Trích ở những bộ : “Truyền Đăng Lục”, “Tỳ Bà Sa Luận”  “Đại Trí Độ Luận”, “Nhập Lăng Già Kinh”

Bồ Tát người Nam Ấn từng ở núi tu tập thiền định. Trên núi ấy có một cội cổ thụ rất cao lớn, dưới tàng cây có 500 con rồng ở. Bồ Tát hiện thần lực thâu phục bầy rồng, và thường ngày thuyết pháp giảng đạo cho. Vì thế, người đời gọi ngài là Long Thọ Tôn giả.

Ngài đắc pháp với Tổ thứ 13, đức Ca Tỳ Ma La Tôn giả, rồi kế vị làm Tổ thứ 14. Ngài có ý muốn rộng truyền Kinh giáo.

Bấy giờ, Đại Long Bồ Tát rước ngài vào Long cung trong đại hải, mở kho thất bảo, cho ngài tự tiện đọc xem Kinh tạng. Ngài chuyên tâm xem trong 90 ngày đêm, thông thuộc được rất nhiều. Sau 90 ngày, Đại Long Bồ Tát đưa ngài về Thiên Trúc để hoằng thuyết Chánh pháp.

Bộ Kinh “Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm” (Phạn văn) chính tự tay ngài chép ra sau khi ở Long cung về([3]).

Ngài có trứ tác bộ “Tỳ Bà Sa Luận”. Trong luận đó có lời xưng tán Đức Phật A Di Đà, đại lược như vầy :

Nếu ai nguyện làm Phật
Tâm niệm A Di Đà
Phật liền hiện thân đến
Cho nên tôi quy mạng
Do bổn nguyện của Phật
Nên thập phương Bồ Tát
Đến cúng dường nghe pháp
Vì thế tôi cúi đầu
Bồ Tát ở Cực Lạc
Thân xinh đẹp trang nghiêm
Đủ cả các tướng hảo
Nay tôi quy mạng lễ
Bồ Tát ở Cực Lạc
Ngày ngày trong ba thời
Cúng dường thập phương Phật
Nên tôi cúi đầu lạy
Nếu người trồng căn lành
Nghi thời hoa không nở
Người tín tâm thanh tịnh
Thời hoa nở thấy Phật
Hiện tại thập phương Phật
Vì muốn độ chúng sanh
Mà ca tụng Di Đà
Nên tôi quy mạng lễ
Cõi đó rất trang nghiêm
Thanh tịnh hơn thiên cung
Công đức rất sâu dày
Nên tôi lạy chân Phật.

Ngài lại tạo bộ “Trí Độ Luận”. Trong luận ấy, nơi chương dạy về Pháp môn niệm Phật, có lời như vầy :

“Niệm Phật Tam muội” trừ được các thứ phiền não và tội nghiệp của đời trước.

Các môn Tam muội khác, có môn trừ được dâm tâm mà không thể trừ sân; có môn trừ được sân mà không thể trừ dâm tâm; có môn trừ được si mà không trừ được dâm và sân; có môn trừ được tham sân si mà không trừ được tội nghiệp đời trước.

“Niệm Phật Tam muội” này trừ được các thứ phiền não và các thứ tội nghiệp.

Lại nữa, “Niệm Phật Tam muội” có đại phước đức có thể độ chúng sanh.

Các vị Bồ Tát muốn độ chúng sanh, các Tam muội khác phước đức không bằng “Niệm Phật Tam muội”; Tam muội này mau trừ diệt được các tội chướng.

Lại nữa, Phật là đấng Pháp Vương, còn chư Bồ Tát như Pháp tướng, chỗ tôn trọng của Bồ Tát chỉ là Phật Thế Tôn, vì thế nên phải thường niệm Phật.

Ví như quan đại thần được đức vua yêu chuộng, nên thường nhớ tưởng đến vua mình. Bồ Tát cũng vậy, biết rằng những công đức 
cùng vô lượng trí huệ của mình đều từ nơi Đức Phật mà đặng, vì ơn Phật rất nặng nên thường niệm Phật.

Lại do vì niệm Phật luôn, tâm không rời Phật, nên Bồ Tát thường được gặp chư Phật.

Hỏi : Bồ Tát phải hóa độ chúng sanh, sao lại muốn thường gặp chư Phật ?

Đáp : Những người chưa nhập “Bồ Tát chánh vị”, chưa chứng đặng bậc “bất thoái chuyển”, chưa được “Phật thọ ký”, nếu rời chư Phật thì hư hoại các thiện căn, chìm trong vực phiền não. Tự độ lấy mình còn chưa được, đâu có thể độ người. Như người đi thuyền, giữa dòng thuyền hư bể, muốn vớt chở người khác, mà mình đã bị chìm. Nơi tâm thời muốn được, nhưng nơi sự thời không thành mà lại thêm hại. Lại như đem một ít nước sôi đổ vào ao lớn đông giá, dầu tan một ít chỗ nhưng rồi nước sôi ấy trái lại bị đông thành giá !

Bồ Tát chưa nhập pháp vị nếu xa rời chư Phật, không phương tiện lực mà dùng một ít công đức đi hóa độ chúng sanh, dầu cũng có thể được chút ít kết quả, nhưng trái lại tự bị đọa lạc. Vì thế nên các bậc Bồ Tát này phải thường gần Phật, không được rời !

Các vị A-la-hán cùng Bích Chi Phật, dầu có kết quả chứng Niết-bàn, nhưng vì chưa có Nhứt thiết chủng trí không thể dìu dắt các Bồ Tát. Duy chư Phật đã thành tựu Nhứt thiết chủng trí nên có thể chỉ dạy dắt dìu chư Bồ Tát. Như voi sa lầy thời chỉ có dùng voi mới cứu được. Bồ Tát nếu sa vào phi đạo thời chỉ có Phật mới cứu được, vì đồng một đạo Đại thừa vậy. Vì những lẽ trên, Bồ Tát phải gần Phật !

Lại nữa, Bồ Tát tự nghĩ rằng ta chưa có Phật nhãn không khác kẻ mù lòa, nếu không được Đức Phật dẫn đạo thời vì không thấy đường mà sẽ bị lạc vào nẻo khác. Giả sử được nghe Phật pháp, nhưng vì ở khác chỗ của Phật mà thực hành, thời sẽ có sự hại là chưa rõ thời tiết giáo hóa, nơi pháp nên thực hành nhiều hay ít. Vì thế nên Bồ Tát phải thường gần Phật.

Lại nữa, Bồ Tát gần Phật, hoặc mắt thấy Phật mà tâm thanh tịnh, hoặc nghe Phật dạy tâm liền vui thích pháp vị mà được đại trí huệ, rồi tu hành theo pháp mà được đại giải thoát.

Gần Phật được vô lượng lợi ích lớn như vậy, há lại chẳng nên nhứt tâm cầu muốn thấy Phật, gần Phật ư ?

Như trẻ thơ chẳng nên rời mẹ; người đi đường xa vắng chẳng nên rời lương thực; mùa nóng bức chẳng nên rời gió mát nước lạnh; mùa quá rét chẳng nên rời lửa; qua dòng sâu rộng chẳng nên rời thuyền; người bệnh chẳng nên rời lương y.

Bồ Tát chẳng nên rời chư Phật, lại là vấn đề thiết yếu hơn các việc trên.

Những sự lợi ích đem lại do nơi cha mẹ, thân thuộc, các trí thức, cùng nhơn vương, thiên vương, nhẫn đến tất cả, đều không bằng sự lợi ích được nơi Đức Phật. Đức Phật làm cho các vị Bồ Tát được sự lợi ích lớn : khỏi các nẻo khổ, an ở nơi Phật địa.

Hỏi : Làm thế nào để đặng không rời chư Phật ?

Đáp : Chúng sanh đều có tội nghiệp nhân duyên trong vô lượng kiếp, dầu thực hành phước đức mà trí huệ cạn cợt, dầu tu hành trí huệ mà phước đức kém mỏng. Bồ Tát cầu Phật đạo phải thực hành Sanh nhẫn và Pháp nhẫn. Vì thực hành Sanh nhẫn mà đối với tất cả chúng sanh phát tâm từ bi, nên diệt được vô lượng tội chướng, tăng trưởng vô lượng phước đức. Vì thực hành Pháp nhẫn phá vô minh, nên đặng vô lượng trí huệ. Đủ cả hai hạnh Sanh nhẫn và Pháp nhẫn thời được đời đời không rời chư Phật.

Lại nữa, vì Bồ Tát thường thích niệm Phật nên đời đời luôn luôn gặp chư Phật.

Ví như chúng sanh nào lòng dâm quá nặng thời sẽ thọ thân dâm điểu (se sẻ, vịt, v.v...). Chúng sanh nào tâm sân hận quá trọng thời sẽ sanh vào các loại độc trùng (rắn, rết, v.v...)

Cũng vậy, Bồ Tát không màng sự giàu sang phước báu của người của trời, chỉ thích thường niệm Phật, vì thường niệm Phật nên tùy tâm nguyện được sanh về Tịnh Độ.

Lại nữa, do vì Bồ Tát thường khéo tu “niệm Phật Tam muội”, nên sanh vào đâu cũng thường gặp chư Phật. Kinh “Bát Chu Tam Muội” có nói : “Bồ Tát nhập Tam muội này, thời hiện đời sanh về cõi Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà...”

Về sau nhân duyên giáo hóa đã mãn, Long Thọ Bồ Tát phó pháp cho ngài Ca Na Đề Bà Tôn giả rồi nhập Tam muội mà thị tịch.

Trong pháp hội Lăng Già, Đức Bổn Sư từng nói với Đại Huệ Bồ Tát rằng : “Ông Đại Huệ nên biết : Sau khi Phật diệt độ, tương lai sẽ có người hộ trì chánh pháp Phật, là người Nam Thiên Trúc đại danh đức Tỳ kheo tôn hiệu là Long Thọ. Tỳ kheo đó phá được các hữu tông, vô tông, để hiển pháp Vô thượng Đại thừa của Phật dạy. Long Thọ đó chứng bậc Hoan Hỷ địa Bồ Tát, vãng sanh Cực Lạc quốc”. Đây là lời huyền ký của Đức Bổn Sư, mà cũng là lời thọ ký cho Long Thọ Bồ Tát vậy.
Trích từ: Đường Về Cực Lạc
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Hương Quê Cực Lạc, Hòa Thượng Thích Thiền Tâm Tải Về

Đại Thế Chí Bồ Tát Khai Thị Niệm Phật
Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Tịnh

Phổ Hiền Bồ Tát Khai Thị Niệm Phật
Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Tịnh

Đức Phổ Hiền Dạy Tu Niệm Phật Tam Muội
Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Tịnh

Văn Thù Sư Lợi Dạy Tu Niệm Phật
Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Tịnh

Mã Minh Đại Sĩ
Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Tịnh