Home > Nghi Thức Phật Giáo > Nghi-Thuc-Tho-Gioi-Bo-Tat-Du-Gia

Nghi Thức Thọ Giới Bồ Tát
Du Già

Nghi Thức Thọ Giới Bồ Tát Du Già


A. Lời dẫn:

Thông thường, truyền thọ giới pháp Bồ tát Du già, cần phải thỉnh ba vị Giới Sư làm Hòa thượng truyền giới, tức là: Đắc giới Hòa thượng (Đắc Giới Sư, đại diện cho Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni), Yết ma A Xà Lê (Yết Ma Sư, đại diện cho Đức Văn Thù), và Giáo thọ A Xà Lê (Giáo Thọ Sư, đại diện cho Đức Di Lặc). Song vì Phật giáo Việt Nam, đã phân chia làm ba bậc là Hòa thượng, Thượng tọa, và Đại đức, cho nên ở đây dùng chữ Giới Sư để chỉ chung cho ba vị Hòa thượng truyền giới này. Thực sự, trong việc truyền thừa giới pháp, dùng chữ Hòa thượng là chính xác nhất, vì chữ Hòa thượng, tiếng Hán dịch là Lực sinh, có nghĩa là vị này có năng lực làm sinh trưởng giới thể cho người thọ giới. Tuy rằng, trên nguyên tắc, trong lễ truyền giới Bồ tát, các vị Giới Sư đại diện đại chúng cung thỉnh chư vị Thánh Sư (Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni làm Đắc giới Hòa thượng, Đức Văn Thù làm Yết ma A xà lê, Đức Di Lặc làm Giáo thọ A xà lê), thế nhưng trên thực tế, các vị Giới Sư hiện diện mới là những người chánh thức truyền trao giới pháp. Các giới tử có đắc được giới thể hay không là do "công năng" của ba vị Giới Sư này. Thành thử, các giới tử đối với ba vị Giới Sư phàm phu này, phải nên sinh tâm cung kính như đang ở trước Đức Bổn Sư, Đức Văn Thù, và Đức Di Lặc vậy. Có thế, mới hy vọng đắc được giới thể mà mình đang ngưỡng cầu.

Quyển Du Già Bồ Tát Giới Yết Ma có nói: “Nếu có tân học Bồ tát muốn thọ giới Bồ tát, trước hết phải nên vì họ giảng thuyết Bồ tát Pháp tạng, Ma đắc lặc già, học xứ của Bồ tát, cùng hành tướng của sự phạm giới. Làm cho họ nghe hiểu, tin nhận, dùng trí tuệ quan sát, để biết sự thọ giới là điều mình thực sự mong muốn và có thể thọ trì, chứ không phải là do kẻ khác xúi dục mình thọ, hay là mình vì muốn hơn người khác mà thọ.” Y cứ theo lời kinh vừa nói, thì khi truyền thọ bồ tát giới, trước tiên phải thỉnh giới, khai thị, kế đó sám hối, hỏi già nạn, thì mới biết được ai là kẻ thọ giới đúng pháp. Thế nhưng, nếu không nhờ sự dẫn đạo của các vị Giới Sư thì những kẻ thọ giới không thể nào phát được giới thể, cho nên trước tiên phải thỉnh ba vị Giới Sư khai thị, dẫn đạo, để khai phát, khuyến lệ tâm cầu giới thù thắng của hành giả.

B. Nghi Thức Thỉnh Sư

Thiết trí giới tòa cho ba vị Giới Sư tại Chánh Điện (Đắc Giới Sư ở giữa, Yết Ma Sư bên mặt, Giáo Thọ Sư bên trái). Tiếp đến, chuẩn bị chỗ ngồi cho ba vị Giới Sư trong Tổ đường, hoặc tại một nơi tương đối trang nghiêm. Sau khi các giới tử đã tề tựu đầy đủ nơi Chánh điện, Duy Na tuyển chọn một ban Cung nghinh, đại biểu đại chúng đi nghinh thỉnh chư vị Giới Sư. Ban Cung nghinh tối thiểu phải có năm vị: hai vị dẫn khánh, một vị cầm hương, và hai vị thị giả. Trong khi ban Cung nghinh rời Chánh điện đến Tổ đường nghinh thỉnh Giới sư, các giới tử đứng yên nơi vị trí mình, im lặng, cung kính chắp tay. Sau khi ban Cung nghinh cung thỉnh ba vị Giới Sư về đến Chánh điện, đợi ba vị Giới Sư niệm hương xong, Duy Na bắt đầu cử bài Tán Lư Hương.

Phần Một: Cầu Sư Thọ Pháp

Tán Lư Hương

Lư hương vừa ngún chiên đàn,
Khói thơm ngào ngạt muôn vàn cõi xa,
Lòng con kính ngưỡng thiết tha,
Cúi mong chư Phật thương mà chứng minh.
Nam mô Hương Vân Cái Bồ tát Ma ha tát. (Ba lần)

(Mọi người lạy Phật ba lạy xong, chư vị Giới Sư thăng tòa, các vị trong ban Cung nghinh lui về vị trí mình. Đến đây, vị ban thủ đại diện đại chúng cung thỉnh Giới Sư. Các giới tử khác đứng nguyên tại vị trí. Duy Na dẫn vị ban thủ đến trước bàn Phật lạy ba lạy xong, sau đó đến trước Giới Sư.)

Duy Na: Đảnh lễ Giới Sư ba lạy! (Đại chúng cùng lạy xuống)
Đắc Giới Sư: Một lạy.
Đại chúng: A Di Đà Phật.

(Đại chúng đứng dậy, xá một xá, kế đó quỳ xuống, chắp tay.)

Duy Na: Phàm những ai muốn thọ Bồ tát giới, trước tiên phải nên thỉnh Sư hướng dẫn giải thích để hiểu rõ, làm cho trong mọi hoàn cảnh đều khởi tâm từ bi. Nếu không có người truyền thọ giới pháp thì không phát sinh được giới thể. Hôm nay tôi vì các vị, cung thỉnh Thượng ... Hạ ... Luật Sư, làm Giới Sư thọ giới Bồ tát. Lời thỉnh cầu này, lẽ ra các vị phải tự mình cung bạch. Thế nhưng, sợ các vị chưa rành, thành thử tôi sẽ chỉ dẫn cho các vị. Mỗi người tự xưng pháp danh.
Đại chúng: Đệ tử pháp danh …..
Duy Na: Những lời còn lại, xin lập lại theo tôi. (Mỗi câu, Duy Na đọc trước, đại chúng lập theo.)

Kính bạch Đại Đức! Chúng con, đệ tử ....., ở nơi Đại Đức ngưỡng cầu tiếp thọ tất cả Bồ Tát Tịnh Giới. Cúi mong Đại Đức không nại sự nề hà khó nhọc, thương xót truyền thọ giới pháp cho chúng con. (Ba lần, ba lạy)

Đắc Giới Sư: Các vị đã ân cần ba lần cầu thỉnh, tôi nay đồng ý. Tôi sẽ y theo kinh luật Đại thừa mà truyền thọ cho các vị giới pháp Bồ tát. Các vị phải nhiếp tâm cung kính lãnh thọ, không được để tâm mình phù động tán loạn.
Đại chúng: Y giáo phụng hành!

(Mọi người đứng dậy, Vị ban thủ lui về vị trí mình.)

Phần hai: Thỉnh Thánh chứng minh

(Chư vị Giới Sư trước hết phụng thỉnh Tam Bảo, chư Thiên, cùng đến chứng minh. Mọi người cần phải chí thành quán tưởng. Chư vị Giới Sư đến trước bàn Phật, nhất tâm cung thỉnh. Đắc Giới Sư xướng trước, kế đến mọi người cùng đọc. Mỗi khi đọc đến chữ đệ tử ....., mọi người tự động xưng pháp danh mình.)

Hương hoa nghinh, hương hoa thỉnh. Đệ tử ..... đẳng, nhất tâm kiền thỉnh:

Tận hư không giới, cực vi trần số thường trụ Tam Bảo, Thanh tịnh pháp thân Tỳ Lô Giá Na Phật, Viên mãn báo thân Lô Xá Na Phật, Thiên bách ức hóa thân Thích Ca Mâu Ni Phật, Đương lai bổ xứ Di Lặc Tôn Phật, Cực Lạc thế giới A Di Đà Phật, Quá khứ thất Phật, Hiền kiếp thiên Phật, Thập phương tam thế nhất thiết chư Phật, Đại tiểu lưỡng thừa Tỳ ny giới pháp, Thập nhị phần kinh thậm thâm pháp tạng, Văn Thù Sư Lợi Bồ tát, Phổ Hiền Bồ tát, Quán Thế Âm Bồ tát, Đại Thế Chí Bồ tát, Thập phương tam thế chư Đại Bồ tát, tối sơ đắc giới Diệu Hải Vương tử, Tây Thiên thử độ truyền pháp tổ sư tứ y Bồ tát, Duyên giác Thanh văn, Tam thừa hiền thánh. Duy nguyện từ bi, văn ngã phụng thỉnh, hiển hiện đạo trường, chứng minh thọ giới. (Ba thỉnh, ba lạy)

Hương hoa nghinh, hương hoa thỉnh. Đệ tử .... đẳng, nhất tâm kiền thỉnh:

Hộ pháp chư thiên, Đại Phạm thiên vương, Đế Thích thiên vương, Hộ thế tứ vương, thiên long bát bộ, tam giới vạn linh, thưởng thiện phạt ác nhất thiết thiên thần, quốc nội danh sơn đại xuyên, giang hà đàm động chủ chấp long thần, đương địa thành hoàng xã miếu, thuộc nội thần kỳ, chư xứ tự viện hộ pháp già lam thần thủ chánh pháp giả. Duy nguyện thông minh, văn ngã triệu thỉnh, đồng tứ giáng lâm, tất lai thủ hộ. (Ba thỉnh, ba xá)

Hương hoa nghinh, hương hoa thỉnh. Đệ tử .... đẳng, nhất tâm kiền thỉnh:

Thập phương pháp giới, lục đạo tứ sinh, nhất thiết hàm thức, hiện tiền thọ giới hợp đạo trường nhân, vô lượng kiếp lai sinh thân phụ mẫu, tiên vong hậu thệ thượng đại tông thân, vong một dĩ hậu vị giải thoát giả. Nguyện thừa Tam Bảo uy thần lực cố, câu đáo Đạo trường đồng triêm giới thiện. (Ba thỉnh, ba xá)

(Cung thỉnh xong, chư vị Giới Sư trở về tòa.)

Phần ba: Lễ kính Tam Bảo

Duy Na: Các vị Phật tử! Các vị đã phát tâm thù thắng cầu thọ Bồ tát tịnh giới, các vị nên nhất tâm quán tưởng, lập theo lời tôi, đảnh lễ mười phương Tam Bảo. Mỗi người tự xưng pháp danh!
Đại chúng: Đệ tử pháp danh .....

(Mỗi câu dưới đây, Duy Na đọc trước, đại chúng lập lại, kế đó lạy một lạy.)

Nhất tâm đảnh lễ, quá khứ thế, tận quá khứ tế, nhất thiết Chư Phật.
Nhất tâm đảnh lễ, vị lai thế, tận vị lai tế, nhất thiết Chư Phật.
Nhất tâm đảnh lễ, hiện tại thế, tận hiện tại tế, nhất thiết Chư Phật.

Nhất tâm đảnh lễ, quá khứ thế, tận quá khứ tế, nhất thiết Tôn Pháp.
Nhất tâm đảnh lễ, vị lai thế, tận vị lai tế, nhất thiết Tôn Pháp.
Nhất tâm đảnh lễ, hiện tại thế, tận hiện tại tế, nhất thiết Tôn Pháp.

Nhất tâm đảnh lễ, quá khứ thế, tận quá khứ tế, nhất thiết Hiền Thánh.
Nhất tâm đảnh lễ, vị lai thế, tận vị lai tế, nhất thiết Hiền Thánh.
Nhất tâm đảnh lễ, hiện tại thế, tận hiện tại tế, nhất thiết Hiền Thánh.

Phần bốn: Truyền thọ bốn Bất hoại tín

Đắc Giới Sư: Các vị Phật tử! Kinh Anh Lạc có nói: “Sau khi đảnh lễ Tam Bảo xong, kế đó truyền thọ bốn Bất hoại tín, nương vào Tứ y.” Bốn bất hoại tín có nghĩa là: Mỗi người chúng ta, cái thể tính mà chúng ta bẩm thụ tuy là một, thế nhưng cái bẩm tính này đầy đủ Tam Bảo là Phật, Pháp, Tăng, và giới. Chữ Phật, tiếng Phạn Phật Đà, chữ Hán dịch là Giác, nghĩa là cái tính thể linh giác này chiếu rọi các pháp, mà không phải là không, cũng không phải là hữu, vì thế nên được gọi là Phật Bảo sẳn có trong chúng ta. Chữ Pháp, nghĩa là quỷ trì, có nghĩa là pháp tính tuy tịch tĩnh, mà hằng sa tính đức đều có thể quỷ trì. Đây gọi là pháp tính sẳn có trong chúng ta. Chữ Tăng, tiếng Phạn Tăng già, dịch là hòa hợp chúng, có nghĩa là hằng sa diệu đức, tính tướng không hai, lý sự hòa hợp. Đây gọi là Tăng bảo sẳn có trong chúng ta. Còn chữ giới, có nghĩa là Kim cương quang minh bảo giới, là bổn nguyên của tất cả chư Phật, là bổn nguyên của tất cả Bồ tát, là hạt giống Phật tính của tất cả chúng sinh. Đây gọi là tính giới có sẳn trong chúng ta. Các vị từ hôm nay, phải tin tưởng tâm của mình là Phật, là Pháp, là Tăng, là giới. Cho đến cùng tận đời vị lai, cũng không quên không mất. Vì thế gọi đây là bốn Bất hoại tín. Tuy bốn pháp này là sẳn có, là chân thường, thế nhưng, nếu không tu thì không thể chứng được. Cho nên kinh có nói: “Tâm đó là Phật, tâm đó thành Phật.” Các vị phải nên quy y Trụ trì Tam Bảo, nạp thọ giới pháp vi diệu thanh tịnh, rồi y vào đây mà tu hành, thì mới có thể chứng được Phật quả Vô thượng. Hôm nay, các vị ở trước chư Phật Bồ tát, trân trọng nạp thọ bốn Bất hoại tín. Lời xin quy y, các vị nên tự mình nói, nay sợ các vị chưa rành, vậy xin lập lại lời tôi nói:

Chúng con, đệ tử ....., từ ngày hôm nay, cho đến cùng tận đời vị lai, quy y Phật.
Chúng con, đệ tử ....., từ ngày hôm nay, cho đến cùng tận đời vị lai, quy y Pháp.
Chúng con, đệ tử ....., từ ngày hôm nay, cho đến cùng tận đời vị lai, quy y Tăng.
Chúng con, đệ tử ....., từ ngày hôm nay, cho đến cùng tận đời vị lai, quy y giới. (Bốn lần, bốn lạy.)

Phần năm: Phát lộ sám hối

Đắc Giới Sư: Các vị Phật tử! Kinh Anh Lạc có nói: “Sau khi thọ bốn Bất hoại tín, kế đến nên dạy sám hối tội chướng ba đời. Nói tội chướng ba đời, có nghĩa là chủng tử vô minh ở quá khứ làm nhân cho sự tạo tội, còn sự hiện hành trong hiện tại làm duyên cho sự tạo tội. Sự hiện hành này, huân tập những chủng tử nghiệp từ đời vô thỉ cho đến nay, nhân duyên hòa hợp, mà tạo thành sự tạo tội. Hơn nữa, sự hiện hành trong hiện tại lại làm ác nhân cho những tội ác đời sau. Chúng nối tiếp huân tập cho nhau, làm cho sự sinh tử luân hồi không bao giờ dứt. Hôm nay, ở trước Chư Phật Bồ tát, các vị phải nên thành tâm hổ thẹn sám hối. Nếu có thể đi ngược lại hiện hành của đời này, thì chủng tử nghiệp đời quá khứ sẽ bị khô héo, mà cái nhân cho nghiệp dữ đời sau cũng bị tiêu diệt. Lời khẩn cầu sám hối, các vị phải tự mình bộc bạch. Sợ các vị chưa rành, xin hãy lập lại lời tôi:

Chúng con, đệ tử ....., tất cả mười nghiệp ác thân khẩu ý trong đời quá khứ, nguyện cùng tận đời vị lai, vĩnh viễn không còn sinh khởi.
Chúng con, đệ tử ....., tất cả mười nghiệp ác thân khẩu ý trong đời hiện tại, nguyện cùng tận đời vị lai, vĩnh viễn không còn sinh khởi.
Chúng con, đệ tử ....., tất cả mười nghiệp ác thân khẩu ý trong đời vị lai, nguyện cùng tận đời vị lai, vĩnh viễn không còn sinh khởi. (Ba lần, ba lạy)

Phần sáu: Thỉnh Sư cầu giới

Đắc Giới Sư: Các Phật tử lắng nghe! Các vị có phải là Bồ tát không?
Đại chúng: Dạ phải.
Đắc Giới Sư: Nếu đã là Bồ tát, các vị đã phát tâm Bồ đề chưa?
Đại chúng: Đã phát tâm Bồ đề.
Đắc Giới Sư: Các Phật tử lắng nghe! Các vị hôm nay, muốn ở nơi tôi, cầu thọ tất cả học giới của Bồ tát, cầu thọ tất cả tịnh giới của Bồ tát, nghĩa là: nhiếp luật nghi giới, nhiếp thiện pháp giới, và nhiêu ích hữu tình giới. Những học xứ như vậy, những tịnh giới như vậy, tất cả Bồ tát trong đời quá khứ đã đầy đủ, tất cả Bồ tát trong đời vị lai sẽ đầy đủ, hiện tại tất cả Bồ tát trong mười phương thế giới đang đầy đủ. Những học xứ như vậy, những tịnh giới như vậy, tất cả Bồ tát trong đời quá khứ đã học, tất cả Bồ tát trong đời vị lai sẽ học, hiện tại tất cả Bồ tát trong mười phương thế giới đang học. Các vị có thể thọ trì hay không?(Câu này, ba lần hỏi, ba lần trả lời)
Đại chúng: Mô Phật, có thể.

Đắc Giới Sư: Các Phật tử! Các vị đã có thể thọ trì tịnh giới của Bồ tát, có thể học tập học xứ của Bồ tát. Mỗi người nên đứng dậy chắp tay, nhất tâm nhất ý, thành khẩn cúi lạy. Lập theo lời tôi, nghinh thỉnh Chư Phật Bồ tát làm Hòa Thượng, truyền thọ Bồ tát giới.
Đại chúng: Y giáo phụng hành.

(Các vị Giới Sư rời tòa, đến trước bàn Phật. (Mọi người quỳ xuống, chắp tay. Giới Sư niệm hương quán tưởng. Mỗi câu thỉnh ba lần. Đắc Giới Sư đọc trước, đại chúng họa theo. Sau mỗi lần thỉnh xong, đại chúng lạy xuống một lạy.)

Đệ tử pháp danh ....., nhất tâm phụng thỉnh:

Đại Đức Thích Ca Như Lai, xin thương tưởng chúng con, đệ tử ...... Nay thỉnh Như Lai vì chúng con, làm Đắc giới Hòa thượng. Duy nguyện Như Lai vì chúng con làm Đắc giới Hòa thượng. Chúng con nương nhờ Như Lai, mà được thọ Bồ tát tam tụ thanh tịnh giới.

Đệ tử pháp danh ....., nhất tâm phụng thỉnh:

Đại Đức Văn Thù Sư Lợi Bồ tát, xin thương tưởng chúng con, đệ tử ...... Nay thỉnh Bồ tát vì chúng con, làm Yết ma A xà lê. Duy nguyện Bồ tát vì chúng con, làm Yết ma A xà lê. Chúng con nương nhờ Bồ tát, mà được thọ Bồ tát tam tụ thanh tịnh giới.

Đệ tử pháp danh ....., nhất tâm phụng thỉnh:

Đại Đức Di Lặc Bồ tát, xin thương tưởng chúng con, đệ tử ...... Nay thỉnh Bồ tát vị chúng con, làm Giáo thọ A xà lê. Duy nguyện Bồ tát vì chúng con làm Giáo thọ A xà lê. Chúng con nương nhờ Bồ tát, mà được thọ Bồ tát tam tụ thanh tịnh giới.

Đệ tử pháp danh ....., nhất tâm phụng thỉnh:

Đại Đức Thập Phương Như Lai, xin thương tưởng chúng con, đệ tử ...... Nay thỉnh Như Lai vì chúng con, làm Tôn chứng Sư. Duy nguyện Như Lai vì chúng con làm Tôn chứng Sư. Chúng con nương nhờ Như Lai, mà được thọ Bồ tát tam tụ thanh tịnh giới.

Đệ tử pháp danh ....., nhất tâm phụng thỉnh:

Đại Đức Thập phương Nhất thiết Bồ Tát Ma ha tát, xin thương tưởng chúng con, đệ tử ...... Nay thỉnh Bồ tát vì chúng con, làm Đồng học Pháp lữ. Duy nguyện Bồ Tát vì chúng con làm Đồng học Pháp lữ. Chúng con nương nhờ Bồ tát, mà được thọ Bồ tát tam tụ thanh tịnh giới.

(Đắc Giới Sư đọc một mình)
Duy nguyện Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, mười phương chư Phật, chư Đại Bồ Tát, đầy đủ tâm thông đạo nhãn, thấy nghe vô ngại, xin soi xét lòng thành, truyền thọ giới pháp cho chúng con. Cúi mong các Ngài không quên bổn nguyện, dùng phương tiện cứu vớt. Cho đến cùng tận đời vị lai, làm chỗ nương về của chúng con.

(Sau khi thỉnh Thánh Sư, sau đó cầu giới. Ba vị Giới Sư, mỗi vị tuần tự tác bạch.)

Ngưỡng bạch, tất cả chư Phật, Đại địa Bồ tát Tăng, trong mười phương tận hư không giới. Hôm nay, trước Tôn tượng của chư Phật, chư Đại Bồ tát tại Đạo trường ......, có các Phật tử cung kính cầu xin nạp thọ tất cả Bồ tát tịnh giới. Những Phật tử đây, đã có thể sinh lòng tin sâu đậm đối với Đại Thừa, phát Bồ Đề tâm, hành Bồ Tát đạo. Duy nguyện chư Phật Bồ tát nhỏ lòng từ bi bố thí cho chúng Phật tử đây ba tụ tịnh giới.

(Bạch xong, các vị Giới Sư trở về giới tòa. Các giới tử vẫn quỳ tại vị trị mình.)

Phần bảy: Lập thệ nguyện, hỏi già nạn

Giáo Thọ Sư: Lập thệ nguyện là nền tảng cho sự đắc giới. Hơn nữa, nếu đã bị già nạn mà còn thọ giới, thì sẽ bị chướng ngại làm cho không phát sinh được giới thể. Cho nên cần phải hỏi kỹ . Các vị phải tùy theo lời hỏi của tôi mà trả lời. Trước tiên là lập mười thệ nguyện. Nếu các vị có thể hành trì, xin trả lời có thể.

Thứ nhất: Các vị từ hôm nay cho đến thành Phật, có thể thường hay niệm Phật, gần gũi bậc thiện tri thức hay không?
Đại chúng: Mô Phật, có thể.
Thứ hai: Các vị từ hôm nay cho đến thành Phật, có thể thường hay xa lìa ác tri thức hay không?
Đại chúng: Mô Phật, có thể.
Thứ ba: Các vị từ hôm nay cho đến thành Phật, dù cho gặp nhân duyên mất thân mạng, có thể quyết không phạm giới hay không?
Đại chúng: Mô Phật, có thể.
Thứ tư: Các vị từ hôm nay cho đến thành Phật, có thể thường hay đọc tụng kinh luật Đại thừa, tìm hiểu nghĩa thâm sâu hay không?
Đại chúng: Mô Phật, có thể.
Thứ năm: Các vị từ hôm nay cho đến thành Phật, có thể thường hay đối với Vô thượng Bồ đề, sinh lòng tin tưởng hay không?
Đại chúng: Mô Phật, có thể.
Thứ sáu: Các vị từ hôm nay cho đến thành Phật, lúc thấy chúng sinh bị khổ não, có thể cứu hộ hay không?
Đại chúng: Mô Phật, có thể.
Thứ bảy: Các vị từ hôm nay cho đến thành Phật, có thể thường hay tùy sức của mình, cúng dường Tam Bảo hay không?
Đại chúng: Mô Phật, có thể.
Thứ tám: Các vị từ hôm nay cho đến thành Phật, có thể thường hay hiếu thuận cha mẹ, kính phụng sư trưởng hay không?
Đại chúng: Mô Phật, có thể.
Thứ chín: Các vị từ hôm nay cho đến thành Phật, có thể thường hay xa lìa sự biếng nhác, siêng năng tìm cầu Phật pháp hay không?
Đại chúng: Mô Phật, có thể.
Thứ mười: Các vị từ hôm nay cho đến thành Phật, trong cảnh ngũ trần, lúc phiền não phát sinh, có thể thường hay chế phục tâm mình hay không?
Đại chúng: Mô Phật, có thể.

Giáo Thọ Sư: Đã phát mười thệ nguyện, kế đến hỏi bảy già nạn. Các vị Phật tử muốn thọ Phật giới, cần phải có thân khí thanh tịnh. Kinh Phạm Võng có nói: "Người nào có đủ bảy già nạn, thì thân hiện đời không thể đắc giới. Kẻ nào không có bảy già nạn, thì có thể thọ giới." Bởi vì, bảy loại nghịch nghiệp này có thể làm chướng ngại tịnh giới, cho nên được gọi là già nạn. Nếu có nói có, không thì nói không. Phải trả lời thành thực. Mỗi người tự xưng pháp danh.
Đại chúng: Đệ tử pháp danh .....
Giáo Thọ Sư:
Thứ nhất, các vị không có ác tâm làm thân Phật ra máu phải không?
Đại chúng: Mô Phật, không.
Thứ hai, các vị không có giết cha phải không?
Đại chúng: Mô Phật, không.
Thứ ba, các vị không có giết mẹ phải không?
Đại chúng: Mô Phật, không.
Thứ tư, các vị không có giết đắc giới Hòa thượng phải không?
Đại chúng: Mô Phật, không.
Thứ năm, các vị không có giết đắc giới A xà lê phải không?
Đại chúng: Mô Phật, không.
Thứ sáu, các vị không có phá yết ma chuyển pháp luân tăng phải không?
Đại chúng: Mô Phật, không.
Thứ bảy, các vị không có giết A la hán phải không?
Đại chúng: Mô Phật, không.

Phần bảy: Bỉnh pháp nạp thể

Yết Ma Sư: Các vị Phật tử! Các vị hôm nay, thân không có già nạn, có thể làm pháp khí, có thể thọ giới. Chư vị Hiền Thánh đều hoan hỷ cho quý vị. Trong chốc lát nữa, các vị sẽ được nhập vào địa vị đồng với chư Phật. Các vị Phật tử! Các vị Giới Sư sẽ tác pháp thọ giới cho quý vị. Giới pháp này tức là vô lượng công đức mà chư Phật Bồ tát mười phương ba đời đã phải tu hành trong nhiều đời nhiều kiếp mới tích tụ được. Chư Phật đã chứng, Bồ tát hiện nay đang tu. Hôm nay, chúng ta nương vào yết ma thánh pháp, chuyển động vô lượng công đức trong pháp giới, tưới rót vào thân tâm của quý vị, vĩnh viễn làm chủng tử thành Phật. Thân này tuy có hoại diệt, nhưng giới thể không bao giờ hoại diệt. Trong tương lai quý vị vãng sanh Tịnh Độ, thậm chí đến khi thành Phật, tăng trưởng trang nghiêm uy thần diệu dụng, đều là công năng của giới thể mà quý vị lãnh thọ ngày hôm nay. Các vị phải nên nhiếp tâm cầu giới, không được hôn trầm tán loạn. Tôi sẽ vì các vị khải bạch mười phương Tam Bảo, chứng minh thọ giới. Các vị phải lắng nghe cho kỹ. Nên biết là, sau lần yết ma thứ nhất, diệu thiện giới pháp trong mười phương thế giới, do nghiệp lực của tâm, tất cả đều chấn động; sau lần yết ma thứ hai, diệu thiện giới pháp trong mười phương thế giới, giống như mây, như bảo cái, bao phủ trên đỉnh đầu của của các vị; sau lần yết ma thứ ba, diệu thiện giới pháp trong mười phương, từ trên đỉnh đầu, chảy rót vào trong thân tâm của quý vị, làm hạt giống thành Phật cho đến cùng tận đời vị lai. Đây là vô tác giới thể, vô lậu sắc pháp, do thiện tâm tăng thượng của quý vị chiêu cảm mà được. Bởi vậy, các vị phải chí thành đảnh thọ.
Đại chúng: Y giáo phụng hành.

(Đến đây, các giới tử vẫn quỳ tại vị trí của mình. Ba vị Giới Sư rời tòa, đến trước bàn Phật, quỳ thẳng, đối trước mười phương Tam Bảo, cung kính cúng dường, lạy một lạy, chắp tay. Ba vị tuần tự kính bạch như sau: )

Ngưỡng nguyện chư Phật, Bồ tát trong mười phương vô biên vô tế thế giới, nay có ..... Bồ tát(Đến đây, Giới Sư đọc danh sách của giới tử. Mỗi giới tử khi nghe Giới Sư đọc đến tên của mình, phải lạy xuống một lạy, trong khi lạy, nên quán tưởng theo như lời Giới Sư vừa dạy ở trên.), ở nơi con là Bồ tát ....., ba lần tuyên thệ thọ Bồ tát giới, con đã chứng minh cho sự thỉnh cầu. Duy nguyện chư Phật, Bồ tát, các vị chân Thánh đệ nhất, trong tất cả thời xứ, hoặc thị hiện, hoặc không thị hiện, cùng tất cả chư hữu tình đang giác ngộ, xin chư vị đối với Phật tử ..... (Ở đây, Giới Sư chỉ cần đọc tên của giới tử thứ nhất)v.v..., nhỏ lòng từ bi thương xót chứng minh thọ giới!(Ba lần, ba lạy)

(Bạch ba lần xong, chư vị Giới Sư trở về tòa, tuyên thuyết giới tướng. Các giới tử vẫn quỳ yên tại vị trí.)

Phần chín: Tuyên thuyết giới tướng, phát nguyện.

(a) Tuyên thuyết giới tướng:

Đắc Giới Sư: Các vị Phật tử! Tôi đã tuyên thọ giới pháp cho quý vị, kế đây sẽ tuyên thuyết giới tướng. Tựu trung, tất cả cảnh giới đều là giới tướng của Bồ tát, thế nhưng, nay y theo luận Du Già Sư Địa, chỉ nói bốn giới trọng, còn bốn mươi ba giới khinh, cho đến tám vạn bốn ngàn uy nghi, các vị phải nên y theo thầy mà học tập. Nếu các vị biết rõ giới tướng, thì các vị sẽ không còn hủy phạm. Các vị Phật tử lắng nghe! Bồ tát Du Già có bốn vô tận giới; nếu như phạm giới, thì sẽ không phải là Bồ tát, sẽ bị mất bốn mươi pháp của Hiền Thánh. Các vị nên trân trọng lãnh thọ. Mỗi người tự xưng pháp danh!
Đại chúng: Đệ tử pháp danh .....

Đắc Giới Sư:
(1) Từ ngày hôm nay cho đến thành Phật, trong khoảng giữa này, không được vì tham cầu lợi dưỡng cung kính, cố khen mình chê người. Có thể giữ được hay không?
Đại chúng: Mô Phật, giữ được.
(2) Từ ngày hôm nay cho đến thành Phật, trong khoảng giữa này, không được cố ý bỏn sẻn của cải, Phật pháp. Có thể giữ được hay không?
Đại chúng: Mô Phật, giữ được.
(3) Từ ngày hôm nay cho đến thành Phật, trong khoảng giữa này, không được cố ý sân hận, không nhận sự tạ lỗi. Có thể giữ được hay không?
Đại chúng: Mô Phật, giữ được.
(4) Từ ngày hôm nay cho đến thành Phật, trong khoảng giữa này, không được cố ý báng loạn Chánh pháp. Có thể giữ được hay không?
Đại chúng: Mô Phật, giữ được.

Đắc Giới Sư: Phần giới tướng còn lại, các vị tự tìm giới bổn đọc tụng, thọ trì. Phải nên biết rõ giới tướng mà giữ gìn, đừng để phạm giới. Nếu như lỡ phạm giới, cần phải thường sám hối. Hiện nay, y vào kinh Phạm Võng để nói rõ pháp sám hối. Nếu như phạm vào bốn giới trọng, phải nên đến trước tượng Phật, Bồ tát, ngày đêm sáu thời, tụng bốn giới trọng, bốn mươi ba giới khinh, siêng năng lạy ngàn vị Phật trong ba đời, cho đến khi thấy được điềm lành, thì tội tiêu diệt. Nếu không thấy được điềm lành, thì tuy sám hối, vẫn là vô ích. Nếu phạm vào bốn mươi ba giới khinh, thì có thể dùng pháp đối thủ sám hối, không giống như bảy già nạn. Đối thủ sám hối, có nghĩa là, hai người đối diện nhau, người phạm giới phát lộ những điều giới mình đã phạm, thì tội liền tiêu diệt.

(b) Phát bốn hoằng thệ nguyện:

Đắc Giới Sư: Các vị Phật tử! Tôi đã tuyên thuyết xong phần giới tướng, giờ đây sẽ hướng dẫn các vị phát nguyện. Các vị nên chí tâm thành khẩn, cung kính chắp tay, lập theo lời tôi nói.

Đệ tử .....
Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ,
Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn,
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học,
Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành. (Ba lần, ba lạy)

Phần mười: Kết tán hồi hướng

Đắc Giới Sư: Trong kinh có nói: "Người nào thọ giới Bồ tát, thì ngay trong hiện đời, trong một niệm, thân của người đó có đủ tám công đức thù thắng:

(1) Đến đạo trường thù thắng: Giống như đại bàng, một lần vỗ cánh là đã vượt qua mười vạn dặm; Bồ tát phát tâm thọ giới này, sẽ vượt khỏi sáu nẽo, ba thừa, mà thẳng đến Bồ đề.
(2) Phát tâm thù thắng: Nếu kẻ nào phát khởi đại bi, đại trí, thọ giới Bồ tát, người đó lập tức thắng hơn bậc Nhị thừa. Lúc xưa, có một vị La hán cùng với đệ tử là một sa di đang đi trên đường. Vị sa di thốt nhiên phát khởi đại tâm, vị La hán thấy thế, bèn mang y bát thay cho vị sa di và nhường cho vị sa di đi trước.
(3) Phước điền thù thắng: Giả sử có người, cúng dường các vị La hán, đông đầy cả một Diêm phù đề, phước đức không bằng cúng dường một người thọ giới Bồ tát, bởi vì người này phát tâm quảng đại.
(4) Công đức thù thắng: Thọ giới Tiểu thừa, giống như ánh sáng đom đóm; thọ giới Bồ tát, giống như ánh sáng mặt trời, vì chiếu sáng tất cả.
(5) Diệt tội thù thắng: Người thọ giới Bồ tát, tuy phạm giới, phá giới, vẫn còn hơn kẻ ngoại đạo. Giả sử bị đọa, bởi do uy lực của giới, sự thọ khổ trong ba đường ác sẽ được giảm khinh rất nhiều.
(6) Thọ thai thù thắng: Người thọ giới Bồ tát, sau khi mạng chung, trong đời kế tiếp, khi còn ở trong bào thai, thường được long thiên, thiện thần ủng hộ, giữ gìn.
(7) Thần thông thù thắng: Người thọ giới Bồ tát, có thể quậy sông dài thành bơ sữa, biến đất cát thành vàng ròng. Trong một niệm có thể vượt qua ngàn kiếp, trong một niệm có thể quảng độ chúng sanh.
(8) Quả báo thù thắng: Người thọ giới Bồ tát, sẽ được sanh vào biển Liên Hoa Tạng, thọ thân pháp tánh, chứng được quả chân thường, vĩnh viễn không còn bị thoái chuyển."

Các vị Phật tử! Hôm nay, các vị đã thọ xong giới Bồ tát, lập tức có thể hoạch được những công đức thù thắng như thế. Mỗi người phải nên khéo gìn giữ, hộ trì. Ngày đêm sáu thời, trong tất cả lúc đi, đứng, nằm, ngồi, phải nên đọc tụng, thọ trì giới pháp này, giống như kim cương, giống như đeo phao nỗi vượt qua biển lớn, giống như vị tỳ kheo bị cột bằng cọng cỏ tươi [thà nằm dưới đất chịu chết, chứ không chịu bứt đứt cỏ để thoát thân], các vị phải thường sanh khởi lòng tin đối với Đại thừa. Phải tự biết mình là Phật chưa thành, còn chư Phật là Phật đã thành. Phát tâm Bồ đề, niệm niệm không lìa tâm Bồ đề này. Nếu như khởi một niệm Tiểu thừa, thì không còn là Bồ tát nữa. Bởi thế, phải nên trân trọng cung kính, cẩn thận không được biếng lười. Các vị có thể y theo lời dạy mà phụng hành không?
Đại chúng: Y giáo phụng hành!
Duy Na: Đại chúng chí thành lễ tạ ba vị Giới Sư ba lạy.
Đắc Giới Sư: Một lạy.
Đại chúng: A Di Đà Phật.

Đắc Giới Sư: Nguyện đem công đức thọ giới này, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu chúng sanh khổ, pháp giới chúng sanh, đều thành Phật đạo. Mọi người cùng nhau niệm Phật hồi hướng.

(Ba vị Giới Sư rời giới tòa, đến trước bàn Phật, quỳ thẳng chắp tay.)

Duy Na quỳ thẳng, chắp tay tác bạch:

Nguyện đem tất cả công đức thọ giới này, cung chúc Phạm vương, Đế thích, tứ thiên vương, hộ pháp long thiên, già lam chân tể, thổ địa linh thông, đều được tăng trưởng uy thần. Nguyện cho quốc thái dân an, sư tăng phụ mẫu, mười phương tín thí, pháp giới chúng sanh, nhờ thiện căn này, đều thành Phật đạo.

(Kế đến, mọi người đứng dậy, tụng bài hồi hướng và tam quy y)

Thọ giới công đức thù thắng hạnh,
Vô biên thắng phúc giai hồi hướng,
Phổ nguyện pháp giới chư chúng sanh,
Tốc vãng Vô Lượng Quang Phật sát.
Nguyện tiêu tam chướng trừ phiền não,
Nguyện đắc trí tuệ chân minh liễu,
Phổ nguyện tội chướng tất tiêu trừ,
Thế thế thường hành Bồ tát đạo.
Nguyện sanh Tây Phương Tịnh Độ trung,
Cửu phẩm liên hoa vi phụ mẫu,
Hoa khai kiến Phật ngộ vô sanh,
Bất thoái Bồ tát vi bạn lữ.
Nguyện dĩ thử công đức,
Phổ cập ư nhất thiết,
Ngã đẳng đữ chúng sanh,
Giai cộng thành Phật đạo.

Tự quy y Phật, đương nguyện chúng sanh, thể giải đại đạo, phát vô thượng tâm.
Tự quy y Pháp, đương nguyện chúng sanh, thâm nhập kinh tạng, trí tuệ như hải.
Tự quy y Tăng, đương nguyện chúng sanh, thống lý đại chúng, nhất thiết vô ngại.

(Mọi người đứng yên chắp tay, ba vị Giới Sư rời Chánh điện)

Duy Na: Lễ tạ chư vị Giới Sư.
Đắc Giới Sư: Miễn lễ.
Duy Na: Các vị Cung nghinh, xin đưa chư vị Giới Sư về liêu.
Đắc Giới Sư: Miễn đưa.
Đại chúng: A Di Đà Phật.

(Đợi quý vị Giới Sư ra xong, đại chúng lạy Phật ba lạy. Công đức hoàn mãn.)

Ở đây, chữ Đại Đức là một danh từ tôn xưng, chỉ chung cho các bậc giới đức cao thắng, từ phàm phu, nhẫn đến chư Phật. Không nên hiểu Đại Đức theo nghĩa Việt Nam: Đại đức, Thượng tọa, Hòa thượng.

Đây là giây phút quan trọng nhất, các giới tử có đắc được giới thể hay không, tùy thuộc vào sự tập trung tinh thần, chí thành quán tưởng vào lúc này. Không nên coi nhẹ sự thọ giới của mình. Nếu tâm hời hợt tán loạn, thì tuy có hiện diện trong buổi thọ giới, vẫn là vô ích!

Từ Ngữ Phật Học Trong: Nghi Thức Thọ Giới Bồ Tát Du Già