Skip Navigation LinksHome > Pháp Bảo > Khai Thị Phật Học > Chung-Ta-Hoc-Phat-Bat-Dau-Vao-Tu-Cho-Nao-Vay...?

Chúng Ta Học Phật Bắt Đầu Vào Từ Chỗ Nào Vậy...?
Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Dịch Giả :Cư Sĩ Vọng Tây

Chúng ta học Phật bắt đầu vào từ chỗ nào vậy? Từ nơi Bồ Tát Địa Tạng mà bắt đầu. Tịnh tông học hội nơi đây, gần đây đã mua một hội sở, cũng có đất. Tất cả thế xuất thế gian pháp, nếu bạn không có đất, không có nơi chốn thì bạn cũng không thể làm gì được. Một người chính mình cũng phải có ngôi nhà nho nhỏ, cũng phải có một nơi để có thể dừng chân. Đất là vô cùng quan trọng mà Ngài Bồ Tát Địa Tạng đã biểu thị. “Địa” này chính là tâm địa, “Tạng” là Bảo tạng, chúng ta biết con người chúng ta sinh sống ở thế gian này. Không thể rời khỏi đại địa, chúng ta phải nhờ vào nó để sinh tồn, ăn uống đi lại đều phải nhờ vào đại địa sản sinh ra, cho nên đại địa hàm chứa vô tận Bảo tàng, chúng ta lấy không hết, mà dùng cũng không cạn.

Phật dạy chúng ta tu học trước tiên phải từ nơi tâm địa mà hạ công phu, trong chân tâm bổn tánh của chúng ta có vô tận trí tuệ, có vô lượng đức năng, đó chính là hàm chứa trong tâm của bạn, đó là trong tâm tánh của chính mình vốn dĩ đầy đủ. Tuy là trong tự tánh có vô lượng trí tuệ đức năng, nhưng trí tuệ đức năng ngày nay của chúng ta dường như đã bị đánh mất, biến thành không có trí tuệ, không có năng lực. Nhưng Phật đã nói với chúng ta, trí tuệ đức năng của chúng ta không hề khác biệt với chư Phật Bồ Tát, năng lực này tuy là đánh mất, nhưng Phật nói với chúng ta tuyệt nhiên không phải là mất thật. Vì sao bị mất vậy? Bị mê mất. Nếu như bạn giác ngộ rồi thì trí tuệ đức năng này liền lại hiện tiền, lại được hồi phục. Dáng vẻ của mê như thế nào vậy? Trước tiên chúng ta không cần nghiên cứu lý luận của mê, vì sao bị mê, việc đó nói ra thì rất sâu. Dáng vẻ của mê là thế nào? Vọng tưởng là mê, phân biệt là mê, chấp trước là mê. Hiện tại chúng ta thật là từ sớm đến tối, khởi tâm động niệm dấy khởi vọng tưởng. Vọng tưởng, phân biệt, chấp trước là dáng của mê.

Dáng vẻ của giác là thế nào vậy? Vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thảy đều không còn nữa, đó chính là dáng của giác. Cho nên trên kinh, Phật nói với chúng ta: “chân tâm là giác”. Mỗi người chúng ta đều có cái chân tâm này, trong chân tâm không có vọng niệm, tâm có vọng niệm thì gọi là vọng tâm, trong chân tâm đã có vọng niệm thì liền không thể gọi nó là chân tâm, mà gọi nó là vọng tâm. Chân tâm là lìa niệm. Chúng ta học Phật không gì khác hơn là hồi phục lại chân tâm mà thôi, đây cũng chính là mục tiêu tu học thứ nhất, là khai mở bảo tạng trong tâm địa của chúng ta ra. Phật pháp không phải hướng ngoại mà cầu, việc này mọi người đều phải nên ghi nhớ, Phật pháp hướng vào ngay trong tự tánh mà cầu, cho nên Phật pháp là Tâm pháp. Ở Ấn Độ xưa, Phật học gọi là nội minh, thời xưa ở Ấn Độ cũng đem học trình này phân loại, không giống như hiện tại phân nhỏ đến như vậy, họ phân rất đơn giản, họ phân làm năm loại lớn. Phật học và triết học được phân loại là nội minh, đây là hướng vào nội tâm mà cầu, không hướng ra bên ngoài.

Cho nên Phật pháp là giáo dục khởi phát tự tánh, giáo dục hồi phục bản năng. Kinh Địa Tạng chính là tuyên nói cho chúng ta pháp môn này, nói với chúng ta là trong tự tánh của chính chúng ta đầy đủ viên mãn nhất. Tôi tin là rất nhiều đồng tu đã đọc qua Kinh Địa Tạng, nếu như bạn không hiểu ý nghĩa thì bạn tụng Kinh Địa Tạng cũng giống như đọc tiểu thuyết thần thoại vậy. Kinh điển của Phật từ nơi biểu hiện có thể phân làm hai loại lớn:

* Một loại thì nói về sự, Kinh Địa Tạng nói về sự, Kinh Di Đà cũng nói sự. Cho nên bạn xem ra cũng giống như tiểu thuyết vậy, dường như không có thứ gì là giống nhau cả, thế nhưng loại kinh này rất khó giảng. Trong sự lý có đạo lý, bạn không thể đem đạo lý giảng cho rõ ràng, giảng cho minh bạch thì những sự việc này ai tin tưởng chứ? Cho nên loại kinh điển này khó giảng.

* Ngoài ra một loại nữa là nói về lý, như Kinh Kim Cang giảng lý, Tâm Kinh giảng lý. Giảng lý thì trái lại chúng ta dễ hiểu, rất bội phục. Thế nhưng trong lý có sự, nếu như không đem sự thật nói ra được, vậy những lý của đạo lý đều trống rỗng, đều biến thành không lý.

Đây là Kinh Luận của Phật pháp, chúng ta nghiên cứu giảng giải thì không thể không biết. Khi giảng về sự thì bạn phải hiểu được lý, khi giảng về lý thì bạn phải biết làm thế nào ứng dụng được cái lý này ngay trong cuộc sống thường ngày.

Vừa mở đầu Kinh Địa Tạng, khi vẫn còn chưa giảng đến kinh văn, thì Phật trước tiên phóng quang hiện tướng lành, phóng ra đại quang minh vân, đây chính là biểu thị một loại phương pháp giáo nghĩa của toàn kinh. Quang minh là trí tuệ, đại quang minh chính là trí tuệ cứu cánh viên mãn, là trí tuệ không gì không biết, không gì không thể. Trí tuệ này ở nơi đâu vậy? Ở ngay nơi tự tánh của chính chúng ta. Trong tất cả kinh điển Phật thường dùng Mây để thí dụ cái chân tướng sự thật này. Bạn nói Mây có hay là không có vậy? Nếu như nói không có, chúng ta nhìn lên bầu trời thấy từng đám mây rất rõ ràng, thấy được rất rõ ràng, rất tường tận, cho nên nó có thật. Nhưng nếu chúng ta ngồi trên máy bay, bay lên trên từng không thì có Mây hay không vậy? Không có. Cho nên Phật dùng chữ Mây này để đại biểu cho một sự việc là không thể nói có, cũng không thể nói không có.

Chẳng có chẳng không mới là chân tướng sự thật. Nếu bạn nói nó nhất định có là sai rồi, bạn thấy sai rồi, đó gọi là mê. Ngày nay chúng ta đem tất cả sự tướng của vũ trụ nhân sanh xem là thật có, điều này thật là chúng ta đã sai rồi. Tất cả các pháp bao gồm cả thân chúng ta đều là phi hữu phi vô, đây là thật tướng. Cho nên không thể nói cái này là có cũng không thể nói nó là không. Nếu bạn nói không có thì sao hình tướng nó tồn tại rõ ràng, nếu bạn nói nó có thì sao đương thể của nó đều không? Nhưng câu này không phải dễ hiểu, nhà khoa học phương tây hiện đại hiểu, họ đã phát hiện trong vật lý học vô cùng tiến bộ hiện nay, tất cả các vật chất là một hiện tượng, do nhân duyên kết hợp giống như trong Phật pháp đã nói, do duyên kết hợp lại thì có hình tướng này, duyên tan thì không còn hình tướng này nữa. Nhà khoa học hiểu rõ đạo lý này. Nếu như chúng ta hiểu được đạo lý này thì sẽ hiểu được chẳng có chẳng không mà Phật dạy cho chúng ta, chúng ta liền có thể thể hội được, liền có thể hiểu được câu nói này.

Thí dụ cái khăn lông này, chúng ta nhìn thấy cái này trước mắt là có, Phật thì nói với chúng ta nó chẳng có chẳng không. Bạn không thể nói nó có, vì sao vậy? Vì nó do duyên tạo thành. Khi chúng ta đem những sợi chỉ trong đây kéo ra thì là một sợi chỉ, chiếc khăn này là do chỉ đan lại mà thành, cho nên khi bạn kéo những sợi chỉ này ra rồi thì cái tướng của chiếc khăn không còn nữa. Thật sự khi chưa đan nó, bạn chỉ nhìn thấy chỉ chứ làm gì có cái khăn này?

Tất cả pháp đều là như vậy. Thế nên hiện tại vật lý học phân tích được rất tỉ mỉ, vật lý học đem tất cả vật chất phân thành phân tử, phân thành nguyên tử, phân thành điện tử, phân thành hạt tử, họ từ nơi đó mà thấy tất cả pháp chẳng có. Thế nhưng từ trên hình tướng to lớn mà nhìn thì tất cả pháp chẳng không. Phật vì muốn đem cái hình tướng này nói cho rõ ràng, nói cho tường tận nên dùng mây để làm tỉ dụ, làm đại biểu vạn pháp chẳng có chẳng không, đây mới là chân tướng sự thật.

Do đó, Phật dạy cho chúng ta thái độ để sống, trong Kinh Kim Cang đã nói ra một nguyên tắc lớn, một tổng nguyên tắc gọi là “Vô trụ sanh tâm”. Vô trụ là gì vậy? Bạn không nên tưởng thật, không nên chấp trước, tất cả đều là giả. Bạn tưởng thật, chấp trước là bạn sai rồi. Cho nên Phật bảo bạn “Vô trụ” thì tâm của bạn được nhiều tự tại. Vô trụ đơn giản mà nói là tâm của chúng ta phải thanh tịnh, không có lo lắng, không có dính mắc, không có vọng tưởng, không có phân biệt, không có chấp trước, bạn nói xem an lạc dường bao! Tâm của bạn được thanh tịnh, đó là ý nghĩa của vô trụ. Sanh tâm thì sao? Bạn nhất định phải sanh cái tâm giúp đỡ tất cả chúng sanh.
Trích từ: Nhận Thức Phật Giáo
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Tinh Hoa Triết Học Phật Giáo, Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ Tải Về
2 Phật Nói Kinh Phạm Võng Bồ Tát Tâm Địa Phẩm Lược Sớ, Ni Sư Thích Nữ Trí Hải Tải Về