Phật Học Vấn Đáp


Nếu như không thể chứng đắc thì về Tịnh độ phải chăng chẳng phải chuyện dể dàng?
Kính bạch Hoà thượng, con cảm thấy câu nói “Tín, Hành, Giải” thực hành rất khó! Nếu như không thể chứng đắc thì về Tịnh độ phải chăng chẳng phải chuyện dể dàng? Kính xin Hoà thượng chỉ dạy cho đệ tử rõ.

8/15/2022 2:29:17 PM
Vãng sanh Tịnh độ quyết chẳng đòi hỏi chúng ta phải chứng quả. Đây là chỗ thù thắng của pháp môn Tịnh độ. Ngoài Tịnh độ Tông ra, các pháp môn khác đều phải chứng quả. Theo đại thừa, Bồ tát từ sơ tín tâm dần dần tu tập và trải qua nhiều quả vị mới chứng quả vị rốt ráo. Còn tiểu thừa, từ quả Tu Đà Hoàn cũng phải trải qua các quả vị để dần dần tiến lên quả vị giác ngộ. Việc này thật khó! Còn pháp môn Tịnh tông, đề xướng “Đới nghiệp vãng sanh” tức là mang theo nghiệp cũ mà vãng sanh về cõi Phật. Tuy chẳng cầu chứng quả, nhưng hằng ngày Phật tử cũng phải cố gắng tu tập để chuyển hoá tập khí phiền não của mình. Tại sao mình chuyển hoá không nổi? Là trong cuộc sống thường ngày có những lỗi nhỏ mà mình thường hay vi phạm, dần dần thành thói quen, do đó không thể chuyển nổi. Chỉ cần Phật tử tỉnh thức quyết tâm sám hối, gặp các cảnh duyên thuận hay nghịch, tự mình có bản lãnh nhẫn nhục, nhẫn nại, không phát ra sự nóng giận, rèn luyện được công phu như vậy thì vãng sanh Tây phương Cực lạc thế giới chẳng có trở ngại nữa. Công phu này rèn luyện bằng cách nào đây? Nhất định phải nhìn thấu, buông xuống, thường thường nghĩ đến Phật.

Kinh “Kim Cang” dạy chúng ta: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng. Nhất thiết hữu vi pháp như mộng huyễn, bào ảnh.” Đừng quá để ý, so đo người này, người kia bằng tâm đố kỵ, ganh tỵ thì tự nhiên tâm chúng ta sẽ bình lặng. Nhìn người khác có lỗi, đó là lỗi của họ. Lỗi đó với ta chẳng có liên quan gì, chỉ cần chính ta không động tâm thì ta có thể vãng sanh. Một số người tu hành không thành tựu. Cái rắc rối lớn nhất là gì? Là đem lỗi lầm của kẻ khác để vào trong lòng của mình, không chịu buông xuống thì rắc rối lớn đấy. Nhìn thấy người này lỗi, kẻ kia sai, cứ mãi ghim chặt vào lòng thì chính mình làm khổ mình trước và mất đi cơ duyên vãng sanh. Người thông minh nhìn thấy tất cả chúng sanh tạo tội nghiệp cực trọng chỉ khởi lòng thương xót, cầu nguyện họ tránh những nghiệp ác. Khi đó, họ càng tinh tấn niệm Phật mong ngày thành tựu để cứu vớt tất cả chúng sanh. Nếu bạn đồng tu có sai phạm thì bằng lòng thành, chúng ta góp ý, khuyên nhủ họ. Tuy nhiên, người xưa nói với chúng ta: “Khuyên người nhiều nhất là 3 lần, không thể 4 lần.” Bốn lần thì biến thành oan gia đối đầu. Ba lần khuyên họ chẳng chịu sửa lỗi thì nên nhớ: “Vĩnh viễn chớ nên khuyên họ nữa.” Khi gặp mặt nhau vẫn cung kính hoan hỷ làm bằng hữu, chớ làm oan gia, làm oan gia là không tốt rồi! Đây là cổ thánh tiên hiền dạy chúng ta nguyên tắc xử thế đối với người tại thế gian này là vậy.
 
Trích từ:  Tịnh Độ Vấn Đáp. Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Dịch Giả : Thích Nhuận Nghi


Thẻ
Tịnh Độ       

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật