Skip Navigation LinksHome > Pháp Bảo > Khai Thị Phật Học > Nhiep-Tron-Sau-Can-Tinh-Niem-Tiep-Noi

Nhiếp Trọn Sáu Căn Tịnh Niệm Tiếp Nối
Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Dịch Giả :Cư Sĩ Diệu Âm

Như thế nào mới gọi là chắc thật?  Trong kinh Lăng Nghiêm, Ðại Thế Chí Bồ Tát dạy chúng ta phương pháp niệm Phật: ‘Nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối’ (Ðô nhiếp lục căn, tịnh niệm tương kế), hết thảy chỉ có tám chữ.  Nếu làm được tám chữ này thì đó tức là tiêu chuẩn của người chắc thật.

Nhiếp trọn sáu căn là gì?  Nói thực ra Bồ Tát Quán Thế Âm đã dùng phương pháp này tu hành thành tựu.  Bồ Tát Quán Thế Âm trong kinh Lăng Nghiêm, Chương Viên Thông có dạy: ‘Xoay trở lại nghe nơi tự tánh, tánh thành đạo vô thượng’ (Phản văn văn tự tánh, tánh thành vô thượng đạo).  Ðây là tổng cương lãnh tu hành của Bồ Tát Quán Thế Âm.  Phản văn tức là thâu nhiếp sáu căn.  Phàm phu chúng ta khi mắt thấy sắc, tai nghe âm thanh, tâm cứ chạy nhảy bên ngoài, đều là phân biệt, chấp trước cảnh giới bên ngoài, như vậy là sai lầm.  Sai ở chỗ nào?  Kinh Kim Cang dạy chúng ta ‘Ba tâm không thể được’; tâm là gì, tâm tức là ý niệm, là tư tưởng.

Phật dạy: ‘Tâm quá khứ không thể đạt được’ tức là lúc trước không thể được, ‘tâm hiện nay không đạt được’, nói hiện nay thì hiện nay đã biến thành quá khứ; ‘tâm tương lai không đạt được’ tức là sau này không thể được.  Ðiều này nói rõ ‘cái tâm mà bạn đạt được đó là hư vọng, chẳng phải thiệt’;  tức là cái ý niệm mà bạn có thể chấp trước, phân biệt đó đều là hư vọng, chẳng phải chân thật.  Bạn xem vật này thành chính mình, đó không phải là oan uổng sao!  Ðức Phật gọi cảnh giới bên ngoài mà bạn tư duy là ‘pháp do nhân duyên sanh’.  Không những pháp thế gian do nhân duyên sanh, Phật pháp xuất thế gian cũng do nhân duyên sanh.  Phàm những gì do nhân duyên sanh thì bản thể vốn là không, trọn chẳng thể đạt được (đương thể tức không, liễu bất khả đắc).  Nói cách khác, những gì bạn chấp đều không thể được, năng chấp (chủ thể chấp), sở chấp (cái được chấp) đều chẳng thể được, đây là chân tướng sự thật!

Hết thảy chúng sanh mê hoặc điên đảo, cứ tưởng mình có ‘chủ thể có thể chấp trước’, cảnh giới bên ngoài là ‘cái được mình chấp trước’, đó gọi là khởi vọng tưởng.  Lúc khởi vọng tưởng thì biến thành lục đạo luân hồi, biến thành tam ác đạo, sẽ tạo nên rất nhiều thứ nghiệp.  Cho nên trong kinh đức Phật gọi những người này là ‘những người đáng thương’, thiệt là tội nghiệp!  Ðúng thiệt chỉ là một con số không, là mộng, huyễn, bọt, bóng – trong mộng, huyễn, bọt, bóng làm việc sinh nhai, trong mộng, huyễn, bọt, bóng tạo nghiệp, thọ tội; bạn nói như vậy chẳng phải oan uổng lắm sao?

Phật dạy chúng ta: ‘Pháp còn phải xả, huống chi là phi pháp’.  Xả tức là không nên chấp trước.  Phật pháp cũng không được chấp trước, huống chi là pháp thế gian?  Việc này được giảng vô cùng thấu triệt; nếu bạn chẳng chấp trước gì hết thì tâm bạn sẽ thanh tịnh, tự tại.  Ðó tức là câu ‘Tín tâm thanh tịnh, ắt sanh thật tướng’ trong kinh.  Tự tánh Bát Nhã hiện tiền, lúc đó sẽ nhập Như Lai Ðịa.  Tại sao chúng ta khởi vọng tưởng?  Tại sao tự mình lại gây chuyện rắc rối cho mình?  Hy vọng các bạn đồng tu đặc biệt chú ý điểm này, phải thường xuyên nhắc nhở chính mình: ‘lúc khởi tâm động niệm, hết thảy tạo tác, đừng gây rắc rối cho mình’.

Bạn có gây trở ngại cho người khác chăng?  Nói cho quý vị biết tuyệt đối chẳng có.  Nếu bạn có năng lực gây trở ngại cho người khác, chư Phật cũng tôn bạn làm thầy.  Nguyên nhân là gì vậy?  Hết thảy chư Phật chẳng có năng lực này!  Bạn làm sao có năng lực này?  Bạn nói có thể gây trở ngại cho người khác, đó đều là hảo hợp, nhân duyên [trùng hợp], đâu phải bạn có năng lực này?  Ðây là khởi vọng tưởng.  ‘Một miếng ăn, một hớp nước đều đã định sẵn từ trước’, đây là định luật nhân quả.  Bạn làm sao có năng lực thay đổi nhân quả?  Chẳng có đạo lý này.  Ngay cả Phật, Bồ Tát cũng chẳng thể thay đổi nhân quả, trong kinh đã nói quá nhiều rồi, nêu thí dụ cũng rất nhiều.  Nếu Phật có năng lực thay đổi nhân quả thì chúng ta đâu cần phải tu hành chi nữa?  Nếu Phật chẳng độ chúng ta thành Phật thì Ngài đâu có từ bi?  Nói thiệt ra Phật không có năng lực thay đổi nhân quả, nhất định là ‘tự mình làm, tự mình chịu’; tự bạn khởi lên vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, thì bạn phải đích thân đoạn trừ chấp trước, phân biệt, vọng tưởng.  ‘Mở thắt gút vẫn phải do người buộc mở’, chuyện này bất cứ người nào khác cũng chẳng giúp được, đây là chân lý.
 
Trích từ: Ý Nghĩa Chân Thật Của Bổn Nguyện Niệm Phật
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Kinh Lăng Nghiêm - Chương Đại Thế Chí, Cư Sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám Đọc Tiếp
2 Lăng Nghiêm Kinh Thế Chí Niệm Phật Viên Thông chương sớ sao, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
3 Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông Chương Sớ Sao, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
4 Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông Chương Lược Giảng, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Đọc Tiếp
5 Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông Chương Lược Giảng, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về