Phật Học Vấn Đáp


Có một đứa con làm ăn khá giả, lại không chịu niệm Phật cầu vãng sanh. vậy phải làm sao, thưa Thầy?
Hai vợ chồng con và các con của con đều niệm Phật cầu vãng sanh Cực Lạc, duy có một đứa làm ăn khá giả, lại không chịu niệm Phật cầu vãng sanh. Con khuyên không được, vậy phải làm sao, thưa Thầy?

8/19/2022 4:27:24 PM

Đức Phật dạy: “Người tu phải vượt qua hai mươi điều khó”. Trong đó, điều khó thứ nhì là: “Giàu sang học đạo là khó”. Vì họ cảm thấy họ đang ăn ngon, mặc đẹp, ở sang, muốn gì được nấy, họ cảm thấy thỏa mãn, hạnh phúc quá rồi, đâu cần gì nữa. Họ nào có biết đâu ngày nay giàu sang, học giỏi là nhờ kiếp trước khéo tu bố thí tài và bố thí pháp. Người có phước, hưởng hết phước liền bị đọa. Phước cõi người đâu bằng phước cõi Trời, Tiên hưởng hết phước vẫn bi đọa.

Họ lại lầm nghĩ rằng, kiếp này họ chẳng làm ác, kiếp sau sẽ sanh trở lại làm người. Họ đâu biết rằng trong lúc làm giàu, nếu không cố ý thì cũng vô tình đã tạo nhiều ác nghiệp. Mặt khác, kiếp này được làm người là nhờ giờ phút cuối cùng của kiếp trước nhân thiện đến lúc chín mùi. Trong lúc đó còn có rất nhiều ác nghiệp còn tiềm phục trong tạng thức. Biết đâu những hạt giống ác nghiệp kiếp trước và kiếp này chín mùi ngay trước giờ phút lâm chung, thì tức khắc bị đọa vào ba đường ác: địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh.

Bởi vậy Đức Phật dạy: “Thân người khó được, Phật pháp khó nghe”. Đức Phật đưa ra hai thí dụ:

1. Người chết được lại thân người như đất dính ở đầu ngón tay (quá ít), còn những trường hợp mất thân người (bị đọa ba đường ác, địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh) như đất ngoài đại địa (thật quá nhiều, nhiều không biết bao nhiêu lần mà kể).

2.  Rùa mù chui vào bọng cây. Con rùa mù ở dưới đáy biển cứ một trăm năm trồi lên mặt biển một lần để chui vào bọng cây trên mặt biển. Bọng cây nổi lềnh bềnh trên mặt biển, một trăm năm bị sóng gió thổi trôi giạt biết đến phương trời nào mà tìm. Dù cho có tìm được, rùa đui mù thấy đường đâu mà chui vào? Trăm ngàn vạn lần khó khăn như thế mà Đức Phật bảo rằng còn dễ hơn được lại thân người.

Kinh A di đà nói: “Pháp môn Tịnh Độ là pháp khó tin” nên người không tin là chuyện bình thường thôi. Họ không tin vì căn cơ hạ liệt, nghiệp chướng ngăn che… (Xin đọc câu đáp 1C). Mỗi người có phước phần riêng. Hãy tùy duyên để được tự tại, phan duyên làm chi cho thêm phiền não. Hai đạo hữu hãy tinh tấn hành trì, công phu đắc lực đạt Bất niệm tự niệm sẽ được nhiều lợi ích và sẽ giải quyết được vấn đề như đã nêu ở câu đáp 90A ghi trên.

__________________
1C: https://adidaphat.net/FAQ/1836/Tin sau la sao
 

Trích từ:  Tịnh Độ Thực Hành Vấn Đáp. Thượng Tọa Thích Minh Tuệ


Thẻ
Niệm Phật        Cực Lạc        Vãng Sanh       

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật