Phật Học Vấn Đáp


Một người hiểu rõ lý tự tánh, hạng khác là chẳng hiểu biết gì cả, niệm Phật. Ai thành tựu hơn?
Kính thưa Hòa thượng! Giả như có hai hạng người niệm Phật. Một người hiểu rõ lý tự tánh, sinh hoạt hàng ngày không khởi niệm, không chấp tướng, thời thời khắc khắc tỉnh giác tu tập tinh tấn, lý sự viên dung, dù hiện tại vẫn chưa được vãng sanh. Đây là công phu tu tập của hạng người thứ nhất. Còn một hạng khác là chẳng cầu hiểu biết gì cả, chỉ một câu Phật hiệu mà niệm. Cuộc sống chỉ cầu đủ ăn qua ngày, dành thì giờ công phu tu tập nhiều hơn, quyết chí một đời vãng sanh về Tịnh độ. Xin hỏi làm sao đánh giá được hai cách tu này nhanh hoặc mau? Kẻ hậu học nghiệp chướng sâu nặng, mong muốn công phu tu tập sớm thành tựu, nương theo người đi trước mà học. Kính xin Hòa thượng chỉ dạy cho đệ tử rõ.

8/15/2022 5:06:07 PM
Hai hạng người này đều có cái hay, khi tu tập đều có thể thành tựu. Nhà Phật thường nói kẻ dễ được độ nhất là hạng thượng căn và hạng ngu căn. Người thượng căn nghe một hiểu mười, tâm không Hòai nghi, tinh tấn dụng công tu tập không gián đoạn, dễ buông bỏ các tạp niệm nên công phu rất dễ thành tựu. Còn hạng người ngu căn tuy chẳng hiểu biết nhiều nhưng tâm họ chân thật, mà điều này là vô cùng đáng quí. Thầy dạy cho họ thế nào thì họ vâng theo và thọ trì như thế ấy. Họ chẳng có xen tạp vọng tưởng, tinh tấn tu tập chẳng có gián đoạn. Hai hạng người này thành tựu như nhau. Quý vị đều biết Pháp Sư Đế Nhàn, Ngài có người đệ tử chỉ chuyên làm công quả cuốc đất, nhổ cỏ ngoài vườn, một chữ cũng chẳng biết. Đây là hạng người ngu căn, khi vào xuất gia tu tập, cũng không học gì nhiều nhưng thầy dạy gì đều nhất mực vâng lời. Pháp sư dạy ông ta niệm sáu chữ “Nam mô A Di Đà Phật”, từ sáng đến tối dù làm công việc cũng không buông lơi. Ngài nói: “Niệm khi nào mệt thì nghỉ, nghỉ rồi lại niệm tiếp. Nhất định tương lai sau này sẽ có ích”. Nghe lời thầy dạy, ông chẳng biết có lợi ích gì hay không mà chỉ biết niệm từ sáng đến tối. Ba năm sau, một hôm, ông nói với mọi người trong chùa là hôm nay ông vãng sanh.  Và ông đứng niệm Phật mà vãng sanh. Đây là một người nhìn bên ngoài bình thường nhưng sự thành tựu công phu tu tập thật vô cùng phi thường. Tại sao ông ta thành tựu được như thế? Là nhờ vào tâm chân thật, tuy chẳng học và hiểu nhiều, mà chỉ có lòng chân thật và khiêm tốn, biết vâng lời thầy chỉ dạy, nhất tâm, nhất mực tu hành nên cuối cùng được thành tựu. Còn người tự cho mình là giỏi, mọi người xung quanh chẳng ai bằng mình, mình cao hơn, giỏi hơn họ thì khó mà thành tựu. Cho nên, con đường thế gian hay xuất thế gian, dù bất cứ trong lĩnh vực nào, muốn có sự thành tựu thì phải sống chân thật và lòng khiêm hạ với mọi người chung quanh. Ngày xưa các bậc Cổ Đức dạy người học đạo, trước phải học ngu. Đó mới thật sự là người có trí tuệ. Học ngu là không học thông minh, mới thật sự là người có trí huệ chân chánh, chân thật.
Trích từ:  Tịnh Độ Vấn Đáp. Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Dịch Giả : Thích Nhuận Nghi


Thẻ
Niệm Phật        Tử        Tịnh Độ        Vãng Sanh        Nghiệp       

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật