Phật Học Vấn Đáp


Người không khai ngộ, có làm công tác phiên dịch được hay không?
Kính bạch Hòa thượng! Người không khai ngộ, có làm công tác phiên dịch được hay không? Như dịch các kinh sách từ Hoa văn sang Anh văn. Kính xin Hòa thượng giảng giải cho chúng con rõ.

8/16/2022 12:59:10 PM
Làm công tác phiên dịch chẳng khai ngộ cũng làm được. Phật pháp truyền vào Trung Quốc hơn hai ngàn năm nay, các Kinh điển bằng chữ Phạn, sau đó được chuyển dịch sang Hán văn. Làm công tác này rất nhiều người cùng làm, chẳng phải một người. Ngày xưa gọi là “dịch tràng” tức là trung tâm dịch thuật. Trung tâm phiên dịch của Ngài Cưu Ma La Thập thời đó, có hơn bốn trăm người làm việc, còn trung tâm phiên dịch của Ngài Huyền Trang hơn sáu trăm người làm việc, đều là những người có biên chế và sự trợ giúp của triều đình. Số lượng người nhiều như thế ai cũng khai ngộ hết sao? Điều này không thể có, nhưng trong đó, có một hai vị khai ngộ, vị khai ngộ là người ấn chứng cho tất cả mọi tác phẩm được dịch ra. Thí như, bài “Tâm Kinh” vào đời nhà Đường, do Pháp sư Huyền Trang dịch, đây chỉ dùng tên của Ngài, nhưng thật tế công tác phiên dịch bản Kinh này chẳng phải tự Ngài làm. Lấy tên của Ngài, là Ngài đứng để chịu trách nhiệm, sau khi tác phẩm dịch ra được Hòan chỉnh nhất định phải có sự thẩm định của người khác, thì lấy tên của Ngài để lưu hành công bố khắp tất cả. Mỗi bộ Kinh được phiên dịch ra, thì người phiên dịch bộ Kinh đó phải có trách nhiệm với tác phẩm của mình. Do vậy, chưa khai ngộ cũng có thể tham gia làm công tác này được. Nếu chờ khai ngộ để làm việc thì Phật pháp sớm bị tiêu diệt mất rồi.

Nếu nói ai làm công tác phiên dịch, giảng Kinh đòi hỏi là người ngộ đạo thì rất hiếm. Thời xưa, người giảng Kinh chưa khai ngộ có tài vẫn lên pháp toà giảng Kinh thuyết giảng. Nếu như đưa ra tiêu chuẩn này, thì thời bây giờ chẳng ai giảng Kinh nữa. Tôi hồi còn trẻ, lúc ấy chưa xuất gia, tham gia lớp học kinh của lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam, lúc đó lớp học khoảng hai mươi mấy người. Trong hai mươi mấy người này, chỉ có một người học qua đại học, hai người học qua trung học, ba người học qua cấp hai, bảy đến tám người mới vào cấp hai, số người còn lại là tiểu học. Trải qua một thời gian học tập, do Lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam giảng dạy, những người này sau đều là những người giảng kinh thuyết pháp, ở khắp nơi các vùng Đài Loan.

Lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam dạy chúng tôi một nguyên tắc rằng: Khi chưa khai ngộ, thì chẳng tùy tiện giảng, nếu như dùng suy nghĩ của riêng mình để giảng, như thế giảng đã sai còn trái với nhân quả. Cổ nhân nói: “Nói sai một chữ, đọa làm thân chồn đến năm trăm kiếp”, như thế, nên cẩn thận. Thầy Bỉnh Nam dạy chúng tôi tập chú giải, theo những bản chú giải sẵn có của người xưa, những bản văn này là văn nửa cổ nửa tân, chúng tôi chuyển qua văn bạch thoại. Viết thành bản nháp, Hòan toàn dựa vào lời chú giải của người xưa để viết lại văn bạch thoại, nếu như có sai thì người xưa chịu trách nhiệm, chúng tôi chẳng chịu trách nhiệm. Đầu tiên chưa học giảng Kinh chúng tôi chỉ tập chú giải Kinh. Nếu như gặp chỗ chú giải quá sâu không hiểu, thầy Lý Bỉnh Nam dạy chúng tôi một diệu pháp rất hay: “Nếu chẳng hiểu thì chẳng giảng. Không giảng những chỗ mình chưa hiểu tới để tránh những điều sai lầm.” Chúng tôi vâng theo lời dạy này, ngày nào chúng tôi cũng lên bục giảng để tập luyện.

 Làm công tác này chỉ cần thành tâm thành ý, không mong cầu danh văn lợi dưỡng, không ngạo mạn, tham sân, như thế đích thật sẽ có tiến bộ, mỗi năm đều tiến bộ, có tiến bộ nhất định có tiểu ngộ, có tiểu ngộ thì biến thành đại ngộ. Hôm nay chúng tôi mở quyển Kinh ra, có lẽ chúng tôi xem lời chú giải của người xưa, đủ sức để chúng tôi hiểu được và thường xuyên tư duy rất nhiều ý trong Kinh, đây chính chúng tôi không ngừng sự cầu học và cầu tiến bộ, cũng không ngừng công phu tu tập, cầu chư Phật và Bồ tát thường gia trì.

 Đương thời Thầy Lý Bỉnh Nam, tặng chúng tôi bốn chữ “Chí thành cảm thông”, bốn chữ then chốt. Muốn học giảng Kinh, cần phải thông pháp thế gian và xuất thế gian. Thông pháp thế gian và xuất thế gian thật chẳng phải là việc dễ dàng, Thầy Lý Bỉnh Nam dạy chúng tôi một phương pháp duy nhất là dùng tâm chân thành cầu cảm ứng. Chúng ta chẳng có tâm chân thành thì không cảm ứng. Đương nhiên có người làm được việc giảng kinh thuyết pháp, thì chúng tôi chẳng giảng nữa lo nhập thất tu tập. Vì chẳng có người làm công việc này, nên chúng tôi phát tâm làm việc thấy trách nhiệm mình rất nặng. Tôi ngồi trên pháp toà giảng kinh được 41 năm, bình quân mỗi ngày giảng đến hai tiếng đồng hồ, mãi cho đến ngày hôm nay, với chút thành tựu như thế, tôi đưa ra vấn đề như thế cho tất cả mọi người tham khảo, và xin hồi hướng khắp pháp giới chúng sanh cùng lợi lạc.
 
Trích từ:  Tịnh Độ Vấn Đáp. Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Dịch Giả : Thích Nhuận Nghi


Thẻ
Thập Niệm       

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật