Skip Navigation LinksHome > Pháp Bảo > Khai Thị Phật Học > Pham-That-Ngau-Dam-Trich-Bay-Doan
* Trở về nguồn thì tánh không hai, nhưng phương tiện lại có nhiều môn. Thế nên Tham Thiền, Niệm Phật, Chỉ Quán đều là phương tiện cả. Ðã nói là môn thì sao giống nhau được? Nếu biết toàn tánh khởi tu, toàn tu tại tánh thì cả ba môn đều nhất trí, há phải là khác? Vì thế, tu hành chân chánh chỉ quý thuận đường về nhà. Nói là đồng hay dị chỉ càng tăng thêm hý luận.

* Hiện thời, kẻ tri thức thường dạy người lợi căn tham thiền, dạy kẻ độn căn niệm Phật, nghĩ rằng: tham thiền chỉ thích hợp với thượng cơ, niệm Phật chỉ xứng với hàng trung, hạ. Nếu nghĩ Thiền chẳng độ được kẻ trung căn, hạ căn thì là báng Thiền; cho là niệm Phật chẳng thích hợp với thượng cơ thì chính là báng Giáo. Họ báng bổ cả Thiền lẫn Giáo, dấy động thành trào lưu khiến cho Thiền trở nên hư danh, nhưng cũng chẳng thực sự niệm Phật. Ðáng buồn thay! Nào biết rằng mỗi loại người tham Thiền, niệm Phật và tu Giáo Quán đều có túc căn. Mỗi một căn tánh lại chia ra ba phẩm:

Người thuộc phẩm thứ nhất trong cửa Thiền vừa chạm đến liền thấu tỏ, không còn sự gì khác nữa. Vốn xưa đã có sẵn linh căn như mưa đúng thời. Người thuộc phẩm thứ hai liền chẳng còn nghi, ẩn tàng sâu xa, hàm dưỡng kín đáo, đợi đến lúc dưa chín, cuống rụng, đại dụng hiện tiền, trời rồng ủng hộ, tùy ý lợi sanh. Người thuộc phẩm thứ ba đầy đủ đại nghi tình, như mang mối thù giết cha, dốc tận sức bình sinh để hiểu thấu tột cùng sự ấy.

Người niệm Phật thuộc phẩm thứ nhất thì đốn ngộ tự tâm là Phật, niệm niệm viên minh. Người thuộc phẩm thứ hai tin tưởng sâu xa tự tâm là Phật, niệm niệm lý nhập. Người thuộc phẩm thứ ba tin tưởng sâu xa vào Phật lực vô lượng, niệm niệm diệt ác. Lại còn có bốn loại, tức là niệm tự tánh của Phật, niệm tướng hảo, công đức của Phật, niệm danh hiệu Phật, niệm hình tượng Phật. Bốn loại này thông cả ba phẩm.

Người giáo quán thuộc phẩm thứ nhất vừa nghe viên lý liền phát ngay sơ tâm, thành Chánh Giác trong khoảng sát-na, thị hiện tám tướng trong trăm giới. Người thuộc phẩm thứ hai tin vào Nhất Cảnh Tam Ðế, thanh tịnh sáu căn nơi thân, chế phục trụ địa vô minh, dẹp tan bụi bặm Kiến Tư. Người thuộc phẩm thứ ba nghe kinh liền viên giác, tu năm phẩm quán hạnh, tu tập Tam Quán để huân tập, chế phục Ngũ Trụ, hướng về Giác.

Từ đó có thể nói là pháp không ưu liệt, thuốc trị được bệnh là thuốc hay. Căn cơ có cạn, sâu, nếu chấp chặt vào phương tiện thì chính là do thuốc mà đổ bệnh.

* Như có kẻ hỏi tôi: “Ông do nguyện nào nguyện sanh Tây Phương?” Tôi hỏi: “Là do nguyện nào nguyện vào địa ngục?” Người ấy đáp: “Là cái tâm nào vậy?” Tôi đáp: “Tây Phương là trên thờ chư Phật, địa ngục là dưới độ chúng sanh. Với Phật thì bắt đầu từ đức Di Ðà vì nguyện vương thù thắng. Với chúng sanh thì bắt đầu từ địa ngục vì bi tâm khẩn thiết”.

* Có kẻ thiền giả hỏi tôi: “Sư tu tập công phu gì?” Ðáp: “Niệm Phật”. Kẻ ấy hỏi: “Niệm Phật để làm gì?” Ðáp: “Ðể cầu sanh Tây Phương!” Thiền giả cười khẩy: “Sao chẳng chuyên chú nơi tự tánh Di Ðà, duy tâm Tịnh Ðộ, mà lại dùng cái vọng niệm ấy để vọng cầu làm gì?” Tôi đáp: “Ông bảo Phật A Di Ðà ở ngoài tánh, cõi Cực Lạc ở ngoài tâm ư? [Nếu vậy] thì tâm tánh quá hạn hẹp rồi. Như vậy lời ông vừa bảo vô cầu vô niệm đó chẳng phải là chấp vào Không một cách xấu ác hay sao?”

* Người ta bảo tham Thiền ắt ngộ đạo, chẳng cần cầu sanh Tây Phương. Niệm Phật là sanh về Tây, chưa chắc ngộ đạo được. Họ biết đâu rằng người đã ngộ rồi còn chẳng thể chẳng sanh Tây Phương, huống là kẻ chưa ngộ ư? Hơn nữa, Thiền giả muốn sanh về Tây Phương, bất tất phải đổi sang niệm Phật. Chỉ cần đầy đủ tín - nguyện thì tham Thiền chính là hạnh Tịnh Ðộ.

Hơn nữa, niệm Phật đến nhất tâm bất loạn, Năng lẫn Sở đều mất chính là đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn, há chẳng phải là ngộ đạo hay sao? Vì thế, tham Thiền hay niệm Phật đều có thể ngộ đạo, đều có thể sanh về Tây Phương. Nhưng có nghi thì tham, không nghi thì niệm, tự châm chước ngay trong lúc mỗi người tu tập mà thôi!
 
* Sanh về Tây Phương dùng ba thứ tâm: chí thành tâm, thâm tâm và hồi hướng phát nguyện tâm. Do ba tâm này [có thể tu] thẳng thành Phật. Người trôi lăn cõi tục cũng có ba tâm: tâm khinh, tâm sao nhãng, tâm tương tục. Do ba tâm này thường qua lại trong năm đường. Ô hô! Ba thứ tâm trước trong trăm người họa chăng có một; ba tâm sau trăm ngàn người chẳng có nổi một người không. Chẳng lạ gì người miệng bảo cầu sanh thì lắm, kẻ thật sự vãng sanh lại ít vậy!

* Ðại Sư Vân Thê phát huy pháp môn Niệm Phật như sau: Có Sự nhất tâm bất loạn và Lý nhất tâm bất loạn. Có kẻ bảo: trì danh hiệu là Sự Nhất Tâm, tham cứu chữ Ai là Lý Nhất Tâm, chẳng phải lầm lắm sao? Bởi lẽ, Sự Nhất Tâm là rành rành phân minh, chẳng hôn trầm, chẳng tán loạn. Lý Nhất Tâm là ngầm khế hợp vô sanh, thấu rõ tột cùng tự tánh. Lúc tham cứu thoại đầu dù thuần thục, vẫn chỉ là thuần thục về mặt Sự. Lúc niệm đến mức tâm lẫn Phật cùng mất thì đã thuộc về Lý, lẽ đâu cứ nói đến Sự là chỉ nói về niệm, còn nói đến Lý là chỉ dành riêng cho tham cứu ư?

Hơn nữa, tham chữ Ai bảo là tham cứu Lý còn được, chứ bảo là Lý Nhất Tâm lại không được. Nhưng không một ai tham cứu Lý lại có thể xem thường Sự được. Vì sao vậy? Sự có công năng hỗ trợ Lý. Lý không thể tồn tại một mình. Mong hãy suy nghĩ kỹ!
 
Trích từ: Ngẫu Ích Đại Sư Pháp Ngữ
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Pháp Ngữ Của Thiền Sư Hư Vân, Thượng Tọa Thích Hằng Đạt Tải Về
2 Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Bảo Thân Tiết Dục Pháp Ngữ, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
3 Ấn Quang Pháp Sư Gia Đình Giáo Dục Pháp Ngữ, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
4 Tịnh Độ Pháp Ngữ, Nhiều Dịch Giả Tải Về

Luận Về Trì Danh Niệm Phật Cửu Phẩm Vãng Sanh
Đại Sư Linh Phong Ngẫu Ích Trí Húc

Pháp Học Và Pháp Hành Trì Danh Niệm Phật
Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Quang

Yếu Chỉ Pháp Trì Danh Niệm Phật Và Kệ Gia Hạnh Tu Trì
Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Tịnh

So Sánh Ba Phương Pháp Niệm Phật
Hòa Thượng Thích Trí Thủ