Home > Học Phật Căn Bản > Khai-Thi-Phap-Ngu-Hoa-Thuong-Thich-Thien-Hue

Khai Thị Pháp Ngữ Hòa
Thượng Thích Thiện Huệ

Khác Biệt Giữa Phật Và Bồ Tát


Thưa Sư ông, Theo như lời Sư ông giảng, thì Phật cũng là Bồ tát vì Ngài cũng độ sinh. Còn Bồ tát thì có vị đã thành Phật rồi, có vị chưa hoặc sắp thành Phật. Con hiểu như vậy có đúng không ạ? Xin Sư ông giải thích thêm sự khác biệt giữa Phật và Bồ Tát.
Kính Tri ân Sư ông

Đáp.

Đức Phật dạy "A Dật Đa! nếu không có bò tất không có đề hồ, cũng vậy nếu không có phát tâm tất không có Phật chủng. Nếu có bò tất có đề hồ, do vậy, nếu có phát tâm tất Phật chủng không dứt". Kinh Hoa Thủ.

Bồ tát là chúng sinh đã phát tâm đại đạo, vì vậy bồ tát là nhân và Phật là quả. Thấy có phát tâm, tức có bồ tát thì biết có thành Phật.

Bồ tát là bồ đề tát đỏa. Chúng sinh phát đại đạo tâm cần tu tập cho đến khi tâm đại đạo viên mãn, khôbg còn gì khác ngoài đại đạo. Tâm là đại đạo, đại đạo là tâm, như thế mới thực là tâm đại đạo viên mãn. Khi đại đạo viên mãn thì không còn năng sở, tức người phát và tâm được phát, cả người (năng) lẫn đại đạo (sở) đều chỉ là nhất tâm, và nhất tâm này mới thực là đại đạo, bấy giờ bồ đề tát đỏa không còn tát đỏa nữa, chỉ còn lại bồ đề được gọi là giác hay Phật. Đó là sự khác biệt giữa Phật và bồ tát.

Trên thế tục đế thì Phật hoàn toàn khác với bồ tát và chúng sinh, nhưng trên chân đế thì không khác. Vì thật tính của cả ba đều là Phật tính. Như lời Lục tổ Huệ Năng nói: " người thì có kẻ nam người bắc, sang hèn khác nhau (tục đế), nhưng Phật tính thì không hề sai khác (chân đế).

Phật và bồ tát cùng chúng sinh bất nhất không phải một, nhưng Phật tính vốn đồng nên bất dị. Phật tính là tính thật của chúng sinh nên Phật có ở mọi chúng sinh trong tam giới, vì vậy kinh Tứ thập nhị chương gọi Phật là vô vị chân nhân (bậc chân nhân không có địa vị nhất định, vì thông suốt mọi địa vị)*.

Hơn nữa Phật thị hiện mọi sắc thân địa vị cứu độ chúng sinh, nên nói Phật là bồ tát, là chư thiên, là nhị thừa hay chúng sinh, thì đều là mà cũng không là.

Bồ tát từ sơ phát đại đạo tâm cho đến thâm sâu được chia làm mười bậc gọi là thập địa. Vượt qua hàng thập địa mới là đẳng giác, tức gần viên mãn tâm đại đạo, thành quả bồ đề.

Tóm lại con đường tu tập thành Phật gọi là đại thừa, lấy phát đại đạo tâm làm điểm xuất phát, không phát tâm không có thành Phật và đại thừa pháp.

Không phát tâm dù học đại thừa, đại thừa sẽ thành tiểu thừa pháp, do không thể thành Phật. Đại nạn của tín đồ đại thừa là không biết phát tâm là gì và tại sao phải phát tâm, nên đồ chúng đại thừa tâm địa vẫn yếu kém trong việc "phụng sự chúng sinh để báo đáp hồng ân chư Phật".

Bỏ lỡ sự phát tâm là bỏ qua cơ hội giải thoát sinh tử, thành Phật độ chúng sinh.
Cầu chư Phật gia hộ cho người hữu duyên khai mở huệ nhãn, phát tâm lập nguyện.

PVVT
Báo Ân 6.6.2021


Chú thích

* Do chính báo vô vị nên y báo vô trụ. Chính báo vô vị nên hiện hữu khắp mọi vị, gọi là biến nhất thiết tướng. Y báo vô trụ nên có khắp mười phương, gọi là biến nhất thiết xứ.

Chính báo nào cũng là, y báo nào cũng là gọi là Tỳ lô giá na. Tỳ lô giá na hàm nghĩa không gì không là, không gì không hiện, gọi là biến nhất thiết xứ.

Do nghĩa này Đạo Nhất thiền sư mới nói với chúng Tăng: "chỉ cho tôi chỗ nào không có Phật để nhổ đàm".