Nếu còn niệm chán ưa, tức là còn sự ghét, yêu, lấy, bỏ. như thế có lỗi... Đại Sư Duy Tắc Thiền sư Thiên Như Đời Dao Tần | Dịch Giả :Hòa Thượng Thích Thiền Tâm | Xem: 756


Câu Hỏi

Về việc duy chỉ cõi Cực Lạc, riêng suy cử Đức A Di Đà, cùng những ý nghĩa: chiết, nhiếp, chán, ưa, tôi đã nghe lời diệu chỉ. Nhưng thiết tưởng chân tâm vẫn bình đẳng trong lành, nếu còn niệm chán ưa, tức là còn sự ghét, yêu, lấy, bỏ. Như thế có lỗi hay chăng?

Trả Lời

Ông chưa hiểu sâu về việc trên, nên mới có lời hỏi ấy. Sự chán ưa đó không phải là lòng yêu ghét của thế gian, mà chính là đường lối chung để chuyển phàm thành thánh của mười phương chư Phật. Nếu không chán bỏ, làm sao chuyển phàm; nếu không có ưa lấy, làm sao thành thánh?
 
Cho nên từ phàm phu đi đến thánh vị, từ thánh vị đi đến Đẳng Giác, khoảng thời gian tăng tiến đó, đều ở trong vòng lấy bỏ chán ưa. Chừng nào hành nhơn đã chứng đến ngôi cực quả là Diệu Giác, mới không còn sự lấy bỏ chán ưa, vào thể như như bình đẳng. Vì thế tiên đức đã bảo: 'Người tu trước tiên phải có lấy bỏ để đi đến chỗ không lấy bỏ. Khi sự lấy bỏ đã chí cực, thì cùng với sự không lấy bỏ vẫn đồng nhau.' Huống chi pháp môn Tịnh Độ vốn do Đức Thích Ca và Di Đà kiến lập, một vị khuyến khích cầu sanh, một vị giữ phần tiếp dẫn; nếu người tu tịnh nghiệp không có niệm chán bỏ thì làm sao lìa cõi Ta Bà, không có tâm ưa cầu, làm sao sanh về Cực Lạc? Sự sanh về Tịnh Độ chẳng qua là mượn thắng duyên bên cõi ấy để mau thành quả Bồ Đề, thì việc lấy bỏ chán ưa đã không có công lớn thì thôi, sao lại cho là có lỗi?

Trích từ: Tịnh Độ Hoặc Vấn