Skip Navigation LinksHome > Pháp Bảo > Khai Thị Phật Học > Vo-Thuong-Bien-Cac-Phap-Thanh-Khong

Vô Thường Biến Các Pháp Thành Không
Đại Sư Diệu Liên | Dịch Giả : Thích Tâm An

Phật pháp giảng vạn pháp là vô thường. Thế giới có thành, trụ, hoại, không; con người có sinh, lão, bệnh, tử; tâm có sinh, trụ, dị, diệt, tất cả các pháp đều là vô thường. Trong Kinh Bát Ðại Nhân Giác, Phật có dạy chúng ta rằng: “Quốc độ hư giả, mạng sống vô thường”. Quốc độ thuộc về khí thế gian, con người thuộc về hữu tình thế gian. Tất cả vũ trụ là khí thế gian, hữu tình thế gian đều ở trong vũ trụ. Vũ trụ dung chứa tất cả vạn pháp, song vạn pháp thì không thường trụ, niệm niệm biến diệt, từng giây từng phút sinh diệt không ngừng. Thân thể con người chúng ta, các tế bào cũng sinh sinh, diệt diệt biến đổi trong từng sát na. Một người không phải sống đến tám mươi, chín mươi tuổi chết rồi mới gọi là diệt, mà ngay cả những khi còn nằm trong bào thai cũng đã sinh diệt không ngừng rồi.

Chẳng những hữu tình là vô thường, mà tất cả vạn vật trong vũ trụ, chỉ là giả danh tạm thời, không có thường trụ chân thật. Niệm niệm biến diệt, đều là vô thường, đến một lúc nhất định nào đó cũng phải tiêu diệt. Bạn thử tìm xem có một vật nào là trường tồn bất diệt không? Không có một vật nào trên thế gian này trường tồn bất diệt cả. Tất cả đều biến đổi không ngừng, bản chất của chúng thay đổi trong từng sát na. Trong một phút thôi, thân thể của bạn không hoàn toàn giống một phút trước đó nữa, mà các tế bào biến đổi không ngừng. Tế bào này chết, tế bào khác lại sinh, cứ luân phiên nhau thay đổi không có lúc nào dừng nghỉ. Vì thế, Phật mới dạy cho chúng ta, thế gian này không có gì gọi là trường tồn cả, mà ngược lại tất cả đều bị luật vô thường chi phối. Tất cả vạn vật đều phải chịu quy luật tự nhiên đó là sinh, trụ, dị, diệt, hoặc thành, trụ, hoại, không. Ðối với chúng hữu tình thì phải chịu quy luật sinh, lão, bệnh, tử. Do bản thể các pháp vốn là vô thường nên nó vốn là không, không có thật ngã mà tất cả đều là vô ngã, là duyên sinh thôi.

Bản tính của chúng ta vốn thanh tịnh như thái không, nhưng chỉ vì hiện tại chúng ta khởi nhiều vọng tưởng nên mới bị phiền não, khổ đau, luân chuyển trong biển khổ phàm phu. Một khi còn ở địa vị phàm phu, chúng sinh chắc chắn không thể nào tránh khỏi tạo nghiệp luân hồi. Còn nếu chúng ta nhớ Phật, niệm Phật tức là chúng ta đang đi trên lộ trình tiến đến quả vị Phật. Như vậy, tại sao cần phải niệm Phật? Vì niệm Phật là đình chỉ vọng tưởng. Vọng tưởng dừng tâm liền thanh tịnh. Tâm thanh tịnh thì ba nghiệp thanh tịnh. Ba nghiệp thanh tịnh, tức đồng Phật vãng sinh Tây phương.
 
Trích từ: 7 Ngày Khai Thị Phật Thất
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Khai Thị Của Hòa Thượng Diệu Liên Tập 1, Linh Nham Tùng Thư Tải Về
2 Khai Thị Của Hòa Thượng Diệu Liên Tập 2, Linh Nham Tùng Thư Tải Về

Phật Nói Kinh Vô Thường
Đời Đường Tam Tạng Pháp Sư Nghĩa Tịnh

Vô Thường
Hòa Thượng Thích Thiện Hoa