Phật Học Vấn Đáp


Nền đạo đức của đạo phật có ảnh hưởng gì trong các ngành sinh hoạt chuyên môn của xã hội không?
Kính Bạch Thầy, nhiều bạn trẻ làm việc văn phòng trong các lĩnh vực chuyên môn về kinh doanh, khoa học, pháp luật cũng muốn tìm hiểu về đạo Phật để nâng cao đời sống tâm linh. Nhưng có bạn thắc mắc là đạo Phật có chuẩn mực đạo đức cao, có ngũ giới, có từ bi hỷ xả; như vậy, liệu các chuẩn mực đạo đức và việc trì giới có là điều ‘bất lợi’ cho công danh sự nghiệp của các bạn ấy, và ảnh hưởng đến kinh tế gia đình của các bạn ấy không ạ? Con nên giải thích với các bạn ấy ra sao?

8/1/2022 12:47:49 PM

Bi là mở rộng lòng thương bao dung rộng lớn. Trí là tuệ giác là tỉnh thức có khả năng nhận diện soi sáng chuyển hóa vô minh. Thuật ngữ chuyên môn của Phật giáo gọi là: "Đoạn hoặc chứng chơn". Nếu y cứ vào "Ba Đức" thì, đoạn hoặc thuộc về Đoạn đức. Trí tuệ soi sáng thuộc về Trí đức. Lòng thương rộng lượng bao dung tha thứ thuộc về Ân đức. Dũng là sức mạnh của tinh thần thể hiện được tinh thần Vô úy. Sức mạnh đó là không khuất phục đầu hàng trước bất cứ thế lực vô minh nào. Đó là dũng khí của một con người hùng tráng hiên ngang hy hiến đời mình để phụng sự cho đạo pháp và phục vụ chúng sinh. Đó là tinh thần vô ngã phá chấp của đạo Phật.

Toàn bộ hệ thống giáo điển của Phật giáo, đều dựa vào hai nguyên tắc cơ bản: Khế lý và khế cơ. Khế lý là phù hợp với chân lý muôn đời bất di bất dịch. Khế cơ là xứng hợp với mọi trình độ căn cơ và thời đại. Có thể nói, từ ngàn xưa, nguồn giáo lý của đạo Phật chưa bao giờ đi ngược lại với trào lưu tư tưởng của nhơn loại. Chẳng những thế, mà nguồn giáo lý của đạo Phật còn soi sáng hướng dẫn giúp cho các ngành nghiên cứu về khoa học, khám phá phát minh ra những điều mới lạ kỳ diệu. Những khám phá phát minh về những kỹ thuật điện tử của khoa học, nhằm mang lại cho đời sống con người có thêm nhiều thứ tiện nghi vật chất thoải mái. Nhưng bước sang lĩnh vực tinh thần giải quyết những khúc mắc nội kết ẩn tàng của đời sống tâm linh thì, khoa học đành phải chịu bó tay không tài nào có thể đáp ứng được. Do đó, khoa học phải nhờ đến Phật học. Điều nầy ta thấy rất rõ trong thế giới tương quan hiện nay. Cả hai đều hỗ tương soi sáng cho nhau, nhưng khoa học vẫn còn mò mẫm dò dẫm và phải còn nhờ đến Phật học rất nhiều để trợ lực khai sáng.

Tuy nhiên, điều chúng ta cũng nên lưu ý là, giáo lý của đạo Phật bao giờ cũng nhằm để soi sáng quán chiếu vào nội tại. Đường lối hướng dẫn tu tập của đạo Phật vẫn luôn chú trọng đến phần nội quan hơn là ngoại quan. Câu nói: "Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc" của Tuệ Trung Thượng Sĩ dạy cho vua Trần Nhân Tông là câu nói bất hủ có giá trị muôn đời. Nói thế, để Phật tử thấy rằng, đâu là gốc ngọn tu hành của đạo Phật.

Đạo Phật là đạo ban vui cứu khổ. Đó là hạnh nguyện từ bi vị tha nhân ái của đạo Phật. Lòng thương thuộc về trái tim. Trí giác thuộc về khối óc hay lý trí.  Có khối óc mà không có trái tim thì không thể làm lợi lạc cho ai. Nhờ có trái tim nên con người mới biết yêu thương đồng loại rộng ra là hết thảy muôn loài. Trái tim thuộc về tình cảm. Nhưng bên cạnh trái tim, còn cần phải có sự điều động của lý trí. Lý trí bao giờ cũng đóng vai trò chỉ đạo cho tình cảm thực hiện đúng theo hướng chân lý. Thế nên, trong đạo Phật "Bi" và "Trí" phải đi đôi với nhau. Thiếu một thì không được.

Trở lại câu hỏi thắc mắc của Phật tử: "theo các bạn trẻ cho rằng, đạo Phật có chuẩn mực đạo đức cao như Ngũ giới, Từ, Bi ,Hỷ ,Xả,  v.v...  Phật tử nêu ra thắc mắc, như vậy, liệu các chuẩn mực đạo đức và việc trì giới đó có là điều ‘bất lợi’ cho công danh sự nghiệp của các bạn ấy, và ảnh hưởng đến kinh tế gia đình của các bạn ấy không"?

Xin thưa, là không có gì trở ngại bất lợi cho công danh sự nghiệp của các bạn và cũng không có ảnh hưởng gì đến kinh tế gia đình của các bạn cả. Chẳng những không có bất lợi trong việc tu tập và ảnh hưởng đến kinh tế gia đình, mà trái lại nó còn làm tăng thêm sự lợi ích thiết thực cho những điều đó. Như trên đã nói, giáo lý của đạo Phật giúp cho con người có thêm hìểu biết và niềm tin. Tự tin vào khả năng sở học của mình để có thể cống hiến cho đời những gì lợi ích tương quan trong cuộc sống. Dù các bạn có làm bất cứ chuyên ngành nào trong xã hội, việc xây dựng đạo đức cá nhân đó là điều hệ trọng trước tiên. Đạo đức căn bản của con người không ngoài năm nguyên lý đạo đức mà đức Phật đã dạy. Năm nguyên lý đạo đức căn bản đó giúp cho các bạn thăng tiến vững mạnh trên bước đường công danh sự nghiệp. Như bạn giữ giới không gian tham trộm cướp những vật quý giá của ai, thế thì có phải là bạn sẽ được mọi người tín nhiệm tin tưởng bạn không? Đó là bạn đang xây dựng đạo đức nâng cao phẩm giá uy tín cho bạn. Bạn làm việc ở đâu người ta cũng đều đặt hết niềm tin tưởng vào bạn ở đó. Không một ai tỏ ra khinh khi nghi ngờ hay coi thường bạn cả. Như thế thì sự nghiệp của bạn ngày càng bảo đảm vững mạnh hơn. Ai dám nói điều đó là bất lợi cho bạn? Đến như lời nói của bạn cũng thế. Khi bạn thật hành giữ giới không nói dối, không lường gạt, không thêm thắt đặt điều, thêu dệt, đâm thọc, ly gián với bất cứ ai, nhất là đối với các bạn đồng nghiệp chung sở, tất nhiên, ai ai cũng quý trọng bạn. Vì lời bạn nói ra là ái ngữ, là chánh ngữ, là sự thật, như đinh đóng cột, không ai là không tin bạn. Thế thì bạn thử xét có lợi hay bất lợi? Chỉ đơn cử nêu ra hai giới cấm mà bạn thấy là đã đem lại sự lợi ích cho cá nhân và sự nghiệp của bạn nhiều rồi. Còn những giới khác bạn suy gẫm thì biết. Tôi xin thưa với bạn, giới luật của Phật chế ra không phải là điều kiện ràng buộc mà nó có công năng mang lại cho bạn có nhiều sự tự do và giải thoát. Thế thì, điều đó có phải là chuẩn mực đạo đức cao hay không? Hay đó mới thực sự là nền tảng căn bản đạo đức của một con người.

Nếu bạn là người đang sinh sống trong nghề kinh doanh thương mãi, thì tôi thiết nghĩ, việc tu tập của bạn rất là cần thiết. Bạn chỉ cần chịu khó thực tập cho bạn có được chánh niệm, thì nó sẽ mang lại cho bạn có nhiều lợi lạc. Phương pháp thực tập tuy có nhiều cách, nhưng cách hay nhất để bạn có được chánh niệm trong công việc làm ăn hằng ngày thì, không gì bằng là bạn thực tập theo dõi hơi thở. Bởi hơi thở là mạng sống của bạn và nó không bao giờ vắng mặt với bạn. Bạn chỉ cần để ra vài giây phút an trú vào hơi thở theo đúng phương pháp chỉ dẫn: "thở vào tôi biết tôi đang thở vào, thở ra tôi biết tôi đang thở ra". Đây là bài tập đầu tiên trong mười sáu bài tập "Quán niệm hơi thở". Khi bạn gặp việc rắc rối khó khăn căng thẳng khó giải quyết, thì bạn chỉ cần ngồi yên vài giây phút trở về với hơi thở chánh niệm thì, bạn sẽ cảm thấy tâm trí của bạn an ổn tươi mát trở lại. Những bức xúc căng thẳng bất an sẽ được điều hòa dịu lại. Nhờ sự bình tĩnh sáng suốt mà bạn có thể tìm ra phương cách giải quyết vấn đề một cách dễ dàng hơn. Còn hơn là bạn cứ suy nghĩ lung tung chỉ làm rối thêm lên, bởi do sự bất an trong tâm thức của bạn. Đây là một sự thực tập chớ không phải là lý thuyết. Người ta thường nói, thương trường cũng chính là chiến trường. Vì thế, việc ứng dụng tu tập theo phương pháp thiền quán nó giúp ích cho bạn rất nhiều trong nghề nghiệp kinh doanh của bạn. Và điều đó cũng đâu có gì làm ảnh hưởng đến nền kinh tế gia đình của bạn đâu! Tôi mong bạn nên tư duy suy xét kỹ lại về vấn đề nầy.

Vì trong phạm vi trả lời câu hỏi, nên tôi không thể luận giải cùng bạn nhiều hơn. Chỉ có thể chia sẻ trao đổi góp chút thành ý với các bạn mà thôi. Nếu các bạn muốn hiểu rõ thêm về vấn đề nầy, thì tôi thành thật khuyên các bạn nên tìm các loại sách nói về Thiền quán, nhất là Kinh Quán Niệm Hơi Thở để đọc rất có lợi ích cho bạn.

Nói tóm lại, chuẩn mực đạo đức và sự trì giới không có gì gây ra làm trở ngại hay gây ảnh hưởng tác động đến việc làm ăn của bạn. Chỉ sợ bạn thật hành không đúng theo tiêu chuẩn đạo đức đó thôi. Từ, bi, hỷ xả, đó là bốn lĩnh vực của cái tâm mở rộng lòng thương không biên giới. Chúng ta thực tập mở rộng được bao nhiêu thì sẽ được lợi lạc hạnh phúc bấy nhiêu. Chớ đâu có bắt buộc bạn phải thật hành hoàn toàn đúng theo chuẩn mực đó. Tất cả đều là thực tập và phải thực tập từng bước cho thật vững chắc. Tu là sự thực tập áp dụng vào đời sống hằng ngày qua những giáo, giới mà Phật Tổ đã dạy để cho đời ta có được thêm nhiều lợi lạc an vui và hạnh phúc.

Kính chúc các bạn vui khỏe và thành công trong việc tu học và sự nghiệp.

Trích từ:  Một Trăm Câu Hỏi Phật Pháp Tập 3. Thượng Tọa Thích Phước Thái


Thẻ
Giới        Nghiệp        Thập Niệm        Luật       

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật