Phật Học Vấn Đáp


Tạo nghiệp vô lượng tại sao khi lâm chung mười niệm thành tựu liền được vãng sanh?'
húng sanh từ vô thỉ đến giờ tạo vô lượng tội; đời nay lúc bé đến già, do không gặp thiện tri thức, lại gây thêm nhiều nghiệp ác. Như thế làm sao lại bảo: 'Khi lâm chung mười niệm thành tựu liền được vãng sanh?' Và cái lý 'vượt qua kiết nghiệp ba cõi' làm sao giải thích cho thông?

7/28/2022 1:42:19 PM
Những nghiệp chủng lành dữ của chúng sanh từ kiếp vô thỉ đến nay, hoặc ít hoặc nhiều, hoặc yếu hoặc mạnh thật ra vẫn khó biết. Nhưng nếu người nào khi lâm chung gặp thiện tri thức và thành tựu mười niệm, tất kẻ ấy đã có túc thiện nghiệp. Nếu chẳng thế thì thiện tri thức còn không được gặp, huống chi là thành tựu mười niệm? Như ông cho rằng ác nghiệp từ vô thỉ là nặng, mười niệm khi lâm chung là nhẹ; tôi xin đem ba đạo lý để giải thích sự vãng sanh ấy không thuộc về trường hợp khinh trọng, không phải tại công hạnh nhiều ít hay thời gian lâu mau. Ba đạo ấy là: Do bởi tâm, do bởi duyên, và do bởi quyết định.
 
Do bởi tâm, là loài hữu tình khi tạo tội đều từ nơi vọng niệm điên đảo mà sanh, còn lúc niệm Phật lại từ nơi nghe danh hiệu công đức chân thật của Phật A Di Đà mà khởi; một bên hư một bên thật đâu thể sánh nhau! Ví như một gian thạch thất đóng kín để tối muôn năm, nếu được người mở ra cho ánh sáng mặt trời soi vào, sự tối ấy liền mất; đâu phải vì do tối tăm đã lâu mà không được sáng ư? Người tạo ra tội nhiều kiếp, khi lâm chung thành tựu mười niệm được vãng sanh cũng lại như vậy.
 
Do bởi duyên, là loài hữu tình khi tạo tội đều từ nơi vọng niệm tối tăm điên đảo, duyên theo cảnh giới hư huyễn mà sanh; lúc niệm Phật lại từ nơi nghe danh hiệu công đức chân thật thanh tịnh của Phật Di Đà duyên theo Bồ Đề tâm mà khởi. Như thế, một bên chân một bên ngụy, đâu thể sánh nhau! Ví như có người bị trúng tên độc, tên ghim sâu sức độc mạnh, xương thịt nhiễm trọng thương, nếu được nghe được tiếng trống thần dược, thì tên tự bắn ra, độc tiêu tan hết; đâu phải vì do tên sâu độc nặng, mà không được an lành ư? Người tạo tội nhiều kiếp, khi lâm chung thành tựu mười niệm mà được vãng sanh cũng lại như vậy.
 
Do bởi quyết định, là loài hữu tình khi tạo tội đều từ nơi gián tâm hoặc hậu tâm; lúc lâm chung niệm Phật lại không có hai tâm đó, mà từ nơi một niệm mãnh liệt trì danh rồi xả mạng, nên được siêu thoát. Ví như sợi dây cực to, cả ngàn người bứt không đứt, nếu có đứa bé cầm gươm Thái A mà chém, dây liền đứt đoạn. Lại như đống củi rất lớn chứa góp từ cả ngàn năm, nếu có người dùng một đốm lửa mà đốt, củi liền cháy hết. Và như có người trọn đời tu mười nghiệp lành ưng được sanh về cõi trời, nhưng khi lâm chung kẻ ấy khởi một niệm tà kiến mạnh mẽ, liền vị đọa vào A Tỳ địa ngục. Nghiệp ác vẫn hư vọng, mà do bởi tâm niệm quyết liệt, còn có thể lấn lướt nghiệp lành một đời, khiến cho chúng sanh bị đọa vào ác đạo; huống chi sự niệm Phật là nghiệp lành chân thật, có người khi lâm chung dùng tâm mãnh liệt trì danh, lại không thể lấn áp ác nghiệp từ vô thỉ ư? Cho nên người tạo tội nhiều kiếp, khi lâm chung dùng tâm mãnh liệt thành tựu mười niệm mà không được vãng sanh, quyết không có lý đó!
 
Kinh nói: 'Chí tâm niệm một câu A Di Đà, sẽ tiêu diệt được tội nặng nơi đường sanh tử trong tám mươi ức kiếp.' Sỡ dĩ có sự kiện đó, vì hành giả niệm Phật dùng tâm mãnh liệt nên mới phục diệt được ác nghiệp; nếu khi lâm chung dùng tâm ấy niệm Phật, quyết định sẽ vãng sanh, không còn nghi ngờ chi nữa! Cổ truyền phán định mười niệm khi lâm chung hoàn toàn thuộc về biệt thời ý ( ý nói túc nhân). Lý ấy không đúng. Tại sao thế? Vì trong Nhiếp Luận nói: 'Nếu chỉ là biệt thời, thì duy phát nguyện, toàn không có hạnh.' Tạp Tập Luận nói: 'Nếu nguyện vãng sanh về Cực Lạc liền được vãng sanh, nếu nghe danh hiệu Phật Vô Cấu liền chứng được quả Vô Thượng chánh giác, đó mới là biệt thời nhân.' Riêng về người khi lâm chung thành tựu mười niệm, là do duyên lành nên được gặp thiện tri thức dạy bảo, lại cũng do tự mình chí tâm thật hành pháp niệm Phật, mới có kết quả; nếu chỉ định cho hoàn toàn thuộc về túc nhân, thật đã sai lầm! Nguyện các hành giả nghĩ sâu lý nầy tự sanh lòng kiên cố đừng tin theo dị kiến ma để lạc lối mê.
Trích từ:  Tịnh Độ Thập Nghi Luận. Đại Sư Thiên Thai Trí Giả | Dịch Giả :Hòa Thượng Thích Thiền Tâm


Thẻ
Lâm Chung        Vãng Sanh        Nghiệp       

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật