Phật Học Vấn Đáp


Muốn dùng tiền để bù đắp, hoặc làm công đức để hồi hướng cho thập phương thì có hiệu quả không?
Khi xưa cố ý hoặc vô ý ăn trộm tài vật Tam Bảo của Chùa chiền Đạo tràng, hiện tại muốn dùng tiền để bù đắp, hoặc làm công đức để hồi hướng cho thập phương thì có hiệu quả không ? Như lý như pháp nhất thì phải nên làm thế nào ?

8/14/2022 6:38:55 AM

Phật ở trong Kinh đã từng nói, Phật nói bạn tạo tội Ngũ nghịch Thập ác thì Phật còn có thể cứu bạn, còn trộm vật của Tam Bảo, Phật không có năng lực cứu bạn. Đây là ở trong Giới Kinh đã nói, vấn đề này rất nghiêm trọng. Nhưng mà hiện nay, chúng ta vừa nói đến Phật pháp trọng thực chất không trọng hình thức, Phật giáo hiện nay là Phật giáo hình thức hay là Phật giáo thực chất? Bạn hiểu rõ điểm này thì bạn sẽ biết, tội trộm vật của Tam Bảo trong Chùa hiện nay không nặng như trước đây. Hồi đó tôi mới xuất gia chưa bao lâu, tôi vừa xuất gia thì giảng Kinh ở Viện Phật Học. Lúc đó có lão cư sĩ Triệu Mặc Lâm, hiện nay ông đã qua đời rất lâu rồi. Một ngày nọ ông mời tôi ăn cơm, ở Công Đức Lâm trong Ga Tàu Đài Bắc. Khi tôi đến thì chỉ có hai người chúng tôi, không có khách khác, ông chỉ mời một mình tôi. Tôi nói Lão cư sĩ đức cao vọng trọng này, là lão cư sĩ Triệu mà trong lòng chúng tôi rất ngưỡng mộ, tôi hỏi vì sao hôm nay ông mời tôi ăn cơm? Ông nói tôi có vấn đề không thể giải quyết, tôi muốn thỉnh giáo Thầy. Tôi hỏi thỉnh giáo thì tôi không dám gánh, ông ấy học Phật lâu hơn tôi, đã từng thân cận Lão pháp sư Ấn Quang, là sư huynh đệ với Thầy Lý Bỉnh Nam của chúng tôi, tôi nói tôi không dám gánh. Tôi hỏi là vấn đề gì? Ông hỏi trong tội ngũ nghịch, bốn tội đầu tiên đương nhiên không dễ phạm, điều sau cùng rất dễ. Điều sau cùng là Phá hòa hợp Tăng. Tội ngũ nghịch là đọa Địa ngục A tỳ, ông nói hiện nay thấy người phá hòa hợp Tăng quá nhiều rồi, vậy phải làm sao?

Tôi nói với ông, chúng ta cứ vui vẻ ăn cơm, không sao cả. Ông nói làm sao mà không sao được? Tôi hỏi ngược lại ông một câu: “Lão cư sĩ! Ông học Phật nhiều năm như vậy rồi, có khi nào ông từng thấy Hòa hợp Tăng chưa?”. Khi ông nghe rồi thì suy nghĩ, nghĩ một hồi lâu thì bật cười. Hiện nay trong Chùa có hai người còn đánh nhau, còn cãi nhau, Hòa hợp Tăng đâu ra? Không có hòa hợp Tăng, ông đã thấu tỏ rồi. Hòa hợp Tăng là gì? Là Tăng đoàn tu Lục Hòa Kính, bốn người trở lên sống trong một Đạo tràng cộng tu, bốn người đều tuân thủ Lục Hòa Kính, đó gọi là Tăng đoàn Lục Hòa. Đạo lý đó giống với việc này, thật sự là tăng đoàn tu Lục Hòa Kính thì nếu bạn ăn trộm vật thường trụ ở trong đó thì tội đó nặng, không sám hối nổi. Nếu đạo tràng này, bạn xem thử hai người, ba người đều muốn cãi nhau, đều là dùng mưu đồ tranh đấu lẫn nhau, đây là Đạo tràng gì? Không phải là Đạo tràng Phật. Nhưng Phật từng nói, Phật nói năm lần năm trăm năm rồi mà bạn vẫn không tỏ tường sao? Thích Ca Mâu Ni Phật diệt độ năm trăm năm đầu tiên, giới luật thành tựu; Năm trăm năm thứ hai thì Thiền định thành tựu; Năm trăm năm thứ ba thì Đa Văn thành tựu, nghiên cứu kinh giáo; Năm trăm năm thứ tư thì Tháp miếu kiên cố, xây dựng chùa chiền, xây dựng đạo tràng; Năm trăm năm thứ năm, chính là thời đại của chúng ta hiện nay, đấu tranh kiên cố. Lời tiên tri này của Phật nói không sai, nếu đạo tràng hiện nay không có đấu tranh vậy thì lời Phật nói không phải là đã nói sai rồi sao? Đấu tranh kiên cố thì tương lai đến đâu? Đấu tranh thì chẳng phải đều bị đọa vào ba đường ác đó sao?

Đại sư Ấn Quang là Đại Thế Chí Bồ Tát tái lai, không phải là người thông thường. Ngài xuất hiện ở thời mạt pháp, chúng ta gần nhất. Ngài trong thời kỳ kháng chiến mới vãng sanh. Ngài dạy chúng ta thời kỳ mạt pháp tu pháp môn Tịnh Độ, tốt nhất là đạo tràng nhỏ, nhỏ đến mức độ nào? Không nên quá hai mươi người. Mọi người cùng nhau nhất tâm niệm Phật. Đạo tràng nhỏ dễ duy trì, tìm mấy hộ pháp để hộ trì, đời sống của bạn có thể trải qua được. Phát tâm Bồ Đề, nhất tâm chuyên niệm thì ai nấy đều vãng sanh. Đây gọi là trang nghiêm không gì sánh được, thành tựu mới là trang nghiêm thật sự. Đạo tràng của bạn quá lớn, không dễ quản lý, đặc biệt là điều gì? Không được đào tạo cơ bản. Mấy năm nay tôi cảm khái rất sâu sắc, ở trên toàn thế giới nhìn thấy, chúng ta không nói tôn giáo khác, nhìn vào Phật giáo, đồng học tại gia không làm được Thập Thiện Nghiệp, vậy thì không phải Đệ tử Phật chân chánh. Đặc biệt là Tịnh Tông, y cứ của Tịnh Tông chính là điều đã nói trong “Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật”, là Tịnh Nghiệp Tam Phước, đây là nguyên tắc chỉ đạo cao nhất của người tu hành chúng ta. Điều thứ nhất là “Hiếu dưỡng Phụ Mẫu, phụng sự Sư trưởng, từ tâm bất sát, tu Thập Thiện Nghiệp”. Các vị phải hiểu điều này là điều kiện mà người học Phật tại gia nhất định phải có đủ. Chính là “Thiện nam tử, thiện nữ nhân” nhắc đến trong Kinh, chữ Thiện đó là có tiêu chuẩn, bốn câu mười sáu chữ này là tiêu chuẩn của thiện nam tử, thiện nữ nhân. Nếu chúng ta không làm được thì không phải thiện nam tử, thiện nữ nhân. Điều thứ hai, đây mới là Quy Y Tam Bảo, bạn có đủ điều kiện này thì bạn mới có tư cách để “Thọ trì Tam Quy, trọn đủ các giới, không phạm oai nghi”, đây là bước vào cửa Phật.

Điều thứ hai là Phật pháp Tiểu thừa, Phật pháp là từ Tiểu đến Đại giống như đi học vậy, có Tiểu học, Trung học, Đại học theo tuần tự dần dần đi lên. Điều kiện nhập học là bốn câu phía trước: “Hiếu dưỡng Phụ Mẫu, phụng sự Sư Trưởng, từ tâm bất sát, tu Thập Thiện Nghiệp”. Đây là điều kiện nhập học. Trong những năm gần đây chúng tôi đề xướng “Đệ Tử Quy”, “Đệ Tử Quy” chính là hai câu phía trước, Hiếu Thân Tôn Sư thì học “Đệ Tử Quy”; Từ tâm bất sát là giáo dục nhân quả, học “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên”; Sau đó bạn mới học Thập Thiện Nghiệp. Đây là ba cái gốc, ba nền tảng của Nho Thích Đạo, không có ba nền tảng này thì không thể vào cửa Phật. Hiện nay không có ba nền tảng này cũng Quy y, cũng thọ giới, thậm chí là cũng xuất gia, cho nên khó trách Phật giáo suy bại. Phải hiểu được nguyên nhân. Đối với người xuất gia còn phải thêm vào một cái gốc, tức là gồm bốn cái gốc, đó là “Sa Di Luật Nghi”. Đây là ít nhất rồi, vậy thì mới là người xuất gia chân chánh. Tỳ kheo, Bồ Tát Giới chúng ta không bàn đến, vì sao vậy? Tổ Sư đã nói với chúng ta, Đại sư Ngẫu Ích làm không được. Đại sư Ngẫu Ích sau khi thọ Tam Đàn Đại Giới thì xả giới Tỳ kheo, cả đời làm gì? Sa Di Bồ Tát Giới. Tổ Sư đã làm tấm gương cho chúng ta xem. Đại sư Ngẫu Ích là thân phận Sa Di, đồ đệ của Ngài đều không dám xưng là Sa Di. Pháp sư Thành Thời cũng rất cừ khôi, trước tác của Đại sư Ngẫu Ích có thể lưu truyền đến đời sau đều nhờ Ngài, Ngài đã biên tập khắc bản để lưu thông. Đại sư Thành Thời tự mình xưng là Ưu Bà Tắc xuất gia, Ưu Bà Tắc là cư sĩ, chính là cư sĩ xuất gia; Nói một cách khác, Lão sư của Ngài có thể làm được giới Sa Di, còn chính Ngài chỉ có thể làm được Ngũ giới Thập Thiện, là Ưu Bà Tắc xuất gia.

Bạn xem thấy người trước đây đều là trọng thực chất không trọng hình thức. Vậy mà ngày nay, chúng ta ngay cả điều đầu tiên trong Tịnh Nghiệp Tam Phước còn làm không được, vấn đề này nghiêm trọng. Cho nên chúng tôi mới cực lực khuyên bảo, khích lệ đồng học phải học bổ túc, trước đây không biết không học, hiện nay học bổ túc, vô cùng nghiêm túc mà học tập. Tôi nghĩ nếu thật làm thì một năm là hoàn thành, bốn môn công khóa này bạn sẽ học được đầy đủ. Phải làm điều này, đây là thuộc về Giới luật, là thuộc về Hành Kinh. Kinh có Giáo, có Lý, có Hành, có Quả. Việc này phải thật làm. Không có nền tảng này thì bạn là nghiên cứu Phật học, bạn không phải là học Phật. Có đủ ba nền tảng này, đồng học tại gia có đủ ba nền tảng này thì bạn là học Phật, là Đệ tử Phật thật; Người xuất gia thì thêm vào “Sa Di Luật Nghi” là bốn cái gốc thì bạn thật sự đang học Phật. Nếu lơ là đi bốn môn này thì bạn là nghiên cứu Phật học, bạn không phải là học Phật. Nghiên cứu Phật học là trồng chủng tử của Phật vào A lại da thức, trong đời này bạn không được lợi ích thù thắng của Phật pháp.

Bạn từng cố ý hay vô ý trộm vật của Tam Bảo, biết được tội lỗi này không nghiêm trọng như khi xưa. Khi xưa là đạo tràng như pháp nên nghiêm trọng. Hiện nay đạo tràng cũng không thật như pháp, lấy tiêu chuẩn trước đây thì hiện nay kém rất xa, nhưng đều là có tội lỗi, nói chung là có tội nghiệp. Chỉ cần bạn hiểu được thì biết được, có tâm hổ thẹn, dùng tâm sám hối để làm việc tốt, để sửa sai thì không có vấn đề gì. Phật pháp là thông tình đạt lý, tình người và pháp lý, mọi mặt thảy đều chu đáo.

Trích từ:  Học Phật Vấn Đáp. Hòa Thượng Thích Tịnh Không


Thẻ
Công Đức        Tam Bảo        Hồi Hướng       

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật