lại phải chịu nghèo khó, yểu mạng, nhiều bệnh tật; lại có những kẻ độc ác, giết người hại vật, lẽ ra phải chịu yểu mạng, nghèo hèn, bệnh tật, nhưng lại được trường thọ, giàu sang. Tôi lấy theo hai điều ấy mà xét ra, nên không tin việc làm lành, tạo phước, niệm Phật vãng sanh.” Nhất Nguyên đáp rằng: “Ông quả thật là không thông đạt! Lời ông nói đó, ví như kẻ nhìn trời qua cái ống nhỏ. Chẳng phải bầu trời nhỏ, chỉ do người ấy thấy nhỏ mà thôi. Chẳng thấy trong sách Minh tâm bảo giám có nói rằng:
Làm lành hưởng quả lành,
Làm ác chịu quả ác.
Chớ nói không quả báo.
Chỉ sớm muộn sai khác.
Trời cao thăm thẳm, chớ dễ duôi;
Mảy may chớm ý, động lòng trời.
Lành, dữ thảy đều có quả báo,
Chẳng qua sớm, muộn khác nhau thôi.
“Lại có câu:
Người đời nói việc riêng,
Trời nghe như tiếng sấm.
Ý xấu trong phòng tối,
Thần nhìn rõ như chớp.
“Lại có câu:
Lành, dữ nếu không quả báo,
Trời, Đất ắt có lòng riêng.
“Ngài Chân Võ có lời thương xót dạy rằng:
Làm ra các việc lành, dữ,
Báo ứng như bóng theo hình.
Chớ nói làm ác không báo,
Chỉ đợi quả ác chín mùi.
Chớ nói làm thiện không ứng,
Chỉ đợi quả thiện tròn đầy.
“Sách Nhân quả lục chép rằng:
Muốn biết nhân đời trước,
Xem nơi quả đời này.
Muốn biết quả đời sau,
Xem việc làm hiện tại.
“Lại dạy rằng:
Dù trải trăm ngàn kiếp,
Nghiệp đã tạo không mất.
Chỉ đợi đủ nhân duyên,
Ắt phải chịu quả báo.
“Trong kinh dạy rằng: ‘Nghiệp có ba loại quả báo. Thứ nhất là hiện báo, nghĩa là hiện nay làm các việc lành hay dữ, thì ngay trong đời này nhận chịu quả báo vui hoặc báo khổ. Thứ hai là sanh báo, nghĩa là đời trước đã tạo nghiệp, đời này phải thọ báo, hoặc đời này tạo nghiệp, đời sau sẽ thọ báo. Thứ ba là tốc báo, nghĩa là vừa tạo nghiệp liền chịu lấy quả báo ngay trước mắt.’
“Kinh Dịch nói: ‘Nhà chứa điều lành thì có phước lành về sau; nhà chứa điều chẳng lành ắt có tai ương về sau.’
“Lại có câu: ‘Quỉ thần hại kẻ tự mãn mà tạo phước cho người khiêm tốn.’
“Hiếu kinh có câu: ‘Trời đất xét rõ, thần minh sáng suốt.’
“Tăng tử nói: ‘Hãy cẩn thận, cẩn thận! Tự mình làm ra thì phải tự mình chịu lấy đó.’
“Kinh Thư nói: ‘Đạo trời là ban phước cho người lành, gieo họa cho kẻ tà ác.’
“Lão tử nói: ‘Lưới trời lộng lộng, tuy thưa mà chẳng sót.’
“Lại nói: ‘Lưới cõi dương thưa nên dễ sót; lưới cõi âm dày nên khó thoát.’
“Đức Phật thường vì ông A nan mà dạy rằng: ‘Có người trong đời này làm lành nhưng sau khi chết đọa vào địa ngục. Có người trong đời này làm ác nhưng sau khi chết sanh lên cõi trời.’
“A nan thưa Hỏi: ‘Vì sao vậy?’ Phật dạy: ‘Những người trong đời này làm lành nhưng sau khi chết đọa vào địa ngục là vì điều lành trong đời này chưa chín muồi mà nghiệp ác trong đời trước đã chín muồi. Những người trong đời này làm ác nhưng sau khi chết sanh lên cõi trời là vì nghiệp ác trong đời này chưa chín muồi mà nghiệp lành trong đời trước đã chín muồi. Nghiệp nào chín muồi trước thì phải thọ báo trước. Ví như người thiếu nợ, món nợ nào gấp hơn thì phải hoàn trả trước.’
“Do những điều trên mà suy ra thì Tam giáo đều dạy cùng một lý ấy, chỉ có sự nhanh hay chậm mà thôi. Lẽ nào vì trước mắt chưa thấy quả báo rồi không tin nhân quả, lại do đó mà không tin
Tịnh độ hay sao?”
Người kia thưa rằng: “Sự giàu sang hay nghèo khó, sống lâu hay yểu mạng đều do nơi mệnh trời, há có việc quả báo luân hồi hay sao?”
Nhất Nguyên này đáp rằng: “Xét cái lý của ông thật không rõ ràng. Người đời tuy nói là mệnh trời, nhưng lẽ đâu trời lại có sự thiên vị với người hay sao? Thảy đều do việc làm của người ta đời trước chẳng giống nhau, nên đời này nhận lãnh quả báo khác nhau, lẽ nào lại là do trời làm ra như thế? Cho nên gọi thân này là báo thân, nghĩa là vì nhận lãnh quả báo những việc đã làm đời trước nên mới sanh ra thân này. Trời nào có lòng bao che được sao?
“Ví như một người bên ngoài có công hoặc có tội thì nhận chịu sự thưởng phạt nơi phủ quan. Quan phủ lẽ nào lại có lòng thiên vị đối với người ấy hay sao? Chỉ theo nơi việc có công thì thưởng, có tội thì phạt, lẽ nào lại vô cớ mà dùng sự thưởng phạt với người ta hay sao? Quan phủ thế gian còn không vô cớ dùng sự thưởng phạt với người, huống chi trời đất lại vô cớ mang sự họa phước giáng xuống con người hay sao?
“Vì thế mà biết rằng, do việc làm trong đời trước có thiện, ác, nên đời này mới nhận lấy những sự họa, phước. Vì không thể làm toàn việc thiện, nên không thể được hưởng toàn phước báo, vậy mới có những người giàu sang mà khổ nhọc hoặc yểu mạng; lại có kẻ nghèo hèn mà được sống lâu, vui sướng; có người vinh hiển, được tin dùng mà phải lo buồn, tủi nhục; có kẻ hèn kém khốn khó mà vẫn được an nhàn; có người tuổi trẻ sớm đỗ đạt thành danh; có người trọn đời vẫn không đỗ đạt; có người tiền gạo đầy nhà mà không con cái; có kẻ cùng khốn khó khăn mà con cái thật nhiều; có trường hợp chồng còn mà vợ chết, lại có trường hợp chồng chết mà vợ còn; có kẻ làm con phải chết trước cha mẹ; có người làm cháu phải chết trước ông bà; có người trước được vui mà sau chịu khổ; có kẻ trước chịu khổ mà sau được vui; có người trước sau đều được vui nhưng giữa đời chịu khổ; có kẻ trước sau đều khổ nhưng giữa đời được vui; lại có người trọn đời chịu khổ; lại có kẻ suốt đời sung sướng.
“Nay tôi hỏi ông: Tại sao có những việc như thế?”
Người kia Đáp: “Thật tôi không rõ điều ấy.”
Nhất Nguyên mới nói rằng: “Ông đã chẳng rõ, vì sao lại không tin? Nếu ai bác bỏ nhân quả ắt sẽ đọa vào địa ngục A tỳ. Chịu tội ở địa ngục xong, lại đọa làm ngạ quỷ. Chịu thân ngạ quỷ xong, lại chuyển sanh làm súc sanh, mang thân súc sanh ấy mà đền trả những khoản nợ đã gây ra từ trước, nếu giết hại một mạng sống, phải trả lại một mạng; nếu ăn của người khác 8 lượng, phải trả đủ nửa cân.
“Chịu thân súc sanh rồi, mới được thân người hèn kém. Tuy được thân người nhưng phải chịu cảnh nghèo khó hèn hạ, đui điếc, câm ngọng, chân què, tay cụt, bệnh tật đeo bám, đói lạnh bức bách, chẳng được thấy Phật, chẳng nghe Chánh pháp, chẳng gặp bậc thánh hiền, chẳng gặp được người hiểu biết, xoay vần trong cõi luân hồi, chịu khổ không dứt. “Người xưa dạy rằng:
Muốn khỏi mang lấy tội Vô gián,
Chớ nên bài bác pháp Như Lai.
“Cần phải biết rằng, việc thiện ác rất rõ ràng, nhân quả không thể che mờ. Phật đã nói ra lời chân thật về nhân quả, ắt không thể dối gạt về chuyện Tịnh độ.
“Vả lại, làm người phải rõ việc đúng sai phải quấy, biết liêm sỉ, tin nhân quả, sợ tội phước, xét rõ thiện ác, phân biệt chánh tà, trên chẳng oán trời, dưới chẳng giận người, dù thịnh dù suy cũng chẳng động tâm, dù được dù mất cũng không đổi chí, trong cảnh giàu sang chẳng lấy làm vui, gặp lúc nghèo hèn chẳng cho là buồn, khi tiến khi lùi đều biết thời cơ, tự lượng sức mình mà gánh vác nhiệm vụ, được dùng đến thì hành sự, không được dùng đến thì lui về ẩn dật, trung, hiếu, nhân, từ, trước sau không thay đổi. Người như vậy mà bảo không phải bậc quân tử thì tôi chẳng tin! Người như vậy mà bảo không phải bậc đại hiền thì tôi chẳng tin. Người như vậy niệm Phật mà không sanh về Tịnh độ thì tôi chẳng tin!
“Nay tôi ân cần giảng giải để dứt lòng nghi cho ông, vậy ông nên kính cẩn mà tin nhận, chớ nên khinh thường!”