Home > Khai Thị Phật Học
Ba Món Tư Lương Tín Nguyện Hạnh
Hòa Thượng Thích Tuyên Hóa | Thích Thuận Nghi, Việt Dịch


Tín, Nguyện, Hạnh, chính là ba món tư lương của người tu pháp môn Tịnh độ. Sao gọi là tư lương? Giống như bạn đi du lịch đến một vùng nào đó, trước tiên phải chuẩn bị một ít thức ăn, đó gọi là “Lương”. Lại đem theo một ít tiền thì gọi là “Tư”. “Tư lương” chính là thức ăn và những thứ tiền bạc nhu yếu trong sinh hoạt của bạn. Bạn đến thế giới Cực lạc, cũng cần ba món tư lương, đó là: tín, nguyện, hạnh. Điều quan trọng trước tiên là phải Tín. Nếu bạn không có tín tâm, thế là bạn không có duyên với Phật A Di Đà ở thế giới Cực lạc rồi. Nếu bạn có tín tâm là có duyên với Ngài. Cho nên niềm tin là điều hết sức quan trọng của bất cứ hành giả tu tập bất cứ pháp môn nào của Phật pháp. Bạn tin, là tin chính mình, tin cả người khác, vừa tín nhân, tín quả, tín sự tín lý.

Tin, sao gọi là tin chính mình? Bạn phải tin chính bạn nhất định về được thế giới Tây phương Cực lạc, bạn đầy đủ tư cách đến được thế giới Tây phương Cực lạc. Bạn không nên xem thường mình và nói rằng: “Chao ôi! Tôi gây tạo rất nhiều tội nghiệp, tôi không có cách gì để về được thế giới Tây phương Cực lạc”. Thế là bạn không có tin chính bạn rồi.

Bạn tạo rất nhiều tội nghiệp, phải không? Nhưng hôm nay bạn gặp cơ hội tốt. Cơ hội tốt như thế nào? Có thể đới nghiệp vãng sanh (mang nghiệp cũ vãng sanh). Bạn tạo những nghiệp gì, đều mang theo về thế giới Tây phương Cực lạc. Nhưng bạn nên biết, đới nghiệp là mang nghiệp cũ, chứ không phải mang nghiệp mới. Do khi trước chưa học Phật nên không biết tội phước. Nay biết Phật pháp biết niệm Phật nên mang cái nghiệp khi xưa đó về cõi Phật. Nghiệp mới, chính là tội nghiệp tương lai, mang nghiệp cũ, chứ không phải mang nghiệp mới, mang tội nghiệp quá khứ, chứ không phải mang tội nghiệp tương lai. Lúc trước bạn đã gây tạo những hành vi tội lỗi bất thiện, không luận là nặng hay nhẹ, nhưng bây giờ bạn tự mình ăn năn cải đổi, bỏ ác hướng thiện, thế là tội nghiệp của bạn lúc trước đã gây tạo, có thể mang theo về thế giới Tây phương Cực lạc, không mang nghiệp tương lai.

Tín tha, nghĩa là bạn tin đích thật có thế giới Tây phương Cực lạc, từ thế giới của chúng ta trải qua mười vạn ức cõi Phật xa như thế. Đây là khi chưa thành Phật, Ngài có tên là Tỳ kheo Pháp Tạng. Ngài từng phát nguyện, tương lai tạo thành một thế giới Cực lạc, mong muốn mười phương tất cả chúng sanh đều sanh về cõi nước của Ngài. Không cần gì nhiều, chỉ cần chúng sanh xưng niệm danh hiệu của Ngài, thì được về thế giới Tây phương Cực lạc, ngoài những việc khác ra, đều phí công. Pháp tu này vừa dễ, vừa đơn giản, lại phương tiện, viên dung, không phí tiền, không phí sức, có thể nói đây là pháp môn thù thắng. Chỉ cần niệm “Nam Mô A Di Đà Phật” thì được sanh về thế giới Tây phương Cực lạc, đây chính là tín tha.

Lại phải tin nhân, tin quả. Sao gọi là tin nhân quả? Bạn phải tin chính bạn trong quá khứ đã có căn lành, nay mới gặp pháp môn này. Nếu bạn không có căn lành, thì không gặp được pháp môn niệm Phật, cũng như không gặp được tất cả pháp môn của Phật. Bạn có căn lành, trong quá khứ đã gieo trồng nhân lành, nên nay gặp được pháp môn Tịnh độ mới có thể đầy đủ tín, nguyện. Nếu bạn chẳng tiếp tục vun bồi phát triển căn lành này, thì tương lai bạn chẳng có cơ hội để thành tựu quả vị Phật. Cho nên điều cần yếu bạn phải tin nhân, tin quả, bạn phải tin chính bạn ở trong đời quá khứ đã có gieo trồng nhân bồ đề, tương lai nhất định sẽ kết quả bồ đề. Giống như làm ruộng, khi gieo giống xuống cần phải chăm bón nó mới phát triển được.

Tin sự, tin lý. Sao gọi là tin sự? Sao gọi là tin lý? Bạn phải biết đức Phật A Di Đà có nhân duyên với chúng ta rất lớn, Ngài nhất định trợ giúp chúng ta thành Phật, đây là sự. Tin lý, tại sao chúng ta và Phật A Di Đà có nhân duyên rất lớn? Nếu không có nhân duyên chúng ta không gặp được pháp môn Tịnh độ. Phật A Di Đà cũng chính là tất cả chúng sanh, chúng sanh cũng chính là Phật A Di Đà. A Di Đà Phật là niệm Phật mà thành A Di Đà Phật, chúng ta cùng với tất cả chúng sanh tinh tấn niệm Phật, cũng có thể thành Phật A Di Đà, đây là lý.

Rõ lý, tỏ sự như thế rồi, chúng ta nương vào đó mà tu hành như Kinh Hoa Nghiêm nói: “Sự vô ngại pháp giới, lý vô ngại pháp giới, lý sự vô ngại pháp giới, sự sự vô ngại pháp giới”. Đứng về phương diện tự tánh mà nói, chúng ta và đức Phật A Di Đà là một, cho nên chúng ta đều đủ tư cách để thành Phật A Di Đà. A Di Đà Phật là Phật ở trong tâm chúng sanh, chúng sanh nào cũng là tâm của Phật A Di Đà, sự quan hệ này cũng có sự có lý. Đạo lý này, bạn cần phải tin và phải thực hành, không làm biếng giải đãi. Cũng như niệm Phật, ngày hôm nay phải hơn ngày hôm qua, không phải ngày hôm nay lại kém hơn ngày hôm qua.

“Tín” đã giảng xong, tiếp theo giảng “Nguyện”. Sao gọi là nguyện? Nguyện chính là ý nguyện, ý nguyện của bạn, ý niệm bạn hướng mạnh thì tâm tưởng của bạn cũng như thế, phát ra một nguyện. Một nguyện này, chính là tứ hoằng thệ nguyện:

Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ
Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học
Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.

Chư Phật trong quá khứ và các bậc Bồ tát, đều dựa vào tứ hoằng hệ nguyện này mà chứng quả vị vô thượng chánh đẳng chánh giác. Hiện tại chư Phật và chư Bồ tát vị lai cũng đều dựa vào tứ hoằng thệ nguyện này tu hành chứng quả. Nhưng khi phát nguyện, trước hết bạn phải có tín tâm này, trước phải tin “có thế giới Cực lạc”. Thứ hai là tin “có Phật A Di Đà”. Thứ ba là tin “ta và Phật A Di Đà nhất định có nhân duyên rất lớn, ta nhất định sẽ sanh về thế giới Cực lạc”. Vì có đầy đủ ba đức tin đó, sau mới phát nguyện sanh về thế giới Cực lạc. Cho nên mới nói “nguyện sanh Tây phương Tịnh độ trung”. Ý nguyện của ta sanh về thế giới Cực lạc, không phải người nhà quyết định cho ta đi, cũng không phải người khác đến nắm tay dắt ta đi.

Tuy nói Phật A Di Đà đến tiếp rước ta, nhưng cái chính yếu là ý nguyện chính mình có muốn thân cận với Phật A Di Đà hay không? Ý nguyện có muốn sanh về thế giới Tây phương Cực lạc gặp Phật nghe pháp tu hành hay không? Muốn thành tựu được “Nguyện” này, tiếp theo cần phải có “Hành”. Sao gọi là hành? “Nam Mô A Di Đà Phật”, “Nam Mô A Di Đà Phật” … đó! Giống như cứu lửa cháy đầu phải đi mau cho rồi, có người muốn hại đầu của ta, thì mình vội vã tìm cách bảo vệ cái đầu của mình, vậy chẳng dám giải đãi.

Niệm Phật tức là thực hành tín, nguyện, hạnh. Đây chính là lộ phí, là tư lương để đi đường. Tư lương chính là lộ phí, là tiền để chi dụng. Đến thế giới Cực lạc giống như đi du lịch, đi du lịch bạn cần phải có tem phiếu, có tiền … Còn ba món tư lương “Tín, Nguyện, Hạnh” này chính là ngân phiếu mình đi du lịch.
 
Trích từ: Quê Hương Cực Lạc