Home > Khai Thị Niệm Phật
Thiên Như Đại Sư
Thích Như Sầm | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch


(Ngài họ Đàm, hiệu Duy Tắc, người ở Vĩnh Hưng, đắc pháp với Trung Phong Minh Bản thiền sư. Niên hiệu Chí Chánh năm đầu, đại sư trụ ở chùa Sư Tử Lâm nơi thành Tô Châu, các bậc tể quan, trưởng giả trong thời ấy, phần nhiều đến tham học với ngài. Vua thường xuống chiếu vời hỏi, ngài đều lấy duyên cớ bịnh cáo từ. Đại sư đã mật khế tông thiền lại kiêm hoằng dương giáo pháp Tịnh Độ, từng viết ra quyển “Tịnh Độ Hoặc Vấn” phá các điều nghi, khuyên người niệm Phật cầu sanh Tây Phương. Ngài tu hành rất tinh tấn, nhập diệt vào năm Hồng Võ ngươn niên đời nhà Minh, khi tịch điềm lành rất nhiều, thọ 71 tuổi.

* Có kẻ hỏi: Phương tu viên quán, pháp niệm duy tâm, dường như là hành môn của bậc thượng căn. Còn mười nguyện trong kinh Hoa Nghiêm, mười tâm trong kinh Bảo Tích, cũng là công dụng của bậc đại trí. Trên đường tu, nếu căn cơ cùng giáo pháp không hợp, e cho công hạnh khó thành. Nay tôi xét lại căn tánh mình, chỉ nên chuyên trì danh hiệu, thêm lễ Phật sám hối mà thôi, chẳng hay tôn ý thế nào?

* Đại sư đáp: Tốt lắm! Người biết tự lượng đó! Lời ngươi nói hợp với thuyết chuyên tu vô gián của ngài Thiện Đạo. Vô gián tu là thân chuyên lễ Phật A Di Đà không lễ tạp, miệng chuyên xưng hiệu A Di Đà không xưng tạp, ý chuyên tưởng Phật A Di Đà không tưởng tạp.

* Niệm Phật, hoặc duyên tưởng 32 tướng, buộc tâm cho định khi mắt mở nhắm đều thấy Phật. Hoặc có kẻ chuyên xưng danh hiệu, giữ không tán loạn, trong hiện đời cũng được thấy. Trong hai điều trên đây, muốn được thấy Phật, phần nhiều pháp xưng danh hiệu là hơn. Pháp xưng danh, cần phải buộc lòng đừng cho tán loạn, mỗi niệm nối nhau duyên theo hiệu Phật, từng câu từng chữ rõ ràng. Lại xưng danh hiệu Phật, chớ quản nhiều ít, một tâm một ý, niệm niệm nối nhau. Như thế mới diệt được tội nặng sanh tử trong tám mươi ức kiếp, nếu chẳng vậy, rất khó tiêu tội.

* Có kẻ hỏi: Một đời tàn ác, khi lâm chung dùng mười niệm cũng được vãng sanh. Vậy thì bây giờ tôi buông theo duyên đời đợi lúc sắp chết sẽ niệm Phật, có được chăng?

* Đại sư đáp: Khổ thay! Lời này đã hại chính mình, lại hại cho hàng tăng, tục, nam, nữ trong đời nữa! Phải biết kẻ phàm phu nghịch ác khi lâm chung niệm Phật được là do kiếp trước có căn lành, khiến cho gặp bậc thiện tri thức chỉ bảo mà được sự may mắn trong muôn một ấy. Luận Quần Nghi nói: có mười hạng khi lâm chung không niệm Phật được: 1) Khó gặp bạn lành, nên không người khuyên niệm. 2) Bịnh khổ buộc thân, không rỗi rảnh để niệm Phật. 3) Trúng phong cứng họng, nói không ra tiếng. 4) Cuồng loạn mất sự sáng suốt. 5)Thình lình gặp tai nạn nước lửa. 6) Thoạt bị hùm sói ăn thịt. 7) Bị bạn ác phá hoại lòng tin. 8) Hôn mê mà chết. 9)Thoạt chết giữa quân trận. 10) Từ nơi chỗ cao té xuống. Những việc trên đây ở trong đời thường có, đó là do túc nghiệp hoặc hiện nghiệp chiêu cảm, bỗng nhiên xảy ra, không kịp trốn tránh. Khi gặp một việc không may, bất cập, trong mười việc trên đây, thì làm sao niệm Phật được. Giả sử không bị những ác duyên như trên, thọ bịnh sơ sài mà qua đời, e cho lâm chung, khi thân tứ đại sắp ly tán, bị sự đau đớn dường như dao cắt, như con cua bị rớt vào nước sôi trong lúc thống khổ bức bách, bối rối kinh hoàng ấy, đâu có rỗi rảnh để niệm Phật? Giả sử không bị bịnh mạng chung, lại e duyên đời chưa dứt, niệm tục khó quên, tham sống sợ chết, tấm lòng rối loạn không yên. Thêm vào đó, việc nhà chưa phân minh, chuyện sau chưa sắp đặt, vợ con khóc lóc kêu gọi, trăm mối lo sợ, thương sầu, như thế làm sao niệm Phật được?. Giả sử lúc chưa chết, thì lại bịnh khổ, đau đớn rên la, tìm thuốc tìm thầy, lo việc khẩn cầu cúng tế, tạp niệm rối ren, vị tất đã niệm Phật được? Giả sử trước khi chưa bịnh, thì lại bi sự già khổ, suy lờ lụm khụm, buồn rầu ão não, e cho lo những việc cái thân già yếu chưa xong, đâu rỗi để niệm Phật. Giả sử trước khi chưa già, còn đang trẻ trung khỏe mạnh, hoặc như tâm cao vọng chưa dứt, việc thế tục còn buộc ràng, rong ruổi đông tây, suy thế này tính thế khác, nghiệp thức mơ màng, cũng không niệm Phật được! Giả sử kẻ được an nhàn thong thả, có chí tu hành, nhưng nếu không nhìn thấu cảnh đời là giả mộng, thân tuy được yên, tâm còn bấn loạn, không thể buông bỏ muôn duyên, khi gặp việc đến, không thể tự chủ, theo cảnh mà điên đảo, cũng không niệm Phật được! Ngươi thử xét lại, đừng nói già bịnh, trong lúc còn trẻ trung nhàn nhã, nếu có một việc đeo đẳng nơi lòng, còn không niệm Phật được thay, huống chi là đợi đến lâm chung? Vậy muốn cho khi sắp chết được chánh niệm vãng sanh, thì ngay bây giờ phải xét rõ việc đời là huyễn mộng, tùy duyên an phận qua ngày, không còn tham luyến, được rỗi rảnh lúc nào thì niệm Phật lúc ấy, đừng hẹn chờ lần lựa, hoặc để hư phí thời giờ. Như thế thì tư lương ta đã dự bị xong, lúc ra đi mới không điều chi chướng ngại.