Home > Linh Cảm Ứng
Minh Hoằng
Cư Sĩ Bành Tế Thanh | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch


Thích Minh Hoằng tự Mai Phương, người đời Thanh, quê ở Hàng Châu. Lúc niên thiếu cha mẹ cưới vợ cho, ông bỏ nhà trốn đi. Bà mẹ thương khóc đến mù cả đôi mắt. Sau cha mẹ nối tiếp nhau qua đời, ông mới vào am Di Đà ở Kha Kiều mà xuống tóc xuất gia.

Từ đó sư đi tha phương hỏi đạo, học tập về Thiên Thai Giáo Quán. Kế tiếp chuyên tu thiền mấy năm, có chỗ tỏ ngộ. Sau sư duyệt xem tạng kinh tại chùa Vạn Niên ở núi Thiên Thai. Lâu ngày đôi mắt đều lao tổn, lần lần bị mù. Sư nói với đồng bạn: "Đây là quả báo do tôi trái với lòng từ ái của thân mẫu xui nên!". Từ đó Minh Hoằng một lòng chuyên niệm Phật, dù trái tiết lạnh nóng cũng không biếng trễ gián đoạn. Sư từng bảo: "Tôi nhân bị mù, mới càng tỉnh ngộ và được sự lợi ích rất lớn của môn Niệm Phật!". Bình thời sư chỉ một bát, một tích trượng, không ở chỗ nào lâu, được của cúng dường liền tùy duyên bố thí cho kẻ nghèo thiếu. Tư Tề thượng nhơn quen biết sư nhiều, từng khen ngợi rằng: "Đại đức Minh Hoằng quyết định được sanh về Tịnh Độ, vì ông có ba điểm chân thật. Đó là: thật giải thoát, không quyến niệm vào đâu; thật sạch sẽ, không chứa giữ tiền của vật dụng; và thật tinh tấn, niệm Phật không hề gián đoạn trễ thời".

Tháng 9 niên hiệu Ung Chánh thứ năm, Tư Tề đại sư tổ chức kỳ Niệm Phật thất tại chùa Phạm Thiên, có mời Minh Hoằng tham dự. Trong kỳ thất sư bị bịnh kiết lỵ, nhưng vẫn trì danh không một chút biếng trễ. Mãn kỳ thất, đến Trai Tăng Quán ở Vô Tích, bịnh càng thêm nặng. Một hôm sư cho khắp hàng thiện tín biết: ngày mai mình sẽ vãng sanh. Đúng thời, đại chúng các nơi tề tựu đến. Sư liền ngồi dậy chấp tay niệm Phật mà hóa.