Home > Khai Thị Niệm Phật
Sự Thờ Cúng Và Lễ Bái
Cư Sĩ Lê Sỹ Minh Tùng


Đức Phật đã chế ra 84,000 pháp môn để giúp chúng sinh tùy theo căn cơ của họ mà tu luyện. Căn cơ của mỗi người cao thấp khác nhau thì khả năng thu nhập của họ cũng không giống nhau được. Pháp môn Tịnh độ đã được chính Đức Phật chế ra để giúp đại đa số chúng sinh có thể vãng sinh mà phương pháp tu hành thì tương đối dễ dàng nhất so với các pháp môn khác. Dựa theo pháp môn nầy thì người tu chỉ cần chú tâm niệm Phật A Di Đà thì có thể vãng sanh về Tây phương Cực lạc được.

Vì tính chất hữu hiệu của nó nên pháp môn Tịnh độ là cứu cánh cho tất cả mọi người nếu muốn thoát khỏi sinh tử luân hồi. Chính ngài Diên Thọ, tổ thứ sáu của Tịnh độ tông khuyên chúng ta như sau:

”Có thiền, mà có tịnh thì như cọp mạnh thêm sừng”.

 Ngài còn thiết tha khuyên:
Có thiền mà không có tịnh,
Mười người tu thì lạc đến chín.
Ấm cảnh nếu đã hiện tiền,

Liền theo đó mà đi lẹ.

Thật vậy, chính ngài Văn Thù Bồ-tát trong kinh Quán Tam Muội cũng xác định là:

”Trong các pháp môn tu, không có pháp môn nào qua môn niệm Phật. Niệm Phật là vua của các pháp môn”.

Ngoài ra, những Bồ-tát như Quán Thế Âm, Thế Chí, Di Lặc, Mả Minh, Long thọ… đều cầu sanh Cực lạc cả. Trong lịch sử Phật giáo có rất nhiều bậc chánh truyền Thiền tông nhưng vì muốn chắc chắn để được vãng sanh, cuối cùng cũng đổi sang môn Tịnh độ. Những vị đó là Thiền sư Thừa Viển, Vĩnh Minh, Phát Huệ, Thức Hiển, Triệt Ngộ, Liên Trì…

 Điển hình là trường hợp của Thiền sư Triệt Ngộ. Chính ngài đã biết trước ngày giờ ngài sẽ vãng sanh nên sai đệ tử lập đàng trai và nói với họ rằng:

”Hôm qua ta thấy ba vị đại sĩ là Văn Thù, Thế Chí và Quán Âm. Hôm nay lại được chính Phật đến tiếp dẫn”. 

Sau đó ngài bèn kết ấn Di Đà rồi an tường mà viên tịch. Tất cả đại chúng còn nghe mùi hương lạ phảng phất khắp hư không. Như thế thì vãng sanh là Phật đến tiếp dẫn khi còn sống chớ đâu phải chờ cho đến lúc chết. Nói một cách khác là sống mà được tiếp dẫn thì gọi là được vãng sanh.

 Vậy Tịnh độ tông có những kinh sách gì?

 1) Kinh Vô lượng thọ: Kinh nầy chép lại 48 lời thề nguyện của Pháp tạng Tỳ kheo với Đức Phật Thế Tự Tại Vương Như Lai trước khi Ngài thành Phật A Di Đà. Ngài phát nguyện là sau khi thành Phật thì Ngài sẽ lập ra một cõi thật trang nghiêm thanh tịnh để tiếp dẫn chúng sanh trong mười phương thế giới. Nếu chúng sanh ấy thường niệm đến danh hiệu Ngài và thường cầu được vãng sanh cõi Tịnh độ của Ngài.

 2) Kinh Quán Vô lượng thọ: Kinh nầy ghi rõ 16 pháp quan và 9 phẩm để dạy chúng sinh được vãng sanh về Tây phương Cực lạc.

 3) Kinh Tiểu Bổn A Di Đà: Đây là kinh nói về cõi Cực lạc trang nghiêm khiến chúng ta sanh lòng ham mộ mà phát nguyện tu theo pháp môn “Trì danh niệm Phật cho đến khi Nhất tâm bất loạn” để được vãng sanh về cõi nầy.

 4) Kinh Bửu Tích: Diễn tả việc Đức Phật Thích Ca thuyết pháp môn “Trì danh niệm Phật” cho vua cha Tịnh Phạn để ngài an tâm mà vãng sanh.

 7) Kinh Đại Bổn A Di Đà: Bao gồm kinh Thập lục quan, kinh Ban Châu niệm Phật, kinh Bi Hoa, kinh Phương Đẳng, kinh Hoa Nghiêm…

Vậy có bao nhiêu cách niệm Phật?

 1) Trì Danh Niệm Phật: Mỗi ngày từ lúc mới thức dậy cho đến khi đi ngủ thì chúng ta phải chuyên tâm trì niệm danh hiệu của Phật A Di Đà. Khi đi, khi đứng, khi nằm, khi ngồi, khi ăn và trước khi đi ngủ thì chúng ta đừng bao giờ quên niệm Phật. Ngoài ra, chúng ta có thể theo phương pháp kinh hành niệm Phật, hoặc tọa thiền niệm Phật thì kết quả có thể khả quan hơn. Mỗi khi niệm Phật xong thì chúng ta phải hồi hướng cầu sanh về Tịnh độ.

 2) Quán Tượng Niệm Phật: Chúng ta phải chú tâm chiêm ngưỡng và quan sát các tướng tốt mà liên tưởng đến các đức tánh của Phật. Chẳng hạn như chiêm ngưỡng đôi mắt của Phật thì liên tưởng đến trí tuệ của Phật. Khi chiêm ngưỡng nụ cười hiền hòa của Phật thì chúng ta liên tưởng đến tánh từ bi hỷ xả của Phật. Nhờ sự liên tưởng nầy mà các đức tính tốt của Phật như từ bi hỷ xã, bình đẳng, lợi tha được thấm nhuần vào tâm của chúng ta. Nếu làm được như vậy thì càng ngày tâm của chúng ta sẽ được thanh tịnh. Chúng ta có thể lọc sạch những niệm ác và sẽ giống tâm Phật, dĩ nhiên sau đó chúng ta sẽ được vãng sanh về cõi Phật. 

 3) Quán Tưởng Niệm Phật: Mặc dầu trước mắt không có tượng hay ảnh của Phật nhưng chúng ta liên tưởng như có Đức Phật A Di Đà cao lớn đứng trên tòa sen và phóng tỏa hào quang như tấm lụa vàng bao phủ cả thân hình. Chúng ta ngồi ngay thẳng và hay tay chắp lại để tưởng mình đang ngồi trên đài sen và đang được Đức Phật tiếp dẫn. Chúng ta chăm chú mãi mãi như thế như khi đi, đứng, nằm, ngồi cũng không dừng nghĩ cho đến khi nào mở mắt hay nhắm mắt cũng đều thấy Phật. Lúc đó thì chúng ta đã thuần thục và khi lâm chung chắc chắn sẽ được vãng sanh về Tịnh độ.

 4) Thật Tướng Niệm Phật: Khi mà niệm Phật đã đến bản thể chơn tâm. Chơn tâm không sanh diệt, không khứ lai, không hư và không giả.

 5) Tham Cứu Niệm Phật: Chúng ta phải tham khảo, cứu xét, suy niệm câu niệm Phật. Chẳng hạn như khi niệm:” Nam mô A Di Đà Phật” thì chúng ta phải quan sát câu niệm nầy từ đâu mà đến và sau đó sẽ đi về đâu? Niệm đây là ai niệm? Nhờ vào sự chuyên tâm chú ý tham khảo cầu niệm Phật như thế cho nên vọng tưởng dần dần chìm lặng và cưối cùng chúng ta có thể đạt được “Nhất tâm bất loạn”. Dĩ nhiên, đến khi lâm chung, chúng ta sẽ được vãng sanh về cảnh giới Cực lạc.

Tóm lại: “ Người niệm Phật đến khi hết vọng tưởng và ngộ nhập được chơn tâm rồi thì Phật A Di Đà hay cảnh Tịnh độ cũng chỉ ở nội tâm mình hiện ra chứ không phải đâu xa”. Bởi vậy, kinh Phật mới nói rằng:”Tự tánh Di Đà, duy tâm Tịnh độ” là vậy.

Trong môn Tịnh độ nầy thì lấy tâm tín nguyện mà chuyên trì danh hiệu Phật. Trì cho đến lúc nhất tâm bất loạn thì sự nghiệp tu Tịnh độ đã đến chổ thành tựu và sẽ được vãng sanh.

Muốn tu theo những pháp môn khác thì chúng ta phải sám hối hết tất cả những tội nghiệp hiện tại cũng như trong quá khứ bằng không thì sự tu đạo sẽ gặp nhiều chướng ngại. Còn người tu tịnh độ thì được mang cả nghiệp mà vãng sanh. Và đây được gọi là đối nghiệp vãng sanh. Thêm nữa, chí tâm mà niệm một tiếng Phật thì có thể diệt được tội nặng sanh tử trong mười kiếp vậy.

Còn một điều quan trọng khác là một khi tu những pháp môn khác thì chúng ta phải đoạn trừ mọi phiền não. Còn theo Tịnh độ tông thì chúng ta chỉ cần tu tịnh nghiệp là được ra khỏi tam giới mà không cần phải đoạn sạch phiền não. Khi đã được vãng sanh là chấm dứt sanh tử và một khi đã vào cõi Thánh rồi thì việc tu đạo lại càng dễ dàng hơn. Lúc đó chúng ta sẽ dễ dàng tăng quả vị một khi đã có cơ hội gần gủi với chư Phật. 

Lúc sắp lâm chung chúng ta phải làm gì?

Cổ nhân có nói:”Ta thấy người khác chết, trong lòng cảm thấy xót xa. Chẳng phải thương cho kẻ chết mà xót xa cho chính thân ta”.

Chúng ta đã biết đời là vô thường. Của cải, tiền bạc, thân bằng, quyến thuộc cũng đều là duyên giả tạm. Sống tùy giả cảnh thì khi chết rũ sạch không? Có biết bao người vì luyến tiếc tiền của hoặc thân thuộc, đến khi sắp chết phải gặp bao khó khăn, không yên tâm nhắm mắt cho được. Do vậy, con người trước khi lâm chung thì thường có những mối nghi ngờ và chính nó sẽ là những căn nguyên làm cản trở cho việc vãng sanh của họ. Có ba mối nghi ngờ mà chúng ta cần biết đến:

 1) Nghi ngờ mình mang nhiều nghiệp nặng mà thời gian tu hành ít nên lo sợ không được vãng sanh: Họ quên rằng Đức Phật A Di Đà từng có lời thệ nguyện:”Chúng sanh nào chí tâm muốn về miền Cực lạc thì niệm danh hiệu Ngài đến mười niệm. Nếu không được vãng sanh, Ngài thề không thành Phật”. Phật không bao giờ nói dối. Mười niệm là thời gian tu hành rất ngắn mà còn được vãng sanh huống chi chúng ta niệm còn hơn số đó. Hơn nữa, dầu kẻ nghiệp nặng đến đâu mà nếu chí tâm sám hối nương về Phật A Di Đà thì Ngài sẽ tiếp dẫn.

 2) Nghi ngờ mình bản nguyện chưa trả xong, tham, sân, si chưa dứt thì lo sợ không được vãng sanh: Nói về đạo thì có người nguyện cất chùa, hay nguyện tụng kinh bao nhiêu số nhưng chưa đạt được thì sắp lâm chung. Phật dạy: “Chỉ tín tâm niệm Phật khi được vãng sanh sẽ làm vô lượng vô biên công đức. Còn bản nguyện chỉ là việc nhỏ, làm xong hay chưa xong không mấy quan hệ và chẳng có hại chi cả”. Bây giờ nói về đời: Có người lo cho cha già mẹ yếu suy tàn không có người chăm sóc. Lo cho vợ dại con thơ thiếu chỗ nương tựa hoặc có kẻ thiếu nợ chưa kịp trả. Tâm nguyện của họ chưa vẹn nên lòng chưa yên. Phật lại dạy rằng:” Lúc ta sắp chết, dù có lo hay không, cũng chẳng làm gì được. Chi bằng chuyên tâm niệm Phật thì khi được vãng sanh về Tây phương thì tất cả mọi bản nguyện trái duyên đều có thể trả xong. Tất cả kẻ oán người thân đều có thể được cứu độ”.

 3) Nghi ngờ mình niệm Phật mà Phật không đến rước thì không được vãng sanh: Người niệm Phật tùy theo công đức của mình nên khi lâm chung thì thấy Phật, Bồ-tát, hay Thánh đến rước. Có khi không thấy chi nhưng nhờ sức nguyện tinh tấn của mình và Phật lực thầm giúp đở cho nên thần thức tự bay về Tây phương Cực lạc. Chỉ cần lúc ấy họ phải chí tâm niệm Phật chớ đừng nghĩ ngợi chi khác. Nếu nghi ngờ sẽ tự sanh ra chướng ngại.

Còn một điều nữa là trong gia đình từ cha mẹ, anh em, vợ chồng, con cái đều là do đời trước có nợ nần, ân oán nên kiếp nầy mới tạm hội ngộ nhau mà thôi. Khi nhân duyên đã hết thì mỗi người đi mỗi ngã. Nếu có lòng thương là tốt hơn chúng ta nên gác bỏ tình cảm trần gian để cầu sanh về Tây phương cực lạc. Khi cái chết sắp đến, dù có quyến luyến cũng không thể đem theo, không làm chi được. Bởi vì chính xác thân của chúng ta cũng phải tan về cát bụi. Nếu luyến ái thì khó mà được vãng sanh lại bị khổ luân hồi vô cùng vô tận.

Có nên khóc lóc cho người thân khi họ sắp chết không?

Theo Phật giáo, khi có người sắp chết thì thân bằng quyến thuộc không nên khóc lóc và cũng đừng lộ nét bi thương. Bởi vì lúc bấy giờ người sắp chết đã đi đến ngã rẽ phân chia giữa quỉ, người và Thánh. Đây là giây phút quan trọng nhất trong cuộc đời của họ chẳng khác nào ngàn cân treo dưới sợi tóc. Chúng ta chỉ chí tâm trợ niệm Phật A Di Đà là tốt nhứt. Dẫu người có chí nguyện vãng sanh mà bị thân quyến thương khóc làm cho khởi động niệm tình ái thì tất bị đọa luân hồi. Do đó bao nhiêu công phu tu luyện đều phí cả. Nên nhớ khi người sắp mãn phần thì họ cần sự trợ niệm của chúng ta bởi vì lúc nầy từ tinh thần đến thể chất của họ đều yếu kém mê mờ, khó mà tự chủ cho được. Chúng ta nên thỉnh tượng hay hình Đức Phật A Di Đà để trước mắt họ cho họ nhìn thấy. Sau đó cắm một bình hoa tươi và đốt vài nén nhang. Bởi vì khói thơm vừa thoáng để tiến đến chánh niệm cho họ. Chúng ta vẫn tiếp tục thay phiên nhau hay cùng nhau niệm Phật A Di Đà cho họ.

Làm gì khi họ mới tắt hơi?

Một điều thật quan trọng là khi họ mới tắt hơi thì không nên vội di động thân thể của họ cho dù có dơ dáy. Trước và sau khi chết, người thân không được khóc mà chỉ tiếp tục niệm Phật A Di Đà. Phải đợi 8 tiếng đồng hồ sau mới được đụng xác họ bởi vì trong khoảng thời gian nầy thì người chết vẫn còn cảm giác. Tuy họ đã chết, nhưng A-Lại-Da thức còn chưa ra khỏi xác thân họ. A-Lại-Da thức là thần thức đã giữ gìn tất cả những nghiệp thức của họ đã tao ra khi còn sống trong kiếp nầy và của kiếp trước dựa theo nghiệp lực để dẫn họ đi đầu thai khi có đủ nhân duyên. 

Việc gì sẽ xảy ra cho họ khi mà họ mới lâm chung?

Có ba trường hợp xảy ra cho người vừa mới lâm chung:

1) Những người khi còn sống tạo ra rất nhiều thiện nghiệp, làm lành tránh dữ thì sẽ sinh lên cõi trời tức thì sau khi chết. Nhưng nên nhớ cõi trời ở đây vẫn nằm trong lục đạo, có nghĩa là chúng ta chưa thoát ra khỏi vòng sanh tử.

2) Những người lúc sinh thời tạo quá nhiều ác nghiệp thành thử nghiệp quả của họ quá nặng do đó khi chết họ sẽ bị đọa tức thì vào đường súc sanh, ngả quỷ hay địa ngục.

3) Những người tu tịnh nghiệp sẽ được vãng sanh về Tây phương Cực lạc.

Ngoài ba trường hợp trên thì người chết phải đợi trong vòng 49 ngày để thần thức hội đủ tất cả các nhân duyên rồi mới được chuyển sinh tùy theo nghiệp thức của họ.

Vì thế từ lúc mới chết cho đến khi đi đầu thai là khoảng 49 ngày thành thử cách tốt nhất là trong khoảng thời gian nầy chúng ta liên tiếp tụng, niệm Phật để trợ lực thêm cho họ. Nếu ho sinh vào cõi trời , nhờ sự trợ lục nầy họ có thể tăng thêm phước lạc. Nếu họ bị đọa vảo ba đường dữ, nhờ sự trợ lực nầy, họ cũng giảm đi nỗi khổ đau và cải thiện sự đầu thai của họ. Còn như họ đã sinh về cõi Phật thì phẩm sen cũng được nâng cao. 

Còn việc cúng tế thì sao?

Chúng ta là người Phật tử thì chỉ nên cúng kiến những món chay mà thôi. Khi phải sát sinh để cúng cho họ thì chẳng những chúng ta tự mình tạo ra ác nghiệp mà còn gieo nghiệp ác cho người quá vãng nữa. Như vậy có thể cản trở cho việc vãng sanh của họ.

Chúng ta phần lớn hấp thụ giáo lý Khổng Mạnh nên thường tổ chức cúng giỗ cho rình rang. Bởi vì Đức Khổng Tử nói rằng: “Thờ cha kính mẹ lúc còn sống cũng như khi chết”. Nhưng khi hỏi thì con người sẽ đi về đâu sau khi chết thì Ngài trả lời:”Việc sống còn không biết hết, thì việc chết miễn bàn”. Thật vậy, Đạo Khổng chỉ dạy con người một đời mà thôi có nghĩa là từ lúc sinh ra đến lúc chết. Nếu cho rằng cúng tế thật rình rang để tỏ lòng hiếu để đối với người chết thì thật là bất hiếu. Tại sao vậy? Bởi vì nếu lúc cha mẹ còn sinh tiền không giúp họ tu nhân tích đức, tu đạo để được vãng sanh thì là con bất hiếu rồi. Đến khi họ chết thì lo cúng giỗ cho lớn nhưng nếu họ chứng được thì là nguy to. Tại sao? Bởi vì sau bao năm mà họ không đầu thai được chỗ nào tức là không được siêu thoát thì họ đã thành ma đói rồi. Thật là một điều thê thảm. Còn nếu họ không chứng thì mình cúng lớn là để mình ăn cho sướng mà thôi. 

Mỗi năm nhân mùa Vu lan báo hiếu thì thường thường chúng ta về chùa để cầu nguyện cho ông bà quá vãng. Đây là dựa theo chuyện của ngài Mục kiền Liên ngày nọ để cứu mẹ là bà Thanh Đề ở dưới địa ngục. Nếu chúng ta đã học qua Phật pháp thì người con có hiếu là không phải đợi đến rằm tháng bảy mới lo cho cha mẹ. Lo như vậy là đã quá trễ rồi. Đó là con bất hiếu chứ đâu phải là hiếu tử. Nếu muốn báo hiếu cho cha mẹ thì từ đây phải khuyến khích họ cùng chúng ta để lo tu học, niệm Phật, tạo nhiều công đức và phước đức. Nên làm lành tránh dữ thì dù chúng ta không đến chùa vào lễ Vu lan nhưng chắc chắn tương lai của họ cũng như của mình sẽ vô cùng sáng sủa. Đây là cách báo hiếu chân thật.

Niệm Phật tam muội.

Người niệm Phật khi đạt đến chỗ tuyệt đỉnh tận cùng thì sẽ thấy cảnh hư linh sáng lạng và vọng giác tiêu tan. Lúc đó họ sẽ quên hết thân tâm ngoại cảnh, không còn ảnh hưởng thời gian không gian và tâm thể bừng sáng để chứng vào cảnh giới “vô niệm vô bất niệm”. Không niệm mà niệm, không thấy biết mới là sự thấy biết chân thật bởi vì có thấy biết tức là lạc theo trần giới. Đến đây thì nước bạc non xanh, suối reo chim hót và tâm quang sáng chói.

 Có bốn môn niệm Phật tam muội là:

I. Bát chu tam muội: Bát chu có nghĩa là Phật lập. Khi thực hành môn nầy thì chúng ta phải lấy 90 ngày làm một định kỳ. Trong thời gian ấy, ngày đêm chúng ta chỉ đứng hoặc đi, lúc nào cũng tưởng Đức Phật A Di Đà hiện thân với 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp. Khi công thành thì chúng ta sẽ thấy Đức Phật A Di Đà và chư Phật mười phương hiện ra đứng trước mặt chúng ta để khen ngợi. Người tu môn nầy thì khi đi, mỗi bước đều không rời danh hiệu Phật. Pháp môn nầy công đức rất cao nhưng chỉ dành cho những bậc thượng căn mà thôi.

II. Nhất hạnh tam muội: Nhất hạnh có nghĩa là chuyên nhất về một môn mà thôi. Khi tu theo môn nầy thì chúng ta thường ngồi và chỉ chuyên nhất quán tưởng hoặc niệm danh hiệu Đức A Di Đà. Mặc dầu tu một môn nhưng công phu thật viên hạnh. Môn nầy thì dành cho mọi người.

III. Pháp hoa tam muội: Đây là một trong 16 tam muội như kinh Pháp Hoa Diệu Âm Bồ-tát đã nói. Khi tu theo môn nầy thì chúng ta có thể thay đổi giữa ngồi và đi để quán Phật hoặc niệm Phật cho đến khi nào chứng nhập vào Chánh định. Phép tu nầy thì có phần dễ hơn Nhất hạnh tam muội ở trên.

IV. Tùy tự ý tam muội: tu theo pháp môn nầy thì tùy tâm mà đi đứng, nằm ngồi để niệm danh hiệu Phật A Di Đà cho đến khi vào tam muội. Lối tu nầy con được gọi là :”Lưu thủy niệm Phật”. Cũng như ngọn nước của dòng sông cứ kiên tục chảy mãi, dầu gặp cây đá ngăn cản thì nó chỉ dội lại rồi cũng tìm lối chảy đi. Người tu theo lối nầy thì cứ mỗi buổi trưa lễ Phật A Di Đà bốn mươi tám lạy. Còn Quán Thế Âm, Thế Chí và Hải Chúng mỗi danh hiệu bảy lạy. Sau đó quỳ xuống để sám hối. Rồi từ đó cho đến tối, lúc đi đứng nằm ngồi đều niệm Phật. Họ có thể lần chuỗi ghi số, hoặc niệm suông, cho đến khi đi ngủ. Trước khi đi ngũ thì lễ Phật một lần nữa và đem công đức tu trong ngày mà phát nguyện hồi hướng vãng sanh. Pháp tu nầy tuy tùy tiện dễ dàng nhưng phải tránh bớt duyên và cố tâm bền bỉ mới mong thành tựu.

Vội vội vàng vàng khổ nhọc cầu
Mưa mưa nắng nắng trải xuân thu
Hôm hôm sớm sớm lo sinh kế
Lãng lãng quên quên thấy bạc đầu
Thị thị phi phi không kết liểu
Phiền phiền não não những bi ưu
Rành rành rõ rõ một đường đạo
Vạn vạn ngàn ngàn chẳng chịu tu.
Cho nên chúng ta phải tu, phải lo niệm Phật:
“Nắm lấy chuổi tràng trần niệm dứt
Nghiễm nhiên thành Phật đã lâu rồi”
 
Phần Tóm Lược

Ngày nay rất nhiều người tu Tịnh độ, lễ bài rất chuyên cần mà vẫn không đạt kết quả bao nhiêu? Họ đi chùa lễ Phật , tham dự nhiều Phật thất năm nầy qua năm khác mà chứng nào vẫn tật nấy…Tại sao?

Đối với Tịnh độ thì người tu phải nắm vững những nguyên tắc căn bản rất quan trọng là chí tâm chí thành mà thường được gọi là Tín, Hạnh, Nguyện thay vì thực hành như một thói quen máy móc nên không có kết quả bao nhiêu.

Nên nhớ Tịnh độ không những chú trọng đến tha lực (Phật lực A Di Đà) mà còn đòi hỏi cả công phu về tự lực nữa. Quy tắc căn bản về pháp môn niệm Phật là phải biết nghiêm trì sáu căn: Mắt, Tai, Lưỡi, Mũi, Thân, Ý và ba nghiệp: Thân, Khẩu, Ý cho thật thanh tịnh để lúc niệm Phật được nhất tâm. Đây chính là phần tự lực mà con người phần lớn bỏ quên đi không chú ý đến. Khi niệm Phật, hành lễ mà thấy tự tâm tha thiết mạnh mẽ, không hề có vọng tưởng thì có thể cảm thông được với chân tâm của chư Phật trong Pháp giới. Thật ra tâm Phật và tâm của chúng sinh không hề khác nhau, đều cùng một Bản Thể, nhưng vì chúng sinh chưa ý thức được điều nầy vì còn bị vô minh che phủ nên mới có sự phân biệt, xa cách. Thêm nữa, chúng sinh từ vô thỉ đến nay đã gây ra biết bao tội ác cho nên dù công phu tu tập đến đâu cũng khó mà giải trừ hết nghiệp chướng trong một đời nên phải nhờ oai lực của câu niệm Phật để tiêu trừ bớt nghiệp giúp cho tín căn, tín lực gia tăng mà được vãng sinh. Đó là phần tha lực.

Còn về phần tự lực thì khi người niệm Phật thì họ biết giữ sao cho mắt đừng bị chi phối bởi ngoại cảnh, đừng nhìn ngang nhìn dọc làm cho tâm sinh loạn tưởng. Muốn tâm được thanh tịnh thì phải biết làm chủ sáu căn của mình. Khi niệm Phật thì mắt chỉ chăm chú nhìn lên tượng Phật hoặc giữ hình ảnh của Phật A Di Đà trong tâm mà thôi. Mắt không nên nhìn chung quanh rồi tâm sinh vọng động để rồi suy nghĩ, lo lắng đủ điều thì làm sao có thể đạt được trạng thái nhất tâm bất loạn được. Niệm tới đâu phải biết tới đó, niệm một câu biết một câu, niệm mười câu biết mười câu chớ không lầm lẫn hoặc lầm lạc. 

Khi niệm Phật đừng để cho tai nghe những tiếng động khác chung quanh mà làm cho tâm ý khởi vọng động. Các căn còn lại như mũi, lưỡi, thân, ý cũng phải kiểm soát như thế thì vọng động không xen vào trong tâm thức của người niệm Phật. Khi tất cả sáu căn được thu nhiếp và được đặt dưới sự kiểm soát của tâm để không còn vọng động, không còn loạn tưởng thì đạt được Nhất Tâm Bất Loạn. Nếu nghĩ lại đây là Chánh Niệm của người tu Tịnh độ và đây cũng chính là Chánh Niệm của người tu thiền. Phương tiện tuy có khác nhưng mục đích nào có khác gì đâu. 

Trong ba nghiệp thì Ý Nghiệp là mạnh nhất. Ý là nhân mà thân khẩu là quả của nó. Vì thế đối với người tu Tịnh độ thì ít ai có thể kiểm soát được nên người niệm Phật phải trông vào tha lực của chư Phật hộ trì cho. Nếu người niệm Phật chí tâm chí thành niệm danh hiệu Phật A Di Đà thì tâm vọng tưởng, tâm điên đảo, tâm nghĩ ngợi lung tung sẽ từ từ tan biến và được thay bằng bản tâm thanh tịnh. Oai lực của sáu chữ hồng danh rất lớn, bất khả tư nghì cho nên nếu người niệm Phật nhất tâm trì tụng thì có thể khắc phục được Ý Nghiệp của mình. Khi ba nghiệp Thân-Khẩu-Ý được thanh tịnh, sáu căn không còn dính mắc thì trí tuệ sáng suốt và chắc chắn sẽ được vãng sanh về cõi Tây phương Cực Lạc. 

Tóm lại pháp môn Tịnh độ bao gồm cả tự lực lẫn tha lực, tuy giản dị nhưng công năng vô cùng huyền diệu. Muốn tu theo pháp môn nầy mà không nắm vững quy tắc căn bản là nghiêm trì sáu căn và ba nghiệp thì cho dù họ có đọc tụng thiên kinh vạn quyển, niệm muôn trùng biến thì cũng chẳng có lợi ích bao nhiêu. Rất nhiều người cho rằng tu Tịnh độ chỉ trông nhờ vào tha lực tiếp dẫn của Phật A Di Đà mà thôi thì cũng là một thiếu sót. Bởi vì thiếu tự lực thì không thể được nhất tâm. Mà không nhất tâm thì làm sao thông cảm được với chân tâm của chư Phật. Thêm nữa, một số người niệm Phật để cầu phước hay để xin xỏ việc nầy việc nọ thì cũng là đi ngược lại với đường lối của Tịnh độ bởi vì niệm Phật mà thiếu tâm thành chỉ mong cầu nầy nọ tức là tâm vẫn còn tham thì làm sao có kết quả được. Đối với người tu Tịnh độ thì họ không cần xin gì ngoài việc vãng sinh về cõi Tây phương mà thôi. 

 Vì Tịnh độ bao gồm cả tự lực và tha lực nên Tịnh gồm cả Thiền và Mật. Đó là người tu phải ý thức hành vi cử chỉ của mình và vừa tha thiết niệm hồng danh Phật A Di Đà để cầu vãng sinh. Pháp môn nầy do chính Đức Phật Thích Ca nói ra và chư Phật mười phương đều tán thán. Ngay cả Bồ-tát Di Lặc chỉ còn một đời nữa sẽ thành Phật mà còn ngày đêm hành lễ thì đủ biết tầm quan trọng và công năng của nó như thế nào. 

Chúng ta niệm danh hiệu Phật A Di Đà để dẹp trừ vọng tưởng chấp trước bao nhiêu đời . Vì thế một câu niệm Phật như cầm chổi quét sạch vọng tưởng. Niệm mãi không quên khiến vọng niệm tự tiêu trừ. Sáng niệm Phật, tối niệm Phật. Đi đứng nằm ngồi trong 24 tiếng niệm niệm không quên. Thầm thầm lặng lặng, công phu thuần thục chín mùi thì cảnh Tây phương Cực lạc hiện trước mắt, được lợi ích vô biên.



Từ Ngữ Phật Học Trong: Sự Thờ Cúng Và Lễ Bái