Đức Thanh Đại sư, tự Trừng Ấn, lúc lớn tuổi lấy hiệu là Hám Sơn lão nhơn, con nhà họ Thái ở Kim Lăng. Bà mẹ nằm mộng thấy Quán Thế Âm bồ tát bồng đứa đồng tử trao cho mà mang thai ngài. Đến khi sanh ra, có hai lớp bọc trắng. Năm mười chín tuổi ngài xuất gia, chuyên tâm niệm Phật. Một đêm Đại sư mộng thấy đức A Di Đà hiện thân đứng giữa hư không, về phía mặt trời lặn. Tướng Phật mày mắt rõ ràng, sáng suốt trang nghiêm, từ đó thường hiển hiện trước mặt. Kế tiếp ngài đến non Ngũ Đài, thiền ngộ được bản tâm, phát nguyện chích máu tả kinh Hoa Nghiêm, mỗi nét bút niệm Phật một câu. Lâu ngày động tịnh đều như một.
Năm Vạn Lịch thứ mười đời nhà Minh, Đại sư trụ tích tại Lao Sơn. Lý Thái hậu nghe danh mến đức, xuất tiền của cho người đến cất chùa, tứ bảng hiệu là Hải Ấn Tự. Bấy giờ Thái hậu thường sai quan Trung Sứ đi tu tạo chùa tháp các nơi. Trong hàng quyền quý có kẻ hiềm khích với quan Trung Sứ, lập mưu xúi nhóm đạo sĩ phái Đông Xưởng đánh trống đưa đơn đầu cáo, nói ông xâm chiếm đạo viện sửa làm cảnh chùa. Việc ấy gây liên lụy đến Đại sư, ngài bị truất bỏ tăng phục, đày tới Lôi Châu. Khi từ giã đại chúng ra đi, Ngài vẫn an nhiên, viết lời kệ tỏ ý chí rằng:
Cà sa cởi lớp đổi nhung trang
Tùy tiện nơi đâu cũng đạo tràng!
Dẫu gặp cảnh duyên dường lửa đỏ
Tấm lòng băng tuyết dễ chi tan?
Tùy chỗ đi đến, Đại sư vẫn mang lớp tục trang thuyết pháp, lại phát nguyện hoằng dương kinh Đại thừa, sớ luận các bộ như: Lăng Nghiêm, Lăng Già, Viên Giác. Năm Vạn Lịch thứ bốn mươi hai, ngài được ân chiếu xá tội và cho hoàn tăng phục. Trên đường về qua Lô Sơn, Đại sư thích cảnh thanh u, kết am ở dưới ngọn Ngũ Nhũ Phong, noi theo gương Viễn Công, đào hồ trồng sen, phân định thời khắc tu Tịnh độ rất tinh tấn.
Bấy giờ có vị tu thiền ở Hải Dương, trong khi cầu thọ giới pháp, nhân hỏi về yếu chỉ Tịnh độ. Đại sư bảo: "Đức Thế Tôn chỉ dạy nhiều phương tiện tu hành để ra khỏi vòng sống chết luân hồi, tiến lên Phật quả. Tựu trung duy có môn niệm Phật cầu sanh Tịnh độ, không ai thưa hỏi mà đức Phật tự nói, đủ thấy tầm mức quan trọng đến dường nào! Môn ấy trùm khắp ba căn, thâu cả bốn chúng, không phải quyền tiện vì bậc hạ căn mà lập ra. Kinh nói: "Muốn thanh tịnh cõi Phật, trước thanh tịnh tâm mình!". Cho nên người tu Tịnh độ phải lấy tịnh tâm làm căn bản. Muốn tâm được thanh tịnh, điều cần nhứt là giữ giới căn cho trong sạch. Các giới tuy nhiều, nhưng yếu ước lại không ngoài ba nghiệp của thân, bốn nghiệp của miệng và ba nghiệp của ý. Giữ mười nghiệp này sạch lành, là chánh nhân của nẻo khổ tam đồ. Dùng tâm giữ giới thanh tịnh như thế, khởi lòng bi cảm, nhàm chán nỗi khổ nhơ ác ở Ta bà, phát nguyện cầu sanh Cực lạc để mau thành đạo quả độ mình độ loài hữu tình, mà lập chánh hạnh niệm Phật. Cách thức niệm Phật lại tùy tiện theo căn cảnh của mỗi người, nhưng cần phải thật tâm thật hạnh mới đem đến hiệu quả thiết thật!".
Lại có cư sĩ Tịnh Tâm đến xin chỉ dạy, hỏi: "Tại sao có nhiều người niệm Phật không tinh tấn và khó thành một khối?". Đại sư khai thị: "Điểm quan yếu bậc nhất của sự tu hành là: tha thiết vì thoát ly nỗi khổ sống chết luân hồi. Nếu không tha thiết nghĩ đến điều này, thì làm sao có thể niệm Phật tinh tấn và thành một khối được? Chúng sanh từ vô lượng kiếp đến nay, mỗi niệm buông theo vọng tưởng, gốc tình ái bám sâu, ngay ở cõi người vui ít khổ nhiều, còn trong nẻo luân hồi thì sanh lên cõi nhơn thiên như đất nơi móng tay, đọa xuống ba đường ác như đất miền đại địa! Cổ nhơn đã bảo: "Tam đồ một đọa ngàn muôn kiếp. Tái phục nhơn thân biết lúc nào?". Nếu trong đời này không thống thiết vì sự khổ sống chết luân hồi, mỗi niệm vẫn theo tình nhiễm, muốn đem lòng tin hời hợt niệm Phật để cầu thoát ly, thì khác nào mong dùng một gáo nước để cứu muôn xe lửa đỏ? Tu hành như thế chỉ e khi mất thân người khó bề lại được, một phen bê trễ tiếc hận lâu đài! Vậy phải phát lòng tinh tấn, dùng hạnh niệm Phật vượt phá muôn ngàn vọng tưởng, tùy thời tùy chỗ đều giữ cho câu Phật hiệu được hiện tiền. Quyết tâm hạ công phu khổ thiết như thế, lâu ngày sẽ được thuần thục tương ưng, và câu niệm Phật tự thành một khối. Việc này toàn do nơi mình suy gẫm và hết lòng gắng sức. Nếu đem câu niệm Phật làm hình thức bên ngoài, chắc chắn khó mong có ngày được vãng sanh giải thoát!".
Đại sư ở Lô Sơn được mấy năm rồi sang trụ tích tại Tào Khê. Tháng mười niên hiệu Thiên Khải thứ ba, ngài cảm bịnh nhẹ, bảo người rằng: "Lão Tăng duyên đời đã sắp hết!", rồi tắm gội đốt hương, ngồi ngay thẳng mà viên tịch. Lúc ấy có ánh sáng chói hừng trời. Đại sư hưởng thọ được bảy mươi tám tuổi.
Trích từ: Mấy Điệu Sen Thanh