Phụng thị, tên Pháp Tín, người đời Tống, quê ở quận Quảng Bình. Bà nguyên là vợ của quan Thừa tuyên sứ Trần Tư Cung. Thuở nhỏ phu nhơn vốn hay đau yếu, khi về nhà họ Trần, bịnh càng nhiều.
Bấy giờ Từ Thọ Thâm thiền sư đang hoằng pháp ở Vương Thành. Bà đến nơi đảnh lễ, cầu xin chỉ dạy phương pháp trừ bịnh tật. Thiền sư bảo phải trì trai và niệm Phật. Phu nhơn tin nhận, về nhà chưa đầy một tháng, liền bỏ đồ trang sức, ăn chay trường, mặc áo vải, mỗi ngày hằng tụng kinh niệm Phật. Khi làm các công đức, bà đều hồi hướng cầu sanh Tây Phương. Không bao lâu, bịnh hoàn toàn lành mạnh. Tuy vẫn lo liệu việc nhà như cũ, nhưng phu nhơn không bỏ thời khóa tu trì.
Hành đạo như thế hơn mười năm, bà không lộ dáng biếng trễ, chẳng tỏ vẻ kiêu căng, thể mạnh tâm an, thần khí càng thêm hưng vượng. Một hôm phu nhơn cầm bút viết kệ rằng:
Duyên nghiệp cuốn lôi xót những ngày!
Từ lâu uổng chịu kiếp trâu cày.
Buộc vàm xỏ mũi nay đà thoát,
Rủ sạch thân tâm lại cõi Tây.
Hàng tùy thuộc thấy lời kệ, đều lấy làm lạ. Phu nhơn bảo: “Ta từ thanh tịnh giới, vì sai một niệm nên lạc đến chốn này. Nay duyên Chi na sắp mãn, quả Liên quốc hầu kề, rất thích hợp với nguyện ta, có điều gì mà kỳ lạ?”. Tháng chín năm ấy, phu nhơn nhiễm bịnh. Vào ngày đầu tháng mười một, bà gọi thị nữ bảo: “Thần thức ta dạo chơi Tịnh Độ, lễ cẩn Đức A Di Đà Thế Tôn, Bồ Tát Quán Âm, Thế Chí dùng con mắt từ bi hoan hỷ, ngắm nhìn. Trăm ngàn muôn ức Phật tử thanh tịnh đều cúi đầu chào mừng ta được sanh về cõi ấy. Đến như rừng quỳnh ao báu, cung ngọc lưới châu, ánh sáng vẻ đẹp, đều đúng y như kinh Thập Lục Quán đã nói. Cảnh trí kỳ diệu không cùng, đến đó mới biết, không thể diễn tả cho hết được!”. Thị nữ mời Trần Tư Cung tới thuật lại, rồi đồng cùng nhau chấp tay niệm Phật.
Đến sáng hôm sau, phu nhơn nằm nghiêng mình bên mặt mà mãn phần. Ba ngày kế mới nhập liệm, người trong nhà vẫn còn nghe mùi hương lạ. Khi sắp trà tỳ, gia nhơn còn quyến luyến giở ra nhìn, gương mặt còn tươi như lúc sống. Phu nhơn hưởng dương ba mươi sáu tuổi.