Niệm Phật Tam muội được gọi là Bảo vương cũng ví như ngọc Ma ni là báu vật tưới nhuần khắp tất cả báu Tam muội. Cũng như vua Chuyển Luân là vị vua thống lãnh khắp các vua Tam muội, vì đó là pháp môn hoàn hảo và nhanh chóng nhất (viên đốn). Suốt cả một đời thuyết pháp giáo hóa của Đức Phật, đầu tiên là kinh Hoa Nghiêm, cuối cùng là kinh Pháp Hoa; không thời nào là không tán dương khen ngợi Bảo vương Tam muội này. Trên từ các Ngài Văn thù, Phổ Hiền cho đến các Ngài Vĩnh Minh, Sở Thạch, tất cả các bậc Thánh tổ Bồ tát đều tu chứng và hoằng truyền rộng rãi môn tam muội Bảo vương này. Ở đời vẫn còn lắm kẻ ngu muội, ấy cũng chỉ vì cho tự tánh Di đà không phải là giáo chủ cõi Tây phương và duy tâm Tịnh độ không phải cách đây mười vạn ức cõi nên cứ lầm nhận ảnh duyên của lục trần làm tướng của tự tâm, hoàn toàn không biết gì đến mười phương pháp giới mỗi mỗi đều là tâm tự tánh, há chẳng buồn ư?
Cuối đời Nguyên đầu nhà Minh, tại Ngân giang có bậc Đại Thiện tri thức là Ngài Diệu Diệp vì thương kẻ mê lầm tà kiến mà soạn ra bộ niệm Phật trực chỉ gồm hai mươi hai thiên nhưng đã thất truyền từ lâu. Cho nên Ngài Vân Thê mỗi khi muốn xem cũng không biết tìm đâu ra được.
Khoảng niên hiệu Thần miếu, trong đống sách cũ cổ xưa Ngài Vạn Dung Thiền Bá may mắn tìm được pho kinh này, đồng như Pháp sư Đường Phi Tích soạn bộ Bảo vương luận cùng là một loại sách mà Đại lão Vân Thê chưa hề thấy. Cư sĩ Hàn Triều Tập trước tiên khắc gỗ bộ Bảo vương luận đem trao cho Ngài Vân Thê, và tiếp tục khắc bản bộ Trực chỉ này để làm cho mặt trời Phật pháp ngày càng sáng thêm. Năm ngoái tạm ngụ ở Trường vu, trong đó có cư sĩ Xa Mật Phiền, nhân thọ quy giới và nghe giảng về Duy thức tâm yếu và Đại thừa chỉ quán của Nam Nhạc, bèn chuyên tâm tu hạnh Tịnh độ. Nhân ba tháng hạ cấm túc, chuyên tu thọ trì danh hiệu Phật, ông nghĩ rằng bọn người cuồng vọng ngày nay đa phần khinh thường pháp môn niệm Phật, nên đã mở lòng đại Bi thương xót ra tay góp nhặt các lời pháp ngữ xưa về Tịnh độ, soạn thành một bộ sách tên niệm Phật tu tri, chia làm bốn phần tín giải, phát nguyện, tu hành và chứng nghiệm, bao trùm cả tín hạnh nguyện. Đó là cái bè thiết yếu giúp người vãng sinh cõi Tây phương. Nay muốn chứng minh sự linh nghiệm thì phải nêu rõ cái quả để khuyến khích cái nhân tu hành. Sách vừa soạn xong đầy đủ các tiết mục, vừa lúc tôi (tác giả Trí Húc) nhận lời mời của Tổ đường lại đi về Trường Vu. Thật lòng thiết tha mong tôi đem hai bản sách ra để so sánh xem có sai lầm gì chăng. Tôi bảo: Ý muốn của cư sĩ rất tốt, nhưng pháp ngữ về Tịnh độ từ xưa đến nay thật đã quá nhiều, sao bằng chọn lựa những điều ngắn gọn tinh yếu cốt lõi nhất để phổ biến trên đời, tất dễ tạo niềm tin hơn chăng? Vì tôi nhận thấy yếu chỉ trong sách của cư sĩ so với bộ trực chỉ của Sư Diệu Diệp rất giống nhau. Vì sao nói thế? Bởi ở mục một nói về y chánh của Cực lạc, mục hai nói về dẹp vọng bày chân, mục ba nói về quở trách hiểu lầm cho đến mục tám nói chiết nhiếp thì đều thuộc phần cư sĩ gọi là Tín giải. Còn mục chín nói về khuyến tu tức là phần cư sĩ gọi là phát nguyện. Mục mười là khuyên cấm sát sinh cho đến mục mười tám là hiển bày các nghĩa, đó là phần mà cư sĩ gọi là tu hành. Còn mục mười chín là một nguyện bốn nghĩa, đó là giới, giải, hạnh, hướng tức lại nói về lấy nguyện mà nhiếp giữ tín hạnh. Giới thì cũng là hạnh, giải tức là tín, còn hướng tức là nguyện. Vậy một nguyện đủ bốn nghĩa, bốn nghĩa là trọn cả một nguyện. Nói rõ tín hạnh nguyện vốn không riêng biệt. Nguyện ở giữa mà thống lãnh cả trước sau. Mục hai mươi nói về nghĩa diệt tội. Mục hai mươi mốt nêu các hạnh của chư Tổ đều thuộc phần của cư sĩ gọi là chứng nghiệm. Mục hai mươi hai trình bày chính thức về hồi hướng, khắp khuyên cầu vãng sinh, việc này giống như phần lưu thông ở các kinh, luận đều có, từ đầu đến cuối đều hòa hợp hài hòa với ý chỉ của cư sĩ cả. Nay vì sao cư sĩ không bỏ phần mình mà theo người để cùng người chung vui làm việc thiện ư? Lúc đó Xa cư sĩ rất vui mừng quỳ lạy cúi đầu tạ rằng: Nay con mới biết đại sư Diệu Diệp đã sớm thấu rõ và đồng nhất với ước muốn của con, lại có thể khai phát những gì con chưa phát. Nay được phụng trì sách quý của Ngài để lại, con nguyện xin truyền bá rộng rãi để dâng công lên người xưa hầu sớm được vãng sinh Tịnh độ. Con lại nguyện cùng khắp pháp giới hữu tình tin chắc vào pháp môn này không hề thối chuyển. Xin Ngài viết tựa để nêu rõ duyên này để nói cùng người đồng chí hướng.
Ôi, Xa cư sĩ kia thật đáng là dũng sĩ trong việc tự lợi lợi tha. Những ai đọc sách này xin thận trọng chớ phụ sự khổ tâm nhọc trí của cư sĩ ấy. Mùa đông, tháng 11 năm Canh dần (thuộc đời nhà Thanh, năm Thuận trị thứ bảy).
Cổ Ngô Ngẫu Ích Đạo nhân Trí Húc ghi lại tại Đại bi đàn ở Tổ đường chùa U Thê.
Lời tựa khắc Bảo Vương Tam muội niệm Phật trực chỉ Ngẫu Ích đạo sư Trí Húc viết.
Tam muội niệm Phật là phương tiện vô cùng kỳ lạ của Đức Như Lai, thâu nhiếp cả Phàm Thánh, bao trùm cả căn cơ lợi độn, từ một niệm và liền về biển Phật, có thể nói đó là pháp liễu nghĩa đứng đầu tới viên đốn. Nhưng người đời tối nghĩa, mê đắm danh tự thấy nói chúng sinh tạo tội ngũ nghịch và các ác nghiệp chỉ trong mười niệm liền được vãng sinh trở lại cho là pháp môn này chỉ chuyên để thâu nhiếp kẻ phàm phu thấp hèn và kẻ độn căn. Đó chính là mù mịt ý chỉ vi diệu của Phật, bài báng kinh sâu xa. Tôi nhân đây cảm thấy bùi ngùi rằng người tu hành đời Mạt pháp quá nhiều nghi ngờ, nghiệp chướng, khó thể khai ngộ. Do đây mà pháp môn thâm diệu không bị chấp sự quen lý thì cũng chấp lý bỏ sự. Kẻ chấp vào sự còn có thể tạo nhân sinh vào phẩm hạ, kẻ chấp vào lý rốt cuộc rơi vào chấp không. Đến mức này thì con đường chỉ thẳng lại trở thành hầm sâu chết người. Chẳng nhờ kim bài thì ai đỡ đần kẻ đau mắt? Do vậy có Đạo sư Diệu Diệp tiếp nối tông thừa, lập ra Liên xã, thuận theo Giác (?) Hổ ký của Vĩnh Minh, thỏa thích với luận bàn về Bảo Vương Tam muội. Cảnh và quán đều rõ, chút nghi ngờ đâu phá sạch, nói rõ tận cùng duy tâm, y, chánh rõ ràng, bày gốc tự tánh thì cảm ứng không sai sót. Kẻ thông đạt lấy lý để dung hòa sự, nhưng lý không nằm ngoài sự, kẻ ngu cũng từ sự mà vào lý, nhưng sự ỷ nhờ vào công của lý, trở thành mầm móng trừ lậu hoặc, bằng cứ sinh về Tây phương, nhìn lại hơn hai trăm năm, chẳng bao lâu đã thành sách bị vứt bỏ, sự lưu thông bị ngưng trệ, Liên Đại sư muốn xem còn chưa thể nhưng không vì vậy mà nguyện lực tiêu mòn. Hàn cư sĩ gặp được nơi Thiền sư Vạn Dung và tôi đã được mượn đọc, như được no đầy vị đề hồ, xót xa cho kiếp trược sâu nặng, vui mừng vì đã có bến cầu. Mau tìm cách khắc in để rộng lưu hành, khắp nguyện người thấy nghe tùy hỷ mà trồng nhân trọn vẹn của Tịnh độ; đọc tụng suy nghĩ mà chứng đắc pháp ấn của Bảo Vương. Truyền trao nhau để cùng hiểu cùng ngộ mà đồng thoát khỏi trầm luân mới không cô phụ duyên lành hiếm có này.