Chư Ðại Bồ Tát khuyên người Niệm Phật và Nguyện Sanh
Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Tịnh

I. Ðại Thế Chí

Ðức Ðại Thế Chí Bồ Tát do niệm Phật mà chứng viên thông, nhẫn đến tu Bồ Tát đạo giáo hóa chúng sanh đều không rời pháp môn Niệm Phật. Chúng ta nên cố gắng noi theo người.

Trong pháp hội Thủ Lăng Nghiêm, lúc đức Bổn Sư hỏi về nguyên chứng nhập viên thông của thánh chúng, đức Ðại Thế Chí Bồ Tát bạch rằng: “Tôi nhớ lại hằng hà sa số kiếp về trước đức Siêu Nguyệt Quang Như Lai dạy cho tôi pháp “Niệm Phật tam muội”.

Ví như có hai người: “A thời nhớ B mãi, còn B thời quên A mãi. Hai người như vậy, dầu gặp nhau cũng thành không gặp, dầu thấy nhau cũng như không thấy. Nếu hai người tha thiết nhớ nhau, thời đời đời gần nhau như hình với bóng.

Chư Phật thương nhớ chúng sanh như mẹ nhớ con. Nếu con cứ trốn lánh, thời mẹ dầu có nhớ cũng không làm sao được. Nếu con cũng nhớ mẹ, như mẹ nhớ con, thời mẹ con đời đời không xa nhau.

Nếu tâm chúng sanh nhớ Phật niệm Phật thời hiện tiền cùng tương lai quyết định thấy Phật, gần kề bên Phật, không cần tu trì phương pháp chi khác mà tự đặng minh tâm kiến tánh.

Như người ướp hương, thời thân có mùi hương đây gọi là “Hương quang trang nghiêm”.

Ngày trước lúc tôi tu nhơn, do tâm niệm Phật mà được chứng nhập vô sanh nhẫn. Nay ở thế giới này, nhiếp người niệm Phật về Tịnh Ðộ.

Ðức Thế Tôn gạn viên thông, cứ nơi tôi, thời đều nhiếp cả sáu căn tịnh niệm nối luôn, đặng thành chánh định đây là đệ nhứt.

Thuật theo kinh: Thủ Lăng Nghiêm.

Lời Phụ - Kinh Hoa Nghiêm nói: “Do lòng đại bi muốn cứu vớt tất cả chúng sanh mà có Bồ Ðề tâm mà thành Chánh Giác”.

Gốc từ lòng “đại bi” mà thành Phật, nên lòng của Phật, hay đức Từ Phụ ta, không bao giờ rời ta vào tất cả chúng sanh. Nếu ta chuyên chí muốn gặp Phật mà tưởng Phật và niệm Phật luôn, tất sẽ được thấy Phật, sẽ được gần Phật.

Như lời Bồ Tát dạy: Nếu tâm chúng sanh nhớ Phật niệm Phật, thời hiện tiền cùng đương lai quyết định thấy Phật, gần Phật. “Hiện tiền”… là hiện tại do tâm niệm Phật thuần thục mà được tương ứng với Phật, nên trong lúc tâm tịnh được thấy Phật hiện đến, hoặc thần du Tịnh Ðộ lễ Phật.

“Ðương lai”… là đời sau sanh về Tịnh Ðộ ở gần bên Phật. Thấy Phật, nghe lời Phật dạy, tự nhiên trí huệ sáng thông, thấu suốt bốn tâm chứng nhập vô sanh nhẫn.

Người chí tâm niệm Phật, dầu chưa thành Phật mà đã có công đức của Phật. Như ta ướp hương, thân ta chưa phải là hương mà đã có mùi thơm của hương.

Vì các lẽ trên, nên các Thánh Hiền đều tán thán pháp môn Niệm Phật là giản dị, siêu thắng trong tất cả pháp môn. “Giản dị”, vì hạng nào cũng có thể thật hành được, “siêu thắng”, vì mau siêu phàm nhập Thánh, công ít mà quả cao, lại chắc chắn sẽ thành Phật.

Bồ Tát dạy: “Phật thương nhớ chúng sanh như mẹ nhớ con”. Cảm động thay!

Chúng ta nên thiết tha nhớ Phật và chí tâm niệm Phật, chớ nỡ phụ lòng nhớ thương của Phật!

II. Phổ Hiền

Giữa pháp hội Hoa Nghiêm, trước vi trần số đại Bồ Tát cùng chúng đại Thanh Văn và vô số lượng Nhơn, Thiên, bát bộ, dưới sự chủ tọa chứng minh của đức Bổn Sư Thế Tôn. Phổ Hiền Bồ Tát khi ca tụng công đức của Phật xong, ngài nói với đại chúng và Thiện Tài đồng tử rằng: “Nầy các ngài! Nếu người nào muốn thành tựu công đức của Phật, phải tu mười môn hạnh nguyện rộng lớn: một là “lễ kính chư Phật”, hai là “xưng tán Như Lai”, ba là “quảng tu cúng dường”, bốn là “sám hối nghiệp chướng”, năm là “tùy hỷ công đức”, sáu là “thỉnh chuyển pháp luân”, bảy là “thỉnh Phật trụ thế”, tám là “thường tùy Phật học”, chín là “hằng thuận chúng sanh", mười là “phổ giai hồi hướng”.

Nếu các vị Bồ Tát tùy thuận vào nơi mười đại nguyện này, thời có thể thành thục tất cả chúng sanh, thời có thể tùy thuận vô thượng Chánh Giác, và có thể thành tựu hoàn mãn các hạnh nguyện của Phổ Hiền Bồ Tát.

Hoặc lại có người thâm tín mười đại nguyện này, rồi thọ trì đọc tụng, nhẫn đến biên chép cùng giảng nói cho mọi người, người này sẽ vãng sanh Cực Lạc. Ðến giờ lâm chung căn thân đều hư hoại; thân thuộc, danh vị, quyền thế, tiền tài v.v… tất cả đều bỏ lìa, duy có đại nguyện này không rời người. Trong một sát na, nó dẫn đạo cho người sanh về Cực Lạc thế giới, liền được thấy đức A Di Ðà Phật, Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, Phổ Hiền Bồ Tát, Quán Tự Tại Bồ Tát, Di Lạc Bồ Tát v.v… Người ấy tự thấy mình sanh trong hoa sen báu, được đức Phật thọ ký. Ðược thọ ký rồi, từ đó đến vô số trăm nghìn muôn ức na do tha kiếp, người dùng trí huệ tùy thuận tâm tánh của chúng sanh trong vô lượng vô số thế giới ở mười phương mà làm cho được lợi ích. Không bao lâu người ấy sẽ ngồi đạo tràng Bồ Ðề, hàng phục quân ma thành bực vô thượng Chánh Giác, chuyển đại pháp luân, nhẫn đến làm lợi ích cho tất cả chúng sanh cùng tận thuở vị lai…

Kế đó ngài xướng kệ rằng.
Nguyện tôi đến lúc mạng sắp chết.
Trừ hết tất cả những chướng ngại.
Diện kiến đức Phật A Di Ðà.
Liền được vãng sanh nước Cực Lạc.
Tôi đã vãng sanh Cực Lạc rồi.
Hiện tiền thành tựu đại nguyện này.
Viên mãn tất cả không còn thừa.
Lợi lạc hết thảy chúng sanh giới.
Chúng hội của Phật đều thanh tịnh.
Tôi liền thác sanh trong hoa sen.

Nhìn thấy Như Lai Vô Lượng Quang.
Hiện tiền thọ ký tôi thành Phật.
Ðược đức Như Lai thọ ký rồi.
Hóa vô số trăm câu chi thân.
Trí lực rộng lớn khắp mười phương.
Lợi khắp tất cả chúng sanh giới.

Và sau cùng, Phổ Hiền Bồ Tát kết thời thuyết pháp ấy bằng bài kệ hồi hướng công đức, nguyện cho mọi loài đồng về Cực Lạc.

Thắng hạnh Phổ Hiền của tôi đây.
Thắng phước vô biên đều hồi hướng.
Nguyện cho những chúng sanh trôi chìm.
Mau sanh cõi Vô Lượng Quang Phật.

Bồ Tát dứt lời, đức Bổn Sư liền khen rằng: “Thiện tai! Thiện tai!”.

Trích Hoa Nghiêm kinh Hạnh Nguyện phẩm.

Lời Phụ - Pháp hội Hoa Nghiêm, một pháp hội lớn nhứt và viên mãn nhứt trong một đời ứng thế của đức Bổn Sư. Phổ Hiền, vị Ðại Bồ Tát thượng thủ của Pháp hội này. Chúng hội là những bực đại thừa Viên Giáo, trụ bất tự nghị giải thoát cảnh giới.

Ðức Phổ Hiền tự nguyện, và đạo dẫn toàn thể chúng hội đồng nguyện cùng về Cực Lạc thế giới để mau viên mãn phước huệ, chóng chứng quả vô thượng Bồ Ðề, và chỉ có cứu cánh Phật quả mới độ sanh được viên mãn rốt ráo.

Do đây thấy rằng, Cực Lạc thế giới là một đại học đường bảo đảm mau thành Phật, nên chư vị đại Bồ Tát mới đồng nguyện cùng về như vậy.

 

Ðức Phổ Hiền Dạy Tu Niệm Phật Tam Muội

 Thuật theo kinh: “Như Lai bất tư nghị cảnh giới”

... Lúc bấy giớ, đức Thế Tôn nhập vào chánh định “Như Lai Bất Tư Nghị Cảnh Giới”. Phổ Hiền Bồ Tát nói với Ðức Tạng Bồ Tát rằng: “Nếu ai phát Bồ Ðề tâm muốn chứng chánh định này, trước phải tu trí huệ. Vì chánh định này do trí huệ mà đặng.

Ðây là tu trí huệ: Phải xa lìa vọng ngôn, ỷ ngữ và những sự tán loạn vô ích. Rồi đến Phật điện, xem tượng Phật thuần vàng, hay tượng Phật thếp vàng đủ các tướng tốt cùng viên quang hóa Phật. Liền cúi đầu đảnh lễ mà suy nghĩ như vầy: “Tôi nghe đức A Di Ðà Phật hiện tại đang thuyết pháp ở Tây phương Cực Lạc thế giới". Rồi lòng tôn kính tin mến, tưởng hình tượng ấy là thân thiệt của đức Phật. Hết lòng kính ngưỡng như đức Phật hiện đến. Rồi nhứt tâm nhìn kỹ từ trên đảnh tướng đến dưới bàn chơn.

Nhìn xong đi qua chỗ vắng vẻ ngồi ngay thẳng, quán tưởng hiện ra đức Phật hiện ra cao lớn chừng một tay. Trong tâm phải khắn nhớ luôn chớ để quên mất. Nếu tạm quên, thời đến Phật điện mà chăm nhìn lại. Lúc nhìn xem như vậy, lòng phải hết sức cung kính như đối Phật thiệt, không để có quan niệm là hình tượng. Rồi sắm hoa đẹp, hương thơm dâng cúng. Nhứt tâm tưởng là đức Phật ở trước mình. Và nghĩ rằng: Ðức Phật Thế Tôn là bực Nhứt Thiết Trí, ngài thấy tất cả, nghe tất cả, chắc ngài biết rõ tâm mình.

Khi quán tưởng thành, liền trở về chỗ vắng, ngồi tưởng mãi không quên. Nhứt tâm siêng tu đủ 21 ngày, nếu là người phước đức thời bèn thấy đức Như Lai hiện ra.

Hoặc là người đời trước có gây tạo ác nghiệp mà chẳng đặng thấy Phật nếu có thể chuyên cần tu tập không thối tâm và không móng tưởng việc khác, thời rồi lại mau được thấy Phật.

Vì rằng nếu ai cầu Vô Thượng Bồ Ðề mà chuyên tu một pháp thời đều thành tựu cả. Như người uống một ngụm nườc biển, tức là đã được nếm nước của tất cả con sông trong đại địa. Bồ Tát nếu có thể tu tập pháp môn này, thời là đã tu tất cả tam muội, các nhẫn, các địa, các môn đà la ni. Vì thế, phải nên thường siêng tu tập, chớ có biếng trễ, chớ phóng dật, nhứt tâm tưởng niệm cho được hiện tiền thấy Phật.

Lúc được thấy Phật, lại nên nhận biết là tâm tưởng sanh, là duy tâm hiện, bình đẳng không sai khác. Tâm mình làm Phật, rời tâm không Phật. Nhẫn đến thập phương chư Phật cũng vậy, đều chỉ y tự tâm. Bồ Tát nếu có thể thấu rõ chư Phật và tất cả pháp đều là duy tâm, thời đặng chứng Tùy Thuận Nhẫn hoặc nhập Sơ Ðịa. Lúc lâm chung được sanh về Cực Lạc Tịnh Ðộ, thường được thấy Phật, gần Phật, nghe pháp và cúng dường Phật.

Lời Phụ - Pháp môn niệm Phật có 4: A- Thật tướng niệm Phật. B- Quán tưởng niệm Phật. C- Quán tượng niệm Phật. D- Trì danh niệm Phật.

Một môn A thuộc về lý niệm. Ba môn dưới thuộc về sự niệm gồm cả lý niệm.

Bài trên, Phổ Hiền Bồ Tát dạy quán trượng trước, kế tưởng niệm. Và sau cùng, khi quán hạnh đã thành, tấn niệm thật tướng, tức là duy tâm bình đẳng. Ðây là trước thành tựu tam muội, sau chứng lý niệm Phật tam muội.

Ở Tiểu Bổn kinh, đức Bổn Sư dạy môn trì danh niệm Phật. Chấp trì danh hiệu đến nhứt tâm bất loạn là được sự niệm Phật tam muội, đạt “niệm tức vô niệm" là chứng lý tam muội. Kết quả đồng bực với môn quán hạnh trên. Nhưng nơi dụng công tu tập thời môn trì danh có phần giản tiện hơn. “Giản” là vì hồng danh có 6 chữ hay 4 chữ dễ nhớ rõ không phải nhiều như các tướng hảo khó nhớ. “Tiện” là vì có thể được nghe hồng danh bất cứ ở chỗ nào và lúc nào, không phải cứ ở nơi Phật điện và phải thật sáng như quán tượng. Vả lại trì danh, niệm thầm cũng được, niệm ra tiếng cũng được. Nhờ niệm ra tiếng, nên có thể thật hành ở nơi ồn ào. Chớ quán tưởng quyết phải ở nơi vắng lặng.

Vì các lẽ trên, nên môn quán hạnh phải là bực thượng trí mới chắc thành tựu. Còn môn trì danh có thể thích hợp với tất cả mọi hạng người, và bất cứ ai, nếu chuyên tâm thiết thiệt thật hành đều thành tựu được cả. Chúng ta sẽ được thấy sự chứng nghiệm trong những tiểu sử của các nhà niệm Phật ở quyển sau.

Như lời Bồ Tát dạy: “Nếu ai cầu Vô thượng Bồ Ðề, mà chuyên tu một pháp thời đều thành tựu cả”. Thế là vì muốn thành Phật để độ sanh mà chuyên niệm Phật vậy.

Nếu ta muốn thành công nơi pháp môn niệm Phật, nghĩa là muốn chứng tam muội vãng sanh Cực Lạc, tất phải tuân lời dạy của Bồ Tát: A.- “Lập trí cầu thành Phật. B.- “Chuyên cần tu niệm Phật.

III. Văn Thù Sư Lợi

Ðức Văn Thù Sư Lợi là một vị Bồ Tát. Trong thời kỳ đức Bổn Sư ứng thế, ngài là vị thượng thủ trong hàng Bồ Tát chúng, mà cũng là thượng thủ cả chúng hội. Ngài thường vì chúng hội mà khải thỉnh nơi đức Bổn Sư. Ngài cũng là người thường thay mặt đức Bổn Sư mà khai thị diệu pháp cho chúng hội.

Dưới đây là lời của ngài khuyên tấn chúng hội nên thường niệm Phật, trích trong kinh “Quán Phật Tam Muội Hải”.

Lúc đức Thế Tôn giảng pháp “Quán Phật Tam Muội” xong, Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát bảo đại chúng rằng:

Về thuở quá khứ, thời kỳ Phật Bửu Oai Ðức Như Lai, đồng tử Giới Hộ, con trai của một ông Trưởng giả, từng thọ pháp Tam Quy khi còn ở trong thai mẹ. Năm lên tám, một hôm cha mẹ thỉnh Phật đức Bửu Oai Ðức Phật về nhà cúng dường. Ðồng tử Giới Hộ thấy đức Phật cử chỉ đoan trang đi chậm rãi, dưới chơn Phật, mỗi bước mọc hoa sen, thân Phật tỏa ánh sáng rực rỡ, thời mừng rỡ cung kính, liền cúi đầu đảnh lễ. Lễ Phật rồi, đồng tử chí thành chăm nhìn Phật không rời.

Ðồng tử Giới Hộ nhơn vì một lần được thấy Phật và nhìn Phật đó mà tiêu trừ được tội sanh tử của trăm nghìn ức na do tha kiếp. Từ đó về sau, đời đời luôn đặng gặp chư Phật, nhiều đến số trăm ức na do tha hằng hà sa đức Phật. Các đức Thế Tôn ấy đều giảng dạy pháp “Quán Phật Tam Muội” đúng như lời của đức Bổn Sư vừa giảng hôm nay.

Sau đó có trăm vạn đức Phật ra đời đồng một hiệu: Chiên Ðàn Hải. Ðồng tử chầu chực khắp tất cả chư Phật, thường lễ Phật, cúng dường, chấp tay nhìn Phật. Do công đức quán Phật, nên rồi lại đặng gặp trăm vạn a tăng kỳ đức Phật liền chứng đặng trăm vạn ức “Niệm Phật tam muội”, chứng đặng trăm vạn a tăng kỳ “triền đà la ni môn”. Khi đồng tử đã chứng các môn tam muội và đà la ni, chư Phật liền hiện thân thuyết vô tướng pháp cho. Khi đồng tử đặng nghe vô tướng pháp, trong giây lát bèn chứng đặng “Thủ Lăng Nghiêm tam muội”.

Thuật xong, đức Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát kết luận: “Ðồng tử Giới Hộ tối sơ do nhờ thọ pháp Tam Quy, một lần chí thành lễ Phật, quán Phật, tâm không mỏi nhàm, nên rồi được gặp vô số chư Phật. Huống là người chuyên lòng luôn tưởng nơi Phật!

Ðồng tử Giới Hộ đó không phải ai đâu lạ, chính là tiền thân của tôi đấy!”

Văn Thù Sư Lợi nói dứt lời, đức Bổn Sư phán với ngài A Nan: “Ông nên đem lời của Văn Thù Sư Lợi nói lại cho khắp tất cả đại chúng và tất cả chúng sanh đời sau.

Nếu ai có thể lễ Phật, ai có thể niệm Phật, ai có thể quán Phật, thời người ấy sẽ đồng với Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát”.

Cũng như Phổ Hiền, Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát từng có lời tự nguyện về Cực Lạc thế giới, chép trong kinh “Văn Thù Phát Nguyện”.

Nguyện ngã mạng chung thời
Diệt trừ chư chướng ngại.
Diện kiến A Di Ðà
Vãng sanh Cực Lạc quốc.
Sanh bỉ Phật quốc dĩ
Thành mãn chư đại nguyện.
A Di Ðà Như Lai
Hiện tiền thọ ngã ký.
Nghiêm tịnh Phổ Hiền hạnh.
Mãn túc Văn Thù nguyện,
Tận vị lai tế kiếp
Cứu cánh Bồ Tát hạnh.

IV. Hai Ðại Thánh Ứng Tích

Trích trong bộ “Tống Cao Tăng” và “Lạc Bang Văn Loại

Ðời Ðường, ngài Thích Pháp Chiếu trụ trì chùa Vân Phong ở Hoành Châu, hàng ngày tinh tấn tu hành không bê trễ.

Năm Ðại Lịch thứ hai, một buổi sáng nọ, ngài thấy trong bát cháo nơi nhà Tăng hiện bóng mây lành năm màu. Trong mây hiện ra một cảnh chùa, hướng Ðông Bắc ngõ chùa có dãy núi, chưn núi có khe nước, phía bắc của khe có một cửa ngõ bằng đá, trong ngõ đá lại có một ngôi chùa to để hiệu “Ðại Thánh Trúc Lâm Tự”.

Ít hôm sau, ngài lại thấy trong bát cháo hiện cảnh chùa; vườn, ao, lầu đài đồ sộ, và một vạn vị Bồ Tát ở trong đó.

Ngài mới đem cảnh tượng đã thấy mà hỏi cùng các bực trí thức.

Một Ðại Ðức bảo: “Việc biến hiện của chư Thánh khó nghĩ bàn được. Nhưng nếu luận về thế diện phương hướng núi sông, thời đó là cảnh Ngũ Ðài Sơn”.

Nghe Ðại Ðức nói, ngài có ý muốn viếng cảnh Ngũ Ðài Sơn.

Năm Ðại Lịch thứ tư ngài Pháp Chiếu gặp một cụ già bảo: “Ông từng có ý muốn đến Kim Sắc thế giới (Ngũ Ðài) để kính lễ Ðại Thành (Văn Thù), sao đến nay vẫn chưa đi?”.

Ngài bèn cùng với các pháp hữu đi Ngũ Ðài.

Năm Ðại Lịch thứ năm, ngày mùng sáu tháng tư thời đến chùa Phật Quang ở huyện Ngũ Ðài. Ðêm ấy, vào lối canh tư, ngài bỗng thấy ánh sáng lạ từ xa xẹt đến chiếu mình ngài. Ngài liền nhắm theo tia sáng mà đi. Ði được năm mươi dặm thời đến một dãy núi, dưới chân núi có khe phía bắc của khe có ngõ đá. Nơi ngõ có hai đồng tử đứng chực sẵn xưng tên là Thiện Tài với Nan Ðà. Hai đồng tử dắt ngài đến một ngôi chùa to, trên bảng đề hiệu “Ðại Thánh Trúc Lâm Tự” đất vàng, cây báu, rất trang nghiêm. Giống hệt như cảnh đã thấy trong bát cháo lúc trước.

Ngài vào chùa, lên giảng đường, thấy phía Tây thời đức Văn Thù, phía đông thời đức Phổ Hiền, hai vị đại Bồ Tát đều ngự trên tòa cao lớn, đương thuyết pháp cho một vạn vị Bồ Tát.

Ngài Pháp Chiếu cung kính đến trước tòa đảnh lễ rồi bạch rằng: “Phàm phu thời mạt pháp, cách Phật đã xa, chướng sâu nghiệp nặng, phước mỏng trí cạn. Dầu sẵn đủ Phật tánh, nhưng không sao phát hiện được. Phật pháp quá mênh mông, chưa rõ nên tu pháp môn nào cho thích hợp?”.

Ðức Văn Thù dạy: “Nay ông niệm Phật chính là phải lúc. Các môn tu hành không môn nào qua môn Niệm Phật cả. Rồi thêm cúng dường Tam Bảo, gồm tu cả phước và huệ. Hai môn này rất là thiết yếu.

Về thuở quá khứ, nhờ quán Phật, niệm Phật, cúng dường Phật, mà ta chứng đặng Nhất Thiết Chủng Trí.

Vì thế nên tất cả các pháp môn: Bát-nhã ba-la-mật, thậm thâm thiền định, đến như Phật cũng đều từ Niệm Phật mà sanh. Do đây nên biết, “Niệm Phật là Vua trong các pháp môn”.

Ngài Pháp Chiếu bạch: “Nên niệm Phật như thế nào?”.

Ðức Văn Thù dạy: “Hướng Tây của thế giới này, có đức Phật A Di Ðà, giáo chủ Cực Lạc. Nguyện lực của đức Phật ấy không thể nghĩ bàn. Ông nên chuyên niệm đức Phật A Di Ðà cho được không gián đoạn, đến lúc lâm chung quyết định vãng sanh, vĩnh viễn không thối chuyển đạo Vô thượng”.

Dứt lời, hai vị Ðại Thánh đồng đưa tay vàng xoa đầu ngài Pháp Chiếu mà phán rằng: “Nhơn vì ông niệm Phật, không bao lâu ông sẽ chứng quả Vô Thượng Bồ Ðề. Nếu thiện nam tín nữ nào nguyện mau thành Phật, không gì qua Niệm Phật. Niệm Phật quyết mau chứng quả vô thượng Bồ Ðề”.

Hai Ðại Thánh thọ ký xong, ngài Pháp Chiếu vui mừng đảnh lễ, rồi từ tạ lui ra.

Hai đồng tử đưa ngài ra khỏi ngõ chùa, ngài ngước đầu ngó lại, bỗng người, cảnh đều biến mất. Ngài bèn dựng đá đánh dấu chỗ ấy rồi trở về chùa Phật Quang.

Ðến ngày 13 tháng tư, ngài đi cùng năm mươi ngoài ông Tăng, đồng đến hang Kim Cương thành tâm đảnh lễ danh hiệu của 35 đức Phật. Ngài Pháp Chiếu lễ vừa được 10 bận, bỗng tự thấy hang Kim Cương rộng lớn trang nghiêm thanh tịnh, có cung điện bằng lưu ly, thấy đức Văn Thù cùng đức Phổ Hiền đồng ngự trong ấy.

Hôm khác, ngài Pháp Chiếu đi riêng một mình đến hang Kim Cương cầu nguyện cho thấy Ðại Thánh, rồi gieo mình rập lạy. Ngài bỗng thấy Thánh Tăng tự giới thiệu là Phật Ðà Ba Lợi dắt ngài vào một viện, bảng đề: “Kim Cương Bát Nhã tự”. Toàn viện báu đẹp trang nghiêm ánh sáng chiếu lấp lánh.

Dầu đã nhiều lần thấy sự linh dị, nhưng ngài vẫn chưa thuật với ai cả.

Tháng Chạp năm ấy, ngài nhập đạo tràng niệm Phật nơi chùa Hoa Nghiêm. Ngài tuyệt thực nguyện vãng sanh Tịnh Ðộ. Ðến ngày thứ bảy, đầu hôm, đương lúc niệm Phật, ngài thấy một Thánh Tăng vào bảo rằng: “Ông đã được thấy cảnh giới ở Ngũ Ðài sơn, sao ông không truyền cho đời được cùng biết!”. Nói xong, Thánh Tăng liền ẩn.

Rạng đông, ngài lại thấy Thánh Tăng vào bảo như hồi đầu hôm. Ngài mới đáp: “Chẳng phải là tôi có lòng dấu kín thánh đạo, chỉ sợ rằng nói ra người đời không tin mà sanh sự chê bai thôi!”

Thánh Tăng bảo: “Ðức Ðại Thánh Văn Thù hiện tại ở Ngũ Ðài mà còn không khỏi có người hủy báng. Ông nên đem các cảnh giới mà ông được thân thấy ở Ngũ Ðài, truyền khắp với mọi người, làm cho mọi người được nghe biết mà phát Bồ Ðề tâm”.

Ngài Pháp Chiếu tuân lời, nhớ kỹ lại những sự đã thấy, rồi chép ra truyền cho mọi người.

Năm sau, ông Thích Huệ Tùng với chư Tăng chùa Hoa Nghiêm đi cùng ngài Pháp Chiếu đến hang Kim Cương lễ Phật, rồi đến chỗ dựng đá lúc trước để chiêm ngưỡng cựu tích. Mọi người đương ngưỡng vọng ngậm ngùi, bỗng đồng nghe tiếng hồng chung từ vách đá vang ra, tiếng chuông ngân nga, nhặt khoan rành rẽ. Ai nấy đều lấy làm lạ và đồng công nhận những lời thuật của ngài Pháp Chiếu là thật.

Nhơn vì muốn người đời phát đạo tâm, nên tăng chúng khắc sự tích của ngài Pháp Chiếu được thấy vào vách đá.

Ít năm sau, chư Tăng lại dựng một kiểng chùa ngay nơi chỗ ngài Pháp Chiếu đánh dấu, để hiệu là “Trúc Lâm Tự”, nơi mà ngài Pháp Chiếu được đức Văn Thù cùng đức Phổ Hiền giảng dạy và thọ ký lúc trước.

(Về sự tu trì và hoằng hóa của ngài xem nơi chương “Liên Tông chư Tổ”).

Lời Phụ - Ðức Văn Thù Bồ Tát dạy: “Các môn tu hành, không môn nào qua môn Niệm Phật cả”. Và ngài lại dạy: “Niệm Phật là vua trong các pháp môn”.

Ngẫm lời Bồ Tát, nếu chúng ta, người thời mạt pháp, ai là người phát Bồ Ðề tâm: “Cầu thành Phật nguyện độ sanh”, đều phải tuân lời Bồ Tát mà tu Niệm Phật. Vì “niệm Phật thời mau thành Phật”. Lời của 2 Ðại Thánh phán khi xoa đầu ngài Pháp Chiếu.

Nên niệm như thế nào? Bồ Tát dạy: “Chuyên niệm đức Phật A Di Ðà cho được không gián đoạn”.

Ta nên chú trọng nơi “chuyên niệm” và “không gián đoạn”, vì đó là công phu phải có nơi người niệm Phật.

Chuyên niệm” tức là chỉ thuần niệm Phật không xen tạp việc khác, mà cũng không cho tâm móng tưởng sự khác.

Không gián đoạn” là danh hiệu của Phật, luôn luôn tiếp tục nơi tâm, tổ Thiện Ðạo và Liên Trì Ðại Sư gọi là “tương tục” cũng gọi là “bất niệm tự niệm”. Ðây là kết quả của “chuyên niệm” và là khởi điểm của “nhứt tâm bất loạn” hay “Niệm Phật tam muội”. Niệm Phật được Không gián đoạn” thời đã được bảo đảm vãng sanh chứng bực bất thối. Nếu được “nhứt tâm” hay chứng “tam muội” thời phẩm vị cao hơn.

V. Quan Thế Âm Bồ Tát Hiển Thánh

Trích ở “Tống Cao Tăng Truyện” và “Phật Tổ Thống Kỷ

Ðời Ðường, thời vua Trung Tôn, ngài Thích Huệ Nhựt thấy Pháp Sư Nghĩa Tịnh sang Tây Vức cầu Pháp, lòng mộ lắm.

Ngài bèn ngồi thuyền vượt biển, ba năm sau mới đến Thiên Trúc (Ấn Ðộ), rồi lần lượt đi lễ ở các nơi di tích của đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, và thỉnh kinh chữ Phạn.

Ngài Huệ Nhựt từ lúc ở xứ nhà đến khi sang Thiên Trúc mục kích nhiều cảnh đau khổ của loài người, mà chính ngài cũng tự trải lắm sự gian lao.

Vì thế, ngài mới suy nghĩ: “Nước nào, cõi nào chỉ thuần vui mà không khổ? Pháp nào hạnh nào đặng mau thành Phật?” Rồi ngài đem vấn đề ấy thỉnh hỏi gần khắp các bực danh đức ở Thiên Trúc. Các bực danh đức đồng chỉ cõi Tây Phương Cực Lạc thế giới, và đồng khuyên nên tu pháp môn Tịnh Ðộ. Ngài Huệ Nhựt liền kính vâng lời các danh đức khuyên dạy mà chuyên niệm Phật.

Sau đó ít lâu, ngài đi đến nước Kiền Ðà La ở Bắc Ấn. Phía Ðông Bắc thành vua có dãy núi lớn. Trên núi có tượng đức Quan Thế Âm Bồ Tát, hễ ai chí thành cầu nguyện thời thường được thấy Bồ Tát hiện thân.

Ngài bèn lên núi kính lạy bảy ngày đêm, rồi tuyệt thực, thệ: Nếu không thấy được Bồ Tát thời thà chết tại chỗ này.

Ðến đêm thứ bảy, trên hư không đức Quan Thế Âm Bồ Tát hiện thân vàng tử kim, cao hơn một trượng, ngự trên tòa sen báu, quang minh sáng chói. Bồ Tát thòng tay xuống thoa đầu ngài Huệ Nhựt mà bảo rằng:

Ông muốn truyền pháp để độ mình độ người, thời nên niệm Tây Phương Cực Lạc thế giới A Di Ðà Phật và phát nguyện vãng sanh. Lúc về Cực Lạc thấy Phật và ta thời được lợi ích lớn. Ông nên biết rằng Tịnh Ðộ pháp môn hơn tất cả hạnh khác.

Bồ Tát phán dạy xong liền ẩn.

Ngài Huệ Nhựt vì tuyệt thực đã bảy ngày, nên đêm đó khí lực đã mòn, nhưng sau khi được Bồ Tát xoa đầu và nghe lời dạy bảo, thân thể ngài bỗng trở nên cường tráng, tinh thần minh mẫn.

Sau khi ngài chở kinh tượng đã thỉnh được đem về bổn quốc. Bận này về, ngài đi đường núi. Tính ra từ ngày đi đến khi về đến nước, mất hết 18 năm, đi được hơn bảy mươi nước.

Năm Khai Nguơn thứ 7, về đến Trường An, ngài vào triều dưng tượng Phật và kinh chữ Phạn.

Từ đó, ngài chuyên cần tu tịnh nghiệp, truyền hóa hưng thạnh một thời. Triều đình phụng hiệu là Từ Mẫn Tam Tạng Pháp Sư.

Nhờ ngài dẫn đạo, người niệm Phật được chứng tam muội và được vãng sanh rất đông.

Ngài có biên tập bộ “Vãng sanh Tịnh Ðộ” khắc truyền trong đời.

Năm Triều Hữu thứ 7, giờ ngài viên tịch, đại chúng đồng thấy hoa sen báu sáng rỡ như mặt trời hiện ra trước chỗ ngài ngồi.

VI. Mã Minh Ðại Sĩ

Trích ở bộ: “Truyền Ðăng Lục”  và “Ðại Thừa Khởi Tín luận

Ðại Sĩ, người nước Tang Kỳ Ða thuộc Ðông Thiên Trúc. Có bầy ngựa nghe tiếng Ðại Sĩ thuyết pháp là buồn cảm hí kêu, nên người thời ấy gọi Ðại Sĩ là Mã Minh Tôn Giả.

Về dòng tổ chánh truyền, bắt đầu từ ngài Ma Ha Ca Diếp là Tổ thứ nhứt, ngài A Nan Ðà là tổ thứ hai… thời Ðại Sĩ là Tổ thứ 12, đắc pháp nơi Tổ thứ 11, ngài Phú Na Dạ Xà Tôn Giả.

Ðại Sĩ từng trứ tác bộ “Ðại Thừa Khởi Tín Luận”, y cứ nơi “chúng sanh tâm” mà hiển thị “Ðại thừa nghĩa”. Tất cả pháp nhiễm ô sanh tử của phàm, và tất cả pháp thanh tịnh giải thoát của Thánh đều duy “tâm” tùy duyên tịnh hay nhiễm mà tạo thành. Mê “tâm” thời khởi vô minh, phân biệt chấp kiến, rồi gây nghiệp mà chác lấy quá sanh tử khổ lụy. Ngộ “tâm”, thời dứt nghiệp phá chấp kiến, hết vô minh mà chứng đặng quả giải thoát an vui.

Chứng ngộ tự tâm, tín thật đó là tâm tánh của mình, vĩnh viễn không mê mờ quên lãng tự tâm bổn tánh ấy, đây gọi là bực “tín tâm bất thối” của Ðại thừa. Ðưa người đến bực Ðại thừa. Tín tâm bất thối là mục đích chủ chánh của bộ “Ðại thừa Khởi Tín Luận”.

Ðến bực “bất thối” này, theo trong luận, phải là người đủ năng lực thiện căn huân tập, thâm tín nhơn quả, chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành, phát Bồ Ðề tâm, đặng gặp chư Phật gần gũi cúng dường, tu Bồ Tát hạnh. Tu tập các hạnh như vậy đủ một vạn đại kiếp, tín tâm thành tựu chứng bực bất thối.

Nếu là người chưa đủ tất cả các điều kiện trên đây, thời ta còn có thể bị thối chuyển, nơi đạo vô thượng chưa được bảo đảm.

Rốt sau, Ðại Sĩ có lời khuyên người nên cầu sanh Tịnh Ðộ để được mau thành tựu tín tâm, chắc chắn trụ bực “bất thối”.

Ðây là lời Ðại Sĩ khuyên

“Chúng sanh vì ở Ta Bà thế giới nầy, tự sợ chẳng được thường gặp chư Phật để gần gũi cúng dường, e rằng tín tâm khó thành tựu được. Phải biết rằng đức Thích Ca Như Lai của chúng ta có chỉ dạy một phương tiện siêu thắng để nhiếp hộ tín tâm. Tức là đức Bổn Sư dạy chuyên tâm niệm Phật. Do vì chuyên tâm niệm Phật, nên tùy nguyện được sanh về Tịnh Ðộ, thường gần bên Phật, vĩnh ly ác đạo. Như trong kinh: Nếu người chuyên niệm Tây phương Cực Lạc thế giới A Di Ðà Phật, bao nhiêu thiện căn công đức của mình tu tập đều hồi hướng nguyện cầu về thế giới ấy, thời bèn đặng vãng sanh. Khi được sanh về Cực Lạc Tịnh Ðộ rồi, vì thường được thấy Phật, nên vĩnh viễn không còn bị thối chuyễn”.

Vì nhơn duyên như vậy nên đức Bổn Sư ta, nói pháp hội Kỳ Viên thuyết kinh A Di Ðà, ba bốn phen cặn kẽ khuyên bảo mọi người nên đồng phát nguyện cầu sanh về Cực Lạc thế giới. Bổn Sư lại nói chúng sanh nào sanh về Cực Lạc thế giới đều là bực “bất thối chuyển” – “Cực Lạc thế giới, chúng sanh sanh giả giai thị A Bệ Bạt Trí”.

Về sau, Ðại Sĩ phó pháp cho Tổ thứ 13, Ca Tỳ Ma La Tôn Giả, rồi nhập chánh định “Long Phấn Tấn tam muội”, thân vọt bay lên hư không tròn sáng như mặt trời, giây lát trở về pháp tòa ngồi kiết già mà nhập diệt.

Theo lời người xưa, Ðại Sĩ là bực pháp thân địa thượng Bồ Tát.

VII.  Long Thọ Bồ Tát

Trích ở những bộ:  “Truyền Ðăng Lục”“Tỳ Bà Sa Luận”“Ðại Trí Ðộ Luận”, “Nhập Lăng Già Kinh

Bồ Tát người Nam Ấn từng ở núi tu tập thiền định. Trên núi ấy có cội cổ thọ rất cao lớn, dưới tàng cây có 500 con rồng ở. Bồ Tát hiện thần lực thâu phục bầy rồng, và thường ngày thuyết pháp giảng đạo cho. Vì thế, người đời gọi ngài là Long Thọ Tôn Giả.

Ngài đắc pháp với Tổ thứ 13, đức Ca Tỳ Ma La Tôn Giả, rồi kế vị làm Tổ thứ 14. Ngài có ý muốn rộng truyền kinh giáo.

Bấy giờ Ðại Long Bồ Tát rước ngài vào long cung trong đại hải, mở kho thất bảo, cho ngài tự tiện đọc xem kinh tạng. Ngài chuyên tâm xem trong 90 ngày đêm, thông thuộc được rất nhiều. Sau 90 ngày, Ðại Long Bồ Tát đưa ngài về Thiên Trúc để hoằng truyền chánh pháp.

Bộ kinh “Ðại Phương Quảng Phật Hoa Ngiêm” (Phạn văn) chính tự tay ngài chép ra sau khi ở long cung về.

Ngài có trứ tác bộ “Tỳ Bà Sa Luận”. Trong luận đó có lời xưng tán đức Phật A Di Ðà, đại lược như vầy:

Nếu ai nguyện làm Phật
Tâm niệm A Di Ðà,
Phật liền hiện thân đến.
Cho nên tôi quy mạng.
Do bổn nguyện của Phật
Nên thập phương Bồ Tát
Ðến cúng dường nghe pháp
Vì thế tôi cúi đầu.
Bồ Tát ở Cực Lạc
Thân xinh đẹp trang nghiêm
Ðủ cả các tướng hảo,
Nay tôi quy mạng lễ.
Bồ Tát ở Cực Lạc.
Ngày ngày trong ba thời
Cúng dường thập phương Phật
Nên tôi cúi đầu lạy.
Nếu người trồng căn lành
Nghi thời hoa không nở.
Người tín tâm thanh tịnh
Thời hoa nở thấy Phật.
Hiện tại thập phương Phật
Vì muốn độ chúng sanh
Mà ca tụng Di Ðà,
Nên tôi quy mạng lễ.
Cõi đó rất trang nghiêm.
Thanh tịnh hơn thiên cung.
Công đức rất sâu dày.
Nên tôi lạy chơn Phật.

Ngài lại tạo bộ “Trí Ðộ Luận”. Trong luận ấy, nơi chương dạy về pháp môn niệm Phật, có lời như vầy:

“Niệm Phật Tam muội” trừ được các thứ phiền não và tội nghiệp của đời trước. Các môn tam muội khác, có môn trừ được dâm tâm mà không thể trừ sân; có môn trừ được sân mà không thể trừ dâm tâm; có môn trừ được si mà không trừ được dâm và sân; có môn trừ được tham sân si mà không trừ được tội nghiệp đời trước. “Niệm Phật tam muội” này trừ được các thứ phiền não và các thứ tội nghiệp. Lại nữa, “Niệm Phật tam muội” có đại phước đức có thể độ chúng sanh.

Các vị Bồ Tát muốn độ chúng sanh, các tam muội khác phước đức không bằng “Niệm Phật tam muội”; tam muội này mau trừ diệt được các tội chướng. Lại nữa, Phật là đấng Pháp Vương, còn chư Bồ Tát như Pháp tướng, chỗ tôn trọng của Bồ Tát chỉ là Phật Thế Tôn, vì thế nên phải thường niệm Phật.

Ví như quan Ðại Thần được đức vua yêu chuộng, nên thường nhớ tưởng đến vua mình. Bồ Tát cũng vậy, biết rằng những công đức cùng vô lượng trí huệ của mình đều từ nơi đức Phật mà đặng, vì ơn Phật rất nặng nên thường niệm Phật. Lại do vì niệm Phật luôn, tâm không rời Phật, nên Bồ Tát thường được gặp chư Phật.

Hỏi: Bồ Tát phải hóa độ chúng sanh, sao lại muốn thường gặp chư Phật?

Ðáp: Những người chưa nhập “Bồ Tát chánh vị”, chưa chứng đặng bực “bất thối chuyển”, chưa được “Phật thọ ký”, nếu rời chư Phật thì hư hoại các thiện căn, chìm trong vực phiền não. Tự độ lấy mình còn chưa được, đâu có thể độ người. Như người đi thuyền, giữa dòng thuyền hư bể, muốn chở người khác, mà mình đã bị chìm. Nơi tâm thời muốn được, nhưng nơi sự thời không thành mà lại thêm hại. Lại như đem một ít nước sôi đổ vào ao lớn đông giá, dầu tan một ít chỗ nhưng rồi nước sôi ấy trái lại đông thành giá!

Bồ Tát chưa nhập pháp vị nếu xa rời chư Phật, không phương tiện lực mà dùng một ít công đức đi hóa độ chúng sanh, dầu cũng có thể được chút ít kết quả, nhưng trái lại tự bị đọa lạc. Vì thế nên các bực Bồ Tát nầy phải thường gần Phật, không được rời!

Các vị A La Hán cùng Bích Chi Phật, dầu có kết quả chứng Niết Bàn, nhưng vì chưa có Nhứt Thiết Chủng Trí không thể dìu dắt các Bồ Tát. Duy chư Phật đã thành tựu Nhứt Thiết Chủng Trí nên có thể chỉ dạy dắt dìu chư Bồ Tát. Như voi sa lầy thời chỉ có dùng voi mới cứu được. Bồ Tát nếu sa vào phi đạo thời chỉ có Phật mới cứu được, vì đồng một đạo đại thừa vậy. Vì những lẽ trên, Bồ Tát phải gần Phật!

Lại nữa, Bồ Tát tự nghĩ rằng ta chưa có Phật nhãn không khác như kẻ mù lòa, nếu không được đức Phật dẫn đạo thời vì không thấy đường mà sẽ bị lạc vào nẻo khác. Giả sử được nghe Phật pháp, nhưng vì ở khác chỗ với Phật mà thật hành, thời sẽ có sự hại là chưa rõ thời tiết giáo hóa, nơi pháp nên thật hành nhiều hay ít. Vì thế nên Bồ Tát phải thường gần Phật.

Lại nữa, Bồ Tát gần Phật, hoặc mắt thấy Phật mà tâm thanh tịnh, hoặc nghe Phật dạy tâm liền vui thích pháp vị mà được đại trí huệ, rồi tu hành theo pháp mà được đại giải thoát.

Gần Phật được vô lượng lợi ích lớn như vậy, há lại chẳng nên nhứt tâm cầu muốn thấy Phật, gần Phật ư?

Như trẻ thơ chẳng nên rời mẹ; người đi đường xa vắng chẳng nên rời lương thực; mùa nóng bức chẳng nên rời gió mát nước lạnh; mùa quá rét chẳng nên rời lửa; qua dòng sâu rộng chẳng nên rời thuyền; người bịnh chẳng nên rời lương y.

Bồ Tát chẳng nên rời chư Phật, lại là vấn đề thiết yếu hơn các việc trên.

Những sự lợi ích đem lại do nơi cha mẹ, thân thuộc, các trí thức, cùng nhơn vương, thiên vương nhẫn đến tất cả, đều không bằng sự lợi ích được nơi đức Phật. Ðức Phật làm cho các vị Bồ Tát được sự lợi ích lớn: khỏi các nẻo khổ, an ở nơi Phật địa.

Hỏi: Làm thế nào để đặng không rời chư Phật?

Đáp: Chúng sanh đều có tội nghiệp nhơn duyên trong vô lượng kiếp, dầu thật hành phước đức mà trí huệ cạn cợt, dầu tu hành trí huệ mà phước đức kém mỏng. Bồ Tát cầu Phật đạo phải thật hành sanh nhẫn và pháp nhẫn. Vì thật hành sanh nhẫn mà đối với tất cả chúng sanh phát tâm từ bi, nên diệt được vô lượng tội chướng, tăng trưởng vô lượng phước đức. Vì thật hành pháp nhẫn phá vô minh, nên đặng vô lượng trí huệ. Ðủ cả hai hạnh sanh nhẫn và pháp nhẫn thời được đời đời không rời chư phật.

Lại nữa, vì Bồ Tát thường thích niệm Phật nên đời đời luôn luôn gặp chư Phật.

Ví như chúng sanh nào lòng dâm quá nặng thời sẽ thọ thân dâm điểu (se sẻ, vịt, v.v…). Chúng sanh nào tâm sân hận quá trọng thời sẽ sanh vào các loài độc trùng (rắn, rết, v.v…).

Cũng vậy, Bồ Tát không màng sự giàu sang phước báo của người của trời, chỉ thích thường niệm Phật, vì thường niệm Phật nên tùy tâm nguyện được sanh về Tịnh Ðộ.

Lại nữa, do vì Bồ Tát thường khéo tu “niệm Phật tam muội”, nên sanh vào đâu cũng thường gặp chư Phật. Kinh “Bát Chu Tam Muội” có nói: “Bồ Tát tu tam muội này, thời hiện đời sanh về cõi Cực Lạc của đức Phật A Di Ðà…

Về sau nhơn duyên giáo hóa đã mãn, Long Thọ Bồ Tát phó pháp cho ngài Ca Na Ðề Bà Tôn Giả rồi nhập tam muội mà thị tịch.

Trong pháp hội Lăng Già, đức Bổn Sư từng nói với Ðại Huệ Bồ Tát rằng: “Ông Ðại Huệ nên biết: Sau khi Phật diệt độ, tương lai sẽ có người hộ trì chánh pháp Phật, là người Nam Thiên Trúc đại danh đức Tỳ Kheo tôn hiệu là Long Thọ. Tỳ Kheo đó phá được các Hữu tông, Vô tông, để hiển pháp vô thượng đại thừa của Phật dạy. Long Thọ đó chứng bực Hoan Hỷ Ðịa Bồ Tát, vãng sanh Cực Lạc quốc”. Ðây là lời huyền ký của đức Bổn Sư, mà cũng là lời thọ ký cho Long Thọ Bồ Tát vậy.

VIII. Giác Minh Diệu Hạnh Bồ Tát

Trích ở bộ: “Tây phương Xát chỉ

Nhà minh, năm Sùng Trinh thứ 16, Bồ Tát giáng thần ở Ngô Môn. Nhà Thanh, năm Thuận Trị thứ tư, Bồ Tát ứng cơ thuyết pháp dạy truyền pháp môn Tịnh Ðộ.

Ngài dạy rằng: Pháp yếu của chư Phật rất vi diệu bí mật không thể nghĩ bàn. Vì không thể nghĩ bàn nên không ai diễn nói hết cả được. Ðức Bổn Sư Mâu Ni Phật thương xót chúng sanh mà nói chỗ chẳng có thể nói, để dạy dỗ dắt dìu trong đời nay và đời sau.

Ðức Phật lại dùng phương tiện đặc biệt hiển bày cõi Cực Lạc, bảo người phát nguyện vãng sanh hầu thoát khỏi luân hồi một cách mau tắt.

Do đại nguyện lực của đức Phật A Di Ðà nhiếp thọ mọi loài, nên hễ ai nghe danh hiệu A Di Ðà Phật mà siêng thọ trì thời quyết định được vãng sanh Tịnh Ðộ.

Nếu người nào dõng mãnh tinh tấn chuyên niệm Phật thường nhứt, thời thành tựu “Niệm Phật tam muội” hiện tiền cũng được thấy đức Phật A Di Ðà.

Ngày nay ta theo đúng như lời đức Phật đã dạy mà giảng dạy môn Tịnh Ðộ. Ta nghĩ vì các người mê mờ nên chỉ thiệt con đường chơn chánh. Ðây chẳng phải là nhơn duyên nhỏ, các người phải gắng trân trọng. Cực Lạc đường xa muôn ức, một niệm tin chắc thời chính là đấy.

Ngài lại dạy: Pháp môn Tịnh Ðộ đây thật là tâm tông của chư Phật. Là con đường đi đến quả vị giải thoát tắt nhứt của mọi loài.

Nay các người dầu cũng cầu vãng sanh mà tâm lại không thiết, thời cũng như người vào biển mà không được bảo châu, luống nhọc vô ích. Ðể ta thuật việc đời trước của ta cho các người rõ:

Nhà Tấn, thời vua Minh Ðế, ta là một gã nghèo cùng. Vì thiếu hụt khốn khổ quá, nên sau khi ta được biết pháp môn Tịnh Ðộ, ta bèn lập nguyện lớn như vầy: “Vì đời trước tôi gây tạo nghiệp ác nên nay mang lấy quả báo khổ sở này. Nếu bây giờ tôi không được thấy đức Phật A Di Ðà sanh về Cực Lạc hầu thành tựu tất cả công đức, thời dầu cho thân này chết rã tôi cũng quyết không ngơi nghỉ”. Thề nguyền xong, ta chuyên cần nhớ Phật niệm Phật luôn đêm ngày. Ðến ngày thứ bảy, tâm trí ta bỗng khai thông, thấy đức Phật A Di Ðà tướng hảo quang minh chiếu sáng mười phương, đức Phật đưa tay vàng xoa đầu ta mà thọ ký. Năm 75 tuổi, ta ngồi kiết già niệm Phật mà bỏ thân. Ðược Phật và Thánh Chúng rước về Cực Lạc. Nhưng vì bổn nguyện độ sanh nặng nơi lòng, nên ta trở lại cõi trược này, tùy thời theo cơ mà hiện thân giáo hóa. Có lúc ta làm thầy Tỳ kheo, nhà Cư Sĩ. Có khi ta làm vua, làm quan. Lắm lúc ta làm người nữ hay gã ăn mày v.v… Dùng các phương tiện hoặc ẩn hoặc hiển, hoặc thuận hoặc nghịch mà dìu dắt mọi người vào chánh pháp.

Ðến nay, ta lại vì các người mà chỉ dạy môn Tịnh Ðộ. Các người phải nhứt ý nhứt tâm bền tu pháp môn này quyết sẽ được lợi ích lớn. Nếu các người tinh tấn bền chí nhứt tâm, thời không đợi gì đời sau mới được gần Phật, mà hiện tiền đây cũng được thấy Phật.

Ngài nói kệ:

Ít nói một câu chuyện,
Nhiều niệm một câu Phật,
Ðánh chết được vọng niệm,
Pháp thân ngươi hiển lộ.

Có người bạch hỏi: “Niệm Phật mà không được nhứt tâm thời làm thế nào?

Ngài dạy: Ông phải dứt tưởng đừng lo, rồi chầm chậm mà niệm. Phải làm sao cho tiếng hiệp với tâm, tâm duyên theo tiếng. Niệm như vậy lâu lâu thời các vọng niệm tự đứng lặng, tâm cảnh tuyệt chiếu chứng nhập “Niệm Phật tam muội”. Nhưng hằng ngày cần phải niệm cho thường, từ nghìn đến muôn, tâm đừng gián đoạn thời rất dễ thuần thục. Nếu cố ép tâm cho nhứt, thời trọn không thể nhứt được.

Rồi ngài lại dạy: - Vọng niệm diệt dứt, đó là chơn tâm thường trụ của chư Phật. Vọng niệm mà còn đó là nghiệp tâm sanh tử của chúng sanh. Nếu các người có thể miên mật gia công, tâm không một mảy hở trống thời mới đặng tương ưng đôi phần.

Phải dè dặt đừng có vừa thật hành đặng nửa năm nay hay mười tháng, rồi tự cho là mình đã có công tu hành. Phải biết rằng quan niệm tự đắc ấy, chính là chỗ chướng đạo. Rất phải cẩn thận! Mặc dầu có gắng sức công phu, nhưng nếu niệm lực chưa vững như núi đồng, chắc như vách sắt, xô không ngã, lay không động, thời vẫn chưa phải đã thành nhứt phiến đâu. Chớ có mới vừa được đôi chút đắc lực bèn dừng tay, mà thành lỗi “bán đồ nhi phế”, có khi rồi phải hỏng cả công phu trước, đây là chứng bịnh lớn của các nhà tu hành, cần phải biết. Nên hiểu rằng: Phật pháp như biển cả càng vào càng sâu, không phải đôi chút tri kiến mà thấu hết được. Phải gia công tu tập trọn đời, đi mãi đến nguồn đến đáy làm mục đích, không nên có quan niệm xem thường.

Có Ông Cố Ðịnh Thành thỉnh giáo.

Bồ Tát dạy: - Tâm vốn vô niệm. Niệm theo tư tưởng mà sanh. Vì tư tưởng là thứ hư vọng nên lưu chuyển sanh tử.

Ông nên nhận biết: một câu A Di Ðà Phật đây, chẳng phải là từ tư tưởng sanh, chẳng phải do ức niệm mà có, không phải ở trong, không phải ở ngoài, không có tướng mạo. Ðó chính là bặt hết các vọng tưởng, cùng với chơn thân vi diệu thanh tịnh của Như Lai không phải đồng, không phải khác, không thể phân biệt là đồng là khác. Niệm Phật như vậy, thời phiền não trần lao không đoạn dứt mà cũng không hệ phược, duy là nhứt tâm thôi. Ðược nhứt tâm rồi mới phải là “chấp trì danh hiệu”, mới được gọi là “nhất tâm bất loạn”. Ðến đây thời tịnh nghiệp thành công, thẳng lên bực “thượng phẩm”.

Trước hết ông nên phát đại nguyện: Nguyện sanh Cực Lạc thế giới”. Rồi chí thành tha thiết xưng niệm A Di Ðà Phật. Tiếng niệm phải duyên theo tâm, tâm niệm phải duyên theo tiếng. Tiếng và tâm khắn chặt vào nhau, như mèo vồ chuột. Niệm Phật như vậy được lâu lâu không xao lãng, thời sẽ chứng nhập “Chánh Ức Niệm Tam Muội”. Chứng tam muội rồi, nếu muốn tiến thêm lên, thời nên tham phỏng với các bực cao minh đại tri thức để được tự ngộ diệu lý “Tức Tâm Thị Phật”.

Ngài có lời bảo ông Vô Hủ rằng: Người tu tịnh nghiệp đại để lúc đứng ngồi nằm, lúc ở lúc ăn, đều nên xây mặt về hướng Tây, thời cơ cảm dễ thành, thiện căn mau thục. Trong thất chỉ cúng một tượng Phật, một bộ kinh, một bàn thờ, một lư hương, một giường, một ghế. Chẳng nên để nhiều đồ vật khác. Ngoài sân lại nên quét dọn trống trải sạch sẽ để kinh hành cho tiện. Cần phải làm sao cho tâm mình không còn phải bận rộn một việc gì khác, trừ ngoài việc chuyên niệm Phật, cũng không lo tính một sự gì, rảnh rang vô sự. Không nhớ thân, không duyên cảnh. Cho đến hiện tại đương niệm Phật hành đạo đây, cũng không có quan niệm là mình tu hành. Ðược như vậy, thời ngày càng gần với đạo mà việc đời ngày xa, có thể thành tựu tịnh nghiệp. Lúc hiện sống đây mà ông giũ sạch việc trần trong tâm niệm không có mảy may vướng víu thời lúc mạng số đến ông sẽ thanh thoát vui vẻ mà đi. Như thế há chẳng phải là tư cách của bực đại trượng phu đấy ư!

Ta bảo như vậy là muốn ông không còn rộn ràng với những sự vặt vãnh, để nhứt tâm tu hành. Vì chính đó là điều kiện quan trọng.

Ðến như phương pháp tu Tịnh Ðộ không ngoài hai chữ “chuyên” và “cần”.

Chuyên” thời không quản đến một việc nào khác.

Cần” thời không bỏ phí một phút một giây.

Từ nay, mỗi sáng sớm, sau khi thức dậy, ông tụng một quyển kinh “A Di Ðà” niệm hiệu Phật một nghìn câu, rồi lạy Phật hồi hướng với bài văn “nhứt tâm quy mạng”, vì bài văn này lời gọn mà đủ ý. Nếu lạy Phật được một trăm lạy càng tốt. Ðây là khóa tụng niệm một thời.

Ban đầu chưa quen, nên ngày đêm bốn thời. Khi đã quen thì tăng lên sáu thời, lần đến mười hai thời. Thành mỗi ngày thêm được mười hai quyển kinh, một muôn hai nghìn câu Phật, dùng số nầy làm thường khóa mỗi ngày. Cũng có thể hiệp lại chia thành bốn thời. Ngoài số này ra, những công phu khác thời không kể.

Về việc niệm tụng, hoặc ra tiếng, hoặc tưởng thầm, đều được cả. Chỉ cần phải nhiếp tâm niệm cho chắc mà thôi.

Lại, phép trì danh cần phải mỗi chữ mỗi câu rõ ràng ràng rẽ, tiếng và tâm hiệp nhau, không cho xen lộn một mảy tưởng niệm thế sự. Lâu lâu tự thành thục, quyết định đặng sanh Cực Lạc, ngồi tòa sen báu trụ bực “bất thối chuyển”. Ông phải cố gắng lấy!”.

Bồ Tát thuyết pháp kể được 24 hội, đệ tử của ngài là ông Thường Nhiếp chép lời dạy của ngài thành bộ “Tây Phương Xác Chỉ”, khắc bản lưu truyền.

Lời Phụ: - Về sự hạ thủ công phu nơi pháp môn Tịnh Ðộ, lời dạy của Giác Minh Diệu Hạnh Bồ Tát rất rõ và rất thiết. Ta có thể nắm lấy đại cương như thế nầy:

Tông Chỉ của pháp môn Tịnh Ðộ là “tín” “hạnh” và “nguyện”. Tín và Nguyện làm cơ bổn cho hạnh.

I.- Về “Tín”, ngài dạy:

Cực Lạc đường xa mười muôn ức, một niệm tin chắc thời chính là đấy!

Trong lời dạy trên đây, ta nên chú ý nơi hai chữ “tin chắc”. Tin chắc cõi Tây phương Cực Lạc thanh tịnh trang nghiêm. Tin chắc nguyện lực của đức Từ Phụ A Di Ðà Phật nhiếp thọ mọi loài. Tin chắc ta y pháp tu hành quyết được vãng sanh trụ lực “bất thối chuyển”. Với ba điều trên, không một mảy may nghi ngờ, không một niệm dụ dự, đó gọi là “tin chắc”.

II.- Về “Nguyện”, ngài dạy:

Nên phát đại nguyện “Nguyện sanh Cực Lạc".

Nguyện sanh Cực Lạc là một đại sự. Vì chúng ta, hay chúng sanh trong cõi Ta Bà ngũ trược ác thế, từ vô lượng đời, vô lượng kiếp, lăn mình trong vũng lầy, ngũ dục, mê say trong cảnh lục trần, dục vọng tràn ngập tâm thần, phiền não chứa đầy cả bụng, tình ái khó dứt, tham nhiễm khó rời. Nếu chẳng phải là người thống niệm trược ác, lòng quyết thoát ly, thời chí nguyện quyết sanh Cực Lạc khó thể lập vững được. Ðây là điều phát nguyện thứ nhứt. Muốn về Cực Lạc phải có đại thừa tâm: thượng cầu hạ hóa. Mà nơi chúng ta ngã chấp quá dày, tư kỷ đã quen. Nay phải dẹp ngã nhơn để cầu Phật quả, bỏ tư kỷ để thành chí độ sanh, nếu không phải là hạng đại trượng phu, chơn liệt nữ, thời chí nguyện quyết về Cực Lạc khó lập vững được. Ðây là điều khó phát nguyện thứ hai. Vì vậy nên Bồ Tát gọi nguyện sanh Cực Lạc là phát đại nguyện. Nơi đây ta nên chú ý “lập nguyện cho vững”, nghĩa là không một hoàn cảnh nào có thể dời đổi chí nguyện vãng sanh của ta, dầu đó là sự khổ như tròng vòng lửa đỏ vào đầu, hay sự vui như ngôi Luân Vương cùng Thiên Ðế, Bồ Tát có lời răn: “Các người dầu cũng cầu vãng sanh mà tâm không thiết”. Và chính tự ngài đã nêu gương: “Nếu ngày nay tôi không được thấy Phật A Di Ðà, không được sanh về Cực Lạc hầu thành tựu tất cả công đức, thời dầu thân này có chết rã, tôi cũng không nghĩ”. Nhờ lập nguyện vững, mà Bồ Tát đã được thành tựu!

III.- Về “hạnh” ngài dạy:

A.- Nơi cảnh: Phải xa tránh tất cả cảnh duyên có thể rộn tâm chướng đạo. Chỗ ở phải đơn giản, để khỏi bận rộn. Hằng ngày phải rảng rang vô sự, để khỏi lo tính.

B.- Nơi tâm: Phải không lo phiền, dứt tưởng vọng, dừng tư lự.

C.- Về sự tu: Phải định thời khóa trong mỗi ngày. Theo ngài dạy, mỗi ngày đêm ít nhứt 4 thời. Mỗi thời ít nhứt là một biến kinh Di Ðà và một nghìn câu niệm Phật. Thế là mỗi ngày đêm ít nhứt 4 biến kinh Di Ðà và 4.000 câu hiệu Phật. Rồi tăng dần lần lên đến mỗi ngày đêm 12 biến kinh và 12000 câu hiệu Phật. Lại phải lạy Phật hoặc 100 lạy hay ít hơn trong mỗi thời. Và sau mỗi thời đều phải hồi hướng công đức nguyện sanh Cực Lạc với bài văn “Nhứt tâm quy mạng”.

Nhưng nơi đây ta có thể châm chước mà dùng nếu là người vì hoàn cảnh không được thuận tiện hay yếu kém, cũng có thể mỗi ngày đêm ít thời hơn và tụng niệm ít hơn, đó là sự bất đắc dĩ chớ không phải giải đãi. Còn nếu là người có đại lực và được hoàn cảnh thuận tiện cũng có thể tăng nhiều hơn, đó là tinh tấn chớ không phải vội gấp. Ðiều cốt yếu là sau khi đã ấn định rồi, phải giữ cho thường, không nên nay vầy mai khác. Thà lúc đầu ít sau tăng dần thêm chớ không nên vội ham nhiều mà rồi sụt ít. Cũng không nên để gián đoạn, nghĩa là không được bữa có bữa không. Hồi hướng cũng có thể đọc văn “Thập phương tam thế Phật” hoặc các văn nguyện về Cực Lạc khác, theo sở thích đều được. Nếu khỏe và nhiều giờ, nên đọc bài “Khể Thủ Tây Phương An Lạc Quốc”. Vì bài nầy, lời cùng nghĩa rất đầy đủ thiết tha.

Ðiều kiện thứ nhứt, trong lúc tụng niệm, phải rành rẽ, rõ ràng.

Rành rẽ là chữ câu ràng rẽ không lộn lạo, mù mờ. Rõ ràng, là tiếng nói rõ ràng, không trại tiếng.

Ðiều kiện thứ hai, tiếng phải hiệp với tâm, tâm phải duyên theo tiếng, tâm và tiếng hiệp khắn với nhau.

Ðiều kiện thứ ba, phải chí thành tha thiết, với đức Từ Phụ, lòng ta như con thơ nhớ mẹ, với cõi Cực Lạc lòng ta như viễn khách tưởng cố hương.

Ðiều kiện thứ tư, không cho xen lộn một mảy tưởng niệm thế sự; nghĩa là phải luôn nhiếp tâm trụ nơi tiếng niệm Phật, không xao lãng. Nếu lỡ xao lãng phải liền nhiếp thâu lại. Với trường hợp đây, chú tâm nhận chắc lấy tiếng của mình niệm là công hiệu nhứt.

Bồ Tát lại bảo ta lúc đi đứng nằm ngồi, khi ăn khi uống, v.v… đều nên xây mặt về hướng Tây, để tâm ta lúc nào cũng tưởng nhớ Cực Lạc thế giới, hầu giúp cho công phu tịnh nghiệp chóng thành. Về điều này ta có thể trừ lúc khạc nhổ, đi đại tiểu tiện, còn tất cả thời đều nên hướng về Tây phương.

Nếu theo đúng các điều kiện đã dạy trên đây mà gia công thực hành, trong một thời gian tiếp tục luôn không gián đoạn sẽ được “bất niệm tự niệm”. Tổ Thiện Ðạo và Tổ Vân Thê gọi là được niệm lực tương tục. Ðược niệm lực tương tục nầy mà giữ vững trọn đời thời sự vãng sanh đã bảo đảm. Tiến thêm, nếu càng gia công chí thành khẩn thiết chuyên niệm không hở, trong quên thân ngoài quên cảnh, thời chứng nhập “Chánh Ức Niệm tam muội” cũng gọi là “Sự niệm Phật tam muội” mà cũng chính là “Sự nhứt tâm bất loạn”. Ðược tam muội nầy, thời ở trong tam muội được hiện diện thấy đức Từ Phụ cùng chư Bồ Tát Thánh Chúng và cõi Cực Lạc. Tức là “Hiện tiền được thấy Phật” lời của ngài đã dạy ở trên, mà cũng là lời của đức Ðại Thế Chí Bồ Tát trong pháp hội Lăng Nghiêm.

D.- Về lý quán: Ngài dạy “Tâm vốn vô niệm”, Niệm không ngoài tâm, nên chính niệm tức vô niệm. Niệm đã tức vô niệm, nên câu A Di Ðà Phật hiện tiền đây, chẳng phải từ tư tưởng, chẳng phải do ức niệm, không phải trong, không phải ngoài, không có tướng mạo, ba thuở suy cùng, bốn vô sở đắc, rời tất cả hư vọng, toàn thể là chơn tâm. Ðã toàn thể là chơn tâm nên cùng với chơn tâm vi diệu của chư Phật không đồng không khác, không thể phân biệt. Ðược chứng ngộ toàn niệm tức là tâm, toàn tâm tức là Phật, tâm và Phật không hai, thời vô minh diệt, pháp thân hiển lộ, trần lao sanh tử chuyển thành Niết Bàn, phiền não vọng hoặc chuyển thành Bồ Ðề. Ðây chính là “Lý niệm Phật nhứt tâm bất loạn”, mà cũng là “Lý niệm Phật tam muội”. Người thành tựu “lý tam muội” nầy thời sẽ vãng sanh thượng phẩm, trụ “Thường Tịch Quang Tịnh Ðộ”.

E.- Sau khi chỉ dạy công hạnh “sự tu” và “lý quán” xong, ngài dùng hai chữ, “chuyên cần” để tổng kết.

Chuyên cần” tức là tinh tấn. “Chuyên” thời ròng rặt chuyên tu một môn niệm Phật, không xen tạp chuyện khác. “Cần” thời siêng năng thắng tấn, không bỏ một thời nào, nhẫn đến một phút một giây cũng không bỏ phí. Thật hành đúng pháp mà tinh tấn chuyên cần thời công hạnh chắc chắn thành tựu.

Ta có thể đem bài kệ của ngài để phối hiệp với lời dạy về phần công hạnh nầy.

Ít nói một câu chuyện”: chính là không xen tạp chuyện khác để một mặt chuyên tu niệm Phật.

Nhiều niệm một câu Phật”: niệm Phật nhiều, chính là siêng cần, mà cũng là chuyên ròng niệm Phật.

Như thế hai câu đầu của bài kệ tổng quát về phần “sự tu”, tức là ngài dạy phải chuyên cần niệm Phật. Y theo đây mà thật hành sẽ thành tựu niệm lực tương tục và nhẫn đến chứng nhập “sự niệm Phật tam muội”, mà nhiều phiền não vọng hoặc đã bị ngăn đè vậy:

“Ðánh chết được vọng niệm”

“Pháp thân ngươi hiển lộ”.

Hai câu sau cùng của bài kệ là chỉ về phần chứng “Lý niệm Phật tam muội”. Ðạt diệu lý “Toàn niệm tức tâm, toàn tâm thị Phật”, thời là chứng ngộ pháp thân, mà phiền não vọng hoặc đã bị dứt trừ vậy.

Giác Minh Diệu Hạnh Bồ Tát dạy về pháp môn niệm Phật bao quát cả tín, hạnh, nguyện. Nhứt là công hạnh, từ cảnh duyên đến tâm niệm, cả sự tu cùng lý quán rất rành rẽ xác đáng và rất đầy đủ. Chúng ta nên thường ngày đọc đi đọc lại, kiểm điểm công hạnh niệm Phật của mình, cho được hoàn toàn đúng theo lời Bồ Tát đã dạy. Nếu dụng công hoàn toàn đúng theo lời Bồ Tát đã dạy thời quyết định sẽ thành tựu tịnh nghiệp, chín phẩm sen vàng sẽ nắm chắc trong tay vậy. 

Trích từ: Đường Về Cực Lạc
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên

Từ Ngữ Phật Học Trong Bài Khai Thị

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Hương Quê Cực Lạc, Hòa Thượng Thích Thiền Tâm Tải Về