Home > Khai Thị Phật Học > Chuong-3-Dieu-Kien-Va-Cach-Tho-Bat-Quan-Gioi-Trai
Chương 3: Điều Kiện Và Cách Thọ Bát Quan Giới Trai
Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm | Ni Sư Thích Nữ Tuệ Đăng, Việt Dịch


I. CHỈ CÓ LOÀI NGƯỜI MỚI ĐƯỢC THỌ GIỚI

Trong Tát Bát Đa Tỳ Ni Tỳ Bà Sa quyển 1 nói: “Phàm đắc giới Ba la đề mộc xoa, trong ngũ đạo chỉ có nhân đạo (người) đắc”. Bát giới cũng là giới Ba la đề mộc xoa, cho nên trừ loài người ra, chúng sinh loài khác cho đến thiên nhân cũng không đắc giới. Tuy nhiều chỗ trong kinh có nói: Long (loài rồng) thọ trai pháp với thiện tâm công đức, nhưng không đắc giới. Lại nói: “Trong bốn loài người, một là nam, hai là nữ, ba là huỳnh môn, bốn là người hai căn, chỉ có nam, nữ đắc giới”. Đó là muốn nói ở trong loài người, chỉ có nữ, nam sinh lý bình thường mới có thể đắc giới.

II. NGƯỜI PHẠM TỘI NGŨ NGHỊCH, PHÁ TỊNH GIỚI KHÔNG ĐẮC GIỚI

Trong Tát Bà Đa Tỳ Ni Tỳ Bà Sa quyển 1 nói: “Trong nam nữ như vậy, nếu người giết cha, giết mẹ, giết A la hán, làm thân Phật chảy máu, phá chuyển pháp luân Tăng (5 điều trên là ngũ nghịch), ô Tỳ kheo ni, tặc trụ (người phi pháp mà trụ trong Tăng), việt tế nhân (người xuất gia vì sinh hoạt chứ chẳng phải vì Phật pháp), đoạn thiện căn, những người này thường không đắc giới”.

Trong Kinh Bồ tát Ngũ Giới Tướng nói: “Người phạm đến người tịnh giới của dệ tử Phật, tuy không có tội phạm giới, nhưng sau đó vĩnh viễn không được thọ ngũ giới cho đến xuất gia thọ Cụ túc giới”. Người tịnh giới là chỉ cho người chủ trì giới không dâm. Nếu dụ dỗ cưỡng bức người kiên trì giới không dâm cùng hành dâm gọi là phá tịnh giới người. Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Thức xoa ma, Sa di, Sa đi ni, Ưu bà tắc và Ưu bà di trong các ngày thọ trì Bát quan giới trai đều chẳng nên làm cho các vị ấy phá giới. Bằng không, chính mình vĩnh viễn không có tư cách thọ bất cứ Phật giới nào. Nhưng thông thường đều lấy phá tịnh giới nữ ni làm trọng yếu, nhưng phá tịnh giới của người nam cũng không phải là tầm thường. Trong Thập Tụng Luật quyển 40 có ghi một đoạn như vầy: Lúc Phật ở nước Xá Vệ, có một người Bà la môn sinh một người con gái diện mạo xinh đẹp tên là Diệu Quang, về sau cô nói với vị Sa môn Bà la môn khất thực ở nhà cô rằng: “Hãy cùng tôi hành dâm”. Do vì tội của lời nói này mà khi chết cô bị đọa ác đạo ở phương Bắc của nước kia sinh làm dâm long (con rồng nhiều dâm dục). Đây mới chỉ dụ dỗ Sa môn Bà la môn cùng nàng hành dâm, chứ chưa thật sự phá tịnh giới người khác; mà còn bị đọa làm dâm long.

III. THỜI HẠN THỌ TRÌ

Về thời hạn thọ trì Bát quan trai, trong các Kinh Luật nói không giống nhau. Trong Tát Bà Đa Tỳ Ny Tỳ Bà Sa quyển 1 nói: “Hỏi: Pháp thọ Bát giới được 2 ngày, 3 ngày, thọ cho đến 10 ngày, thọ một lần một được không?. Đáp: Phật vốn chế định một ngày một đêm không được quá hạn. Nếu có sức muốn thọ nữa thì một ngày qua rồi lần lượt thọ lại, như vậy tùy sức nhiều ít chẳng kể số ngày. Lại hỏi: Nếu chỉ muốn thọ trai pháp ban ngày không thọ ban đêm có đắc bát trai không? Nếu chỉ muốn thọ ban đêm mà không thọ ban ngày, có đắc bát trai không? Đáp: Không đắc. Vì Phật vốn cho pháp một ngày một đêm đã có hạn định không thể trái vậy”. Đây là nói Bát giới chỉ có một ngày một đêm, không được mấy ngày liên tiếp thọ, cũng không được chỉ ban ngày thọ mà ban đêm không thọ, hoặc chỉ thọ ban đêm mà không thọ ban ngày. Tuy ở trong Căn Bản Bộ Bì Cách Sự có ghi chuyện Ức Nhĩ ở đồng nội thấy quả báo của người chỉ thọ trai ban ngày và người chỉ thọ trai ban đêm, nhưng trong Tát Bà Đa Tỳ Ni Tỳ Bà Sa quyển 1 lại giải thích rằng: “Có người nói đây là vì Ngài Ca Chiên Diên muốn độ Ức Nhĩ cho nên biến hóa ra để cảm ngộ tâm Ức Nhĩ chứ chẳng phải là sự thật”.

Nhưng trong Luật Thành Thật nói: “Ngũ giới, Bát giới tùy theo ngày tháng dài ngắn hoặc một năm, một tháng cho đến nửa ngày, nửa đêm, muốn thọ thêm hay giảm bớt đều được”.

Trong Kinh Dược Sư cũng nói: “Có người hay thọ trì bát phần trai giới hoặc 1 năm, hoặc 3 tháng thọ trì học xứ”. Lại nói: “Vì cúng dường Dược Sư Như Lai trước tiên phải tạo lập hình tượng Đức Dược Sư Như Lai, phải 7 ngày 7 đêm thọ Bát phần trai giới”. Đây là nói Bát phần trai giới không nhất định thọ trì vào 6 ngày trai, thời hạn thọ trì có thể hoặc 1 năm, hoặc 3 tháng, hoặc 7 ngày 7 đêm liên tục thọ trì.

Nhưng chiếu theo văn tự thọ giới của Bát giới mà nói, thì lấy một ngày một đêm làm tiêu chuẩn bình thường là chánh là chủ. Nếu như hoàn cảnh không cho phép, hoặc giả phát tâm liên tục thọ trì, ở gần lại không có người có thể làm Thọ giới sư và để khỏi phải nhọc nhằn qua lại mỗi ngày, cũng có thể thọ trì trong thời hạn 1 năm, 1 tháng, mười ngày, vài ngày.

IV. PHƯƠNG THỨC CẦU THỌ GIỚI

Trong Kinh Ưu bà tắc giới quyển 5 nói: “Bát giới này không được hai người cùng thọ một lượt”. Bát giới chỉ được từng người một hướng về Giới sư cầu thọ, nguyên nhân của điều đó căn cứ vào sự giải thích của Luật sư Linh Chi: “Không được nhiều người, đông người lộn xộn tâm chẳng chuyên nhất. Luận rộng về quy giới, thọ riêng từng người là tốt nhất, vì tâm không duyên cảnh khác, pháp không bị lạm dụng”. Đại sư Hoằng Nhất cũng nói: “Ngày nay đông người thọ, đối với lý tuy thông, nhưng rốt cuộc thành ra bất lợi”.

Trong Tát Bà Đa Tỳ Ni Tỳ Bà Sa quyển 1 nói: “Pháp thọ trai phải từ người khác thọ, vậy thọ từ người nào? – Từ bên 5 chúng xuất gia mà thọ”. Kinh Ưu bá tắc giới quyển 5 cũng nói: “chẳng được ở bên tượng Phật thọ, cần phải từ người khác thọ”. Đủ thấy Bát giới phải ở trước chúng xuất gia: Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Thức xoa ma na, Sa di, Sa di ni cầu thọ. Nhưng trong Luật Thành Thật và Luận Trí Độ cho phép tự thệ thọ. Luận Thành Thật nói: “Nếu khi không có người, chỉ cần tâm nghĩ miệng nói tôi thọ Bát giới cũng được thành thọ”. Nhưng tự thệ thọ cũng phải có điều kiện, như Phạm Võng Bồ tát Giới có thể tự thệ thọ, nhưng cần phải: “ Nếu trong vòng ngàn dặm không có Thọ giới sư, được ở trước hình tượng Phật, Bồ tát thọ giới, nhưng phải thấy hảo tướng (Phật đến rờ đầu, thấy ánh sáng, thấy hoa, các thứ tướng lạ). Nếu như trường hợp có 5 chúng xuất gia truyền Bát giới, đương nhiên phải hướng về 5 chúng xuất gia cầu thọ Bát giới mới tốt.

Thọ Bát giới có thể đến tự viện cầu thọ, cũng có thể thỉnh Giới sư đến tại nhà truyền. Đại sư Ngẫu Ích nói: “Ưu bà tắc thọ trai đến chùa là tiện, Ưu bà di thọ tại nhà là tiện”. Người nam đi tự viện, người nữ ở tại nhà, song đây không có quy định bắt buộc, chỉ nhìn tình cảnh thực tế tùy duyên cầu thọ bát giới là tốt.

V. CHUẨN BỊ NGÀY TRAI

Bát giới tuy lấy 6 ngày trai làm lệ thường, song gặp ngày vía Phật, Bồ tát, ngày sinh của mình, ngày chết của cha mẹ, hoặc vì ngày lục thân quyến thuộc làm công đức, và tất cả những ngày kỷ niệm, nhớ ân, tu phước, cầu nguyện, đều nên phát tâm thọ trì Bát giới. Nho gia mỗi khi gặp ngày lễ tế tự lớn cũng có công phu chuẩn bị “Trai giới tắm gội”, như Lễ ký nói: “Trai giới để cáo quỷ thần”. Mạnh Tử cũng nói: “Trai giới tắm gội mới có thể tế tự Thượng đế”. Yù nghĩa trai giới của Nho gia có thể tương thông với Phật giáo, song nội dung lại bất đồng.

Trước khi thọ trì Bát giới, ba nghiệp thân miệng ý phải thanh tịnh, cho nên trong Kinh Tăng Nhất A Hàm nói: “Nếu thọ Bát giới, trước tiên phải sám hối”. Tát Bà Đa Tỳ Ni Tỳ Bà Sa quyển 1 nói: “Nếu người muốn thọ Bát giới mà trước đó phóng túng nữ sắc hoặc đàn hát, hoặc tham ăn uống, các thứ vui đùa, những việc phóng dật như thế tận tâm làm, rồi sau thọ trai, không luận trung tiền (trước ngọ), trung hậu (sau ngọ), đều chẳng đắc giới. Nếu không có tâm thọ trai, làm các việc phóng dật, sau gặp thiện tri thức liền thọ trai. Nếu vốn không có tâm thọ trai, không luận trung tiền, trung hậu, tất cả đều đắc giới. Nếu muốn thọ trai, vì sự chướng nạn ngăn trở nên chẳng được tự tại, khi chướng nạn giải quyết xong liền thọ trai, không luận trung tiền, trung hậu, tất cả đều đắc giới”.

Văn trên nói: “Trung tiền, trung hậu”, ở đây cần phải giải thích: Thời gian cầu thọ Bát quan giới trai, phải lấy trì từ sáng sớm của ngày trai làm quy tắc chính, ít nhất cũng phải trước ngọ. Ngày nay ở nước Thái Lan đều thọ từ buổi sáng. Thường thường, gặp ngày Phật nhật và ngày Chúa nhật, từ 7, 8 giờ sáng đã có rất nhiều nam nữ Phật giáo tay cầm hoa tươi, nhang đèn và đồ dùng đơn giản của mỗi người, cùng nhau tới chùa dự khóa lễ buổi sáng và nghe chư Tăng thuyết pháp… trước khi thuyết pháp, chư Tăng vì tín đồ thuyết tam quy ngũ giới. Trong tín đồ có người thọ Bát quan trai giới, hoặc thọ ngũ giới và bát giới cùng một lúc. Nhưng lúc chư Tăng nói đến giới thứ 6, 7, 8, người thọ ngũ giới chẳng cần đáp “trì” (Thái Tăng An Cư Ký của Pháp sư Tịnh Hải). Nhưng nếu gặp nghịch duyên làm trở ngại, chỉ cần có tâm niệm thọ trai chậm trễ đến giữa ngọ về sau thọ giới trai cũng được.

Nhưng trong Luận Câu Xá cũng nói: “Nếu trước tác ý vào ngày trai thọ bát giới, tuy ăn xong rồi thọ giới trai cũng được”.

VI. NẠP THỌ GIỚI THỂ NHƯ THẾ NÀO?

Những điều quan hệ đến nội dung và yêu cầu của Bát quan giới trai giới thiệu đến đây đại khái cũng đã đầy đủ, bây giờ xin giới thiệu đến phương pháp nạp thọ giới thể.

Tam quy, ngũ giới, bát giới, thuyết giới, cách thọ giới đều rất giản đơn, chỉ cần có sự chuẩn bị kỹ càng trước khi thọ giới, thì lúc thọ rất dễ dàng. Nhưng trong các tự viện lớn ở Trung Quốc đều hay biểu hiện hình thức long trọng bên ngoài. Vì thế, Đại sư Độc Thể cũng có biên soạn một thiên “Thọ Bát Giới Chánh Phạm” nói về cách truyền thọ bát giới nghi thức phân ra làm 8 tiết, cương mục như sau:

1. Trải tòa thỉnh sư: Do Dẫn lễ sư hướng dẫn nghinh thỉnh Hòa thượng thăng tòa.
2. Khai đạo: Khai thị sơ lược về ý nghĩa của Bát giới và phương pháp trì trai.
3. Thỉnh Thánh: Nghinh thỉnh Phật, Pháp Tăng và Hộ pháp Long Thiên.
4. Sám hối: Sám trừ các ác nghiệp quá khứ, ăn năn dứt ác nghiệp vị lai.
5. Thọ Quy: Dùng tam quy nạp thọ giới thể của Bát giới.

6. Tuyên giới tướng: Truyền nói điều văn giới tướng của Bát giới.

7. Phát nguyện: Phát nguyện đem công đức này nhiếp thủ tất cả chúng sinh khiến thành vô thường Bồ đề, đồng tại Long Hoa tam hội của Đức Di Lặc liễu thoát sinh tử, giáo hóa hữu tình, đồng sinh cực lạc.

8. Khuyến chúc hồi hướng: Nói công đức thọ trì Bát giới và khuyên đem công đức này hồi hướng tất cả chúng sinh.

“Thọ Bát Giới Chánh Phạm” này tuy rất hay, nếu làm theo thì biểu hiện hình thức bên ngoài rất long trọng trang nghiêm. Nhưng phải mất thời gian dài, lúc thọ giới, ngoài Giới sư ra, còn cần phải có Dẫn lễ sư. Nếu Giới sư chẳng phải là vị Trụ trì phương trượng thì sự thực hành theo nghi thức này sẽ không phải dễ. Do đó, Đại sư Hoằng Nhất căn cứ vào Kinh Phật Thuyết Bát Chủng Trưởng Dưỡng Công Đức biên soạn một thiên “Thọ Bát Quan Giới Trai Pháp”. Nay tôi xin ghi lại như sau:

Quy mạng tất cả Phật, duy nguyện tất cả Phật, Bồ tát chúng nhiếp thọ con:

Con nay quy mạng Thắng Bồ đề
Tối thượng thanh tịnh Phật, Pháp, Chúng
Con phát tâm Bồ đề rộng lớn
Mình người lợi ích đều thành tựu
Sám trừ tất cả nghiệp bất thiện Tùy hỷ vô biên công đức uẩn.

Trước tiên sẽ không ăn quá ngọ, sau tu pháp bát chủng công đức (nói 3 lần).

Con tên là… duy nguyện A xà lê nhiếp thọ con. Từ giờ này con phát tâm tịnh tín cho đến ngồi Bồ đề tràng thành Đẳng chánh giác, thệ quy y Phật nhị túc tôn, thệ quy y Pháp ly dục thắng tôn, thệ quy y Tăng đều phục thắng tôn. Tam bảo như thế là chỗ quy hướng của con (nói 3 lần).

Con là… tịnh tín Ưu bà tắc (Thọ Bát giới chính thuộc về hai chúng tại gia, cũng gồm cả chúng xuất gia nhưng trong Kinh Dược Sư nói, văn này chỉ nói căn cứ người tại gia cho nên xưng là Ưu bà tắc. Nếu người xuất gia nên tùy nghi xưng) duy nguyện A xà lê nghĩ nhớ hộ niệm, con từ giờ này hôm nay phát khởi tịnh tâm, từ đêm nay đến sáng sớm hôm sau lúc mặt trời mọc, trong khoảng thời gian này phụng trì Bát giới: 1. Không sát sinh, 2. Không trộm cướp, 3. Không phi phạm hạnh, 4. Không vọng ngữ, 5. Không uống rượu, 6. Không ăn phi thời, 7. Không đeo hoa để trang nghiêm thân và ca múa v. v… 8. Không ngồi nằm giường lớn cao rộng. Con này lìa bỏ các việc như vậy, thệ nguyện chẳng xả bỏ thanh tịnh cấm giới bát chủng công đức (nói 3 lần).

Con trì giới hạnh trang nghiêm tâm mình khiến tâm vui vẻ rộng tu tất cả thắng hạnh tương ưng cầu thành Phật quả cứu cánh viên mãn (nói 3 lần), lại đọc bài kệ tụng:

Con phát tâm tối thắng không hai
Vì các chúng sinh làm bạn hữu
Khéo hành hạnh Bồ đề thù thắng
Thành Phật lợi ích khắp thế gian

Nguyện con nương nhờ nghiệp thiện này
Đời này không lâu thành Chánh giác
Thuyết pháp lợi ích cho thế gian
Giải thoát chúng sinh khổ ba cõi.

Đoạn văn trên là nguyên văn của Đại sư Hoằng Nhất. Còn về chủ trương các chúng xuất gia cũng trì Bát giới rất cần phải nói thêm. Căn cứ vào yêu cầu của luật chế, Bát giới là 8 điều trước của Sa di thập giới, chỉ cần thọ Sa di giới thì suốt đời phải trì Bát giới; đến Tỳ kheo giới chẳng cần nói nữa vì đã bao quát cả Bát giới. Vì thế, các chúng xuất gia tự nhiên là phải suốt đời thọ trì Bát giới. Nhưng, Đại sư Hoằng Nhất sở dĩ nói các chúng xuất gia cũng nên thọ Bát giới là chính, vì các chúng xuất gia hiện nay ít người y theo luật tuân hành. Đa số người xuất gia nói riêng Tỳ kheo giới hoặc Sa di giới cũng chưa trì được Bát giới. Nay xin ghi lại “Thọ Bát Quan Giới Trai Pháp” trong Tại Gia Luật Yếu Quảng Tập quyển 4 để cùng tham khảo như sau:

Trước tiên phải dạy pháp thọ tam quy:

Con là… quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng một ngày một đêm là tịnh hạnh Ưu bà tắc (hoặc Ưu bà di), Như lai chí chân Đẳng chánh giác là Thế Tôn của con ( nói 3 lần).

Con là… quy y Phật rồi, quy y Pháp rồi, quy y Tăng rồi, một ngày một đêm là tịnh hạnh Ưu bà tắc (Ưu bà di), Như lai chí chân Đẳng chánh giác là Thế Tôn của con (nói 3 lần).

Kế đến phải dạy thọ pháp giới trai: Con là…hoặc thân nghiệp bất thiện, hoặc khẩu nghiệp bất thiện, hoặc ý nghiệp bất thiện vì tham dục, sân nhuế, ngu si. Hoặc đời này đời trước có tội như thế, hôm nay thành tâm sám hối, thân nghiệp thanh tịnh, khẩu nghiệp thanh tịnh, ý nghiệp thanh tịnh thọ hành Bát giới:

- Như chư Phật suốt đời không sát sinh, con một ngày một đêm không sát sinh.
- Như chư Phật suốt đời không trộm cướp, con một ngày một đêm không trộm cướp.
- Như chư Phật suốt đời không dâm dục, còn một ngày một đêm không dâm dục.
- Nhưng chư Phật suốt đời không vọng ngữ, con một ngày một đêm không vọng ngữ.
- Như chư Phật suốt đời không uống rượu, con một ngày một đêm không uống rượu.

- Như chư Phật suốt đời không đeo tràng hoa, không xoa hương vào thân, con một ngày một đêm không đeo tràng hoa, không xoa hương vào thân.

- Như chư Phật suốt đời không ca múa và biểu diễn các bộ môn nghệ thuật, không cố đến xem nghe, con một ngày một đêm không ca múa và biểu diễn các bộ môn nghệ thuật, không cố đến nghe xem.

- Như chư Phật suốt đời không ngồi nằm giường lớn cao rộng, con một ngày một đêm không ngồi nằm giường lớn cao rộng.

- Như chư Phật suốt đời không ăn phi thời, con một ngày một đêm không ăn phi thời.

- Nay con đem công đức thọ giới Bát quan trai này bốn ân đều báo, ba cõi cùng nhờ, cùng các chúng sinh đồng sinh Tịnh độ (Nếu như mỗi người tự có nguyện cầu, đều có thể thêm vào phần hồi hướng).

Một thiên “Thọ Bát Quan Trai Pháp” này so với nghi thức do Đại sư Hoằng Nhất y theo Kinh Phật Thuyết Bát Chủng Trưởng Dưỡng Công Đức thì giản đơn và thiết yếu hơn, trong 15 phút có thể làm xong thọ Bát giới. Ở đây đem Bát giới và một trai phân biệt làm 9 điều gọi là “giới trai pháp” mà không gọi là “trai giới pháp”. Kỳ thật, dùng hai chữ “trai giới” là chịu ảnh hưởng của “trai giới để cáo quỷ thần” và “trai giới tắm gội của Nho gia. Y theo thứ tự của Bát giới trai phải gọi là “giới trai” chứ chẳng phải “trai giới”. Vì thế, bút giả hành văn trong thiên này đều dùng “giới trai”, còn khi trưng dẫn văn của sách khác y theo nguyên văn sao lục, nên có khi ghi là “trai giới”. Hoặc giả có người cho rằng: Bát giới lấy chữ “trai” làm thể, vì thế gọi là trai giới, điều đó cũng hợp lý.

Ở chỗ này nói: “Như chư Phật” thọ trì giới trai; trong A Hàm, Kinh Trì Trai nói chiếu theo “A la ha” thọ trì.

Chương 4: Sau Khi Thọ Bát Quan Giới Trai Xong

I XẢ GIỚI

Sự thọ trì của Bát quan giới trai chỉ một ngày một đêm, cho nên cũng không nói xả giới. Đã thọ rồi, chẳng nên xả giới cũng không cầu xả giới. Nhưng vì phòng trường hợp đặc biệt, trong Tát Bà Đa Tỳ Ni Tỳ Bà Sa quyển 1 cũng có cho xả giới: “Nếu thọ trai rồi muốn xả trai, phải do 5 chúng mà xả trai; nếu lúc muốn ăn, đến nói với một người, trai liền xả”. Cũng nói: “Như vì nạn duyên, hoặc vì phiền não, hoặc vì lúc đói khó chịu, chỉ cần nói với một người hiểu sự việc, hiểu lời nói, được kể là xả giới”. Trong Nghĩa Sao cũng nói: “Nếu có nhiễm tâm sắp muốn phá giới, thà xả giới rồi làm, về sau sám hối cũng được”. Ngũ giới, thập giới cũng đồng như vậy. Đây là nói nếu chẳng thể thủ trì nên xả giới, về sau muốn thọ, sám hối sẽ được thọ lại.

II. XƯNG HÔ

Đoạn trước đã nói, Bát giới là Đốn lập giới ở ngoài giới của thất chúng. Người thọ tam quy ngũ giới rồi có thể thọ thêm Bát quan giới trai một ngày một đêm, người chưa thọ tam quy ngũ giới cũng có thể thọ Bát quan giới trai. Nhưng ở đây có một vấn đề trên sự xưng hô. Người thọ Tam quy ngũ giới rồi xưng là Ưu bà tắc (cận sự nữ) thọ thêm Bát giới cho đến Bồ tát giới vẫn xưng là Ưu bà tắc và Ưu bà di.

Nếu như người chẳng thọ tam quy ngũ giới, ngày trai chỉ thọ bát giới, thì xưng là gì?

Trong Bát Bà Đa Tỳ Ni Tỳ Bà Sa nói xưng là “người trung gian”; cũng nói: Ngày thọ trì giới trai xưng là Ưu bà tắc, Ưu bà di; ngày thường chẳng được gọi là Ưu bà tắc, Ưu bà di.

Lại nói chỗ nói nam nữ tại gia thọ Bát giới xưng là cận sự nam, cận sự nữ, đây là nói: Bát quan giới trai là chánh nhân xuất thế, còn cứu cánh xuất thế (chẳng phải cứu cánh của Bồ tát) là quả A la hán. Gọi “cận trụ” là chỉ cảnh địa sở trụ tiếp cận A la hán, hoặc giả chỉ cho trụ thân cận A la hán do vì tâm người ấy thích xuất ly thế gian. Cho nên “cận trụ” so với “cận sự” ưu thắng hơn một tầng. Như trong Luận Bà Sa nói: “Người thọ Bát giới gọi là cận trụ, nghĩa là gần A la hán trụ”. Trên thực tế cũng nên như thế, thông thường người thọ Bát giới phần nhiều là người trước đã thọ Tam quy ngũ giới, người không thọ Tam quy ngũ giới mà chỉ thọ Bát quan giới trai rất là ít có.

III. CÔNG ĐỨC

Thọ trì Bát quan giới trai tuy chỉ là một ngày một đêm, nhưng nếu thọ trì được thanh tịnh, công đức ấy lớn lao không thể hạn lượng. Trong Kinh Phật Thuyết Trai nói: “Phụng trì Bát giới tập ngũ tư niệm (tức lục niệm) làm Phật pháp trai và thiện công đức, diệt ác sinh thiện, về sau sinh lên cõi trời, rốt cùng đắc Nê hoàn”. Thọ trì bát giới tuy sinh lên cõi trời, nhưng chắc chắn sẽ đắc nê hoàn (Niết bàn) và được liễu sinh thoát tử, đây là công đức quả báo rất lớn.

Trong Kinh Ưu bà tắc giới quyển 5 nói: “Người thọ Bát giới trừ tội ngũ nghịch, tất cả tội khác thảy đều tiêu diệt”. Lại nói: “Nếu có thể thanh tịnh như thế thọ trì Bát giới trai, người này sẽ được vô lượng quả báo, đến vô thượng lạc”. Lại nói: “Thời Phật Di Lặc xuất thế, trăm năm thọ trai không bằng ở đời ta (Thích Tôn) một ngày một đêm thọ trai”. Lại nói: “Thiện nam tử! Bát quan giới trai này tức là anh lạc (ngọc báu) trang nghiêm Vô thượng Bồ đề”.

Trong Kinh A Hàm nói: “Nếu trong sáu ngày trai phụng trì Bát giới một ngày một đêm phước không kể xiết”.

Trong Kinh Niết bàn ghi chuyện tên đồ tể Quảng Ngạch mỗi ngày giết vô lượng dê, về sau gặp Ngài Xá Lợi Phất liền phát tâm thọ Bát giới, qua một ngày một đêm mạng chung được sinh lên cõi trời.

Trong Kinh Bồ Tát Xử Thai nói: “Bát quan giới trai là mẹ của Chư Phật”.

IV. PHỔ KHUYẾN THỌ TRÌ BÁT QUAN GIỚI TRAI

Thọ trì Bát quan giới trai đã có công đức như thế, sự yêu cầu của Bát quan giới trai tuy nghiêm, nhưng cũng chưa chắc làm đúng như pháp. Mục đích học Phật của chúng ta tuyệt đại đa số là hy vọng xuất ly sinh tử, nhưng đối với đệ tử tại gia nếu chẳng gieo trồng cái nhân xuất thế thì khó được cái quả xuất thế. Đồng thời người thọ ngũ giới rồi mỗi tháng sáu ngày trai thì thêm Bát giới không phải là một việc quá khó. Trong mỗi tháng chỉ có 6 ngày không ăn cơm chiều (quá giữa ngọ không ăn), ấy là việc dễ làm. Trong Bát giới trai, chủ yếu là tại điều trai giới không ăn phi thời này. Điều này giữ rồi thì 8 giới kia giữ theo ngũ giới cũng không khó bao nhiêu. Vì thế, đệ tử tại gia ở thời đại Đại Lục (trước năm 1949) thọ Bát giới rất nhiều; tại các quốc gia Nam truyền, thọ Bát giới lại càng phổ biến. Ngày nay, ở Đài Loan và hải ngoại, phong trào thọ Bát giới rất thấp, giả sự có những người thọ, cũng không đúng như pháp. Do đó, tôi rất hy vọng đề xướng phong trào thọ Bát giới, cho nên không ngại rườm rà mà viết ra bài văn này, chỉ ước mong người đọc bài văn này rồi hưởng ứng và đôn đốc thành một phong trào thọ trì Bát giới. Đồng thời, Đại sư Hoằng Nhất cũng nói: “Nếu e mỗi tháng 6 ngày quá nhiều, có thể bớt xuống còn 1 ngày, 2 ngày cũng được” (Luật Học Yếu Lược).

Đoạn này cũng như trong Kinh Ưu bà tắc giới nói: “Trai như thế đã là dễ làm mà có thể được vô lượng công đức. Nếu có điều dễ làm mà không làm, thì bị coi là phóng dật”.

Từ Ngữ Phật Học Trong: Chương 3: Điều Kiện Và Cách Thọ Bát Quan Giới Trai