Phật Học Vấn Đáp


Thế học không giỏi thì học Phật pháp cũng không giỏi. Xin hỏi Hòa thượng như thế nào là tốt?
Kính bạch Hòa thượng! Thời gian học tập theo chương trình thế học, con thấy phí thời gian nhiều, cho nên muốn dùng thời gian này để học Phật pháp. Nhưng nếu học Phật pháp mà không có trình độ thế học cũng không được, bởi bằng cấp thế học là phương tiện để xin việc làm và kiếm tiền sinh sống. Do đó, học thế học không giỏi thì học Phật pháp cũng không giỏi. Xin hỏi Hòa thượng như thế nào là tốt? Mong Hòa thượng chỉ dạy cho đệ tử rõ.

8/16/2022 11:35:05 AM
Phật tử trước tiên nên học hết chương trình thế học và chọn cho mình một nghề nào đó hợp với mình để giúp cho mình trong đời sống sinh hoạt. Cuộc sống không cần phải bận tâm quá nhiều chuyện làm giàu, thời gian trôi qua rất nhanh phải toàn tâm toàn ý, tập trung vào chuyện học Phật. Nhưng trong Kinh Phật nói: “Pháp luân chưa chuyển thì lo cuộc sống trước”. Thực tế là vậy: Nếu cuộc sống chúng ta có vấn đề gì thì chúng ta khó có tâm tư để vào chuyện học Phật. Cho nên những Phật tử tại gia, nhất định phải có cuộc sống gia đình ổn định, khi mình học Phật mà mọi người trong gia đình sống an vui hoan hỷ thì việc học Phật như thế mới thật sự có kết quả.

Thời xưa, người xuất gia phần nhiều tu hành thành tựu đạo nghiệp, so với người xuất gia thời bây giờ. Nguyên nhân là: Ngày xưa cư sĩ, Phật tử cúng dường cho chư tăng bằng ruộng đất. Chùa viện dùng đất đai đó để canh tác cày cấy, kinh tế nhà chùa có sự thu nhập ổn định. Vì vậy họ không có tâm trông vào tín thí, không có lập đàn cúng kính, nhận đám này, đám kia… cho nên tâm an ổn, việc tu đạo rất dễ thành tựu. Bây giờ khó khăn, các chùa không có tài sản cố định, không có sự thu nhập, cho nên chùa viện bây giờ, thu nhập Hòan toàn dựa vào việc cúng kính, đàn tràng pháp hội. Vì vậy con đường xuất gia tu đạo của người bây giờ khó thành tựu được đạo nghiệp. Chúng ta để tâm quán sát, các Phật tử tại gia tại sao tu tập thành tựu được? Vì gia đình họ có kinh tế và sự thu nhập ổn định, do đó tâm của họ an định thanh tịnh hơn người xuất gia là vậy.

Người xuất gia sống trong Hòan cảnh hiện tại cần phải như lý, như pháp mà tu hành thì đạo nghiệp cũng rực sáng. Nếu người xuất gia thiếu niềm tin thì dựa vào đâu để sống? Dựa vào tượng Phật, Bồ tát bằng gỗ bằng đá có sống được không? Bản thân mình không đủ niềm tin thì đã khó rồi. Phải có niềm tin vào chư Phật và Bồ tát một cách tuyệt đối không chút nghi ngờ dù đói chết cũng cam lòng. Phật và Bồ tát không bao giờ bỏ chúng ta, vừa có khổ nạn là có người đến cứu giúp chúng ta. Nếu như thiếu niềm tin thì không có sức gia trì Tam bảo.

Chúng ta không nắm kinh tế, chẳng biết có người nào đem đến cúng dường, chỉ có niềm tin và chuyên tâm niệm Phật cầu vãng sanh về Tây phương Cực lạc. Dù không có tài sản kinh tế nhưng tâm kiên định niệm Phật, càng niệm càng nhất tâm. Một ngày không ăn, thì một ngày niệm Phật, hai ngày không ăn thì hai ngày niệm Phật, tới ba bốn ngày thì chúng ta sẽ được vãng sinh. Chúng ta cần phải có tâm niệm như vậy, nhất định không có tham sống sợ chết. Trong quyển sách “Tịnh độ thánh hiền lục” có nói về Pháp sư Doanh Kha vào đời nhà Tống, Ngài niệm Phật ba ngày không ăn uống, không ngủ nghỉ, nhất tâm niệm Phật A Di Đà như thế, đến ngày thứ ba đức Phật A Di Đà đến đưa Ngài về Tây phương. Đó là một minh chứng cho chúng ta thấy. Vậy chúng ta cần gì phải lo sợ! Kinh “A Di Đà” nói: “Niệm từ một ngày cho đến bảy ngày… thì nhất định vãng sinh”, như thế chúng ta có lòng tin vững chắc, vĩnh viễn giữ tâm cho chân thành, thanh tịnh, không hướng ngoại phan duyên.
 
Trích từ:  Tịnh Độ Vấn Đáp. Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Dịch Giả : Thích Nhuận Nghi


Thẻ
Học Phật       

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật