Home > Khai Thị Phật Học
Vừa Được Đã Mất
| Hòa Thượng Thích Thiện Huệ, Việt Dịch


Một người nghèo khổ bắt gặp bao tiền giữa đường, người này vui mừng, ngồi ngay bên đường đếm tiền, đếm chưa xong thì chủ  nhân của bao tiền tìm đến lấy lại. Người nghèo này lúc đó hối hận là đã không bỏ đi nơi khác, càng hối tiếc thì càng áo não.

 

Gặp Phật pháp cũng vậy, tuy đã bắt được phúc điền của tam bảo, song không phát khởi phương tiện, tu hành thiện nghiệp, đến khi mạng vong, đọa tam ác đạo, khác gì người ngu kia vừa được đã mất. Tựa như lời kệ nói.

 

Kim nhật doanh thử sự, minh nhật tạo bỉ sự, lạc trước bất quán khổ, bất giác tử tặc chí, hốt hốt doanh chúng vụ, phàm nhân vô bất nhĩ, như bỉ sổ tiền giả, kì sự diệc như thị.

 

(Hôm nay lo chuyện này, mai lại lo chuyện khác, mải mê không thấy khổ, thần chết lặng lẽ tới, khi chúng mải bận rộn, phàm nhân đều thế cả, như người đếm tiền kia, việc này cũng như vậy).

 

Lời Bình:

Chúng sinh như cùng tử nghèo khổ lang thang không định hướng vòng vo trong tam giới. Phàm là chúng sinh đều do nơi bần cùng trí huệ mà thành, lại do nghèo cùng trí huệ mà không tài nào giải quyết được cái khổ muôn đời là sinh tử luân hồi. Hễ còn trôi nổi trong luân hồi đều do vì bần cùng trí huệ, hễ còn bần cùng trí huệ tất còn nổi trôi trong sinh tử luân hồi. Hết thẩy chúng sinh đều đeo mang cái nghèo trí huệ và khổ sinh tử, nên gọi là cùng tử. Chư Phật biết rõ nguồn gốc của chúng sinh vốn chẳng phải cùng tử nghèo khổ thế ấy, chỉ do nơi điên đảo nhận giả làm chân mới ra nông nỗi, vì vậy thị hiện nơi đời lập phương tiện dẫn dắt chúng sinh trở về chốn thật, giải thoát luân hồi sinh tử, như Trưởng giả giúp đứa con cùng tử trở về với dòng tộc trưởng giả, vĩnh viễn thoát khỏi cảnh nghèo khổ.

 

Những chúng sinh may mắn gặp được Phật pháp, khác nào người nghèo nhặt được bao tiền. Khi ấy người nghèo sẽ ứng xử một trong hai trường hợp. Thứ nhất nếu người nghèo mang bao tiền đi nơi khác thì sẽ sở hữu được bao tiền, và như thế « vừa được là không bao giờ mất » Thứ hai như câu chuyện kể « vừa được đã mất ».. Người gặp Phật pháp cũng có 2 trường hợp giống vậy. Ta có thể phân tích hai trường hợp đó như sau :

 

Trường hợp thứ nhất « vừa được là không bao giờ mất »

 

Nếu người gặp được Phật pháp hiểu rõ lời dậy của Như Lai như ngón tay chỉ trăng, chỉ là phương tiện chỉ bầy thật pháp, mà không hề là trăng hay thật pháp. Phải dựa vào ngón tay để thấy trăng, nhờ vào phương tiện chứng được thật pháp. Lại lời Phật dậy như toa thuốc trị bệnh, dựa vào toa thuốc bốc thuốc trị bệnh, toa thuốc chưa từng là thuốc. Do vậy khéo biến toa thuốc thành thuốc, khéo lìa ngón tay để thấy trăng, biến lời dậy của Như Lai thành mọi hành nơi ba nghiệp, ở ý là giải lý, ở thân là hành sự, ở khẩu là sự lý tương ưng. Nhờ vậy mà ngộ nhập được sự khai thị Phật tri kiến của Như Lai, một phen gặp Phật nghe pháp là vĩnh viễn không mất pháp mầu.

 

Trường hợp thứ hai « vừa được đã mất ».

 

Đức Phật khai thị cho chúng ta sự thấy chân thật nơi mọi pháp của Phật tri kiến, tức chân lý, để ta hành theo phương tiện Phật dậy, hầu đắc được Phật tri kiến, khiến chúng sinh tri kiến tức vọng thức nơi ta, chuyển thành Phật tri kiến tức chân trí, gọi đây là ngộ nhập Phật tri kiến. Thế nhưng người học đạo chỉ lo học giáo lý của chư Phật, tức học Phật tri kiến, mà lại không học cách hành, tức phương tiện pháp, như thế nào để thành tựu Phật tri kiến. Vì thế cho dù được khai thị nhưng không sao ngộ nhập được Phật tri kiến, do người học vẫn cố chấp theo bản ngã, thường hành phương tiện theo tâm viên ý mã của mình, không y lời Phật dậy tu hành, thường tư duy cho rằng « ta không phải Phật nên không dám hành như Phật », không hành nên không ngộ nhập. Lại tư duy theo bản ngã lấy lợi làm tiền đề tư duy, nên không thấy được thật lợi của Phật pháp mà chỉ thấy được lợi nhất thời của thế gian, chính vì lẽ ấy chỉ dùng Phật pháp vào việc lo lợi trước đã, mà lợi thì không cùng tận, đến chết cũng chưa thấy đủ, như lời Mặc tử nói « phi vô túc tài dã, ngã vô túc tâm dã » (chẳng phải tài vật không đủ, mà tại tâm ta không biết đủ). Do vậy học Phật chỉ lo thâu thập giáo nghĩa hay tài lợi, mà không hành để thật đạt chân nghĩa, khác nào lo ngồi đếm tiền mà không lo đi nơi khác.

 

Đức Phật dậy trì giới, thì lại không dám thọ vì sợ phạm giới, dậy thiền định thì nói phải lo gia duyên hay Phật sự nên không rảnh thiền quán được, dậy tư duy thì bảo nghĩ nhiều nhức đầu, dậy sư tử hống thì nói không biết hống chỉ biết tru, cứ thế bác bỏ hết mọi phương tiện pháp thiện xảo của Như lai, sử dụng phương tiện của ta, mà quên rằng phương tiện ta vẫn quen sử dụng hằng bao đời đưa ta đến sự sinh tử luân hồi để mãi làm chúng sinh trong cảnh giới này, trái lại chư Phật do hành chính phương tiện mà được giải thoát. Chúng sinh thật chẳng khác kẻ đi hỏi người hướng đạo đường đến kho báu, cho dẫu được chỉ bảo cặn kẽ, nhưng vẫn tư duy « con đường đến bảo tàng gay go quá » nay đã có bản đồ rồi thì cứ ôm bản đồ đi theo con đường ta vẫn đi thuở nào tất cũng sẽ đến bảo sở, vì vậy tuy có bản đồ trong tay mà không đi theo sự chỉ dẫn của bản đồ, vẫn đi theo hướng mình thích và quen đi từ bao giờ, như thế làm sao đến được bảo tàng. Vì không y giáo phụng hành, mà luôn hành theo bản ngã, nên không kết quả, đến khi tử thần đến bắt đi, đối với đạo vẫn ở y vị trí ban đầu, đời sau nếu may mắn giữ được thân người, thì vẫn bắt đầu từ lớp mẫu giáo Phật pháp. Ngay như kiếp này, tuy có nhân duyên với Phật pháp nhưng xét ra thì chỉ mới là nhân duyên « ban đầu » có nghĩa phải chập chững tập bò tập đi trong đức tin cũng như về sự phát triển bi trí, song hẳn nhiên không phải các kiếp quá khứ họ đều chưa từng biết đến Phật pháp, nhiều người trong số này hiện đời mới gặp Phật pháp liền phát tâm công quả, tụng niệm, tham thiền, quy y…, điều đó chứng tỏ họ vốn sẵn có nhân duyên túc thế với Phật pháp, nhưng bi trí vẫn không chút phát triển, cứ thế suy ra tất rõ biết đời trước tu hành ra sao khiến đời nay như vầy, đời nay tiếp tục như thế thì đời sau lại cũng như đời này. Cứ vậy trải qua bao đời vừa được chính pháp đã tự làm mất.

 

Cần phải hiểu rõ nghĩa mà Phật thuyết là phương tiện nghĩa, nghĩa mà ta thật chứng bằng hành theo phương tiện Phật chỉ bầy là thật nghĩa. Như lai phương tiện thuyết (thật nghĩa) tựa như ngón tay chỉ trăng, ta phương tiện hành điều Như lai phương tiện thuyết tựa như từ ngón tay lìa đến ánh trăng, nhờ vậy ngộ nhập Như lai thật nghĩa.

 

Có ba phương tiện chính để tạo nhân duyên với Phật pháp. Thứ nhất học tập giáo pháp là hàng tu trí huệ. Thứ hai bái sám tụng kinh là hàng tu tín đức. Thứ ba phụng sự tam bảo và chúng sinh bằng cách hành thiện pháp là hàng tu tinh tiến. Trong cả ba hàng đều có những người « vừa được đã mất » do thiếu hành phương tiện pháp của chư Phật chỉ bầy d0ó là phát và hành tâm bồ đề « thượng cầu hạ hóa »..

 

Hàng tu học giáo lý nếu chỉ lo trau giồi kiến thức bằng cách góp nhặt mọi cái hiểu biết của người về mong làm cái kiến thức của ta, nhưng kiến thức đó khác gì tiền, thu thập khác gì đếm, chung cục cái kiến thức đó vẫn không thật sự thành của ta được, nên dẫu cho nói thông suốt được thiên thất bách chuyển ngữ, chung quy cũng vẫn là một chúng sinh bị tham sân si sai sử, mà không khuất phục được bản ngã và tam độc như chư tổ sư được. Tiêu biểu cho hàng này là lời tự thán của Ngài Vĩnh gia « ngô tảo niên lai tích học vấn, dã tằng thảo sớ tầm kinh luận, phân biệt danh tướng bất tri hưu, nhập hải toán sa đồ tự khốn » (tôi thuở còn trẻ chứa học vấn, cũng từng thảo sớ đọc kinh điển, phân biệt danh tướng không biết nghỉ, vào biển đếm cát chỉ nhọc thân), lời lẽ này nói lên cái học chạy theo cái biết của tiền nhân, tức thu thập kiến thức, rốt cuộc chỉ là hành động đếm cát, cát thì vô lượng mà đời sống thì giới hạn nên không sao đếm được. Như Trang tử nói « ngô sinh hữu nhai, tri dã vô nhai, dĩ hữu  nhai tùy vô nhai, đãi hĩ » (đời ta có giới hạn, cái biết vô giới hạn, đem cái giới hạn này truy cầu cái vô hạn nguy mà thôi). Vì vậy ngài Vĩnh gia giải bầy tâm sự « khước bị Như lai khổ ha trách, sổ tha trân bảo hữu hà ích, tùng lai tắng đắng giác hư hành, đa niên uổng tác phong trần khách » (nên bị Như lai quở mắng, đếm tiền cho người có ích gì, mới biết xưa nay tu hành mất ngày tháng, uổng làm khách phong trần bao năm qua). Lý mà thiếu hành theo Trưởng giả Duy Ma Cật chỉ là một thứ huệ không phương tiện, gọi là trói buộc (Phẩm Vấn tật kinh Duy Ma). Luận Trí độ so sánh trí huệ như vàng, phương tiện như lửa, nhờ lửa mà vàng làm thành mọi vật. Tựu chung cái học thiếu phương tiện hành chỉ là hí luận giống người mù cầm đèn.

Hàng lễ bái tụng niệm nếu chỉ lo hành theo nghi lễ, đếm số lượng tụng niệm làm thế nào càng lễ bái tụng niệm nhiều chừng nào càng mau giải thoát thì chẳng khác nào người bệnh chỉ lo đọc toa thuốc nhiều lần trong ngày để mong cầu khỏi bệnh.

 

Hàng công quả làm mọi việc thiện như cúng dường tam bảo, bố thí phóng sinh nhưng chỉ để hồi hướng cho sắc thân hư ngụy này được trường tồn trong luân hồi và an lành trong nhà lửa sinh tử, mà không cần cầu giải thoát cái thân tứ đại vô thường do nghiệp chiêu cảm thành, họ dùng pháp giải thoát cầu cho sắc thân vô thường được trường tồn, khác nào kẻ dùng ngọc báu làm đạn bắn chim se sẻ.

 

Tóm lại do thiếu nhận thức thế nào là phương tiện huệ và thật huệ, nên dù gặp được Phật pháp, thay vì tăng thượng duyên với Phật và pháp bằng tâm thượng cầu hạ hóa, biến Phật pháp thành sự lý tự lợi lợi tha, đó là nghĩa mang bao tiền đi, họ lại dùng Phật và pháp làm phương tiện tăng thượng duyên cho ngã và ngã sở hư huyễn của tứ đại, đồng với nghĩa ngồi tại chỗ đếm tiền, do vậy mà trí huệ vẫn nghèo rớt mồng tơi, khác nào người nghèo vừa được « đếm tiền » liền mất ngay, như người gặp được Phật pháp liền đánh mất ngay vì vô minh.