Một năm nữa trôi qua, về phương diện tốt, thì kinh nghiệm của chúng ta tăng trưởng theo ngày tháng; còn đứng từ góc độ khác, thì “thời gian tồn tại của mạng sống giảm dần, như cá trong hồ nước càng lúc khô đi”. Nên Đại sư Ấn Thuận trong bài văn “Năm Mới Cần Có Quan Niệm Mới” nhắc nhở: “Khi chúng ta còn chưa đạt được địa vị cứu cánh, thì mọi người giống như nhau, đều ở trong quá trình tạo nghiệp nhân rồi thọ nhận quả báo” . Nhân như thế nào thì quả như thế đó. Nếu ai phóng dật, lười biếng, một khi thân người mất đi, khó gặp được Phật nghe chánh pháp. Vì vậy muốn đời đời kiếp kiếp được thuận duyên này, thì ngay bây giờ chúng ta cần phải gieo duyên thâm sâu với Tam bảo!
I. Đối với Đức Phật
Có ai mong muốn đời sau sanh ra nơi không có Phật pháp đâu? Vì thế hiện tại chúng ta phải tinh cần kính lễ, tán thán, nhớ nghĩ về chư Phật! Còn nếu chúng ta không tu học, ngược lại giả dối chư Phật, thì việc thấy Phật nghe pháp sẽ rất khó khăn.
Nên Bồ tát Long Thọ trong “Luận Thập Trụ Tỳ bà sa” dạy: “Giả dối chúng sanh là giả dối chư Phật” . Chúng ta thận trọng ghi nhớ lời khuyên này. Bởi vì chư Phật không có gì chẳng biết, nên dù muốn dối cũng đâu dễ. Và chúng sanh khác là đối tượng hóa độ của chư Phật, tương lai họ sẽ thành Phật, nên chúng ta lừa dối chúng sanh, thì chư Phật đâu hoan hỷ. Một khi đã gieo duyên xấu với chúng sanh, thì tương lai chúng ta muốn hóa độ họ sợ không đơn giản.
II. Đối với giáo pháp
Ở trong “Luận Thập Trụ Tỳ bà sa” nêu ra bốn nguyên nhân làm mất trí tuệ: “1. Không kính trọng giáo pháp và người giảng dạy giáo pháp. 2. Đối với giáo pháp quan trọng nuối tiếc cất giấu không truyền đạt. 3. Đối với người ham thích giáo pháp, lại gây trở ngại làm mất tâm mong cầu của họ. 4. Mang lòng kiêu ngạo tự cao chê bai người khác” . Nếu như không muốn bị thối thất trí huệ, đối với vấn đề quan trọng trước nhất là “kính trọng giáo pháp”, phải phản tỉnh lại, chúng ta có “kính trọng, lắng nghe, học hỏi và nương theo đó thực hành” hay chưa? Vì thế chúng ta mong muốn không xảy ra “nạn tiêu diệt giáo pháp”, thì cùng nhau tích cực “hộ trì giáo pháp, hoằng dương chánh pháp”!
III. Đối với chúng Tăng
“Tăng” có nghĩa là chúng hòa hợp. Ai đâu mong muốn đi một mình trên hành trình tu học? Hay thích xung quanh đều là người mang tâm tánh hơn thua? Còn nếu hy vọng có người thiện tri thức cùng chí hướng hạnh nguyện đồng hành, thì chúng ta hiện tại phải quảng kết thiện duyên.
Nên trong “Đại Trí Độ Luận” dạy: “Chúng ta xem vị thầy như chính Đức Phật; nếu không gặp được thiện tri thức, thì chỉ trách chính mình nhân duyên phước đức chưa vẹn toàn, chứ đừng trách người khác!” Chúng ta học tập ưu điểm của thiện tri thức, không phải vì mục đích tìm kiếm điều sai lầm của họ. Nếu làm được như vậy, đến nơi đâu cũng có vị thầy để thân cận, đến nơi đâu cũng đạt được lợi ích. Nên hy vọng các vị đều “kính trọng Tăng”, “hộ trì Tăng”, “tán thán Tăng”, đồng lòng gieo duyên thiện pháp!
Cuối cùng, “Đức Phật như y vương, giáo pháp là thuốc tốt, Tăng là người chăm sóc bệnh nhân” . Chúng ta quảng kết thiện duyên thâm sâu với Tam bảo bao nhiêu, thì cơ duyên được gặp Phật nghe pháp thân cận thiện tri thức càng lớn, điều này không những hỗ trợ cho đạo nghiệp được tăng trưởng, mà còn làm cho chánh pháp cửu trụ ở thế gian.
Hy vọng mọi người cùng nhau sách tấn tăng tiến.