Niệm phật lớn tiếng và niệm phật nhỏ tiếng hoặc niệm thầm, công đức có... Thượng Tọa Thích Phước Thái | Xem: 794


Câu Hỏi

Kính bạch thầy, con có nghe nói mình niệm Phật lớn tiếng thì công đức sẽ nhiều hơn là niệm nhỏ tiếng và niệm Phật nhỏ tiếng thì công đức lại lớn hơn niệm thầm. Con không biết điều nói đó có đúng như vậy không? Kính mong thầy giải đáp cho chúng con hiểu. Thành kính cảm ơn thầy.

Trả Lời

Nếu nói một cách tổng quát thì, niệm Phật bằng cách nào cũng đều có công đức cả. Tuy nhiên, với điều kiện là hành giả phải nhiếp tâm thiết thiệt niệm Phật. Trong Kinh có nêu ra bốn cách niệm Phật: Cao thinh niệm (niệm Phật lớn tiếng), đê thinh niệm (niệm Phật nhỏ tiếng), kim cang niệm (niệm Phật se sẽ ở môi) mặc niệm (niệm Phật thầm ở trong tâm). Bốn cách nầy tùy hành giả linh động uyển chuyển mà có thể thay đổi. Theo kinh nghiệm của chư Tổ thì:

Cách niệm Phật thứ nhứt, là hành giả niệm lớn tiếng lâu thì dễ bị tổn hơi và mau mệt, nhất là người trọng tuổi. Tuy nhiên, nó được cái lợi là dễ trừ được vọng niệm và bệnh hôn trầm ngủ gục. Vì khi niệm lớn tiếng, miệng niệm, tai nghe, chú tâm theo dõi nên nó lấn át được vọng niệm. Vọng niệm khó phát sanh. Đây cũng chỉ là một phương tiện khác nào như lấy đá đè cỏ thôi.

Cách niệm thứ hai, là hành giả niệm Phật nhỏ tiếng. Cách niệm Phật nầy được cái lợi là ít bị tổn hơi và có thể niệm được lâu hơn. Nhưng vọng niệm cũng dễ xen vào.

Cách niệm thứ ba, là hành giả áp dụng kim cang niệm. Nghĩa là chỉ niệm se sẽ ở môi. Cách niệm Phật nầy tuy không bị tổn hơi có thể niệm được lâu mà không cảm thấy mệt mỏi. Thế nhưng, nó có cái bất lợi là dễ bị hôn trầm, tức dễ ngủ gục.

Cách niệm thứ tư, là hành giả chỉ niệm thầm trong tâm. Cách niệm Phật nầy chỉ có tự mình biết và được cái lợi là niệm được trong tất cả thời gian và nơi chốn. Không có hạn cuộc vào bất cứ nơi đâu. Trong tứ oai nghi: đi, đứng, ngồi, nằm đều niệm Phật được cả. Tuy nhiên, cách niệm Phật nầy hành giả phải dụng công tế nhị miên mật lâu ngày mới thành thói quen thuần thục được. Cách niệm Phật nầy, hành giả dễ mau được nhứt tâm hơn. Nhưng nó cũng dễ bị tán loạn lắm. Chỉ cần lơ là xao lãng một chút là vọng tưởng xen vào hoặc phóng tâm. Vì thế hành giả phải chú tâm lắm mới được.

Nói tóm lại, bốn cách niệm Phật trên, trong khi ứng dụng thì hành giả có thể tùy nghi linh động mà thay đổi cho thích hợp miễn sao tâm hành giả được an định là tốt.

Còn nói niệm Phật lớn tiếng thì có công đức nhiều hơn nhỏ tiếng và nhỏ tiếng thì công đức nhiều hơn niệm thầm v.v... Trước hết, thiết nghĩ, chúng ta cũng nên hiểu công đức là gì? Công đức theo đức Lục Tổ Huệ Năng nói trong Kinh Pháp Bảo Đàn thì, công đức là cái đức bên trong do diệt trừ phiền não mà có. Còn phước đức là cái đức bên ngoài do bố thí cúng dường mà được. Như vậy công đức và phước đức tuy có khác trên hành tướng, nhưng cả hai đều phải tu. Tuy nhiên, công đức bao giờ cũng quan trọng hơn. Mục đích của việc niệm Phật là cốt để tiêu trừ phiền não. Nếu niệm Phật mà phiền não không giảm bớt thì đó là niệm sai, không đúng với chủ đích của việc niệm Phật. Như vậy trong lúc hành giả niệm Phật đều có lợi cả hai: "Công đức và phước đức". Công đức là nhờ chú tâm vào câu hiệu Phật mà vọng niệm phiền não không phát sanh. Phước đức là do ba nghiệp thân, miệng, ý, trong lúc niệm Phật được thanh tịnh mà có. Như vậy, niệm Phật bằng cách nào mà phiền não vơi đi, tâm hành giả được an định sáng suốt thì, đó là hành giả niệm Phật đúng cách. Còn nếu bảo niệm Phật lớn tiếng thì có công đức nhiều hơn các cách kia, theo tôi, người nói như thế thì không được đúng lắm. không biết họ căn cứ vào đâu mà nói như thế? Tuy  trong Kinh có nói, niệm Phật lớn tiếng có mười công đức, nhưng không có nói là công đức nhiều hơn các cách niệm Phật khác. Không lẽ do niệm lớn tiếng bị hao hơi phí sức là có công đức nhiều hơn sao? Nếu niệm Phật lớn tiếng mà trong tâm thì nhớ nghĩ lung tung, không dính dáng gì đến câu hiệu Phật đang niệm cả, thử hỏi niệm như thế, có được công đức gì không? Vì niệm bằng cái tâm tán loạn thì công đức ở chỗ nào? Còn nếu niệm nhỏ tiếng hay niệm thầm mà hành giả được nhiếp tâm an định, vọng niệm không phát sanh, như vậy là công đức ít hơn niệm lớn tiếng chăng?

Tóm lại, niệm Phật có công đức nhiều hay ít, là do ở nơi tâm của hành giả có được an định hay không an định. Nếu hành giả chí thành tha thiết niệm Phật thì dù niệm bằng cách nào cũng đều có công đức và phước đức cả. Tuy nhiên, như trên đã nói, niệm Phật lớn tiếng thì được cái lợi là dễ trừ được vọng niệm và ít bị hôn trầm. Công đức là ở chỗ đó. Nhưng không phải ai niệm Phật lớn tiếng cũng được như vậy hết đâu. Điều nầy, còn tùy mỗi hành giả do chỗ dụng công tu hành tinh tấn hoặc giải đãi, chánh niệm hoặc thất niệm ... mà có ra sự khác biệt.

Kính chúc Phật tử luôn được dồi dào sức khỏe, tinh cần niệm Phật mau được thành tựu nhứt tâm bất loạn.

Trích từ: Một Trăm Câu Hỏi Phật Pháp Tập 3