Cõi Ta bà ô nhiễm, muôn loài chúng sinh cùng chung ở; miền Lạc Bang thanh tịnh, các bậc Thượng thiện thảy đồng cư. Biết là rừng gai[1], thai ngục[2] nên quyết chí vĩnh viễn xa lìa; cõi báu[3], ao vàng[4] cần lắng tâm một đường về thẳng. Lời Thế Tôn (triều âm[5]) hết lòng khen ngợi cõi Lạc Bang, đều chép khắp trong kinh điển; việc đại chúng chuyên tu chứng đắc tòa thượng phẩm, được ghi nhiều trong sử truyện. Bởi vì căn cơ chúng sinh có nhiều khác biệt, cho nên phương tiện giáo hóa cũng lắm pháp môn. Hoặc thời khóa mật chú, hoặc chuyên niệm danh hiệu Phật, hoặc định thời gian tọa thiền, hoặc trường trai giữ giới v.v…, mỗi mỗi đều hợp thời tiết và căn cơ, tất cả được ghi rõ trong khắp kinh sách. Song, chỉ có pháp quán chân chánh này mới hoàn toàn đạt đến vô sinh. Thật là pháp môn nhiệm mầu để trừ nghi dẹp chướng, là phương thuốc thần diệu để trường sinh bất tử vậy!
Xét kỹ, từ xưa người tụng đọc rất nhiều, đến nay kẻ thích nghe cũng không ít. Từ nhỏ, kẻ hèn tôi đã sớm nghiền ngẫm văn này, nên chẳng còn than dài vì muôn kiếp trước không biết lối về, mà lại rất vui mừng, từ đây về sau đã có chỗ qui hướng. Thế nhưng, các Luận sư biên soạn, mỗi mỗi đều chuộng một tông chỉ riêng, khiến người học đời sau khi xem đọc chẳng rõ hướng hành trì. Vì lẽ đó, nên tôi xét kỹ những danh lý[6], đối chiếu cổ kim, chọn lấy những điều hay tốt, lược bỏ những ý rườm rà, chỉ thuật lại chứ không trước tác, nào dám khinh thường những bậc tiền nhân, hệ thống tất cả lại cho có tông chỉ, ngõ hầu lưu lại cho người học đời sau. Văn tuy ngắn gọn, nhưng ý thú ở chỗ hành trì. Muốn thấy được mặt trăng phải nương theo ngón tay, thấy được trăng rồi thì không nên chấp vào ngón tay; muốn qua được bờ kia cần phải nhờ đến thuyền, qua được bờ rồi thì hãy bỏ thuyền lại.
Thương xót chúng sinh đời vị lai, để khỏi phụ lời thỉnh cầu của hoàng hậu Vi đề hi; kính vâng lời di chúc thuở xưa, nào dám quên ân trùng tuyên của tôn giả A nan đà.
Mong rằng những lời trình bày trên đây sẽ trợ giúp cho hành giả được vãng sinh Cực Lạc vậy!
Giải thích kinh này, trước tiên nêu ra nghĩa môn để biết rõ được đại ý, rồi sau mới giải thích nghĩa văn kinh.