Home > Nhân Qủa Nghiệp Báo > Chu-Tu-Hoa
Chu Tú Hoa
Qủa Khanh | Ni Sư Thích Nữ Hạnh Đoan, Việt Dịch


(Trích dịch từ tạp chí “Kim Nhật Phật Giáo” Đài Loan) Nguyên tác Bạch thoại: Nữ ký giả Lý Ngọc Lời tác giả:

“Đây là một câu chuyện ngàn thật muôn thật, sở dĩ tôi muốn trình cho quý vị biết câu chuyện này, tuyệt không phải để quý vị thấy kỳ quái, mà muốn chứng minh rằng trên thế giới này quả thật có lục đạo luân hồi, có hiện tượng báo ứng nhân quả, hơn nữa việc này phát sinh trong thời đại hôm nay tại Đài Loan. Ký sự này được ghi tại thôn Mạch Liêu”.

Nguyên nhân viết ký sự này

Vào khoảng tháng 2 năm nay (Dân Quốc 50). Sư Tinh Vân nhận lời mời đến Hổ Vĩ giảng kinh, lúc đó đồng đi còn có Sư Chữ Vân, do ban ngày rảnh rang nên mấy người cư sĩ chúng tôi liền đi cùng hai sư đến thôn lân cận gần Hổ Vĩ để du ngoạn.

Đồng thời trong lúc Sư Tinh Vân giảng kinh, Ni sư Trí Đạo bận việc tại Mạch Liêu, do tôi chưa từng qua Mạch Liêu cho nên có ý muốn đến Mạch Liêu văn cảnh.

Mạch Liêu là một miền duyên hải, giao thông không được thuận lời và là vùng đất chẳng có gì lạ để thưởng ngoạn. Chúng tôi thăm Ni sư Trí Đạo tại Tử Vân Tự xong, thì định về Hổ Vĩ, nhưng trụ trì Tử Vân

Tự kiên quyết giữ chúng tôi ở lại dùng cơm trưa. Hơn nữa đã trễ tuyến xe, chúng tôi đành lưu lại đại điện Thượng Liêu Thiên, bây giờ chúng tôi kể ra câu chuyện kỳ lạ này cũng là lúc ngụ tại Thượng Liêu Thiên, tình cờ do tiên sinh Hứa Tí Thạch khơi lên.

Câu chuyện này chính là mượn thây hồi dương, chuyện này vốn đã xảy ra rất lâu, nhưng do chủ nhân câu chuyện một mực không muốn kể lại, cho nên người biết chuyện rất hạn chế, chỉ có cư dân ở gần thôn Mạch Liêu. Còn những người ở vùng khác dù có gặp hoặc nghe đề cập đến chuyện này, sẽ mù tịt vì họ chẳng được ai kể cho nghe câu chuyện thần kỳ quái lạ này, thậm chí còn cho đây là điều không thể xảy ra nữa. Bởi vì đây là câu chuyện ít người biết, vì ngay chính người trong cuộc cũng không muốn khơi gợi lên.

Lúc chúng tôi mới nghe qua câu chuyện này, do người kể không mạch lạc, chẳng có thứ tự lớp lang, nên nghe thật là rối rắm lộn xộn. Dù nghe chẳng nhiều và chưa hiểu gì lắm, nhưng chúng tôi bị mấy từ “mượn thây hoàn hồn” lôi cuốn nên muốn tìm hiểu cho đến nơi đến chốn. Do vậy mà chúng tôi dùng trưa qua loa rồi lập tức quay về Hổ Vĩ, nhất quyết đi phỏng vấn các nhân vật chính trong câu chuyện này cho bằng được.

Chu Tú Hoa mượn xác hồi dương

Nhân vật chính trong câu chuyện ly kỳ này hiện đang ngụ tại căn nhà số 95 đường Trung Sơn thôn Mạch Liêu. Căn nhà này là cửa hàng vật liệu xây dựng, chủ nhân là ông Ngô Thu Đắc, vợ ông là bà Ngô Lâm Cương Yêu . Lúc chúng tôi đến đây bà vợ đã ra ruộng, ông Ngô đang bận rộn làm việc, khi biết mục đích chúng tôi đến đây, thì sắc mặt ông lộ vẻ rất không vui, sau đó ba chúng tôi lần lượt chào thăm hỏi han, ông bất đắc dĩ phải kể chúng tôi nghe câu chuyện đã xảy ra. Ông nói:

“Chuyện xảy vào năm Dân Quốc 48, do tôi sống bằng nghề kinh doanh xây dựng, cho nên đã tham dự công tác kiến trúc thôn Đài Tây Đảo Hải Phong. Trong thời gian ở đây tôi rất ít về nhà. Tình cờ về nhà, thì gặp vợ tôi bị bệnh, nhưng lúc tôi tiếp tục đi Đảo Hải Phong, thì bệnh nàng đỡ nhiều. Sau đó tôi về nhà thường xuyên hơn, bệnh vợ tôi đã nặng đến mức hết chữa được. Thấy nàng bệnh không đến nỗi nguy, nhưng tinh thần lúc đó lại không bình thường, cứ làm ầm loạn cả lên. Chúng tôi định đem nàng đến bệnh viện tâm thần điều trị, nhưng nàng không đồng ý. Hơn nữa chúng tôi có hợp sức bắt nàng cũng không được và nàng luôn lớn tiếng gào trách: - Đừng bắt tôi đem đến viện thần kinh, tôi không có điên mà! Tôi là người Kim Môn, tên là Chu Tú Hoa!

Vả lại thổ âm nàng hoàn toàn đổi khác, nhưng tôi không hề tin là thân xác của vợ tôi bị hồn người nào đó chiếm cứ.

Ngô tiên sinh trầm ngâm như đang hồi tưởng về quá khứ, nhãn quang ông dừng lại nơi tấm hình chụp chung của hai vợ chồng, khe khẽ thở dài, sau đó kể tiếp:

Tôi thực nghĩ chẳng ra và không ngờ trên thế giới này còn có thể xảy ra chuyện quái lạ như vậy! Lại càng không tưởng tượng được là chuyện này lại giáng xuống ngay nhà mình.

Tạm dừng một chút, ông nói tiếp:

Trong thời gian tôi xây dựng công trình, hằng ngày từ Đảo Hải Phong đạp xe về nhà, luôn cảm thấy trên vai có chút nặng nề, nhưng tôi nghĩ có lẽ là do con đường dốc, cho nên chẳng để tâm.

Sau này tôi mới biết, mỗi lúc tôi về nhà, thì cái cô nương quê ở Kim Môn đó – luôn ngồi phía sau xe – đeo theo tôi về nhà.

Nói đến đây tiên sinh không muốn nói thêm gì nữa, ông lấy cớ đi pha trà và kết thúc câu chuyện.

Trong lúc này, người cháu trai con chị gái ông, tuổi khoảng hơn hai mươi phụ tiếp chúng tôi, đang cùng nhau trò chuyện, thì Hứa tiên sinh (người dẫn đường cho chúng tôi) đến, bảo là sẽ đi tìm vợ Ngô tiên sinh giúp chúng tôi. Ông kể là rất nhiều người muốn giúp bà, nhưng bà đều từ chối. Nên lần này, không biết bà có cho gặp hay không, điều này ông không dám bảo đảm. Dù sao ông cũng tận lực đáp ứng chúng tôi, giúp đi tìm bà.

Cháu ông Ngô kể:

Lúc mợ tôi bệnh, tôi luôn giúp cậu trông nom bà. Mợ tôi có lúc khóc lóc, có lúc lẩm nhẩm nói gì đó trong miệng mà chúng tôi không hiểu. Lắm khi đang nằm thì mợ ngồi bật dậy, tôi và cậu xúm nhau đè mợ nằm xuống giường lại nhưng lúc đó sức mợ thiệt là mạnh, khiến chúng tôi vô phương đè mợ xuống mà ngược lại còn bị mợ hất văng.

Tôi nghĩ sức phụ nữ đâu có khỏe dữ vậy? Thực ra chính xác là “bạn bè” của mợ đang giúp mợ. Nói đến đây người cháu biểu lộ vẻ thần bí, tôi biết anh ta nói “bè bạn” đây là muốn ám chỉ những vong linh khác.

Anh ta lại kể tiếp:

Khi chúng tôi biết xác mợ Cương đã bị hồn khác nhập vào rồi, chúng tôi cũng không biết làm sao. Đành để mợ nằm dưỡng bệnh, mới đầu mợ đối với mọi chuyện đều không quen. Thí như, lúc cậu tôi kêu tên mợ là A Cương, thì mợ nói:

Tôi tên Chu Tú Hoa, không phải A Cương!

Lúc mẹ và chị của mợ đến thăm thì mợ vẫn khăng khăng nói:

Tôi không quen biết các người, các người là ai? Đương nhiên láng giềng chúng tôi mợ hoàn toàn không nhận ra ai. (Nói đến đây người cháu liếc nhìn vào trong một cái như sợ cậu mình sẽ đột ngột xuất hiện và nghe được lời anh ta sắp nói vậy). Anh hạ giọng thật nhỏ:

Đối với gia đình, cậu tôi là người rất có trách nhiệm, nhưng cậu và người mợ cũ trước đây (chỉ bà A Cương) rất chống trái nhau, sống không có hòa thuận. Nhưng tính cậu xưa nay rất đàng hoàng, không hề ra ngoài tìm bạn gái hay tằng tịu với ai.

Nhưng lần đó tại công trình kiến trúc nơi Đảo Hải Phong, có nhiều công nhân kể là họ thấy có một cô gái theo bên cậu, vì vậy họ thường nói:

Không ngờ Ngô tiên sinh đây cũng là tay quá cỡ!...

Có lúc lão công nhân lớn tuổi nhất, trong lúc nghỉ ngơi đã đề cập đến chuyện cô gái xuất hiện bên cạnh cậu, nói xa nói gần, bảo là cậu diễm phúc dữ, những cậu đối với những lời này lộ vẻ không hiểu chi hết. Và cậu một mực phủ nhận, nói mình không hề dẫn gái đến công trường. Nhưng mặc cho cậu phủ nhận, đám công nhân vẫn không ngớt bàn tán. Cậu cho rằng họ rảnh nên nói chuyện tào lao, cố ý trêu chọc cậu cho vui thôi. Vì vậy mà không thèm quan tâm tới lời mọi người nói.

Nào ngờ, “cô gái” mọi người thấy xuất hiện bên cậu lúc đó, chính là người mợ (Chu Tú Hoa) bây giờ của chúng tôi. Quả thật trước khi chưa nhập xác mợ (A Cương) cô (Chu Tú Hoa) ngày ngày có theo bên cạnh cậu.

Anh ta châm lửa mồi điếu thuốc, rồi kể tiếp:

Nói ra cũng thật khó mà nghĩ tưởng, công trình Đảo Hải Phong có rất nhiều thợ làm, nhưng trước đây, mỗi lần thầu nhận xây đều bị cảnh thua lỗ, hay tại hiện trường các thợ xây luôn bị té ngã. Nhưng từ lúc cậu tôi nhận thầu xây công trình rồi thì không những kiếm được rất nhiều tiền, mà các công nhân đều được bình an. Không biết đây có phải là nhờ những vong hồn nơi Đảo Hải Phong âm thầm phù trợ ban phúc cho chăng?

Ngô tiên sinh lúc này đã bưng mấy chén trà ra, chúng tôi vừa uống trà, vừa nghe cháu ông kể tiếp:

Nói các vị không tin, chứ đây rõ ràng là chuyện tôi đích thân trải qua, giờ kể ra tôi vẫn còn thấy sợ. Chuyện là như vầy: Khi mợ (Chu Tú Hoa) vừa lành bệnh, thì mợ hay nói là có bạn bè tìm đến thăm và bảo chúng tôi phải lo chuẩn bị ghế và nhang đèn để tiếp đãi khách. Nhưng mỗi khi chúng tôi răm tắp làm y theo lệnh mợ, thì cũng chẳng thấy có ai tới, nhưng lại nghe mợ nói chuyện giống như có người đến, mợ trò chuyện với vẻ rất vui, vừa nói vừa cười. Kỳ quái hơn nữa là các ghế trúc lúc đó nhìn giống như có người ngồi thật sự, vì chúng phát ra âm vang kèn kẹt. Cho đến lúc mợ nói tiễn khách, thì ghế lại phát ra âm thanh, giống như có người đứng dậy ra về. Như thế rõ ràng là có những người khuất mặt sợ mợ tôi cô đơn, nên đã đến thăm, bầu bạn cùng. Nhưng qua lúc đó rồi, thì họ chẳng còn tới nữa.

Từ hồi mợ lành bệnh đến về sau này, mợ (Chu Tú Hoa) đúng là cái gì cũng biết, mợ biết chữ nè, gì cũng làm được hết. So với mợ (Cương) ngày xưa không biết chữ, cử chỉ hành vi hoàn toàn khác xa trời vực, giống như hai người khác hẳn.

Ngày xưa mợ cũ chỉ biết nấu cơm, ngoài ra gì cũng không biết làm. Nhưng từ lúc bị bệnh rồi lành, thì mợ hoàn toàn thay đổi hẳn.

Mợ bây giờ không những biết ra đồng, còn đảm đương luôn các việc nặng nề khác. Còn chuyện nấu cơm, mợ lại nói là chưa từng làm. Đây quả là ngược đời và rất lạ. Không chỉ thế, tất cả sở thích, điệu bộ, hình dạng, bước đi cũng hoàn toàn đổi khác. Đương nhiên là giọng nói khẩu âm thay đổi hẳn, tiếng nói của mợ bây giờ hoàn toàn là thổ ngữ vùng Kim Môn.

Đến đây thì Ngô tiên sinh uống một hớp trà, nhìn quanh, rồi lắng nghe chúng tôi trò chuyện. Cháu ông lại chỉ vào bức hình Bồ Tát Quan Thế Âm và Bồ Tát Địa Tạng Vương đang thờ trên bàn, bảo chúng tôi:

- Cậu tôi vốn chỉ biết thờ cúng tổ tiên, còn các tượng Phật, Bồ Tát này đây là do mợ (Chu Tú Hoa) thỉnh về thờ phụng. Nói các vị nghe, mợ cũ ngày xưa rất ưa ăn thịt cá, nhưng từ khi thay hồn đổi xác rồi, thì mợ mới này chẳng những không ưa ăn thịt cá, mà hễ gặp đồ mặn là nhất quyết không ăn. Vì vậy mợ toàn ăn riêng, không ăn chung với cả nhà.

Nói đến đây thì Hứa tiên sinh cũng về tới bên ngoài, chúng tôi đưa mắt ngóng tìm “vai chính” trong chuyện, xem nàng có chịu theo ông tới không? Thì ông lắc đầu, nói: - Ôi chao, “cổ” không chịu tới, còn khóc quá chừng!

Thế là Bảo Phụng và tôi theo chân Hứa cư sĩ ra ngoài khuyên (Chu Tú Hoa) trở về.

Bởi vì chuyện chúng tôi đến đã âm thầm làm tổn thương tâm tư Chu Tú Hoa. Lúc chúng tôi nhìn thấy nàng, nàng như không còn sức lực, đang tựa vào cây cột cổng nhà hàng xóm. Hai mắt nhắm nghiền lại, đôi dòng lệ đang chảy xuống. Tôi nghĩ chắc chắn nàng đã ngồi ở đây và khóc rất lâu rồi. Chúng tôi phải an ủi nàng thật lâu mới dìu được nàng về nhà.

Lần này do chúng tôi đến, đã khiến nàng nhớ về gia đình mình ở Kim Môn, vì vậy mà tâm tư không ngớt sầu muộn, mặc dù ráng trò chuyện với chúng tôi, nhưng vừa nói được một, hai từ thì nàng lại bật khóc và không thể nói thành tiếng.

Hôm đó nàng cố gắng kể cho chúng tôi nghe bằng giọng đứt quãng: “Nàng tên Chu Tú Hoa, nhà ở tại Kim Môn, cha tên Chu Thanh Hải, mẹ tên Thái Diệp, lúc đó nàng 18 tuổi, vì Kim Môn phát sinh chiến loạn nên nàng phải theo chân mọi người lên thuyền đánh cá chạy nạn. Sau đó thuyền lênh đênh trên biển rất lâu, mọi người đều không còn lương thực, nên bị chết đói, chết khát. Cuối cùng nàng cũng ngất đi. Chẳng biết bao lâu thì tỉnh dậy, thấy thuyền đã trôi đến hải đảo tỉnh Đài Tây này, nàng được cứu sống, nhưng sau đó, ngư phủ lại đẩy thuyền ra biển cho nó trôi đi”…

Nói đến đây thì nàng lại ôm mặt và bỏ chạy vào trong. Chúng tôi đang rất muốn biết nhiều hơn, nhưng thấy nàng quá sầu thảm như vậy, chúng tôi chẳng nỡ truy vấn gì thêm. Mà thời gian cũng không còn sớm nữa, chúng tôi phải về Hổ Vĩ cho kịp chuyến xe, vì thế tất cả cùng đứng lên từ biệt chủ nhà.

Lúc ra về, chúng tôi còn hứa, lần sau nếu có dịp đến Mạch Liêu, sẽ tặng Chu Tú Hoa một xâu chuỗi niệm Phật.

Đoạt tiền hại mệnh, bị báo ứng ngay

Hứa tiên sinh cùng đi với chúng tôi. Trên đường ra bến xe, ông kể thêm cho chúng tôi nghe:

Chu Tú Hoa lúc chạy loạn vốn là có thể sống sót, giây phút cô được ngư phủ cứu, cô từng nói: “Cầu xin ngài hãy cứu mạng tôi, bất kể làm gì, làm dâu, hoặc làm kẻ giúp việc tôi đều có thể… và tiền bạc trên thuyền tôi đều xin tặng hết cho ngài”… Nhưng mà cái tên ngư phủ đó quá ác và cực kỳ vô lương tâm! Hắn đã đoạt vàng, còn ném người xuống biển.. Song rốt cuộc hắn cũng không thể bình an tọa hưởng số vàng phi nghĩa cướp được kia. Bởi vì không bao lâu thì cả gia đình hắn từng người, từng người lần lượt chết đi! Bây giờ chỉ còn sót lại một thằngcon, còn nhỏ mà bệnh phong điên rất ghê. Chậc! Phật giáo nói “nhân quả báo ứng”, quả không sai chút nào!

Nói đến đây, ông đưa mắt nhìn khắp chúng tôi, rồi tiếp:

Nói ra cũng lạ lắm, khi Chu Tú Hoa lành bệnh rồi, có người đem tin này đồn đến Đài Tây, người ở Đài Tây biết chuyện rồi, thảy đều rất kinh nhạc và cho là quá lạ. Có người biết rõ chuyện mấy năm trước nhà thằng phong điên kia cướp hại cô gái này, nên khi đó đã dẫn đứa nhỏ điên (con kẻ cướp) đến gặp Tú Hoa, không ngờ họ vừa đến cổng, Chu Tú Hoa ngăn lại không cho vào, còn khóc bảo: - Người nhà các ngươi hại ta chưa đủ sao mà còn đến đây làm ta khổ đau thêm nữa?

Trước đây bà A Cương chưa từng đến Đài Tây, mà lúc thằng nhỏ điên tới cũng không ai biết chuyện này, nhưng Chu Tú Hoa vừa nhìn thì nhận ra hết, đây quả rất lạ.

Vì tặng chuỗi thăm lại Mạch Liêu

Khoảng tháng 7 năm nay, cư sĩ Hùng Cự Minh đến Hồ Vĩ để dạy các liên hữu cách xướng Phật tán, trong lúc trò chuyện, Sư Chữ Vân lại nhắc đến chuyện “mượn thây hoàn hồn” này. Năng cư sĩ nghe qua cảm thấy rất hứng thú, do tôi từng hứa sẽ tặng chuỗi cho Chu Tú Hoa, nên sẵn dịp này dẫn Năng cư sĩ đi Mạch Liêu luôn.

Năng cư sĩ đã từng ngụ tại Kim Môn một thời gian, cho nên đối với những chuyện ở Kim Môn ông rất rành. Trên đường, ông kể tôi nghe nhiều chuyện về Kim Môn, như kiểu kiến trúc, các ngành nghề, phong tục tập quán, dân tình v.v…

Đây đều là những tư liệu giúp tôi tỏ tường hơn khi gặp Chu Tú Hoa.

Hôm ấy tiết trời rất xấu, xe đi trên đường gặp mưa lất phất. Tôi rất lo mưa sẽ to hơn, nào ngờ lúc đến Mạch Liêu thì mưa đã tạnh, tôi không ngăn được mừng vui, trong lòng niệm thầm: “Nam Mô A Di Đà Phật!”

Những chuyện ở Kim Môn đều nhớ hết

Do trời mưa nên Chu Tú Hoa không ra đồng, khi tôi biết cô có ở nhà, trong lòng mừng như trút được gánh nặng.

Có lẽ vì tôi dẫn theo mấy người, nên Chu Tú Hoa do dự rất lâu mới chịu ra diện kiến. Nhưng lần này cô có vẻ bình tĩnh nhiều hơn, thấy chúng tôi cô mỉm cười gật đầu chào, nhưng nụ cười đầy vẻ miễn cưỡng.

Trước tiên tôi đem xâu chuỗi tặng cô rồi nói chuyện phiếm. Đã có kinh nghiệm từ lần trước nên tôi không vào thẳng vấn đề, mà cứ nói chuyện lòng vòng, trước tiên là bàn đến chuyện tôn giáo. Chu Tú Hoa nói:

Tôi hồi nhỏ rất tin Phật, hơn nữa còn ăn chay trường. Hiện nay bất kể công tác bận rộn thế nào, sớm tối tôi đều lễ Phật. Tôi hiểu rõ, lời Phật nói không sai chút nào, một cá nhân nên làm việc tốt, tuyệt không làm việc xấu, vì làm xấu sẽ không được quả tốt!

Trong lần ghé trước, tôi nghe láng giềng quanh đây kể là Chu Tú

Hoa hằng ngày rất siêng năng lễ Phật, tôi nghĩ “Đây chắc chắn là nguyên nhân cô được hoàn hồn trở lại nhân gian!” Vì vậy, tôi thừa dịp hỏi cô:

Cô nói hồi nhỏ rất tin Phật, vậy ở Kim Môn có niệm Phật đường không?

Cô suy nghĩ một chút rồi đáp:

Tôi không rõ. Nhưng trong nhà tôi có thờ Phật và Bồ Tát Quán Thế Âm, tôi chỉ lễ bái ở nhà, cả nhà chúng tôi ai cũng lễ Phật. Tôi hỏi:

Hiện giờ cô còn nhớ những chuyện ở Kim Môn chăng? Cô thở dài:

Ôi! Nhớ! Nhớ hết! Nhưng việc đã qua rồi, nhắc lại làm chi?

Nếu như bây giờ có người muốn giúp cô tìm lại cha mẹ, cô chịu không?

Đương nhiên, tôi rất mừng. Nhưng mà ai chịu giúp tôi? Cho dù có tìm được, e là người thân cũng không nhận ra tôi! – Cô cười đau khổ rồi nói tiếp: - Vì thân hiện tại tôi mang không phải là hình hài lúc tôi rời Kim Môn!

Nói đến đây, cô mím chặt môi và đôi mắt đỏ lên, nhưng cô ráng kềm chế để không khóc trước mặt khách.

Tôi chỉ vào Năng cư sĩ đang ngồi phía dưới, nói:

Tiên sinh này từng ở Kim Môn rất lâu, hơn nữa ông cũng là người tin Phật và biết rõ về Kim Môn. Hơn nữa hiện nay ông có rất nhiều bè bạn ở Kim Môn, nếu như cô đồng ý, ông sẽ hỏi thăm giúp cô.

Mắt cô đỏ lên, cô cúi đầu xuống một hồi lâu.

Để phá vỡ bầu không khí buồn bã, tôi cười nói:

Nếu như đã tìm được cha mẹ, cô có chịu đến đó gặp và nhận ra không?

Đương nhiên là nhận ra. Nếu như được đến đó, tôi muốn cùng đi với cô một lần, cô có đi không?

Nói đến đây, tưởng chừng như mình đã về đến Kim Môn, đôi mắt cô sáng bừng lên, cô nhìn tôi chăm chú, chờ đợi câu trả lời.

Tôi đáp: - Đương nhiên rồi! Tôi luôn mong được tới Kim Môn và nếu được đi cùng với cô thì tốt quá.

(Về sau, ông Ngô có nhờ bạn đến Kim Môn dò tìm tin tức song thân

Chu Tú Hoa theo địa chỉ cô nói, người bạn về cho biết là quả thực có gia đình tên Chu Thanh Hải, nhưng sau khi quân giặc pháo kích thì toàn gia đã mất tăm tích. Do đó Chu Tú Hoa không cách gì về Kim Môn nhìn nhận người thân nữa).

Chuyện xảy ra vào năm Dân Quốc bao nhiêu tôi không nhớ rõ, năm đó tôi 18 tuổi, do lúc ấy có người tung tin nhảm là quân đội sẽ triệt thoái khỏi Kim Môn, cho nên nhiều bá tánh trong làng đều xuống ngư thuyền đi lánh nạn. Tôi cũng lên thuyền theo. Tôi hỏi:

Cha mẹ cô không đi cùng ư? Cô lắc đầu nói:

Ôi! Không! Lúc đó cả nhà đều rất hoảng loạn, nhà chúng tôi buôn bán nên không có thuyền, tôi đi là ké theo thuyền đánh cá của người ta. Lúc đó tôi chia tay người thân. Tôi hoàn toàn không lường trước được đó là lần chia tay vĩnh viễn, không bao giờ còn có thể gặp lại gia đình được nữa! – Cô nói với vẻ buồn rầu – Nhưng vẫn ráng kể tiếp tục:

Hôm chúng tôi đào nạn, bọn giặc pháo kích dữ lắm! Tôi bị gió bão làm bị thương, nhưng vẫn ráng leo lên thuyền. Thuyền ra tới ngoài biển lớn thì chúng tôi chẳng biết đi hướng nào. Vì mọi người thường ngày chuyên bắt cá ở ven biển, cho nên khi ra biển lớn thì họ mù tịt và mất phương hướng. Sau đó chúng tôi phó mặc thuyền trôi theo dòng nước đưa đẩy, cứ thế mà lênh đênh mãi giữa biển nước mênh mông. Rất nhiều người bị chết đói, chết khát. Tôi cũng cực kỳ thống khổ, không biết là đã trải qua bao nhiêu ngày thì thuyền trôi dạt đến hải đảo này. Những người còn khí lực đều bỏ thuyền bơi lên bờ. Phần tôi thì hôn mê. Sau đó một ngư thuyền tới, có người phát hiện ra tôi bèn cập gần thuyền, bọn họ lay tỉnh tôi, tôi mới biết đây là vùng

Đài Tây của Đài Loan. Bọn họ hỏi nguyên nhân tôi lênh đênh trên biển, tôi thành thực kể cho họ nghe. Sau đó…

Nói đến đây mắt cô xuất hiện hai giọt lệ tròn như hai hạt châu, và cô vội chùi đi.

Tôi lại ngắt lời, nói tiếp giùm cô: - Sau đó, họ đoạt tiền cô rồi ném cô xuống biển, cho nên toàn gia họ sau này đều chết sạch, chỉ còn lại một thằng nhỏ bị bệnh phong điên… Không đợi tôi nói hết, cô cướp lời:

Ôi! Cô cũng nghe được điều này sao?! Thực sự là hiểu nhầm! Số vàng trên thuyền ấy không hoàn toàn là của tôi, mà là của nhiều người đào nạn mang theo. Còn chuyện bọn chúng cướp vàng, sau đó cả nhà bị chết hết là sự thật. Nhưng tôi là người tin Phật, dù biết họ tàn nhẫn không lương tâm nhưng tôi chẳng thèm kết oán cừu với họ làm chi. Đây là do những người đồng đi với tôi ôm lấy bất bình mà thôi!

Tôi lại hỏi cô:

Trước khi đến nhà Ngô tiên sinh cô ngụ ở đâu?

Nhắc đến vấn đề này cô có chút không vui, nhưng cuối cùng vẫn đáp

:

Tôi ở thôn Đài Tây Đảo Hải Phong, trong đó có nhiều cây xanh và biển rất đẹp. Tôi ngụ tại đó nhiều năm.

Cô có thích chỗ đó không?

Thích, tôi ở đó khá lâu. Khi bị ném xuống biển thì hồn tôi cứ quẩn quanh nơi đảo Hải Phong. Tôi trụ tại đây chừng mười ngày thì được Vương công thâu làm môn hạ. Vương công cho biết thọ mạng của tôi chưa hết, có thể mượn thây của vợ Ngô Thu Đắc để hồi dương, ông dạy tôi hãy tạm trú ở Miếu Vương Bắc. Không bao lâu, Ngô Thu Đắc đến Đảo Hải Phong làm việc, tôi liền theo Ngô Thu Đắc.

Khi Ngô Thu Đắc làm xong việc quay về nhà thì tôi cũng về theo để chờ cơ hội. Vài ngày sau bà Lâm Cương Yêu bệnh tình trở nặng, hồn về cõi khác. Tôi nhân cơ hội này mượn thây hoàn hồn.

Ngừng một lát cô tiếp: - Nhưng chuyện mượn thây không phải dễ dàng. Để vào được thân xác người là một việc rất khổ não. May mà có Vương Công giúp đỡ, phải hơn 20 ngày việc mới hoàn thành. - Cảm giác cô lúc ấy ra sao?

Rất tự nhiên, nhưng không quen lắm (ám chỉ lúc trước mình là một thiếu nữ, giờ phải mang thân một bà lớn tuổi đã có chồng).

Tôi đổi sang đề tài khác: - Mạch Liêu có tốt như Kim Môn không?

Mạch Liêu ư? Nơi này sao có thể so bì với Kim Môn được? Phòng ốc ở Kim Môn toàn là nhà xây, đường đi thì bằng phẳng chỉnh tề. Nơi chúng tôi cư ngụ là khu vực người buôn bán ở, sầm uất, náo nhiệt lắm. Còn nhà cửa ở Mạch Liêu xây thì không có trật tự, rất bát nháo, lộn xộn!

Nàng cư sĩ đồng ý lời cô nói.

Theo Năng cư sĩ phỏng đoán, Chu Tú Hoa đào nạn vào năm Dân Quốc 43 bởi vì trong năm đó nhiều người thấy quân đội vận chuyển súng thuốc đạn dược đến ven biển, họ tưởng quân đội rút lui, nên hồ đồ tung tin nhầm lẫn.

Nghe Năng cư sĩ tả, cô nói:

Đúng, tôi chính là bôn đào trong thời buổi đó.

Tiếp theo, tôi hỏi về dân tình phong tục ở Kim Môn, thì cô nói giống y như Năng cư sĩ đã kể.

Lần thứ nhất tôi đến Mạch Liêu cũng từng nghe kể là tình cảm giữa ông Ngô và bà Cương không tốt lắm, nhưng từ lúc Chu Tú Hoa mượn thây nhập xác rồi, thì tình cảm giữa họ rất hòa thuận, tốt đẹp. Và cô đối với Thắng Nhan (là con trai A Cương) cũng chăm sóc tốt như mẹ ruột của cháu. Không những thế, Ngô gia từ lúc Chu Tú Hoa đến thì kiếm được rất nhiều tiền, cô quen buôn bán, nên hướng dẫn chỉ đạo đúng y. Cô bảo thứ gì nên, thứ gì không nên buôn… đều thành công cả.

Hơn nữa, cô còn ra đồng canh tác, thậm chí, việc canh mực nước ruộng buổi tối đều do cô đích thân làm. Có lúc phải sắp xếp trong tiệm hoặc phải vận chuyển hàng hóa nặng nề đòi hỏi rất nhiều sức lực, cô đều gánh vác cả. Chỉ duy có một điều: cô không muốn xuống bếp nấu cơm! Lý do là cô rất sợ những thức ăn mặn hôi tanh.

Tôi hỏi: - Cô ở Mạch Liêu gần hai năm, giờ đã quen chưa? Mặt cô thoáng hiện nét bối rối. Cô thở dài than:

- Ôi chao! Cô xem, tôi hiện giờ là phải sống trong thân thể vay mượn này thay cho thân cũ đã mất. Thực rất bất tiện và không tự nhiên. Hơn nữa do mình mượn thân nên phải thay họ mà gánh vác, phải xử lý tất cả công việc như một kẻ đã có gia đình. Tôi thật luyến tiếc cảnh sống ngày xa xưa, nên lòng rất buồn – Giọng cô nghe thê lương áo não làm sao.

Cô nói tiếp: - Như tôi đã kể qua cho cô nghe, tôi là người tin Phật, khi tôi chưa đến Ngô gia, tôi vẫn còn là một cô gái chưa kết hôn, vì vậy mà tôi rất chán ngán cuộc sống hiện tại.

Tôi hiểu rõ ý cô muốn nói (vì là cô gái 18 tuổi mà giờ đây phải sống thân một người già, lại phải chu toàn trọng trách làm mẹ làm vợ, gánh vác quá nhiều).

Cô kể: - Tôi từng yêu cầu Ngô tiên sinh cho tôi đến Niệm Phật đường an dưỡng, nhưng ông không chịu. Trong lòng tôi rất buồn.

Nhưng cả nhà họ đều đối với tôi rất tốt. Vì vậy mà tôi đành thay thân này, gánh vác tất cả. Nhưng nếu như sau này ông Ngô chịu đáp ứng, cho phép tôi đến Niệm Phật đường thì tôi rất muốn đến đó ở, vì nơi đó thanh tịnh, hợp với tôi hơn.

Tôi bảo: - Nghe cô kể cô đối với con trai và mẹ chồng rất tuyệt! Mọi người đều khen ngợi cô!

Về điểm này ư? Mọi người đối xử với tôi rất tốt, Thắng Nhan thì ngoan lắm. Mặc dù nó không do tôi sinh ra, nhưng cháu rất hiểu chuyện. Mọi người đối với tôi quá tốt thì tôi sao có thể xấu với họ chứ? Có lúc ông Ngô thường la con trai, tôi luôn khuyên ông: “Con hãy còn nhỏ, có chuyện gì cũng không nên quát la to tiếng, phải nhẹ nhàng giải thích cho con hiểu. Tôi nghĩ nhất định Thắng Nhan sẽ tiếp thu tốt thôi!”. Đương nhiên tôi cũng khuyên Thắng Nhan nghe lời cha. Tôi đã ở trong nhà họ, thì tôi luôn mong gia đình có thể sống với nhau hài hòa, an lạc.

Nói đến chuyện con cái, má cô chợt ửng hồng lên. (Đương nhiên rồi, vì theo tuổi hiện thời của cô mà tính, thì cô hãy còn quá nhỏ, đột nhiên trong phút chốc bị một thanh niên lớn tuổi kêu mình là mẹ, thì ắt hẳn phải cảm thấy rất không quen!)

Trân trọng chụp hình lưu niệm

Chẳng mấy chốc mà chúng tôi nói chuyện đã mấy tiếng đồng hồ, đã đến lúc phải cáo biệt. Tôi đứng dậy, nắm tay cô an ủi:

Mọi người đã đối với cô rất tốt, thì cô cũng nên buông xả, quên hết đi. Phật giáo nói tất cả đều do nhân duyên tụ hội hợp thành. Có lẽ cô và Ngô gia có duyên, nên mới từ chốn Kim Môn xa xôi mà trôi giạt đến nơi này, sống chung cùng họ.

Cô gật đầu. Tôi nói tiếp:

Dù sao, cô hằng ngày đều rất thành tâm niệm Phật, thì bất kể sống ở đâu mình cũng hành trì như thế thôi. Không nhất định phải đến Niệm Phật đường. Phật, Bồ Tát vẫn luôn chúc phúc, gia hộ cho cô! Hơn nữa theo tinh thần Phật giáo thì trước lợi người sau mới lợi mình. Cô đã giúp đỡ cho cả nhà họ, khiến họ đều cảm thấy rất vui, đây cũng là rất có công đức! Cô vẫn im lặng, tôi lại nói:

Nếu cô muốn đến Phật đường, thì sau này khi tôi rảnh, sẽ dẫn cô đến Hổ Vĩ chơi. Tôi mong từ nay cô sẽ an tâm, chẳng nên thường cảm thấy khó kham và khổ sầu nữa nha!

Cô cảm động xiết tay tôi, tạ ân mãi…

Trước khi ra đi, tôi mời cô cùng chụp hình với tôi làm kỷ niệm. Cô có vẻ ngần ngại, sau nhờ Thắng Nhan khuyên lơn động viên mãi, cô mới gật đầu đồng ý.

Lúc chúng tôi cáo từ, Thắng Nhan tiễn chúng tôi đi. Trên đường, tôi hỏi cháu những điều liên quan đến mẫu thân. Cháu nói:

Mẹ tôi từ nhỏ sinh trưởng tại Mạch Liêu, xưa nay chưa từng đến Đài Tây hay Kim Môn. Sau khi bà lành bệnh, đã hoàn toàn thay đổi thành một người khác. Tôi thực tình không tin những chuyện như thế. Nhưng thân xác vẫn là mẹ tôi, mà mẹ cứ cương quyết không chịu nhận mình là A Cương. Bà con thân quyến tới thăm, ngay cả bà ngoài và các dì, mẹ cũng không nhìn ra ai.

Việc này khiến cả nhà đều cảm thấy rất kinh ngạc. Trong tâm tôi cảm thấy có phần bức xúc. Tôi thực không biết phải kêu bà như thế nào.

Nói đến đây, cháu dừng lại. Tôi hỏi: - Thế…hiện tại thì sao?

Cháu cười buồn, đáp:

Đương nhiên tôi vẫn kêu bà bằng mẹ, vì là thân xác của mẹ tôi mà!

Cháu tin chuyện “mượn thây hoàn hồn” ư?

Ngày xưa tôi hoàn toàn không tin, mẹ tôi xưa nay chưa từng đến Đảo Hải Phong, nhưng mẹ hiện tại hay tả về Đảo Hải Phong. Hơn nữa vào năm Dân Quốc 48 tôi từng tham dự hội trại ở Phi Luật Tân, trong đội có một người bạn quê ở Kim Môn, thổ âm rất khác.

Khi tôi về nhà thì mẹ đang bệnh, sau khi lành rồi thì tiếng nói thay đổi hẳn, khẩu âm giống hệt người bạn ở xứ Kim Môn kia. Hơn nữa bà còn có thể kể rất nhiều chuyện về Kim Môn. Cho nên tôi tin mẹ sau này thực sự là người Kim Môn.

Lời kết của ký giả Lý Ngọc:

Tôi kể cho quý độc giả nghe câu chuyện này, hoàn toàn không có ý khiến các vị sinh tâm hiếu kỳ rồi đi tìm gặp Chu Tú Hoa. Tôi chỉ muốn dùng câu chuyện này để chứng minh rằng: phật giáo nói “Lục đạo luân hồi, nhân quả báo ứng” là chính xác và lý lẽ này luôn tồn tại.

Cuối cùng, tại đây, tôi mong tất cả chúng ta đều sẽ chúc phúc cho Chu Tú Hoa.

Bình:

Chúng ta hằng ngày học giáo lý Phật, luôn được Ngài nhắc nhở: “Xác thân này không thật, mong manh, dễ rã bất cứ lúc nào”… Nhưng ta khó mà thâm nhập, vì khi mở mắt chào đời, ta đã mang thân này rồi. Còn Chu Tú Hoa, ngay giây phút “mượn xác hồi dương”, sống trở lại cô sẽ rất dễ thấy xác thân đang mang đó KHÔNG PHẢI LÀ CỦA CÔ.

Trên đường đào nạn, chuyện bị đoạt của, vất xác xuống biển, có thể xem như là một túc nghiệp oan khiên, hoặc một nhân mới mà tên cướp bắt đầu gieo. Nhưng Chu Tú Hoa tâm sự rằng: “Cô hiểu giáo lý Phật, tin nhân quả, nên không có lòng thù kẻ hại mình và khi cả nhà tên cướp chết hết, chính là kết quả do sự bất bình của (vong hồn) những người đi cùng thuyền với cô”.

Chu Tú Hoa là cô gái có tâm tha thứ và rất có tinh thần trách nhiệm. Cô chỉ là một vong linh 18 tuổi, khi mượn xác một bà lớn hơn, (có con trai tuổi tương đương mình) lúc sống lại, cô phải gánh rất nhiều việc: sáng sớm ra đồng, tối bán buôn vật liệu xây dựng. Tôi dịch đến chỗ “những công tác vận chuyển hàng, đòi hỏi nhiều sức, cô đều làm, gánh vác hết”. Tự dưng thấy xót xa và tội nghiệp cho cô.

Ở hoàn cảnh trước, người vợ cũ chỉ có làm mỗi một việc là nấu cơm. Còn cô, sau khi hồi dương thì ôm quá nhiều việc, phải gánh vác quá nhiều, dù không ai bắt buộc. Đây gọi là tinh thần trách nhiệm cao, cô sống rất biết điều, do hàm ân mà báo ân, vì mượn thân xác người nên phải thay thân xác mà làm việc đền ân.

Chắc chắn là Chu Tú Hoa có sự giác tỉnh mạnh hơn chúng ta, bởi vì cô đã trải qua kinh nghiệm sống và chết, kinh nghiệm hoàn hồn và sống trong cái thân “mượn” đúng nghĩa.

Tôi đã đối chiếu, cô đào nạn năm Dân Quốc 43 tức 1954. Và chết trong năm đó. Nhưng mãi đến năm Dân Quốc 48, tức 1959 cô mới “mượn xác hồi dương”. Có nghĩa là cô trải qua kinh nghiệm sống ở cõi âm suốt 5 năm. Cô tả trong 5 năm này, mình ở Đảo Hải Phong, cảnh đẹp, cây cối xinh, cô cũng rất thích ở đó. Tôi tin là cô không rơi vào cõi quỷ, vì tâm cô không hề chất chứa giận hờn thù hận, tâm cô rất hiển thiện, và cảnh luôn tương ưng với tâm. Nên dù ở cõi âm, cô tả xem có vẻ ung dung rằng mình thíchcảnh đẹp.

Cho đến khi cô được thần báo là bà A Dương bệnh, sắp hết tuổi thọ, cô có thể “mượn xác hồi dương” thì cô mới kiếm ông Ngô, và “đeo” theo, quanh quẩn bên ông, chờ ông về nhà để về theo nhập xác.

Chu Tú Hoa phải vào một thân xác già gấp đôi, gấp rưỡi tuổi mình, chưa từng kết hôn mà phải làm vợ, làm mẹ. Khi sống lại, không còn được gặp gia đình cha mẹ cũ mà lòng cô hằng nhớ nhung, (đúng là sinh ly đau hơn tử biệt) và phải gánh một gia đình mới có hoàn cảnh tệ hơn. Song cô vẫn phải chu toàn trách nhiệm, bổn phận.

Chu Tú Hoa sau khi hoàn hồn, từng bảo người nhà thắp nhang sắp ghế cho cô nói chuyện với bạn bè. Bạn bè này có thể là những vong cõi âm, những người cùng “chết chùm” với cô nơi biển, và cũng có cả chư thần… Nhưng hay ở chỗ là họ chỉ đến an ủi sau khi cô mượn xác một lần, rồi từ đó không bao giờ đến nữa. Có nghĩa là hai cõi rạch ròi, hãy để mỗi người tự sống yên nơi cõi của họ. Đây cũng là sự hộ vệ giúp nhau hay và tốt nhất.

18 tuổi, nhưng kinh nghiệm Chu Tú Hoa già hơn chúng ta nhiều, vì cô đã làm người, làm ma, từng trải qua kinh nghiệm ở cõi âm, trải qua kinh nghiệm mượn xác…tất cả điều này, đã thắp cao ngọn lửa giác ngộ trong cô, nên khi sống lại là cô lo thỉnh tượng Phật, Bồ Tát về thờ, sớm tối siêng năng lễ bái không ngừng, kiên tâm ăn chay, khao khát được lên chùa (Niệm Phật Đường) ở. Tất cả những điều này tôi cảm thông được. Và hẳn nhiên độc giả cũng có nhiều mối đồng cảm với cô theo quan niệm riêng của mỗi người.

Tôi dịch bài văn này không có ý để cho người đọc lấy vui, mà là để chúng ta cùng chia sẻ thêm những điều hay về thuyết luân hồi, về các cõi giới… và hiểu rằng lời Phật dạy không hư dối.

Nữ ký giả Lý Ngọc từng hi vọng chúng ta chúc phúc cho Chu Tú Hoa sau khi đọc xong câu chuyện này. Tôi đoán là bây giờ Chu Tú Hoa chắc đã già, cũng ở tuổi cổ lai hy (?) Và không biết cô còn sống hay đã mất?

Riêng tôi, trước khi kết thúc cuốn sách này, tôi muốn cầu phúc… không riêng gì Chu Tú Hoa, mà cho tất cả độc giả Chúc quý vị hằng an lạc và luôn biết cách sống sao cho bản thân mình dù ở cõi âm hay dương, đều mãi mãi hạnh phúc.