Phật Học Vấn Đáp


Tâm con thường bị cảnh giới chuyển. Ngoài việc cầu Phật Bồ-tát cảm ứng ra, thì con có thể làm gì khác?
Ở trong thế giới phồn hoa này, tâm con thường bị cảnh giới chuyển. Con muốn tìm một nơi chuyên tâm niệm Phật để sớm ngày cầu vãng sanh, nhưng bị sự nghiệp học hành và người nhà làm chướng ngại. Xin hỏi, ngoài việc cầu Phật Bồ tát cảm ứng ra, thì con có thể làm gì khác?

8/12/2022 10:52:57 AM

Đời người ở thế gian nhất định phải có phương hướng, có mục tiêu thì bất luận đời sống của bạn là thuận cảnh hay nghịch cảnh, bạn sẽ không bị cảnh giới chuyển. Một phương hướng, một mục tiêu thì khẳng định bạn có thành tựu, trong đời sống của bạn, cho dù rất khổ, bạn cũng sẽ rất vui sướng, đây là đạo lý nhất định. Sự lựa chọn phương hướng mục tiêu của mỗi người không giống nhau. Hai tuần trước chúng ta đã thấy sự vãng sanh của cư sĩ Hoàng Trung Xương ở Thâm Quyến, ông ấy cũng là một phương hướng, một mục tiêu. Điều ông làm là gì? Là làm một tấm gương cho mọi người xem, chân thật niệm Phật ba năm, thật sự có thể vãng sanh không? Đã làm thí nghiệm cho mọi người chúng ta xem rồi. Chắn chắn là thật, không phải giả, nhưng ba năm đó phải tu học như lý như pháp. Ông ấy thật sự buông xuống thân tâm thế giới, ba năm không nói chuyện, đây là trợ duyên rất tốt. Nói chuyện thì trong tâm sẽ có tạp loạn, ông không nói chuyện với người khác, người ta cũng không nói chuyện với ông, như vậy thì dễ tu tâm thanh tịnh.

Điều kiện số một của vãng sanh, Tây Phương là Tịnh Độ, trong kinh giáo Đại Thừa nói rất nhiều, “tâm tịnh ắt cõi Phật tịnh”, tâm của bạn không thanh tịnh thì sao có thể vãng sanh? Công đức của Phật hiệu là gì? Là khiến cho hết thảy niệm phân biệt, vọng tưởng, chấp trước của bạn mất đi, đắc tâm thanh tịnh. Vọng niệm nhiều, tập khí nặng thì ý niệm mới khởi lên, một câu A Di Đà Phật đè nó xuống, hằng ngày làm việc này. Nếu như vẫn còn phân biệt chấp trước danh văn lợi dưỡng của thế gian, không buông xuống được, vậy chẳng có cách gì. Bên này đè xuống, bên kia lại khởi lên, đừng nói là ba năm không thành công mà ba mươi năm cũng chẳng thành công, đạo lý là ở chỗ này. Cho nên, nhất định phải buông xuống triệt để. Cái mà bạn đè xuống là tập khí trong quá khứ, khi tập khí nổi nên thì dùng Phật hiệu để đè xuống, khống chế nó. Sau hai, ba năm thì thật sự khống chế được rồi, khống chế được rồi sẽ có cảm ứng, có cảm ứng với A Di Đà Phật thì tâm của bạn thanh tịnh rồi.

Dùng cái gì để cảm? Chẳng phải cầu, không cần cầu, tâm mình thanh tịnh thì Phật sẽ biết, bên đó là Tịnh Độ, khẳng định sẽ vãng sanh về bên đó. Chúng sanh có cảm, Phật Bồ tát liền có ứng. Cảm ở đây không phải là hằng ngày cầu các Ngài, vậy thì quá khổ rồi, cầu Phật đến giúp đỡ, đến cứu con, con phải đến thế giới Cực Lạc để hưởng phước. Ý niệm này không đúng, có ý niệm này thì không đi được, ý niệm này không thanh tịnh, tậm địa không thanh tịnh. Nhất định phải biết tâm thanh tịnh thì sẽ cảm ứng, một niệm tương ưng một niệm Phật, đạo lý là ở chỗ này. Cho nên, chúng ta nhất định phải tu tâm thanh tịnh, dùng phương tiện niệm Phật để loại trừ vọng tưởng tạp niệm ở trong tâm, đây chính là công phu niệm Phật. Cho nên, niệm Phật không được hoài nghi, không được xen tạp, không được gián đoạn, hễ bạn có thể làm được ba điều này thì công phu sẽ thành tựu.

Bạn trẻ này, phương hướng, mục tiêu của bạn là ở đâu? Xem thấy thế gian này quá khổ rồi, muốn cầu vãng sanh sớm một chút, tâm lý này của bạn có phải là chạy trốn không? Bạn đến thế gian này, Phật nói rất rõ ràng, dù là bạn đến để hưởng phước hay là đến để chịu tội thì đều là nghiệp báo của bạn, “nhân sanh thù nghiệp” mà! Tất nhiên mình có phước cũng không muốn hưởng, mình có tội cũng không muốn chịu, hai bên thật sự đều buông bỏ để cầu vãng sanh, đây cũng là một con đường. Nhưng bạn nhìn thấy thế gian này khổ như vậy, nếu bạn phát tâm Đại Thừa, ta phải làm một tâm gương tốt để giúp chúng sanh ở thế gian này, đây chính là Bồ tát phát tâm, không giống như tâm phàm phu.

Khi chúng ta thấy kiến giải, tư tưởng, ngôn hành mọi người trong xã hội có chỗ sai lầm, chúng ta xét xem bản thân mình có hay không. Nếu không có thì rất tốt, phải giữ gìn thật tốt, nếu có thì phải nhanh chóng sửa lỗi, từ chính mình mà làm, đây chính là tu hành. “Tu” chính là sửa lại cho đúng, “hành” chính là đem tư tưởng sai lầm, kiến giải sai lầm, ngôn hành sai lầm sửa lại cho đúng. Bạn làm một tấm gương tốt cho mọi người trong xã hội. Lòng người thế gian không thanh tịnh, người thế gian hằng ngày tạo nghiệp chướng, mình tu tâm thanh tịnh ở thế gian này, không bị họ quấy nhiễu, mình tạo thiện nghiệp, không tạo ác nghiệp, lâu ngày họ sẽ bị ảnh hưởng. Đến lúc đó, chính mình khi nào muốn sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc thì liền đi được ngay, vì sao vậy? Tâm bạn thanh tịnh. Đối với thế gian này, thật sự không có lưu luyến, không có mong cầu, chân thật làm được không tranh với người, không cầu với đời, làm tấm gương tốt cho người thế gian xem, đây gọi là chân thật học Phật. Ở trường, không những làm tấm gương tốt cho bạn bè, cho thầy cô, mà còn làm tấm gương tốt cho xã hội, đây là công đức vô lượng!

Tịnh Tông là Đại Thừa, không phải là Tiểu Thừa, đạo lý này nhất định phải hiểu. Dùng phương pháp Tiểu Thừa, chỉ cầu tự lợi mà không thể lợi tha thì tâm hạnh này không thể vãng sanh, niệm Phật cũng không thể vãng sanh. Thật sự có thể niệm Phật vãng sanh, nhất định phải phát nguyện, khi ta sinh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc, gặp Phật A Di Đà, được oai thần bổn nguyện của Phật A Di Đà gia trì rồi thì nhất định phải quay về Ta bà để phổ độ chúng sanh, phải có tiêu chuẩn này mới được. Thế giới Tây Phương Cực Lạc không phải là trại tị nạn, không phải là đi hưởng phước, mà đến đó để thành tựu đạo nghiệp, điều này phải hiểu. Nếu ở thế giới này mà có cơ hội thành tựu đạo nghiệp thì bạn không được buông bỏ, vì sao vậy? Ở trong kinh, Phật đã nói với chúng ta rất rõ ràng, tu hành một ngày ở thế giới Ta bà bằng tu hành một trăm năm ở thế giới Tây Phương Cực Lạc.

Cho nên, tu hành chân thật thành tựu, ở thế giới Ta bà nhanh chóng, tu hành ở thế giới Tây Phương Cực Lạc rất chậm chạp. Hoàn cảnh tu hành ở nơi đó tốt, không có chướng ngại nên tiến bộ rất chậm. Ở thế giới Ta bà thì lên nhanh xuống nhanh, nếu bạn đi lên, thoáng chốc liền lên rất cao, nếu bạn bị đào thải, cũng sẽ bị đào thải rất nhanh. Làm sao bạn có thể giữ được lên nhanh mà không xuống được? Ở Tây Phương Tịnh Độ có bốn cõi, ba bậc, chín phẩm, vì sao chúng ta không chọn lấy cảnh giới tối cao đó? Vì sao không lập chí cầu đến cõi Thật Báo Trang Nghiêm, thượng thượng phẩm vãng sanh? Ở thế gian này của chúng ta một đời thì có thể tu thành, đến thế giới Cực Lạc thì phải mất rất nhiều kiếp, không phải là thời gian ngắn, phải hiểu đạo lý này. Phật đều giảng rõ ràng cho bạn, nếu không giảng rõ ràng cho bạn thì khi bạn đến thế giới Cực Lạc, bạn sẽ trách A Di Đà Phật: “Thế giới Ta bà có cơ hội tốt như vậy, vì sao Ngài gọi con đến đây, để cho con lãng phí thời gian dài đến như vậy?” Phật đều giảng rõ ràng toàn bộ rồi, do chính bạn lựa chọn thôi. Chẳng qua thế giới Cực Lạc thì ổn định, ở đó chỉ có tiến về phía trước, không có thối lui, nhưng tiến bộ rất chậm, phải hiểu tình hình sự thật như vậy .

Như trong Kinh Hoa Nghiêm đã nói rất rõ ràng, đặc biệt là Phẩm Tịnh Hạnh vừa mới được giảng qua. Trong Phẩm Tịnh Hạnh, vì sao cảnh giới thuận nghịch đến trước mặt Bồ tát, chính là trước mặt người tu hành, thì toàn bộ đều bình đẳng? Đó là vì tâm có thể chuyển cảnh, đây là trong Kinh Lăng nghiêm đã nói, “Nếu có thể chuyển cảnh, ắt đồng với Như Lai”, điều này rất quan trọng. Cho nên, người biết tu hành thì phải giống 53 tham sau cùng của Kinh Hoa Nghiêm, đây là Thiện Tài thị hiện cho chúng ta, chúng ta phải biết học tập. Các Ngài ở trong thuận cảnh, thiện duyên tu điều gì? Không sanh tham luyến, đây là biết tu hành. Trong nghịch cảnh, ác duyên không sanh sân khuể. Tham sân si của bạn đoạn từ đâu? Phải ở trong cảnh giới mà đoạn, đó là chân thật đoạn. Cảnh giới không hiện tiền, bạn đi tìm núi sâu rừng thẳm để ở, để tu hành, không tiếp xúc với bên ngoài. Tu suốt ba mươi năm, tâm địa rất thanh tịnh, cảm thấy không tệ lắm, khi ra ngoài một chuyến, lập tức loạn mất. Vì sao vậy? Vì không trải qua khảo nghiệm. Bạn vào núi sâu rừng thẳm, đó là trốn tránh, trốn tránh thì không được, bạn phải dũng cảm đối diện với hiện thực, ở trong cảnh giới hiện thực mà đoạn tham sân si mạn, đây là đoạn phiền não.

Đối với hết thảy người có địa vị thấp kém, bần tiện thì không sanh ngạo mạn, những người đó đến trước mặt, ta phải không sanh ngạo mạn. Bất luận là cảnh giới gì, nhất định phải đối trị phiền não tập khí của bạn, vấn đề là bạn có thể nhận biết hay không, bạn có thể nhận được lợi ích hay không, điều này rất quan trọng. Người thường có tập khí rất nặng, thuận cảnh thì họ khởi tâm tham, sanh phiền não, ác duyên thì họ sanh sân khuể; gặp người có địa vị cao thì họ cảm thấy mình rất hèn kém, đó là cảm giác tự ti của họ khởi lên, cảm thấy không bằng người. Gặp người thấp kém hơn họ thì họ ngạo mạn, đây gọi là tạo nghiệp!

Phật dạy chúng ta ở trong hết thảy cảnh giới phải tu tâm bình đẳng, tu nhất tâm bất loạn, là “nhất tâm bất loạn” mà trong Kinh Di Đà nói. Đó là tiêu chuẩn tu hành của Tịnh Tông, bất luận là tụng kinh, niệm Phật, lạy Phật, hết thảy đều là một mục tiêu, là nhất tâm bất loạn. Nhị tâm, khởi tâm động niệm thì loạn rồi, nhất tâm là tâm thanh tịnh, ba tâm hai ý thì ô nhiễm rồi. Chúng ta ở trong cảnh giới phải biết dụng công, dùng công phu gì, dùng phương pháp thế nào, nhất định phải rõ ràng, phải minh bạch.

Cho nên, người trẻ tuổi phải nên phát đại tâm, phải chân thật học Phật thật tốt. Học Phật thì bất luận là thân phận gì, nam nữ già trẻ, các ngành các nghề, hết thảy đều là Bồ tát, đều có thể hành Bồ tát đạo, không nhất định là phải xuất gia. Trong 53 lần tham học có rất nhiều Bồ tát thị hiện đều là tướng tại gia, thậm chí còn chẳng học Phật, còn có người học ngoại đạo. Đó toàn là Bồ tát, đều làm ra một tấm gương cho chúng ta xem, nói với chúng ta phải nên tu học Pháp Đại Thừa như thế nào. Thế thì tôi nghĩ chúng ta thân phận là gì, hiện nay sống ở trong hoàn cảnh thế nào, bạn cũng có thể tìm người tương tự như bạn, bạn học với họ thì bạn sẽ biết cách học như thế nào. 53 vị thiện tri thức, có đủ nam nữ già trẻ, công việc ở các ngành các nghề, bạn xem nghành nghề đó, biểu hiện của họ trong ngành nghề đó chính là cách học thế nào.

Trích từ:  Học Phật Vấn Đáp. Hòa Thượng Thích Tịnh Không


Thẻ
Niệm Phật        Giới        Vãng Sanh        Nghiệp        Chướng       

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật