Home > Giảng Kinh > Quan-Vo-Luong-Tho-Kinh-So-Sao

Lời Tựa


Bản hoài ra đời của Đức Phật, là muốn cho tất cả chúng sanh thoát ly biển trầm luân, bước lên bờ diệu giác, được hưởng sự an vui giải thoát như Ngài. Nhưng bởi chúng sanh có nhiều bệnh, nên Phật Pháp cũng có nhiều phương, mà tổng yếu không ngoài hai môn: Tự Lực và Tha Lực. Tự lực là môn phổ thông, Tha lực là môn đặc biệt vì do nhờ sức Phật nhiếp trì tiếp dẫn, nên dù hoặc nghiệp chưa tiêu cũng được bước ngay lên hàng bất thối.

Tịnh Độ Giáo chính là pháp môn tha lực rất hợp thời cơ, và có lợi ích cho nhân loại giữa thời mạt pháp này. Nhưng vì bản môn tuy dễ tu dễ chứng, song cũng khó nói khó tin, nên người học Phật chưa thâm, hoặc thiếu tín căn về tịnh độ, thường hiểu lầm cho là pháp thí dụ, hay nếu có giải thích thì cũng lạc vào tà chấp của thiên không. Để đánh tan mối tệ sai lầm ấy và đem lại sự lợi ích cho người tu, bút giả duyệt trong đại tạng, dung hội và trích yếu phần chú sớ của các Ngài Thiên Thai, Thiện Đạo, Nguyên Chiếu, mà ghi lại lời giải thích bổn kinh Quán Vô Lượng Thọ này. Xin nhấn rõ, trong đây toàn lời sớ giải của ba vị tổ sư trên, bút giả chỉ là người sưu tập và ghi chép mà thôi. Việc làm này không ngoài chủ ý muốn giữ lòng tin cho người học Phật và để biện minh rằng chư cổ đức đều công nhận cõi Cực Lạc có thật, đã giải thích về tịnh độ với luận cú sự lý viên dung, chớ không như một ít kẻ nông cạn, chỉ y theo thiên kiến sai lạc của mình rồi lý thuyết hóa cõi Cực Lạc đâu, xin mượn lời ngài Nguyên Chiếu mà tự trần thuật rằng:

An Dưỡng sạch vui, câu hội người lành bậc thánh. Ta Bà nhơ khổ, luân hồi sáu nẻo ba đường! Thế thì chốn gai bùn thai ngục, nên gắng chí để xa lìa; nơi báu đẹp kim trì, phải đem tâm mà nguyện đến. Giọng triều âm khen ngợi, đã thấy khắp kinh văn. Những tịnh chúng sanh về, hãy còn ghi sử sách. Chỉ có trí người hôn muội, hết nghi bán, lại suy lầm. Khiến nỗi lòng Phật từ bi, chút bản hoài hằng khó tỏ! Thôi thì, ai người tín hướng nên quyết chí phụng hành, nào kẻ hữu duyên hãy gắng tu chánh trợ. Hoặc xưng danh quán tưởng, trì chú, tụng kinh; hoặc giữ giới tu trai, sám hối, bố thí. Nếu quả Tâm chuyên gắng, mới hay duyên phước muôn ngàn. Và chư niệm nối nhau sẽ thấy an vui không tận.

Riêng mình từ trước, đã mến tịnh tông. Đang lo muôn kiếp nghiệp phù binh, bỗng găp môn lành thuyền tế độ. Nỗi thương nỗi cảm, trông vời khổ hải luống than thầm. Thoạt tủi thoạt mừng, mới biết dư sanh còn chỗ tựa! Do đó tham tầm kinh tạng, khảo hội sớ văn, lấy yếu bỏ phiền, ghi lời chú giải. Thuật mà chẳng tác, dám đâu trái với cổ ngôn. Trọng ý quên lời, xin thể theo gương chỉ nguyệt, tấc lòng trân kính dâng bạn đồng tu.

Liên Du

Kinh Sách Liên Quan

 
1.    Kinh A Di Đà Sớ Sao, Đại Lão Hòa Thượng Thích Hành Trụ, Việt Dịch
2.    Kinh Vô Lượng Thọ, Pháp Sư Khương Tăng Khải | Hòa Thượng Thích Tuệ Đăng, Việt Dịch
3.    Vật Bất Thiên Chính Lượng Luận Chứng, Minh Đạo Hoành | Thích Thọ Phước, Việt Dịch
4.    Lăng Nghiêm Kinh Thế Chí Niệm Phật Viên Thông Chương Sớ Sao, Đời Thanh, Triết Giang, Từ Vân Hương Nghiêm | Cư Sĩ Như Hòa, Việt Dịch
5.    Phật Thuyết Quán Vô Lượng Thọ Kinh, Tam Tạng Cương Lương Da Xá Gốc Người Tây Vực | Cư Sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền, Việt Dịch
6.    Phật Thuyết Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh Giảng Ký, Lão cư sĩ Từ Tỉnh Dân | Cư Sĩ Như Hòa, Việt Dịch
7.    Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông Chương Sớ Sao, Hương Nghiêm Hành Giả Sa Môn Quán Đảnh Tục Pháp | Cư Sĩ Như Hòa, Việt Dịch
8.    Kinh Di Đà Lược Giải Viên Trung Sao, Sa Môn U Khê Truyền Đăng, ở núi Thiên Thai | Đại Lão Hòa Thượng Thích Phổ Tuệ, Việt Dịch
9.    Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, Đời Lưu Tống Cương Lương Gia Xá | Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Tịnh, Việt Dịch
10.    Kinh Quán Vô Lượng Thọ Giảng Thích, Thích Hằng Quang
11.    Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh Sớ, Pháp Sư Tuệ Tịnh | Cư Sĩ Quảng Minh, Việt Dịch
12.    Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Như Hòa, Việt Dịch
13.    Kim Quang Minh Tối Thắng Vương Kinh Sớ, Đời Đường Tam Tạng Pháp Sư Nghĩa Tịnh | Cư Sĩ Như Hòa, Việt Dịch