Home > Giảng Giải Kinh Sách > Kinh-Niem-Phat-Ba-La-Mat-Giang-Giai-Tap-1

Vài Lời Thưa Trước


Kinh Niệm Phật Ba La Mật là một quyển kinh chuyên thuyết minh về pháp môn niệm Phật. Mục đích là để cho hành giả Tịnh độ hiểu rõ yếu nghĩa của phương pháp niệm Phật mà thật hành cho đúng pháp. Có thế, thì hành giả mới mong đạt được kết quả cứu cánh viên mãn như ý nguyện.

Kinh này nguyên tác bằng Phạn văn và đã được lưu hành rất sớm ở Trung Quốc. Vào thời đại Ðông Tấn (317 419 Tl) ở Trung Hoa, có một bậc cao Tăng nổi tiếng tên là Cưu ma la thập, thuộc triều đại Diêu Tần, Ngài đã dịch từ Phạn văn ra Hán văn. Ðây là một trong số nhiều dịch phẩm của Ngài.

Ở Việt Nam, cũng có một bậc cao Tăng là cố Hòa Thượng Thích Thiền Tâm đã phát nguyện dịch kinh này từ Hán văn ra Việt văn. Hiện quyển Kinh mà chúng ta đang tìm hiểu học hỏi, là của ngài phiên dịch. Ðây là một trong nhiều dịch phẩm của ngài. Về phần tiểu sử của hai ngài, chúng ta sẽ tìm hiểu sơ qua ở phần sau.

Xét về phần phiên dịch từ Phạn văn ra Hán văn cũng như từ Hán văn ra Việt văn, thú thật, cho đến nay, chúng tôi chưa biết có bao nhiêu nhà dịch và diễn giảng. Chúng tôi chỉ thấy có một quyển đã được lưu hành hiện nay, với danh đề là: “Kinh Niệm Phật Ba La Mật Sưu giải của ông cư sĩ Tịnh Hải. Ông đã dày công sưu tập nhiều tài liệu quý giá để giải thích kinh này. Ngoài quyển này ra, hiện nay, chúng tôi chưa thấy có quyển nào khác. Có lẽ, do sự truy cứu của chúng tôi còn hạn hẹp, nên chưa biết đó thôi.

Hôm nay, chúng tôi đem quyển kinh này ra giảng giải, nhằm giúp cho quý liên hữu trong đạo tràng Quang Minh, do chúng tôi trực tiếp hướng dẫn, để hiểu rõ thêm và nắm vững đường lối hành trì theo pháp môn Tịnh độ niệm Phật mà chúng ta đã chọn và đang nỗ lực thật hành. Với thâm ý của chúng tôi, không phải chỉ giảng bộ kinh này thôi, nếu như đủ duyên, thì chúng tôi sẽ lần lượt giảng thêm một vài bộ kinh khác nữa. Dĩ nhiên, là những kinh chuyên thuyết minh về Tịnh độ.

Nhân kỳ họp chúng kiểm công cứ vừa qua (31/8/08), chúng tôi có đem ra ba quyển, trong đó có hai quyển kinh và một quyển sách. Hai quyển kinh đó là: Kinh Niệm Phật Ba La Mật và Kinh A Di Ðà Yếu Giải. Còn một quyển sách đó là quyển Niệm Phật Thập Yếu, do cố Hòa Thượng Thích Thiền Tâm biên soạn.

Lẽ ra, chúng tôi sẽ tự chọn một trong ba quyển để đem ra giảng giải cho quý liên hữu nghe. Nhưng vì muốn xem thử nhân duyên của đạo tràng chúng ta có nhân duyên với quyển kinh nào giảng trước, nên chúng tôi đề nghị cho quý liên hữu bắt thăm. Một vị đại diện cho đạo tràng lên bắt thăm và đã bắt trúng quyển “kinh Niệm Phật Ba La Mật và vị thứ hai bắt thăm kế tiếp thì lại bắt trúng quyểnkinh A Di Ðà Yếu Giải.

Thế là, còn lại quyển cuối cùng, đó là quyển “Niệm Phật Thập Yếu. Ðây là quyển sách chớ không phải là quyển kinh. Như vậy, rõ ràng là đạo tràng của chúng ta có một nhân duyên kỳ đặc với quyển Kinh Niệm Phật Ba La Mật này. Do đó, nên chúng tôi đã cố gắng sưu tầm thêm một vài tài liệu rải rác khác để biên soạn đề làKinh Niệm Phật Ba La Mật Giảng Giải. Y cứ vào Kinh văn mà chúng tôi thêm phần giảng giải. Nói giảng giải, kỳ thật, chúng tôi chỉ lược giảng đại khái mà thôi. Ðồng thời, chúng tôi cũng có chú thích cho rõ thêm một số các thuật ngữ hay những pháp số khó hiểu khác rải rác trong văn kinh.

Việc làm này, chúng tôi chỉ nhắm vào một mục đích duy nhứt, là nhằm trau đổi giúp thêm phần nào cho quý liên hữu tìm hiểu rõ những gì mà chư Phật Tổ đã chỉ dạy về pháp môn niệm Phật. Ðó là điều mà đạo tràng chúng ta phải hằng để tâm nghiên cứu trau dồi học hỏi pháp môn niệm Phật mà mình đang tu. Thiết nghĩ, đây cũng là điều rất bổ ích thiết thực cho chúng ta vậy.

Như chúng ta đã biết, kinh điển Phật dạy, nghĩa lý thật là thậm thâm vi diệu không ngằn mé, trong khi đó, sự hiểu biết của chúng tôi thì quá thiển cận thô sơ, khác nào như con ếch ngồi trong miệng hang dòm trời. Bầu trời thì rộng rãi thênh thang bao la không có giới hạn, mà miệng hang thì nhỏ bé chút xíu, thế thì, thử hỏi làm sao con ếch kia có thể nhìn thấu suốt bầu trời bao la hết được?! Do đó, chúng tôi hiểu biết được chút nào qua sự nghiên tầm học hỏi của chúng tôi, thì chúng tôi quyết không ngần ngại sẵn sàng tận tâm lực giúp cho quý vị. Ðây cũng là thể hiện trong tinh thần “kiến hòa đồng giải “, một trong sáu phép “Lục hòa “ mà Ðức Phật đã chỉ dạy.

Mong sao trong khi chúng tôi trau đổi trình bày, thì xin quý vị hãy cố gắng lắng lòng để tâm theo dõi. Lý thuyết có thông, thì sự thật hành mới không sai lệch trở ngại. Nhờ thế, mà công phu hành trì niệm Phật của chúng ta, mỗi ngày mỗi thêm thăng tiến và sẽ chóng đạt thành kết quả tốt đẹp như sở nguyện.

Chúng tôi xin hết lòng tán thán công đức về việc ham tu hiếu học của toàn thể quý liên hữu. Nguyện cầu chư Phật gia hộ cho toàn thể liệt quý vị luôn được an bình trong nếp sống và luôn niệm Phật, hành thiện tu phước, tài bồi chủng duyên tịnh nghiệp sâu dày, trong tinh thần hướng thượng quyết tâm cầu vãng sanh Cực lạc.

Trân trọng.
Ðạo Tràng Quang Minh
Ngày 14 tháng 9 năm 2008.
Nhằm ngày rằm tháng 8 năm Mậu Tý.
Thích Phước Thái.