Phật Học Vấn Đáp


Tại sao người hiện nay thường hay có các loại bệnh kỳ lạ, như mọc khối u, bị bệnh ung thư?

8/13/2022 8:49:42 PM

Câu hỏi này hỏi rất hay, đồng học học Phật đều biết, trong Phật pháp nói có ba nguyên nhân bị bệnh.

Loại thứ nhất là bệnh sinh lý, bao gồm việc ăn uống của bạn, người xưa thường nói: "Bệnh từ miệng vào, họa từ miệng ra", cho nên miệng là cửa của họa phước. Thời tiết thay đổi, chúng ta mặc quần áo không cẩn thận, những thứ này đều là nguồn gốc của bệnh sinh lý.

Loại bệnh thứ hai là thuộc về oan gia trái chủ tìm đến dựa thân. Loại bệnh này bác sĩ không thể chữa, giống như pháp sư Ngộ Đạt trong "Tam Muội Thủy Sám", hay như vị Đồ đệ tham thiền của Lão hòa thượng Đế Nhàn, đây gọi là bệnh oan nghiệt, oan gia trái chủ tìm đến dựa thân. Loại thứ ba gọi là bệnh nghiệp chướng, nó không phải là do oan gia trái chủ, mà là do chính mình tạo tác tội nghiệp quá nhiều. Muốn hóa giải loại bệnh do oan gia trái chủ thì phải hóa giải, điều giải. Giải rất có hiệu quả, hầu như chín mươi phần trăm đều sẽ tiếp nhận. Họ tiếp nhận, rời khỏi thì hóa giải rồi.

Loại thứ ba là bệnh nghiệp chướng, rất khó chữa, bác sĩ đành phải bó tay không có cách gì, nó cũng không thể điều giải, nó không phải là oan gia trái chủ tìm đến dựa thân. Loại này là khó nhất, nhưng có thể chữa được. Dùng phương pháp gì vậy? Chân thật sám hối, sám trừ nghiệp chướng. Bạn thật sự có thể sám trừ nghiệp chướng thì bệnh sẽ tốt lên. Cho nên nói chung, ở trong Phật pháp nói, không có bệnh gì không thể chữa được, vấn đề chính là bạn phải biết nguồn gốc của bệnh tật.

Hiện nay, có nhiều bệnh kỳ lạ. Hôm nay chúng tôi nhận được một bản báo cáo được tải từ trên mạng xuống. Báo cáo này là cảnh báo của Tổ chức Y tế Thế giới, nói về khả năng bùng phát khủng hoảng dịch bệnh toàn cầu. Trong này nói cho chúng ta, từ những năm 1970, đã phát hiện ra ba mươi chín loại virus mới mà trức đây chưa hề có. Năm năm gần đây, năm nay là 2007, tức là từ năm 2003 đến năm nay, tổ chức Y tế Thế giới đã phát hiện ra hơn 1.100 loại virus gây dịch bệnh. Virus từ đâu đến? Chúng ta biết, Phật ở trong "Kinh Hoa Nghiêm" đã nói rất nhiều, rất rõ ràng, là biến hiện của bất thiện nghiệp. Bạn hiểu rõ đạo lý này, bạn sẽ biết hóa giải như thế nào, làm sao để giải độc.

Trước hết chúng ta hãy xem câu hỏi tiếp theo, sau đó chúng ta lại thảo luận tiếp.

Khối u trên thân có phải là chúng sanh không?

Cũng có thể. Bởi vì khi chúng tôi tiếp xúc với những bệnh nhân này, chính mắt chúng tôi nhìn thấy, hơn nữa không phải chỉ có một khối u, thậm chí có người có rất nhiều khối u trên cơ thể, khối lớn khối nhỏ, hơn một trăm chúng sanh, đó là oan gia trái chủ. Cho nên đáp án này là chắc chắn. Bạn có thể hóa giải, đàm phán điều kiện hóa giải với họ, thật sự là có hiệu quả. Nhưng có rất nhiều vị rất ngoan cố, có lẽ đó là do kết oán thù quá sâu, họ không tha thứ cho bạn. Dùng đủ loại điều kiện để đàm phán, họ cũng không chấp nhận, vậy thì không có cách gì. Nhưng đây là thiểu số, đại đa số đều có thể đồng ý hóa giải. "Oan gia nên giải không nên kết". Chúng ta hiểu rõ đạo lý này, bình thường đối nhân xử thế, phải nhớ một nguyên tắc, tuyệt đối không kết oán thù với người khác. Đôi khi chỉ là vô ý kết oán, vì thế nói chung phải cẩn thận. Đó gọi là: "Người nói vô ý, người nghe để bụng", không biết sao lại đắc tội với họ. Việc này từ xưa đến nay đã có. Cho nên, phải luôn cẩn thận lời nói, thái độ đối với người phải luôn cung kính, đó gọi là lễ phép thì người không trách. Đây chính là cẩn thận không kết oán thù với người. Oán thù đã kết khi xưa thì phải hóa giải.

Nếu cắt đi khối u thì có xem là xong việc rồi không?

Không dễ như vậy. Bạn cắt bỏ rồi nhưng vấn đề này không hóa giải được, họ sẽ lại mọc lên một khối u khác trên thân bạn, hoặc là mọc lên một khối u ở một chỗ khác, vậy bạn làm thế nào? Cho nên không thể cắt bỏ, phải tìm cách hóa giải! Đồng thời tiến hành vừa cắt bỏ vừa hóa giải cũng được, nhưng cắt bỏ thì không tốt. Vì sao vậy? Sự cân bằng sinh thái trong cơ thể bạn bị phá hoại, nói chung là không hoàn chỉnh. Cho nên Đông y của phương đông chúng ta không dùng cách thức này, Đông y là xem xét bộ phận nào của bạn sanh bệnh, thường là dùng thuốc thang để điều hòa cho bạn, để cho nó khôi phục lại công năng, để cho nó trở lại bình thường, không phải là cắt bỏ nó. Cắt bỏ nó không phải là cách tốt.

Đôi khi cắt khối u ở bên này rồi, nó lại mọc ở một nơi khác, xin hỏi đây là nguyên nhân gì ạ?

Đây chính là điều mà tôi vừa mới nói, nếu họ là chúng sanh, bạn cắt bỏ khối u đó, họ sẽ mọc lại ở một nơi khác, họ sẽ không rời khỏi bạn. Phải hiểu đạo lý này. Con người đều có vận khí, khi con người đang có vận khí tốt thì oan gia trái chủ của bạn không dám đụng vào bạn, đó là nói khi vận khí của bạn đang thịnh, khí đang mạnh. Đến khi suy thì họ sẽ đến. Vận khí tốt của bạn đi mất thì oan gia trái chủ liền kéo đến tìm bạn. Phải hiểu đạo lý này. Người khác bị bạn bắt nạt, hiện nay bạn đang có thế lực, họ không dám đụng đến bạn, đợi đến ngày nào bạn thất thế, thế lực mất hết rồi, họ sẽ tìm đến nhà bạn, bạn sẽ rất khó ứng phó. Đạo lý là như vậy.

Làm sao mới có thể thật sự tiêu trừ nghiệp chướng?

Thật sự tiêu trừ nghiệp chướng chính là tâm chân thành sám hối, đoạn ác tu thiện. Ở trong cửa Phật là trì giới niệm Phật, y giáo tu hành, các ví dụ về tiêu trừ nghiệp chướng rất nhiều. Trong Đạo giáo, y theo "Cảm Ứng Thiên" mà tu hành, việc tiêu trừ nghiệp chướng cũng không nhiều không đếm xuể. Trong "An Sĩ Toàn Thư" có nói, các ví dụ trong "Cảm Ứng Thiên Vựng Biên", nhà Phật gọi là công án, chính là các câu chuyện, có hơn một ngàn ví dụ về tiêu nghiệp chướng. Bạn có thể tỉ mỉ mà xem, thật sự có hiệu quả, không phải không có hiệu quả. Nhất định phải dùng chân tâm để làm, sửa lỗi đổi mới.

Phát hiện ra lỗi lầm của mình, người này gọi là giác ngộ rồi. Sau khi giác ngộ, phải trừ bỏ đi lỗi lầm của chính mình, đây gọi là tu hành. Gọi là ngộ rồi mới khởi tu, bạn chưa giác ngộ thì không biết cách tu như thế nào. "Tu" chính là sửa đổi sai lầm của mình, đây gọi là tu hành. Phải luôn ghi nhớ lời nói này, tu sửa lỗi lầm của mình thì gọi là tu hành.

Rất nhiều người hiện nay không hiểu, cho rằng tu hành là ta mỗi ngày tụng bao nhiêu bộ Kinh, phải lạy Phật bao nhiêu lạy, lấy điều này thành việc tu hành. Nếu trong tâm của bạn vẫn chưa sửa lại chút xíu lỗi lầm nào, thì cách làm này không các tác dụng, gọi là mê tín. Người xưa gọi là "Miệng niệm Di Đà tâm tán loạn, đau mồm rát họng cũng uổng công", chính là nói phương pháp tu hành của những người này không có tác dụng. Chân thật tu hành, đó chính là biết được lỗi lầm của chính mình, nhanh chóng sửa đổi. Đặc biệt ở trong thời đại hiện nay, tai nạn nhiều. Tai nạn chính là báo thù, chính là sự chiêu cảm của ác nghiệp. Tai nạn nhiều đi nữa, ta có thể thật sự sửa lỗi đổi mới, tiêu nghiệp chướng, tích công đức, thì bất luận bạn gặp phải tai nạn nào đều không sao cả. Vì sao vậy? Bạn đã vượt ra được rồi, bạn không còn ở trong vòng của tai nạn này nữa, cho nên bạn sẽ không bị nạn. Đôi khi chịu một chút khổ nho nhỏ, điều này không quan trọng, bạn có thể chịu đựng được.
 

Nếu chúng xuất gia ở đạo tràng gặp phải vấn đề như vậy, đạo tràng phải nên hộ trì như thế nào?

Lần này chúng ta gặp được bài học kinh nghiệm, nếu chúng xuất gia gặp phải khối u ung thư, trước hết phải hỏi bản thân họ có sẵn lòng ở trong đạo tràng để mọi người đến giúp tiêu tai cho họ, hóa giải cho họ hay không? Họ có thể tiếp nhận thì có thể làm giúp họ. Còn phải nhận được sự đồng ý của người nhà họ nữa. Người trong nhà có chủ trương, hoặc bản thân họ cũng muốn vào bệnh viện, thì đưa vào bệnh viện, do bệnh viện chịu trách nhiệm. Cho nên phải luôn làm cho hợp tình, hợp lý, hợp pháp. Không được vì một người xuất gia bị bệnh mà liên lụy đến hình tượng Phật giáo, vậy thì nghiệp họ tạo quá nặng rồi. Phá hoại hình tượng Phật pháp, trong giới Kinh nói rất rõ ràng, đây là tạo tội nghiệp đọa A tỳ địa ngục, bảy vị Phật xuất thế vẫn chưa sám hối hết tội, tội này quá nặng mà. Cho nên, nói chung phải làm cho rõ thủ tục, ý nguyện của chính họ, ý nguyện của người nhà họ, xử lý như vậy cũng là hợp tình hợp pháp.

Trích từ:  Học Phật Vấn Đáp. Hòa Thượng Thích Tịnh Không


Thẻ
Bệnh       

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên


Từ Ngữ Phật Học Trong Phần Vấn Đáp



Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật