Phật Học Vấn Đáp


Cố ý hoặc vô ý lãng phí tài nguyên của thường trụ. nếu làm lâu dài như vậy thì có như pháp không?
Học trò làm công quả trong đạo tràng, nhưng vì tính chất công việc nên cố ý hoặc vô ý rất dễ lãng phí tài nguyên của thường trụ. Xin hỏi nếu làm lâu dài như vậy thì có như pháp không ạ? Hay là nên chọn công việc khác không dễ lãng phí của thường trụ để làm ạ?

8/14/2022 6:54:09 AM

Đúng vậy, lãng phí của thường trụ thì quả báo tương lai là bần cùng hạ tiện, vì sao vậy? Bạn đã hưởng hết sạch phước báo của mình rồi. Phiền phức nhất là về già không có phước báo thì rất đáng thương, lúc còn trẻ khỏe không có phước báo thì không đáng sợ, bạn có sức khỏe rất tốt, bạn vẫn có thể sống như vậy. Khi về già không có phước báo, không có người chăm sóc thì rất khổ sở. Cho nên Phật dạy chúng ta tiếc phước. Phật tự mình tiếc phước, trong đời sống không lãng phí một chút nào. Bạn xem truyện ký về Ấn Quang Đại Sư, Ấn Quang Đại Sư ăn cơm xong rồi thì Ngài lấy lưỡi liếm sạch bát đĩa, không lãng phí một chút nào. Ngài nhìn thấy người khác ăn cơm, trong bát vẫn còn cơm thì Ngài sẽ trách mắng, sẽ giáo huấn họ: Anh có phước báo lớn như vậy sao? Tiếc phước chính là bồi phước cho chính mình, lãng phí chính là tiêu hao đi phước của chính mình. Cho nên nếu bạn muốn tiêu hao phước báo, tương lai làm người không có phước báo, vậy thì bạn cứ tiếp tục làm. Bạn muốn phước báo tuổi xế chiều về sau của mình có thể hơn hiện nay một chút thì bạn nhất định phải tiếc phước. Thói quen lãng phí hiện nay là học từ người nước ngoài, người nước ngoài chú trọng về tiêu dùng, chúng ta thì chú trọng về tiết kiệm. Vì sao vậy? Họ không khuyến khích tiêu dùng thì những thứ họ sản xuất ra không bán được, cho nên họ khuyến khích tiêu dùng. Những thứ truyền thống của chúng ta như đồ nội thất bàn ghế giường tủ, người xưa nói nội thất gỗ gụ có thể dùng được bao nhiêu năm? Ít nhất có thể dùng được một trăm năm trở lên, họ không cần phải làm mới.

Chúng ta xây một ngôi nhà, ít nhất phải ở được ba trăm năm; người nước ngoài không cần, ở mấy chục năm là không muốn nữa, phá đi xây lại cái mới, họ muốn làm cái mới. Cho nên những thứ của họ không chắc chắn, bề ngoài trông rất dễ coi nhưng không chắc chắn, không bền, họ khuyến khích bạn tiêu dùng. Chúng ta gọi là ngôi nhà lâu năm, nhà cửa xây dựng có thể dùng được ba trăm năm. Ba trăm năm là khoảng năm, sáu thế hệ, thật sự là yêu thương con cháu. Điều này không như nhau. Dễ lãng phí nhất, bình thường chúng ta xem thấy, bạn xem giấy lau, trước đây không có, trước đây dùng giấy thô, giấy lau hiện nay dùng xong lập tức vứt đi, lau mặt thì dùng cả mấy tờ. Người xuất gia, người nghèo khổ có một thói quen, một tờ giấy lau phải dùng rất nhiều lần, dùng đến khi không thể dùng được nữa thì mới vứt đi. Mỗi lần dùng một chút xong rồi gấp lại. Tôi có thói quen này, tuyệt đối tôi không bao giờ lau nước mũi mà dùng cả mấy tờ giấy lau, không thể nào. Đại khái một tờ giấy lau thì tôi có thể dùng trong một ngày, nhiều lắm dùng hai tờ trong một ngày, bởi vì tôi không có phước báo. Về già còn có một chút phước báo như vậy, đây chính là trong mấy chục năm nay, sau khi học Phật hiểu được, càng ngày càng rõ ràng, biết tiếc phước. Tôi có phước thì cho người khác hưởng, phước đó của tôi vẫn còn, càng tích càng nhiều. Có phước mà hưởng, hưởng quá phần, điều này không thể được, đây không phải là việc tốt. Cho nên những giáo huấn này của người xưa vẫn là rất có đạo lý.

Trích từ:  Học Phật Vấn Đáp. Hòa Thượng Thích Tịnh Không



Câu Hỏi Ngẫu Nhiên


Từ Ngữ Phật Học Trong Phần Vấn Đáp



Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật