Phật tâm đại từ bi thì chỉ nên nói pháp không tranh cãi, cớ sao lại... Đời Dao Tần, Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập | Dịch Giả :Hòa Thượng Thích Thiện Siêu | Xem: 460


Câu Hỏi

Phật tâm đại từ bi thì chỉ nên nói pháp không tranh cãi, cớ sao lại nói pháp có tranh cãi?

Trả Lời

Pháp không tranh cãi đều là vô tướng, thường tịch diệt, bất khả thuyết. Nay nói bố thí và các pháp vô thường, khổ, không v.v… đều là vì tịch diệt, không vì hý luận mà thuyết. Những người lợi căn biết ý Phật không khởi lên sự tranh cãi; còn kẻ độn căn không biết ý Phật, chấp lấy tướng, trước lấy tâm, nên khởi lên sự tranh cãi, nên gọi là có tranh cãi. Bát nhã Ba la mật này là "tính tốt ráo không" của các pháp, nên không có chỗ để tranh cãi. Nếu rốt ráo không mà có thể nắm, có thể tranh cãi thời không gọi là rốt ráo không. Vì rốt ráo không thì có và không hai sự đều dứt, thế nên Bát nhã Ba la mật gọi là chỗ không tranh cãi.

* Lại nữa, trong các kinh khác thường dùng ba lối để nói các pháp, đó là thiện, bất thiện và vô ký. Nay muốn nói các tướng các pháp chẳng phải thiện, chẳng phải bất thiện, chẳng phải vô ký, cho nên thuyết Kinh Đại Bát nhã Ba la mật đa.

Pháp học, pháp vô học, pháp phi học phi vô học; pháp do kiến đế đoạn (kiến sở đoạn), pháp do tư duy đoạn (tu sở đoạn), pháp không đoạn (phi sở đoạn); pháp có thể thấy có đối ngại, pháp không thể thấy có đối ngại, pháp không thể thấy không đối ngại; pháp thượng trung hạ; pháp tiểu, đại, vô lượng. Như vậy pháp môn có ba phần cũng thế.

* Lại nữa, trong các kinh khác tùy theo căn cơ hàng Thanh văn, Phật nói pháp Tứ niệm xứ, nơi đây Tỳ kheo quán trong thân ba mươi sáu vật để trừ bệnh tham dục, quán ngoài thân, trong ngoài thân cũng như vậy. Nay vì muốn dùng lối khác để nói pháp Tứ niệm xứ, nên Phật thuyết Kinh Đại Bát nhã Ba la mật, như nói: "Bồ tát quán trong thân, với thân không sanh giác quán, không thấy có thân, vì là vô sở đắc. Như vậy quán ngoài thân, quán trong ngoài thân, với thân không sanh giác tưởng, là một việc rất khó. Ba niệm xứ Thọ, Tâm, Pháp cũng vậy. Như vậy những pháp môn có bốn phần như: Bốn Chánh cần, bốn Như ý túc, bốn Thiền, bốn Đế v.v… cũng đều như thế".

* Lại nữa, trong các kinh khác Phật nói năm uẩn (ngũ chúng) là vô thường, khổ, không, vô ngã. Nay vì muốn dùng lối nói khác về năm uẩn, nên thuyết Kinh Đại Bát nhã Ba la mật. Như Phật bảo Ngài Tu bồ đề: "Bồ Tát quán sắc là thường hành thì không hành Bát nhã Ba la mật; quán thọ, tưởng, hành, thức là thường hành, thì không hành Bát nhã Ba la mật; quán sắc là vô thường hành thì không hành Bát nhã Ba la mật; quán thọ, tưởng, hành, thức là vô thường hành, thì không hành Bát nhã Ba la mật. Như vậy các thứ năm pháp như: Năm thọ ấm, năm đạo v.v… cũng đều như thế.

Ngoài ra các pháp môn sáu, bảy, tám cho đến vô lượng v.v… cũng đều như thế. Như Đại Bát nhã Ba la mật vô lượng vô biên, nên nhân duyên thuyết Bát nhã Ba la mật cũng vô lượng vô biên; việc này rất rộng.

Trích từ: Đại Trí Độ Luận