Giải thích: Đại phương quảng Phật hoa nghiêm là bộ kinh được Quán môn y cứ. Pháp giới quán môn là pháp quán y cứ nơi bộ kinh.
Đại phương quảng chính là pháp mà tất cả Như Lai đã chứng ngộ. Phật hoa nghiêm, là bậc (người) chứng ngộ khế hợp pháp giới. Về pháp thì chia ra thể, tướng và dụng. Về người thì có nhân và quả. Đại là thể đại, là pháp giới sâu xa, cũng là tâm thể của chư Phật và chúng sanh. Rộng lớn trùm cả hư không, trong lặng thường trụ cũng tạm gọi là đại. Kinh ghi: “Pháp tánh cùng khắp mọi nơi.
Tất cả chúng sanh, cõi nước, ba đời đều ở trong đó, không một pháp nào nằm bên ngoài, cũng không có hình tướng”. Đó là nghĩa của chữ đại. Phương quảng, là tướng dụng trùm khắp, tức tướng của thể; tướng đức vô biên tức dụng của tướng, là nghiệp dụng rộng lớn vô tận. Ba pháp này không chướng ngại nhau, nêu một thì đủ cả ba. Đây cũng là cảnh sở duyên của thánh trí, là pháp giới được chứng ngộ. Phật là quả, vạn đức tròn sáng; hoa dụ cho nhân, rực sáng các hạnh; nghiêm thì chỉ chung cho năng và sở nên có hai lớp: Một, hoa là nhân dùng để trang nghiêm, Phật là quả được trang nghiêm, tức dùng nhân mười độ[1] để thành tựu quả mười thân[2]. Như vậy thì muôn hạnh đều đầy đủ, vạn đức đều tròn sáng. Hai, Hoa là vật dùng trang nghiêm, Đại phương quảng là pháp được trang nghiêm; trang nghiêm thể, tướng, dụng để thành tựu ba đức của quả Phật. Trong đó xứng thể mà trang nghiêm thì hiển đức chân thường, như tướng mà trang nghiêm thì nêu đức tu thành, y dụng mà tu trang nghiêm thì thành đức đại dụng. Vậy Hoa nghiêm tức trang nghiêm vô biên như đức, thành đức. Cho nên chỉ một tên kinh đã đủ thể, tướng, dụng. Về người (nhân) thì có nhân và quả, người và pháp cùng đề, pháp và dụ đồng nêu, một kinh có ba đại thể tướng dụng đều là Đại phương quảng, năm vòng nhân quả đều là Phật hoa nghiêm.
Một đề kinh gồm bảy chữ, mỗi chữ có mười nghĩa.
1. Mười nghĩa của chữ đại: Chữ đại có mười nghĩa, thì sáu chữ còn lại cũng đều đại. Một, đại tức thể đại, vì pháp giới thường và cùng khắp; hai, phương tức tướng đại, vì tánh đức không có giới hạn; ba, quảng tức dụng đại, vì dụng xứng thể cùng khắp; bốn, Phật tức quả đại, vì mười thân đều biến khắp pháp giới; năm, hoa tức nhân đại, tự thể của hạnh nguyện Phổ Hiền cùng khắp; sáu, nghiêm tức trí đại, vì trí Phật như hư không, có thể dùng để trang nghiêm; bảy, kinh tức giáo đại, dốc hết biển mực cũng không viết trọn một câu; tám, nghĩa đại, vì sáu chữ trên là sở chứng đều xứng tánh; chín, cảnh đại, bảy chữ trên đều lấy chúng sanh làm cảnh sở duyên; mười, nghiệp đại, vì yếu chỉ của giáo này, về thời gian thì xuyên suốt ba đời, về không gian thì cùng khắp mười phương, không gián đoạn. Đầy đủ mười vô tận cho nên gọi là đại.
2. Mười nghĩa của Phương quảng: Tướng đúng như thể, dụng xứng hợp thể, tức mười đại dụng của các pháp trong mười phương.
3. Mười nghĩa của Phật: Một là đại tức pháp thân, vì Phật lấy pháp làm thân, thân Phật đầy khắp pháp giới. Hai là phương, vì trí của trí thân như pháp. Ba là quảng, vì đầy đủ hai thân: hóa thân, tức một thân trùm khắp thành vô lượng; ý sanh thân là thân một nhiều tùy ý, cùng khắp mọi nơi. Bốn là Phật, vì bao hàm thân bồ đề thứ năm thành đạo nơi cội bồ đề, thân uy thế thứ sáu mới thành chánh giác đã chiếu sáng các Bồ tát. Năm là hoa, bao hàm thân phước đức thứ bảy đã tu tập phước đức ba đời, thành biển nhân lớn không thể tận, thân nguyện thứ tám là thân của nhân nguyện Tì lô bao trùm pháp giới. Sáu là nghiêm, tức thân thứ chín tướng hảo trang nghiêm, có mười Liên hoa tạng tướng hảo trang nghiêm. Bảy là kinh, tức thân lực trì thứ mười, vì xá lợi, viên âm thanh giáo vô tận. Thế thì bảy chữ của đề kinh đều hàm nghĩa thành Phật.
4. Mười nghĩa của Hoa nghiêm: tức dùng hoa mười độ trang nghiêm mười thân, vì trang nghiêm khác nhau nên có mười loại.
Ở đây không nói đến chữ kinh cũng không nói mười nghĩa. Nhưng kinh nghĩa là nhiếp, quán, thường, pháp. Biển giáo vô tận không ngoài bảy chữ này. Cho nên căn cứ theo giáo này để thành lập quán môn.
Tu pháp giới quán, lược có ba lớp, câu này nêu tổng quát cương yếu. Một chữ tu xuyên suốt môn chỉ quán của đề kinh, tức huân tu, học tập, tham vấn.
Nói pháp giới, vì tông chỉ sâu mầu của kinh đều lấy bất tự nghị pháp giới duyên khởi làm cốt yếu. Tướng của pháp giới cốt yếu chỉ có ba, nhưng lại đủ bốn loại: Sự pháp giới, Lí pháp giới, Lí sự vô ngại pháp giới, Sự sự vô ngại pháp giới. Ở đây chỉnh trình bày ba loại sau, còn Sự pháp giới thì cách biệt, không dung thông, rất khó trình bày. Hơn nữa mỗi mỗi sự tướng đều có thể thành cảnh quán, cho nên không nói đến, cũng đều là thể sở y của ba pháp quán. Về sự gồm có mười đôi: Giáo nghĩa, lí sự, cảnh trí, hành vị, nhân quả, y chánh, thể dụng, nhân pháp, nghịch thuận, cảm ứng. Bất cứ một sự nào cũng có thể làm chánh thể sở y cho ba pháp quán.
Thích Pháp Thuận, họ Đỗ trụ núi Chung Nam, đây là tên họ của người soạn, còn đức hạnh, nhân duyên thì đã được ghi đầy đủ trong truyện kí.
Chánh văn: Một là Chân không quán, hai là Lí sự vô ngại quán, ba là Chu biến hàm dung quán. Giải thích: Câu trên nêu ra ba pháp quán.
Chân không tức là tên chính của nhị như[3] trong Lí pháp giới. Chu biến hàm dung tức Sự sự vô ngại pháp giới. Chân không thì chẳng phải là đoạn diệt không[4], chẳng phải li sắc không[5] mà là hữu minh không[6], cũng chẳng có tướng không, nên gọi là chân không.
Lí sự vô ngại: Lí không có hình tướng, nhưng hoàn toàn ở trong tướng, hai bên xâm đoạt nhau mà còn mất, nên gọi là vô ngại.
Chu biến hàm dung: Sự vốn ngăn ngại nhau, lớn nhỏ cũng sai khác. Lí thì bao trùm khắp, như hư không vô ngại. Vì lí dung chứa sự nên toàn sự như lí, dù cho hạt bụi cũng đều trùm khắp. Sự lí phối hợp nhau tạo thành mười môn. Nếu dùng sự pháp để nói giới thì giới hàm nghĩa phần hạn, tức phần hạn sai biệt vô tận. Nếu dùng lí pháp để nói giới thì giới có nghĩa tánh, tức tánh sự pháp đồng nhất vô tận. Pháp giới vô ngại có đủ hai nghĩa là tánh và phần hạn, chẳng phá hoại sự lí mà vẫn vô ngại. Cho nên pháp giới thứ tư cũng có đủ hai nghĩa ấy. Tánh dung thông sự, mà mỗi mỗi sự pháp chẳng hoại mất tướng. Như tánh dung thông lớp lớp vô tận.
Chánh văn: Pháp quán thứ nhất, quán Chân không. Sơ lược lập bốn pháp quán, gồm mười môn.
Giải thích: Đây là nêu chương. Hai pháp đầu mỗi pháp có bốn môn, thêm môn thứ ba và thứ tư thành mười môn.
Chánh văn: Bốn pháp quán: Hội sắc qui không quán, Minh không tức sắc quán, Không sắc vô ngại quán, Mẫn tuyệt vô kí quán.
Pháp quán thứ nhất, quán Hội sắc qui không, có bốn môn:
Môn thứ nhất, Sắc chẳng tức không, vì tức không. Vì sao? Vì sắc chẳng tức đoạn không[7], nên chẳng phải là không; vì toàn thể tánh của sắc là chân không nên nói vì tức không. Vì là chân không, nên chẳng phải đoạn không. Cho nên nói vì không này, nên sắc chẳng phải là không.
Giải thích: Bốn pháp quán, mỗi mỗi đều có ba đoạn là nêu tên, giải thích và kết luận. Căn cứ theo văn dưới đây, thì ba pháp quán trước đã dùng pháp để loại trừ tình chấp. Pháp quán thứ tư chính thức hiển bày dùng pháp lí để loại trừ tình chấp. Ba đoạn nêu tên thì giống nhau, nhưng phần giải thích nghĩa thì khác. Trước hết nêu chung ba câu nói về ba điều bị loại trừ: trừ tức và li, trừ loạn ý, trừ hình sắc hiển sắc.
Thứ nhất loại trừ tức và li: Căn cứ theo tướng chung để nói ba câu phần nhiều đều nói đến việc loại trừ tức li. Câu thứ nhất nói không chẳng lìa sắc để loại trừ lìa sắc; câu thứ hai nói không chẳng tức sắc để loại trừ thái tức (toàn tức); câu thứ ba nói chẳng tức chẳng li để loại trừ cả tức và li. Do loại trừ ba tình chấp cho nên câu thứ tư hiển bày chánh lí.
Thứ hai là loại trừ loạn ý: Luận Bảo tánh nói hàng Bồ tát trước Thập địa có ba “không” làm loạn ý, vì không thấu suốt Như Lai tạng chân thật, sanh tử niết bàn bình đẳng mà chấp ba loại không: một, cho rằng vì đoạn diệt nên không, ở đây dùng câu thứ nhất để loại trừ; hai chấp có một pháp không nằm ngoài sắc, ở đây dùng câu thứ ba để loại trừ; chấp không là có, dùng câu thứ hai để loại trừ. Đã loại trừ ba loại chấp ‘không’ sai lầm, nên dùng câu thứ tư để nêu lên chân không.
Thứ ba loại trừ hình sắc hiển sắc: Có người cho rằng câu thứ nhất nói thể của hình sắc là không, nhưng chẳng phải đoạn không; câu thứ hai nói hiển sắc vô thể mà tự tánh không; câu thứ ba nói ‘không’ thì không có hình và hiển, chỉ nhất thể không.
Cách giải thích này vừa xem qua thấy cũng có lí, vì thấy câu thứ hai có các lời: xanh, vàng liền cho là hiển sắc. Thấy câu thứ nhất và câu thứ ba không có các lời này, thì liền cho là hình sắc. Nhưng nếu giải thích kĩ thì có chỗ sai lầm. Vì sao câu một và câu ba không nói hình sắc ngắn dài… còn câu thứ hai thì nói toàn là hiển sắc? Sao lại dùng hình sắc để loại trừ phi đoạn diệt, không dùng hiển sắc để loại trừ đoạn diệt? Câu thứ hai vì sao nói các tướng xanh vàng của hiển sắc chẳng phải là lí tức chân không? Vì sao về hình sắc không nói dài ngắn, vuông tròn chẳng phải là chân không? Cho nên câu thứ ba giải thích chưa thỏa đáng. Chỉ cần loại trừ hai sắc đầu là đủ hiển bày chân không. Nhưng câu thứ hai hoàn toàn nói xanh vàng chẳng phải là chân không, vì đó là minh tướng của hiển sắc lộ bày bên ngoài. Lại nữa hình sắc là giả, hiển sắc là thật. Thật sắc tức không, y theo đó thì hình sắc giả cũng tức không. Vì thế biết ba câu cùng hàm ý hình sắc hiển sắc đều tức không.
Giải thích văn: Câu thứ nhất có ba phần: đầu tiên là nêu tên, thứ hai giải thích, ba là kết luận. Đã nêu tên xong, kế đến từ câu “Vì sao?...” trở xuống là giải thích. Câu này loại trừ lìa sắc để hiển rõ không và đoạn diệt không. Lìa sắc tức là ‘không’ nằm ngoài sắc. Không này có hai loại là đối sắc nói không, như chỗ bức tường thì chẳng không, ngoài bức tường là không. Câu thứ ba loại trừ hai diệt sắc để hiển rõ không, như đào giếng, lấy đất thì còn khoảng không, nên cần phải diệt sắc. Nay đúng là loại trừ kiến giải này, cho nên Trung luận ghi: “Trước có sau không, đó là đoạn diệt”. Ngoại đạo và Nhị thừa đều có đoạn diệt. Ngoại đạo tu đoạn diệt thì trở về thái hư, Nhị thừa tu đoạn diệt thì vào niết bàn. Cho nên sư Tăng Triệu nói: “Đại huyễn không gì bằng có thân, cho nên diệt thân để trở về không. Lao nhọc không gì hơn có trí, nên tuyệt trí để được rỗng rang”. Lại nói: “Trí là tạp độc, hình là gông cùm”. Cho nên diệt thân bặt trí, thì phân tán không còn gì. Nếu cho nhập diệt đồng thái hư, thì đồng ngoại đạo. Nên kinh Lăng già ghi: “Nếu tâm thể diệt thì chẳng khác hí luận đoạn kiến của ngoại đạo”. Nhưng văn này nói: “Chẳng phải đoạn diệt không”.
Từ câu “Vì toàn thể tánh của sắc” trở xuống là giải thích câu “vì tức không” ở trên.
Từ câu “Vì không này, nên sắc” trở xuống là kết luận thành lập các nghĩa trên. Trong đó, trước căn cứ theo nghĩa để kết luận “do tức không nên chẳng phải đoạn diệt”. Sau đó kết luận nêu tên gọi.
Chánh văn: Môn thứ hai, sắc chẳng tức không, vì tức không. Vì sao? Vì các tướng xanh, vàng chẳng phải là lí chân không. Vì thế nói “chẳng tức không”. Nhưng xanh vàng vô thể, tất cả đều là không, nên nói “tức không”. Do xanh vàng là “không”, vô thể, chẳng phải tức xanh vàng, cho nên nói “chẳng tức không”.
Giải thích: Gồm ba phần là nêu tên, giải thích và tổng kết. Trong phần giải thích, trước hết loại trừ hai vọng tâm, một là loại trừ thái tức (toàn tức). Vừa nghe nói sắc không mà chẳng biết tánh không, vội chấp sắc tướng là chân không, nên cần phải loại trừ. Vì thế nói: “Tướng xanh, vàng chẳng phải là lí chân không”, nhưng câu này chỉ loài trừ tâm chấp của phàm phu, còn Tiểu thừa không chấp sắc tức không. Từ câu “Tướng xanh vàng” trở xuống là nói chẳng phải lìa tướng mà có tánh, phải ngay nơi xanh vàng vô thể mới là chân không. Do nghĩa này, nên giống như loại trừ cả hai chấp, tức cũng loại trừ tâm chấp của Tiểu thừa. Nhưng đọan này nêu pháp loại trừ hai tâm chấp, sau đó nói “chẳng lìa” là nêu pháp.
Thứ hai là loại trừ loạn ý không: Cũng dùng văn trên để loại trừ loạn ý. Lấy không làm hữu trong ba loại không ở trên. Có người cho rằng có một vật là thể của không, nên ở đây cần phải loại trừ. Kinh Thập địa ghi: “Hữu, bất nhị, bất tận[8]”, câu này đã loại trừ ba tình chấp “loạn ý không”. Trong đó dùng hữu loại trừ đoạn diệt không, dùng bất nhị loại trừ dị sắc không hay lìa sắc không, dùng bất tận loại trừ “lấy không làm hữu”, tức chẳng cho rằng có một thể diệt tận. Nay nói không tận, nghĩa là nếu “không” là một vật thì có tận diệt, có tận diệt thì có sanh khởi. Nay nói tướng không của pháp không sanh không diệt, há lại có hữu sao? Cho nên kinh Bát nhã ghi: “Tướng không của các pháp không sanh, không diệt”. Lại nữa, các tướng xanh vàng còn chẳng phải là chân không, mà cần phải vô tánh, thì đâu được lấy không làm hữu?
Thứ ba, từ câu “Do xanh vàng là ‘không’ vô thể” là kết luận. Nêu “không” vô thể để kết luận chẳng phải sắc tướng. Nói không chẳng phải là hữu, thì đâu được gọi không là sắc!
Chánh văn: Môn thứ ba, sắc chẳng tức không, vì tức không. Vì sao? Vì trong “không” không có sắc, nên chẳng tức không. Vì hội sắc thì vô thể, nên tức không. Do hội sắc trở về không, trong không nhất định không có sắc. Như vậy, do sắc không, nên sắc chẳng phải không. Ba câu trên dùng pháp loại trừ tình chấp đến đây là hết.
Giải thích: Trong môn này có hai phần, một là giải thích câu hiện tại, hai kết luận ba câu trước. Phần một gồm: Nêu tên, giải thích và kết luận. Trong phần giải thích, trước hết loại trừ cả tức và lìa. Vì trong không không có sắc, nên sắc chẳng tức không, vì lìa sắc thì không có một thể riêng, nên không chẳng lìa sắc. Chẳng tức chẳng lìa mới là chân không.
Kế đến là loại trừ loạn ý nói không khác sắc. Người kia chấp ngoài sắc có không, không này khác sắc, giống như trước đối sắc mà nói không. Nay nói trong không còn không có sắc, thì đâu thể có không và sắc đối đãi. Lại nữa, hội sắc thì vô thể nên nói tức không. Vậy đâu thể ngoài sắc có không đối đãi với sắc. Người xưa nói: “Sắc đi, không cũng chẳng giữ, không chẳng trụ nơi hữu”.
Từ câu “Do hội sắc trở về không” trở xuống là tổng kết các nghĩa trên. Trong đó nói “tức không” là kết “chẳng tức không” ở trên. Chỉ do hội sắc là không, thì đâu được nói trong không có sắc. Từ câu “Ba câu trên” trở xuống là tổng kết ba môn.
Chánh văn: Môn thứ tư, sắc tức là không. Vì sao? Vì hễ là sắc pháp thì nhất định chẳng khác chân không, vì các sắc pháp nhất định vô tánh. Cho nên sắc tức là không. Sắc không đã như thế, thì tất cả pháp cũng như thế.
Giải thích: Môn này có hai phần, một là chính thức hiển bày nghĩa chân không, hai là kết luận sánh đồng với các pháp. Phần một cũng có ba đoạn: một là nêu tên; hai là giải thích, vì sắc từ duyên sanh, thì nhất định vô tánh, Y tha vô tánh tức Viên thành chân không; ba, từ câu “Cho nên sắc tức là không” trở xuống là kết luận. Đã chẳng phải diệt sắc không, dị sắc không, cũng chẳng tức sắc, lìa sắc, nên gọi là chân không. Không này chẳng thuộc sắc tướng, không phải Biến kế. Duyên sanh vô tánh tức Y tha vô tánh, chân lí vô tánh tức là Viên thành. Cho nên chân không này bao trùm và xuyên suốt tánh tướng.
Hai, từ câu “Sắc không đã như thế” là kết luận làm tiêu chuẩn sánh đồng các pháp. Bốn môn trên chỉ nói sắc không. Sắc đứng đầu của pháp tướng, là uẩn đầu tiên trong năm uẩn. Cho nên trong kinh luận, khi nói đến một nghĩa thì trước tiên đều y cứ vào sắc. Như kinh Đại Bátnhã… nêu hơn tám mươi khoa, từ sắc cho đến chủng trí đều lấy sắc làm chuẩn. Ở đây cũng vậy, dùng sắc làm chuẩn để sánh đồng tất cả pháp. Nếu tổng gom các pháp, thì không ngoài mười đôi thể sự sở y “tức không” nêu trên. Tất cả phải dùng pháp loại trừ tình chấp để hiển bày ngay nơi sự mà trở về lí.
Chánh văn: Pháp quán thứ hai, quán Minh không tức sắc. Trong đây chia làm bốn môn.
Giải thích: Đây là nêu tổng quát, nhưng tướng chung của bốn môn này chỉ đảo ngược lại với bốn môn ở trên. Ba câu trước cũng dùng pháp loại trừ tình chấp. Câu thứ tư chính hiển bày lí pháp. Trong phần loại trừ tình chấp, phần lớn đồng với nghĩa sắc không ở trên, nhưng về văn từ thì có hơi khác; lời văn nêu tên thì đồng, giải thích nghĩa thì khác. Trước tiên loại trừ chung, có ba nghĩa: Loại trừ tức và lìa, loại trừ loạn ý, loại trừ hình sắc và hiển sắc. Câu thứ nhất nói chân không không lìa sắc hiện hữu, câu thứ hai nói chân không chẳng phải tức sắc, câu thứ ba nói chân không chẳng phải tức sắc chẳng phải lìa sắc. Thứ hai là loại trừ ba loại trừ loạn ý, trong đó câu thứ nhất nói đoạn không chẳng phải là thật sắc, câu thứ hai nói tướng hữu chẳng phải là chân không, tức loại trừ tướng hữu, câu thứ ba nói sở y chẳng phải là năng y, tức loại trừ năng y. Thứ ba là loại trừ hình và hiển sắc. Có người cho rằng câu thứ nhất nói “phi đoạn diệt không” chẳng chướng ngại hình sắc; câu thứ hai nói tự tánh không chẳng chướng ngại hiển sắc; câu thứ ba nói nhất thể không chẳng chướng ngại cả hình và hiển sắc; câu thứ tư nói “không không” chẳng chướng ngại không sắc. Nay giải thích ý này: Trong phần loại trừ thứ ba của môn thứ nhất Hội sắc qui không quán đã nói điều này trái chánh lí; ở đây chỉ nêu ra để đối chiếu với văn trước và cũng không chấp nhận.
Kế đến giải thích văn, gồm bốn câu, mỗi mỗi cũng có ba phần, hai phần sau lại thêm hai.
Chánh văn: Môn thứ nhất, không chẳng tức sắc, vì không tức là sắc. Vì sao? Vì đoạn không chẳng phải là sắc, nên nói chẳng phải sắc. Chân không thì nhất định không khác sắc, nên nói tức là sắc. Cần phải do chân không tức sắc, thì mới khiến đoạn không chẳng tức sắc.
Giải thích: Môn này cũng chia làm ba phần để giải thích: Nêu tên, giải thích và kết luận. Trong phần giải thích, câu thứ nhất nói đoạn diệt không chẳng phải là chân sắc, để sánh với nghĩa thật sắc chẳng phải đoạn diệt không trong câu sắc tức không ở trên. Câu thứ hai nói chân không chẳng khác sắc để sánh với câu chẳng lìa sắc nói không ở trên. Tuy đều hàm nghĩa tức và lìa, nhưng câu thứ hai nêu nghĩa đúng, câu thứ nhất loại trừ tình chấp lìa sắc. Kế đến là loại trừ loạn ý, tức loại trừ đoạn không chẳng phải thật sắc để sánh với nghĩa thật sắc chẳng phải đoạn không trong môn Hội sắc qui không quán ở trên. Từ câu “Cần phải do không”… là kết luận. Tức dùng câu thứ hai để kết luận câu thứ nhất, cũng là tình chấp bị loại trừ.
Chánh văn: Môn thứ hai, không chẳng tức sắc, vì không tức sắc. Vì sao? Vì lí không chẳng phải xanh vàng, nên nói không chẳng tức sắc. Nhưng chân không chẳng phải xanh vàng mà nhất định chẳng khác xanh vàng, nên nói không tức sắc. Do chẳng khác xanh vàng, chẳng tức xanh vàng, nên nói chân không tức sắc cũng chẳng tức sắc.
Giải thích: Môn này cũng có ba phần: nêu tên, giải thích và kết luận. Trong phần giải thích, trước loại trừ tức và lìa để nói chân không chẳng tức sắc tướng. Nói “Không chẳng tức sắc” chính là loại trừ “thái tức” (toàn tức), đối lại với câu “Sắc tướng chẳng phải chân không” trong phần Hội sắc về không ở trên. Sau đó nói “Nhưng lí chẳng phải xanh vàng” và “Nhất định chẳng khác xanh vàng”, chính là muốn nói nghĩa “không chẳng tức sắc” này cũng chẳng hoàn toàn lìa sắc, đối lại với câu “Chẳng phải lìa sắc tướng mà có tánh” ở trên. Kế đến là loại trừ loạn ý, tức loại trừ chấp trước không là hữu. Lí không đã chẳng phải xanh vàng, há là có sao? Câu này đối lại với câu “Chân không chẳng phải tướng hữu”. Từ câu “Do chẳng khác xanh vàng” trở xuống là kết luận, nêu ý “chẳng khác” để kết luận tình chấp “thái tức” ở trên.
Chánh văn: Môn thứ ba, không chẳng tức sắc, vì không tức là sắc. Vì sao? Vì không là sở y chứ chẳng phải năng y, nên chẳng tức là sắc. Chân không nhất định làm sở y cho năng y, nên không tức là sắc. Do sở y này nên chân không chẳng tức sắc, cũng do sở y này nên không tức là sắc. Cho nên nói “Do chẳng tức sắc, nên tức sắc. Đến đây là xong ba câu dùng pháp loại trừ tình chấp.
Giải thích: Môn này được chia làm hai phần, trước giải thích câu này, sau kết luận cả ba câu trên. Trong phần giải thích câu này được chia làm ba: nêu tên, giải thích và kết luận. Về giải thích, thì loại trừ tức và lìa thì có thể tự biết. Nhưng trước căn cứ theo nghĩa “Trong chân không thì không có sắc” để loại trừ, tức căn cứ theo năng y để loại trừ chứ không phải theo sở y, văn sau sẽ biết. Nhưng nếu nói ngược để đúng với câu trên, lẽ ra phải nói “Trong sắc chẳng có không”. Ở đây không nói như thế là vì nói “Trong chân không thì không có sắc” sẽ hợp lí và có văn minh chứng. Còn nói “Trong sắc chẳng có không” thì văn lí đều không có. Vì trong không không có sắc, vì sự tức lí mà lí dứt bặt các tướng, nên sắc nhất định là không, “sắc không vô” này chẳng thật. Vì các nghĩa trên, nên không nói ngược với câu trên. Ở đây chỉ căn cứ theo năng y và sở y để giải thích nghĩa này. Kế đến là loại trừ loạn ý, chỉ một câu “Nhất định làm sở y cho năng y”, thì biết loại trừ chấp trước sắc khác không, đối lại nghĩa “không” khác với sắc ở trên. Từ câu “Do sở y này” trở xuống là kết luận. Dùng một từ sở y này để kết luận nghĩa chẳng tức chẳng lìa. Ý cho rằng đã là không sở y thì nhất định chẳng phải sắc năng y, nên nói chẳng tức sắc. Đã là sắc sở y, thì nhất định chẳng phải là các sở y khác, cho nên nói chẳng lìa sắc. Kết luận về loạn ý, đã làm sở y cho sắc năng y, thì rõ ràng sắc chẳng ở ngoài không, đối lại với câu “Chân không chẳng ở ngoài sắc” ở trên. Đoạn còn lại là tổng kết nghĩa của ba môn, như trước đã nói.
Chánh văn: Môn thứ tư, không tức là sắc, vì sao? Vì chân không nhất định chẳng khác sắc; vì pháp này vô ngã, đương nhiên chẳng phải đoạn diệt không. Vì thế không tức sắc. Không và sắc đã như thế, tất cả pháp cũng như thế, tự suy nghĩ cũng có thể biết.
Giải thích: Môn này cũng chia làm hai phần để giải thích. Trước giải thích, sau kết luận làm tiêu chuẩn so sánh với các pháp. Câu “Vì pháp này vô ngã…”, là nêu nguyên nhân. Vô ngã tức là không; vì pháp này không, tức pháp vô ngã, nên không là sắc. Từ câu “Vì thế, không tức sắc” là kết luận môn này. Từ câu “Không và sắc đã như thế” trở xuống là tiêu chuẩn so sánh với bốn môn trên. Không tức là sắc thì “không” này là tất cả pháp, huống gì chẳng phải là sở y của mười đôi[9] sao?
Chánh văn: Pháp quán thứ ba, quán Sắc không vô ngại. Đó là toàn thể sắc chẳng khác không; vì toàn thể là “không” diệt tận sắc, nên ngay nơi sắc chẳng diệt tận mà hiện không. Toàn thể không chẳng khác sắc; vì toàn là “sắc” diệt tận không, nên tức không tức sắc mà không chẳng ẩn. Cho nên Bồ tát quán sắc mà thấy là không, quán không mà đều thấy là sắc, không ngăn ngại, chỉ một vị pháp, suy nghĩ cũng có thể biết.
Giải thích: Pháp quán này được chia làm ba phần là nêu tên, giải thích và kết luận. Từ câu “Đó là toàn thể của sắc” trở xuống là giải thích. Chánh văn giải thích “toàn thể là ‘không’ diệt sắc”, câu này có bản chỉ ghi “toàn thể là không” và giải thích ý nghĩa vẫn thông, nhưng nếu không kết hợp với đoạn văn sau, thì nghĩa lí sẽ không hiển hiện trọn vẹn. Ở đây y theo bản có đủ để giải thích. Sắc là tên khác của hữu, gọi chung là hai môn không hữu. Không và hữu mỗi môn có hai nghĩa. Hai nghĩa của không là không và chẳng không. Hai nghĩa của hữu là hữu và phi hữu. Trong không nói không, vì không thì nhất định diệt tận hữu; trong không nói chẳng không, vì ngay đến tướng không cũng không, lại chẳng ngăn ngại hữu. Trong hữu nói hữu, vì hữu nhất định diệt tận không; trong hữu nói chẳng phải hữu, vì lìa tướng hữu, lại chẳng ngại không.
Ở đây nói đến pháp quán Sắc không vô ngại, đầu tiên nói sắc chẳng ngại không, thì lấy nghĩa nơi “không” diệt tận sắc. Kế đến nói không chẳng ngại sắc, thì lấy nghĩa nơi “sắc diệt tận không”. Không và sắc chẳng ngăn ngại nhau tức là nghĩa “toàn thể… toàn là”. Còn nghĩa “Lìa tướng không hữu”, thì sẽ được nói trong pháp quán thứ tư là Mẫn tuyệt vô kí.
Trong đoạn này, nói về sắc và không, mỗi mỗi được trình bày ba câu, đầu tiên đều nêu danh từ vô ngại. Câu kế nêu tướng vô ngại, tức từ sắc xuất hiện tướng. Nói “sắc chẳng diệt tận mà hiện không”, vì sắc chẳng ngăn ngại không, nên sắc chẳng diệt tận. Tức do “không” diệt tận sắc này nên “không” hiển hiện. Trong không xuất hiện tướng, nói “Tức không tức sắc mà không chẳng ẩn”, vì không chẳng ngại sắc nên không tức sắc, mà do “không” diệt tận sắc nên “không” chẳng ẩn. Nếu nói theo tổng tướng, thì toàn thể sắc là tức không tức sắc, sắc không chẳng diệt tận. Vì “tức không”, nên “không” liền hiện. “Không” cũng như vậy, vì toàn thể “không” là sắc. Không tức sắc đã tức là không, thì “không” chẳng ẩn. Nếu theo cách giải thích này, thì dù không có các chữ diệt tận sắc thì ý nghĩa cũng thông. Thế thì câu sau cũng nên giảm các chữ diệt tận không. Nhưng ở đây căn cứ theo bản đầy đủ các chữ trên. Từ câu “Cho nên Bồ tát quán sắc” trở xuống là kết luận thành tựu nghĩa vô ngại, cũng là nghĩa sở quán nói ở trên, còn trọng tâm ở đây là nói về năng quán, nên nói “Bồ tát quán sắc…”.
Chánh văn: Pháp quán thứ tư, Mẫn tuyệt vô kí. Đó là chân không được quán ở đây, không thể nói là tức sắc hay chẳng tức sắc, cũng không thể nói tức không hay chẳng tức không. Tất cả pháp đều bất khả, bất khả cũng bất khả, ngay đến lời này cũng chẳng chấp, vắng bặt không gá nương, lời nói chẳng thể diễn đạt, tri giải chẳng thể đạt đến. Đây chính là hành cảnh, vì sao? Vì vừa sanh tâm động niệm thì liền trái pháp thể, mất chánh niệm.
Giải thích: Đoạn văn này cũng chia làm hai phần: một là giải thích pháp quán thứ tư, hai là kết hợp với ba pháp quán trước để giải thích tổng thể.
Trong phần thứ nhất có ba ý: nêu tên, giải thích tướng, nêu bằng chứng để kết luận. Đại ý đoạn này là dẹp tích môn mà thể hiện Viên giáo, nhưng nếu giải thích kĩ thì sắc không đối lập mới thành nhiều nghĩa.
Nghĩa dung thông Nhị đế: Trong nghĩa này, đầu tiên là quán Hội sắc trở về không để hiển tục tức chân; thứ hai là quán Minh không tức sắc để hiển chân tức tục; thứ ba là quán Không sắc vô ngại để hiển nhị đế đồng thời hiện; thứ tư là quán Mẫn tuyệt vô kí để hiển bày Nhị đế đều bặt. Nếu căn cứ theo Tam đế, thì pháp quán thứ nhất thuộc chân đế, thứ hai thuộc tục đế, thứ ba thứ tư thuộc trung đạo đệ nhất nghĩa đế. Nếu luận theo Tam quán thì pháp thứ nhất thuộc Không quán, thứ hai thuộc Giả quán, thứ ba và tư thuộc Trung đạo quán. Lại môn thứ ba tức dùng song chiếu[10] để hiển thị trung đạo, môn thứ tư dùng song già[11] để hiển rõ trung đạo.
Sắc không đối lập có bốn pháp, văn hơi sai khác:
Quán Hội sắc trở về không có bốn câu, ba câu trước nói sắc chẳng khác không, câu thứ tư nói sắc tức là không.
Quán Minh không tức sắc có bốn câu, ba câu trước nói không chẳng khác sắc, câu thứ tư nói không tức là sắc.
Quán Không sắc vô ngại thì tổng hợp hai pháp quán trước.
Quán Mẫn tuyệt vô kí thì dẹp bỏ tướng trạng bốn câu, hiển bày tướng chân không chẳng sanh chẳng diệt, cho đến không có trí cũng không chứng đắc, trọn vẹn chân không quán.
Nếu nói theo Tam quán thì căn cứ ý của Bát nhã Tâm kinh. Trong đó “sắc chẳng khác không” tức là nói tục chẳng khác chân, “không chẳng khác sắc” là nói chân chẳng khác tục, sắc không tương tức là nói trung đạo. Như vậy bốn câu trên là tam quán: không, giả, trung giống với nghĩa nói ở đây, nhưng văn từ hơi khác.
3. Sắc không đối lập có ba nghĩa: thành tựu cho nhau, vô ngại, tác hại lẫn nhau; trong phần Lí sự vô ngại quán đã nói đầy đủ. Văn này bao hàm ba ý trên, trong đó hai pháp quán trước hàm nghĩa tương tức cũng là nghĩa thành tựu cho nhau, pháp thứ ba là quán Sắc không vô ngại chính là nói về nghĩa vô ngại. Pháp quán thứ tư này hàm nghĩa tác hại lẫn nhau, tác hại nhau thì đều bặt dứt. Tuy có ba ý này, nhưng đều hiển rõ nghĩa chân không. Nếu giải thích riêng từng câu văn, thì câu “Không thể nói tức sắc hay chẳng tức sắc”, chính là loại trừ pháp thứ hai “không tức sắc quán”. Câu “Không thể nói tức sắc” chính là loại trừ pháp thứ tư. Câu “Không thể nói chẳng tức sắc” chính là loại trừ cả ba pháp trước. Vì không mà chẳng phải không, nên không thể nói tức sắc hay chẳng tức sắc. Hơn nữa lí vốn bặt lời, nếu căn cứ theo quán, thì ngay nơi tâm thầm hợp lí chân thật cùng tột, mới thành diệu sắc quán. Kế đó lại ghi “Cũng chẳng thể nói tức không hay chẳng tức không”, là loại bỏ pháp thứ nhất “Hội sắc về không”, câu “Chẳng thể nói tức không” là loại trừ pháp thứ tư, câu “Chẳng thể nói chẳng tức không” là loại trừ ba câu trước. Vì sắc cũng tức là phi sắc, chẳng thể nói tức không hay chẳng tức không, nên tức sự mà đồng lí, lí vốn bặt lời, tâm thầm hợp với chân cực, không tâm không tức, mới thành quán “tức không”. Lại nữa, vì hội sắc về không tức không phạm Tăng ích báng, nói tâm tức sắc thì không phạm Tổn giảm báng, nói sắc không vô ngại vô song thì không phạm Hí luận báng, nay lại không tương tức thì không phạm Tương vi báng. Đã không có bốn báng này thì trăm lỗi cũng không còn, vắng bặt, không gá nương. Lại nói “Tất cả pháp đều bất khả đắc”, là kết luận làm tiêu chuẩn loại trừ tất cả. Nói “Kết luận làm tiêu chuẩn” nghĩa là không chỉ sắc pháp thành lập ba quán đều loại trừ mà các pháp vạn hóa như thọ, tưởng, hành, thức cũng đều đồng với sắc. Nói “loại trừ tất cả” tức loại trừ ba pháp quán trước như Hội sắc về không… đều bất khả đắc, cũng không có bốn câu để bặt dứt, ba quán để loại trừ, bất khả cũng bất khả. Nói “Ngay
cả lời này cũng chẳng chấp”, bởi nếu có chấp thì có niệm, mà niệm chính là hình ảnh hay dấu vết của tâm hành và ngôn ngữ. Vắng bặt, không nương gá, xa lìa hai bên, không trụ trung đạo, tâm cảnh đều mất. Đã mất, đã bặt, không nương gá thì bát nhã hiện. Nếu khởi tâm động niệm thì đều không hợp thật lí. Đường ngôn ngữ dứt nên lời nói không thể diễn đạt, chỗ tâm hành bặt thì tri giải không thể đạt đến. Nói đây là “hành cảnh”, là kết luận để thành tựu nghĩa hành nói trên, nhưng hành cảnh có hai: Một, trên là cảnh của hành, khiến tâm và cảnh hợp, trí và thần hội, quên lời tâm rỗng rang, hợp tâm dứt bặt trí thì mới đạt đến cảnh này. Như vậy chính là nói cảnh này chỉ có hành mới đạt đến chứ không phải giải cảnh. Hai, tâm trí khế hợp tức là hành chân thật; hành tức là giới hạn sai biệt của hành cảnh.
Từ câu “Vì sao?” trở xuống là giải thích ngược lại để thành tựu nghĩa hành.
Chánh văn: Trong bốn câu nói về pháp quán trên, hai câu đầu gồm tám môn, đều nói lìa tâm hiển bày giải. Câu thứ ba có một môn nói sau khi giải thì hướng đến hành. Câu thứ tư có một môn nói thành tựu thể của hành. Nếu không thấu rõ giải ở trước thì không biết lấy gì để thành tựu hành này. Nếu không hiểu hành pháp này bặt dứt giải ở trước, thì cũng không biết lấy gì để thành tựu chánh giải. Nếu chấp mà không lìa giải, thì không làm sao để nhập chánh hạnh này. Cho nên biết, hành là do giải mà thành, nhưng khi khởi hành thì nên bặt giải.
Giải thích: Đây là phần thứ hai, kết luận bốn câu nêu pháp quán. Câu thứ tư ở trên chỉ kết luận hạnh thành của câu này mà thôi. Nay tổng kết cả bốn câu. Nói “Hai câu đầu gồm tám môn”, tức câu là nói tổng quát, môn là phân chia nhỏ. Trong phần nêu chung ở đầu sách cũng nói “Bốn câu gồm mười môn” cũng như ở đây. Lại trong phần kết luận ở trên có ghi: “Ba câu trước dùng pháp trừ bỏ tình thức, còn câu thứ tư gồm một môn thì câu với pháp dung thông và ứng hợp, môn thì lớn câu thì nhỏ. Nghĩa đã dung thông nhau, đến đây sẽ theo văn giải thích. Trong đây gồm ba câu: Một, chính thức phân biệt giải và hành; hai, từ câu “Nếu không thấu rõ giải” là hiển bày ngược lại để trợ giúp cho nhau, giống như mắt và chân hỗ trợ cho nhau. Trong đó, đầu tiên dùng giải để thành tựu hành; từ câu “Nếu không hiểu hành pháp” trở xuống là bặt giải để thành tựu chân giải; sau cùng, từ câu “Nếu chấp mà không bỏ giải” trở xuống là bỏ giải để thành tựu hành. Ba, từ câu “Cho nên…” trở xuống là kết luận thành tựu giải hành, tổng hợp thành pháp quán Chân không tuyệt tướng, trong ngoài đều khế hợp, duyên quán đều vắng lặng.
Chánh văn: Thứ hai là Lí sự vô ngại quán.
Giải thích: Đây chính là Lí sự vô ngại pháp giới.
Chánh văn: Về mặt lí sự dung hòa, mất còn, nghịch thuận, thì tổng cộng có mười môn.
Giải thích: Đoạn văn quán này có ba phần là nêu tổng quát, giải thích riêng và kết luận khuyến tấn. Đây là đoạn đầu, tức nêu tổng quát tên của pháp quán. Pháp này có mười môn. Ở đây vốn y cứ theo Sắc không quán ở trên cũng tức lí sự quán, nhưng ở trên không gọi tên này là có bốn ý: Một, tuy có sắc sự mới thành không lí, nhưng sắc không vô ngại mới là chân không; hai, lí chỉ nói đến không, mà chưa nêu chân không diệu hữu; ba, bặt dứt, không gá nương, sự lí cũng mất; bốn, không nêu rộng tướng vô ngại, không làm mà hiện làm, không tướng mà hiện tướng, sự lí hiện rõ ràng tướng dung thông vô ngại. Do bốn nghĩa ấy mà ở trên không được gọi tên này, đến đây mới được nhận. Vì thế dưới đây nêu đầy đủ nền tảng của mười môn vô ngại dung hòa. Tổng quát mười môn sau giống như lò lớn nấu đúc các vật. Cho nên dung tức nấu luyện, nghĩa là đầu tiên nấu chảy; hòa tức dung hòa, tức cuối cùng hòa hợp thành một. Dùng lí nấu đúc sự, khiến sự lí hòa hợp, hai mà chẳng hai. Nghĩa của mười môn vô ngại cũng giống như vậy. Lại nữa, lí sự dung hòa, nếu riêng thì sẽ biến nhập trong nhau, dung thông nhau. Kế đến nói “còn” thì chính là môn thứ chín thứ mười, vì chân lí chẳng phải là sự, sự pháp chẳng phải lí, cả hai cùng tồn tại. Mất tức hai môn bảy và tám, vì chân lí tức sự, sự pháp tức lí, dẹp mình để đồng với người, cả hai đều mất. Nghịch tức hai môn năm và sáu, vì chân lí đoạt mất sự, bởi lí nghịch với sự; sự có khả năng làm lí ẩn, vì sự nghịch với lí. Thuận tức hai môn ba và bốn, nương lí mà thành sự, vì lí thuận với sự; sự có năng lực hiển bày lí, vì sự thuận lí. Cho nên hai câu này nếu gồm thâu hết mười môn mới thành nghĩa Lí sự vô ngại, là pháp quán thứ hai. Nhưng lí sự vô ngại mới là sở quán, tâm quán pháp này tức là năng quán. Pháp quán này, nếu nói riêng, thì quán sự là tục quán, quán lí là chân quán, quán sự lí vô ngại là trung đạo quán. Lại nữa, quán sự gồm bi, quán lí là trí. Hai pháp quán này vô ngại, tức bi trí dẫn dắt nhau để thành hạnh vô trụ, cũng là không giả trung đạo quán.
Chánh văn: Môn thứ nhất, Lí biến khắp sự. Nghĩa là tánh của lí năng biến không có phần hạn, sự sở biến thì có phần vị sai biệt. Trong mỗi mỗi sự, lí biến hiện khắp toàn thể, chứ không biến trong một phần. Vì sao? Vì chân lí thì bất khả phân, cho nên trong mỗi một hạt bụi đều thâu trọn vô biên chân lí.
Giải thích: Đây là môn thứ nhất. Mười môn ở sau thì nên vì mười mà giải thích hai ý. Vì để tiện phân biệt tổng quát, nên chia thành năm đôi đối đãi: Lí sự tương biến, Lí sự tương thành, Lí sự tương hại, Lí sự tương tức, Lí sự tương phi cũng gọi là Lí sự bất tức. Năm đôi này, trước tiên đều nói về lí, vì xem trọng lí. Lại có đặc tánh đối nhau, như một, ba, năm, bảy, chín thì dùng lí đối sự; hai, bốn, sáu, tám, mười lại dùng sự đối lí.
Giải thích đôi thứ nhất, chia hai phần là chánh giải thích và phân biệt. Phần giải thích lại chia làm hai môn, đoạn này thuộc môn thứ nhất. Toàn đoạn văn được chia thành ba: Một, nêu tên. Hai, từ câu “Tánh của lí năng biến” trở xuống là giải thích tánh tướng, sự lí là không. Vì chân lí chỉ có một tướng vô tướng, nên không thể phân, không có phần hạn. Về sự thì tùy duyên mà khởi nên có phần vị sai biệt. Ba, từ câu “Trong mỗi mỗi sự” trở xuống là giải thích tướng biến khắp. Vì lí không nằm ngoài sự, nên cần phải biến khắp sự. Kinh ghi: “Pháp tánh biến cùng khắp tất cả các nơi, trong tất cả chúng sanh và quốc độ”.
Thứ hai, từ câu “Vì sao?” trở xuống là giải thích nguyên nhân lí biến trong toàn sự. Nghĩa là cho rằng cần phải toàn biến, nếu không toàn biến thì lí sẽ có thể bị phân chia, điều này không thể được. Chẳng giống như mây giăng khắp bầu trời, nhưng có thể phân tán khắp các phương. Từ câu “Cho nên trong mỗi một hạt bụi” trở xuống là chỉ riêng một sự để hiển bày tướng biến khắp. Nói hạt bụi hàm chứa lí, tức hiển nghĩa chân lí toàn biến trong sự.
Chánh văn: Môn thứ hai, Sự biến trong lí. Nghĩa là sự năng biến có phần hạn, lí sở biến thì không có phần hạn. Sự có phần hạn đồng toàn thể với lí không phần hạn chứ không phải đồng một phần. Vì sao? Vì sự vô thể thì lại hoàn toàn như lí. Cho nên một hạt bụi không tiêu hoại mà biến khắp pháp giới. Tất cả pháp cũng giống như một hạt bụi vậy, suy nghĩ cũng có thể biết.
Giải thích: Môn này cũng chia làm ba phần để giải thích: Một là nêu tên. Hai, từ câu “Sự năng biến” trở xuống là nêu tướng năng biến và sở biến. Ba, từ câu “Sự có phần hạn này” trở xuống là nói tướng của lí biến. Trong đây, đầu tiên nói hoàn toàn đồng gọi là biến. Kế đến từ câu “Vì sao?” trở xuống là giải thích nguyên nhân đồng, sự có phần hạn hoàn toàn như lí, nếu không biến đồng thì sự sẽ có tự thể riêng biệt. Kế đến, từ câu “Cho nên một hạt bụi” trở xuống là kết luận nêu tướng biến khắp. Cuối cùng, từ câu “Tất cả pháp” là nêu tiêu chuẩn để sánh với tất cả pháp. Đôi này là nền tảng của bốn đôi sau, vì biến nhập trong nhau (tương biến), nên thành tựu cho nhau (tương thành).
Chánh văn: Môn toàn biến này vượt ngoài thức tình, rất khó nhận biết, không thể dùng pháp thế gian để ví dụ.
Giải thích: Đây là phần thứ ba, phân biệt hai môn trên. Trong đây chia làm ba ý: Một là nói khó thí dụ, hai là mượn dụ để hiển bày riêng, ba là hỏi đáp giải thích. Câu này thuộc ý thứ nhất. Nói khó thấy là bởi đạo lí sâu xa. Có bản ghi là “Lìa kiến”, lìa kiến nghĩa là vượt ngoài tình thức. Vậy nói khó thấy thì đâu thể thấy được lí, vì thế văn sau mượn thí dụ để nêu chỗ khó, nói thí dụ thế gian không thể dụ được. Khó thí dụ bởi sự lí khác nhau mà biến nhập trong nhau. Vì lí biến nhập trong sự, nên vô tướng toàn ở trong tướng. Lí cùng tột đâu từng xa cách, ngay nơi tướng mà vô tướng, nhưng năm loại mắt thật khó thấy được. Sự dung chứa toàn lí, pháp thế gian đâu thể ví dụ. Cho nên kinh ghi: “Ví như pháp giới cùng khắp tất cả, nhưng không thể chấp thủ là tất cả”. Kinh Hoa nghiêm lại ghi: “Tất cả pháp hữu vô trong ba cõi không thể làm thí dụ”. Điều này chỉ rõ thí dụ về biển cũng chỉ là dụ cho một phần của pháp này mà thôi.
Chánh văn: Như toàn thể biển lớn hàm chứa trong một con sóng, nhưng biển lớn không nhỏ bớt. Một con sóng nhỏ biến hiện khắp biển lớn mà con sóng không lớn thêm. Biển lớn đồng thời toàn biến khắp các con sóng mà biển lớn không khác; một con sóng nhỏ đồng thời mỗi mỗi biến hiện khắp biển lớn mà các con sóng nhỏ chẳng phải một. Lại nữa, khi biển lớn hoàn toàn biến nhập trong một con sóng, nhưng vẫn không ngại toàn biến khắp các con sóng khác. Khi một con sóng toàn biến khắp biển lớn, thì các con sóng khác cũng toàn biến như vậy mà không hề ngăn ngại nhau.
Giải thích: Câu này thuộc phần thứ hai, mượn thí dụ để thuyết minh việc khó thấy, khó hiểu. Đã nói không thể thí dụ mà lại nêu dụ, bởi chỉ mượn một phần dụ để nói về ý sâu mầu, giúp cho các bậc thông đạt từ chỗ nhỏ mà thấy được lớn, quên lời ngộ chỉ thú. Đoạn văn này có ba lớp vô ngại. Lớp thứ nhất dùng biển lớn đối với một con sóng để nói lớn nhỏ vô ngại. Hai nghĩa của môn Lí sự tương biến trong thí dụ nêu trên đến đây đã xong. Nhưng văn chỉ có dụ mà không hợp với pháp. Nếu hợp tổng quát thì biển dụ cho lí, sóng dụ cho sự. Nhưng vẫn khó nhận biết, vì sao toàn biển lớn ở trong một con sóng? Vì biển lớn không hai. Nhất lí tại sao hoàn toàn dung nhập trong một sự? Vì lí không hai. Một con sóng tại sao biến khắp cùng biển lớn? Vì đồng tại biển. Một hạt bụi vì sao biến khắp trong lí? Vì sự đồng với lí. Từ câu “Biển lớn đồng thời toàn biến” trở xuống là dùng một biển đối với các con sóng để nói một và khác vô ngại. Theo pháp thì nhất lí đối với các sự để luận về vô ngại. Lại nữa, ở trên nói tức chẳng lớn chẳng nhỏ, ở đây thì nói chẳng phải một chẳng phải khác. Từ đoạn nói về tướng một và khác… đến phần hỏi đáp là tự nêu lên nguyên nhân.
Thứ ba, từ câu “Lại nữa, khi biển lớn hoàn toàn biến nhập” trở xuống là dùng biển lớn song đối với một con sóng và các con sóng, cả ba đối đãi lẫn nhau đồng biến vô ngại. Nếu căn cứ theo pháp, thì dùng một lí đối với một sự nhiều sự, cả ba đối đãi nhau đồng biến vô ngại.
Chánh văn: Hỏi: Về lí, đã nói toàn thể biến nhập một hạt bụi, tại sao chẳng nhỏ? Đã chẳng nhỏ đồng như hạt bụi, thì đâu thể nói là toàn thể biến nhập trong một hạt bụi! Lại nữa, một hạt bụi hoàn toàn dung chứa lí tánh, vì sao lại không lớn. Nếu không lớn như lí tánh thì đâu được nói toàn thể biến trong lí tánh. Đã thành mâu thuẫn, thì nghĩa vô cùng trái nhau.
Giải thích: Đoạn này là phần thứ ba, hỏi đáp giải thích. Đã đồng giải thích pháp và dụ, nhưng trong văn chỉ căn cứ vào pháp thuyết làm tiêu chuẩn để hiểu được dụ. Đoạn văn thí dụ nêu trên gồm có ba tiết, nhưng ở đây chỉ hợp với hai lớp hỏi đáp mà thôi. Câu hỏi thứ nhất chỉ nêu lớn nhỏ, nhưng trong lời đáp thì gồm cả một và khác. Câu thứ hai thì căn cứ câu biển lớn đối với một con sóng và các con sóng… ở trên mà hỏi. Trong câu thứ nhất, trước hỏi sau đáp, đây là câu hỏi. Trước tiên hỏi về lí đối sự, tức là ví dụ biển lớn hoàn toàn trong một con sóng mà biển chẳng nhỏ. Cho nên mới nói “Về lí, đã nói toàn thể biến nhập…”, tức dùng nghĩa biến để gạn hỏi về nhỏ. Từ câu “Đã chẳng nhỏ đồng hạt bụi” trở xuống là dùng đặc tánh chẳng nhỏ để gạn hỏi tánh biến. Sau đó, từ câu “Một hạt bụi hoàn toàn dung chứa lí tánh” trở xuống là hỏi sự đối lí. Trước tiên nêu hạt bụi để gạn hỏi về lớn, kế đến nêu chẳng rộng để gạn hỏi tánh biến nhập, tức từ câu “Nếu không lớn như lí tánh” trở xuống. Hợp với dụ thì đó là câu “Một con sóng nhỏ biến hiện khắp biển lớn mà con sóng không lớn thêm” nêu trên. Từ câu “Đã thành mâu thuẫn” trở xuống là kết luận ý gạn hỏi. Ngày xưa có một người bán cả mâu lẫn thuẫn. Khi rao bán cái thuẫn, ông ta nói không có cái mâu nào đâm thủng cái thuẫn này. Khi rao bán cái mâu thì ông ta lại nói cái mâu này có thể đâm thủng mười lớp thuẫn. Bấy giờ có một người đến mua, nghe ông ta rao như vậy, bèn nói: “Ta mua cái mâu của ông để đâm vào cái thuẫn của ông, há chẳng phải bị thương sao?”. Câu chuyện này dụ cho lời nói trước sau trái ngược nhau.
Chánh văn: Đáp: Lí sự đối nhau, mỗi mỗi chẳng phải một, chẳng phải khác. Cho nên toàn thâu mà chẳng hoại mất bản vị.
Giải thích: Từ đây trở xuống là lời đáp, có hai phần là trước nêu, sau giải thích. Đây là phần đầu. Trong câu hỏi chỉ hỏi về lớn nhỏ, đến câu trả lời lại gồm cả một khác, lớn nhỏ. Do hai pháp lí và sự đối nhau, cho nên mới nói: “Mỗi mỗi chẳng phải một chẳng phải khác”.
Chánh văn: Trước tiên căn cứ theo trường hợp lí đối với sự, có bốn câu: Một, chân lí và sự chẳng phải khác, vì toàn thể chân lí đều ở trong một sự. Hai, chân lí và sự chẳng phải một, vì lí tánh hằng thường không có giới hạn. Ba, vì chẳng phải một tức là chẳng phải khác, nên lí tánh vô biên toàn tại một hạt bụi. Bốn, vì chẳng khác tức chẳng phải một, nên một hạt bụi và lí tánh không có giới hạn.
Giải thích: Trong bốn câu, hai câu đầu nói về tướng biến nhập hạt bụi mà chẳng nhỏ. Câu thứ nhất nói về lí tánh biến nhập, câu thứ hai nói biến mà chẳng nhỏ. Câu ba và bốn đáp các câu hỏi ấy. Ý gạn hỏi rằng đã biến nhập mà lại chẳng nhỏ thì trái nhau, vậy làm sao dung thông? Câu thứ ba ở đây nói lí rộng lớn biến nhập trong một hạt bụi; câu thứ tư nói tuy biến nhập mà chẳng nhỏ, vì không có phần hạn thì chẳng thể nhỏ. Tức trả lời hai câu hỏi: biến nhập hạt bụi mà chẳng nhỏ, và chẳng nhỏ mà biến nhập hạt bụi. Tuy có chia làm hai đoạn nhưng chỉ một nghĩa biến nhập trong nhau mà thôi.