Phật Học Vấn Đáp


Tại sao không thể đạt được kiến hoà đồng giải?
Kính bạch Hoà thượng! Tại sao không thể đạt được kiến hoà đồng giải? Xin Hoà thượng chỉ dạy cho đệ tử rõ. ?

8/15/2022 2:24:51 PM
Vấn đề này Phật tử hỏi rất hay. Tại sao không thể đạt được kiến hoà đồng giải? Nguyên nhân chủ yếu là lúc nào bạn cũng thấy lỗi của người khác thì làm sao sống chung hoà mục được với mọi người được. Do vậy mà không thể áp dụng kiến hoà đồng giải vào đời sống một cách thiết thực được. Kiến hoà đồng giải, cái phạm vi nhỏ nhất của nó là dùng vào gia đình, mà gần nhất là tình vợ chồng. Vợ chồng hoà hiệp thì gia đình hạnh phúc. Có câu: “Gia Hoà vạn sự hưng.” Làm thế nào để cho cuộc sống hòa mục với nhau? Điều này trong các buổi giảng tôi thường nói đến: Luôn thấy chỗ hay tốt của mọi người, đừng nên nhìn khuyết điểm của mọi người. Điều này tôi đã nói rất nhiều với quý vị rồi. Vợ chồng khi chưa kết hôn, đôi bên đều nhìn chỗ hay tốt của nhau, do đó mới sinh tâm hoan hỷ rồi kết hôn. Sau khi kết hôn thì hỏng hết, vì tối ngày chuyên nhìn thấy khuyết điểm của nhau. Điều này thì phiền phức lớn đấy! Như vậy thì làm sao có được cuộc sống an vui hạnh phúc cho đến trọn đời được. Muốn có hạnh phúc an vui với nhau, thì luôn thấy chỗ hay, chỗ tốt của mọi người, đừng có thấy ai cũng sai, cũng lỗi, sanh tâm khó chịu. Mình phải có tấm lòng rộng lượng bao dung, luôn thấy lỗi của mình nhiều hơn lỗi người. Có như thế, gia đình mới hạnh phúc, xã hội mới an vui, vợ chồng sẽ được bách niên giai lão, hoà hợp và hưng vượng. Then chốt là ở điểm này! Thường thường, ta hay nhìn lỗi của kẻ khác, đem cái lỗi của người ghim chặt vào trong lòng mình, như thế thì tạo nguyên nhân đưa đến phá sự hòa hợp rồi. Còn phá hòa hợp trong tăng đoàn, Phật nói: “Đó là tội đọa vào A  tỳ địa ngục.” Tuy nhiên, quí vị nên biết, chẳng phải tăng đoàn mà trong pháp thế gian tội cũng nặng. Người nào phá hoại sự hòa hợp, an định, hoà bình của xã hội, của thế giới thì đây chẳng phải là tội nhỏ. Điều này nhất định sẽ ảnh hưởng đến toàn xã hội, quốc gia, và toàn thế giới. Cho nên, tội lỗi này rất nặng, rất nặng! Vì vậy, chúng ta nhất định phải ghi nhớ, tuyệt đối không đem lỗi lầm của kẻ khác để vào trong tâm mình thì tâm của chúng ta mới được thuần thiện. Tâm vĩnh viễn là thanh tịnh chân thành, từ bi. Đây là tự tánh. Đấy là chân tâm, là Phật tâm. Được vậy thì chúng ta mới thành tựu pháp tu.

Trích từ:  Tịnh Độ Vấn Đáp. Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Dịch Giả : Thích Nhuận Nghi



Câu Hỏi Ngẫu Nhiên


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật