Pháp môn Niệm Phật ước lược có hai: phổ niệm và chuyên niệm. Kinh Quán Phật Tướng Hải và kinh Phật Bất Tư Nghì Cảnh Giới dạy phổ niệm. Kinh A Sơ Bệ và kinh A Di Đà đặc biệt dạy chuyên niệm. Nay Kinh Hoa Nghiêm, một và nhiều tương nhập, chủ và bạn giao dung, tự và tha tương tức, cũng chuyên cũng phổ, lược nêu năm nghĩa:
Chân tâm chúng ta rộng lớn chu biến không nơi nào không có. Phẩm Như Lai Xuất Hiện nói: "Mười phương pháp giới niệm niệm vẫn có chư Phật thành Chánh Giác. Vì tâm Phật, tâm chúng sanh đồng thể không rời nhau nên việc này các Bồ tát đều rõ biết". Lại nói: "Không một chúng sanh nào không đủ trí tuệ Như Lai, chỉ vì vọng tưởng điên đảo chấp trước mà không chứng được. Nếu lìa vọng tưởng thì Nhất Thiết Trí ắt được hiện tiền". Làm thế nào lìa vọng tưởng? Nên biết những điên đảo chấp trước của chúng sanh bản thể vốn là Pháp thân tịch diệt thanh tịnh. Chỗ chứng của chư Phật không chi khác là chứng được chân tánh của chúng sanh. Nếu tin được như thế thì trở về, niệm niệm không mê, không chấp ngã sở. Cứ con đường ấy khởi hành. Nơi thân không chấp ngã, chỗ tu không vướng mắc, với pháp chẳng cố trụ. Trải qua các ngôi vị Trụ, Hành, Hồi Hướng, Thập Địa, luyện đức từ bi thì đâu rời đương niệm mà nhân quả viên thành. Cho nên nói vừa phát tâm Bồ đề liền thành Chánh Giác.
Các phẩm Hiền Thủ, Sơ Phát Tâm Công Đức rộng nói việc này. Như vậy niệm Phật sẽ thấy thân Phật ở khắp mọi nơi.
Phẩm Quang Minh Giác, đức Thế Tôn phóng trăm ức quang minh, từ ba ngàn đại thiên thế giới khắp chiếu 10 phương. Văn Thù kệ rằng: "Cứ lìa các kiến chấp, quán Như Lai, thế là nhập chánh tín". Phẩm Xuất Hiện cũng nói: "Bồ tát không nên nơi một pháp, một sự, một thân, một quốc độ, một chúng sanh mà thấy Như Lai. Phải thấy Như Lai như hư không, vào khắp sắc tượng, chẳng đến chẳng không đến. Vì hư không không thân. Thân Như Lai cũng thế, ở khắp nơi nơi tại khắp chúng sanh, ở hết thảy pháp, hết thảy quốc độ. Không đến chẳng phải không đến. Như Lai không thân cố định, chỉ vì chúng sanh mà hiện thân". Lại nói: "Bồ tát trí tuệ biết chẳng những Chân Như Thật Tế là cảnh giới Như Lai mà tất cả cảnh giới chúng sanh đều là cảnh giới Như Lai". Đây là niệm tự tánh Phật cũng gọi tự tánh niệm Phật. Tự tánh niệm Phật là không có tâm năng niệm ngoài Phật. Niệm tự tánh Phật là không có Phật sở niệm ngoài tâm. Vào được môn này, công đức một niệm như hư không, không có hạn lượng.
Kinh Hoa Nghiêm nổi tiếng có nhẽ vì câu: "Lạ lắm thay! Hết thảy chúng sanh đều đầy đủ trí tuệ đức tướng Như Lai". Câu nói: "Tất cả chúng sanh đều thành Phật" thật là thâm diệu, thật là quan trọng. Chúng sanh luân chuyển trong 6 đạo, không luận đến mức độ nào, đều có Phật tánh. Phật tánh không bao giờ hư hoại, đồng thể, bình đẳng với 10 phương chư Phật. Niệm Pháp thân Phật là niệm thể tánh bình đẳng ấy. Như Lai Tạng và Pháp thân bản chất giống nhau. Chỉ khác biệt là còn phiền não trói buộc gọi là Như Lai Tạng. Lìa phiền não gọi là Như Lai Pháp thân. Ở phàm phu gọi là Như Lai Tạng. Ở Phật gọi là Như Lai Pháp thân. Cũng như mặt trời bị mây mù và mặt trời đã ra khỏi mây mù. Như Lai Tạng là nhân. Pháp thân là quả. Nhân quả không 2 không khác, đều là tự tánh thanh tịnh tạng.