Home > Duy Thức Học > Khai-Luan-Ve-Phap-Tuong-Duy-Thuc-Hoc

Lời Nói Đầu


Trong tiến trình phát triển Duy Thức Học kể từ ngày sáng lập cách đây hơn 25 thế kỷ do Bồ Tát Di Lặc với các bộ luận như Du Già Sư Địa Luận, Đại Thừa Trang Nghiêm Kinh Luận, Thập Địa Kinh Luận, Trung Biên Phân Biệt Luận. Những sáng kiến mới của Duy Thức Học tiếp tục phát sanh như:

Tư tưởng Alaya Duyên Khởi do Bồ Tát Vô Trước đề xướng vào thế kỷ thứ IV Tây Lịch

với những bộ luận: Hiển Dương Thánh Giáo Luận, Nhiếp Đại Thừa Luận, Đại Thừa A Tỳ Đạt Ma Tạp Luận v.v...

Tư Tưởng Cảnh, Hạnh, Quả của Duy Thức Tướng, Duy Thức Tánh và Duy Thức Vị do Bồ Tát Thế Thân chủ trương cũng vào thế kỷ thứ IV Tây Lịch và lập thành hệ thống Duy Thức Phật Giáo quan hệ vô cùng chặt chẽ với những bộ luận: Duy Thức Tam Thập Tụng Luận, Duy Thức Nhị Thập Luận, Đại Thừa Bách Pháp Minh Môn Luận v.v...

Tiếp theo có mười đại luận sư kế thừa sự nghiệp của Bồ Tát Thế Thân phát huy tư tưởng Duy Thức Học sáng ngời một thời tại Ấn Độ. Trong số đó vào khoảng thế kỷ thứ V Tây Lịch, với ngài Trần Na đưa tư tưởng Duy Thức Học biến thành Luận Lý Học với bộ luận gọi là Nhân Minh Chính Lý Môn Luận Bản. Đến khoảng thế kỷ thứ VIII Tây Lịch, tư tưởng Duy Thức Học trở thành tông phái tại Trung Quốc gọi là Pháp Tướng Tông do ngài Huyền Trang thành lập với bộ luận gọi là Thành Duy Thức Luận. Ngoài ra ngài Huyền Trang trong 20 năm đã dịch rất nhiều kinh luận tổng cộng 76 bộ, gồm 1349 quyển đã mang lại nhiều sắc thái mới cho Phật Giáo Trung Quốc thời bấy giờ.

Đến năm 1915, Đại Sư Thái Hư đứng ra vận động chấn hưng Phật Giáo Trung Quốc, chỉnh lý chế độ Tăng Già, chủ trương giáo dục Tăng Ni làm nền tảng với tác phẩm Chỉnh Lý Tăng Già Chế Độ Luận. Ngài dựa theo Tam Dân Chủ Nghĩa (Dân Tộc độc lập, Dân Quyền tự do, Dân

Sanh hạnh phúc) của Tôn Văn mà đề xướng ra Tam Phật Chủ Nghĩa (Phật Tăng, Phật Hóa, Phật Quốc). Mục đích của Phật Tăng Chủ Nghĩa là cải cách giáo đoàn, bài trừ ngu tăng, đào tạo tăng ni học thức; Phật Hóa Chủ Nghĩa thì lấy Phật Giáo làm căn bản để giáo hóa khắp nhân gian; còn Phật Quốc Chủ Nghĩa thì chủ trương biến quốc gia thành Phật Quốc Tịnh Độ hiện tại. Với chủ trương nói trên, Đại Sư Thái Hư lần lượt thành lập: Kim Lăng Học Đường tại Nam Kinh, Võ Xương Phật Học Viện, Mân Nam Phật Học Viện tại Hạ Môn, Tạng Văn Học Viện tại Bắc Kinh,

Thế Giới Phật Học Uyển Đồ Thư Quán tại Võ Xương và Thế Giới Phật Học Uyển Hán Tạng

Giáo Lý Viện tại chùa Tấn Vân nơi Trùng Khánh. Ngoài ra ngài còn thành lập Thế Giới Phật Học Uyển Tịnh Độ Lâm tại chùa Đại Lâm Lư Sơn, Thế Giới Phật Uyển Thuyền Quán tại chùa Tuyết Đậu Phụng Hóa, Luật Nghi Viện tại chùa Khai Phong ... Nhờ đó Phật Giáo Trung Quốc cận đại vô cùng hưng thạnh và còn ảnh hưởng đến các nước trên thế giới, nhất là Phật Giáo Việt Nam. Nhờ ảnh hưởng sự canh tân của ngài, các Hội Phật Giáo, Hội Phật Học khắp Nam, Trung, Bắc Việt thi đua ra đời.

Ngoài ra Đại Sư Thái Hư còn trước tác và giảng giải rất nhiều kinh luận, đặc biệt là lối giảng giải Phật Pháp của ngài đều căn cứ trên nền tảng luận lý khoa học và triết học cận đại để biện minh. Tất cả những điều nói trên đều được ngài ghi lại trong Thái Hư Toàn Thư. Lối giảng giải Phật Pháp của ngài mặc dù sử dụng rất nhiều ngôn từ khoa học và triết học cận đại nhưng không làm mất bản chất ý nghĩa cũng như giá trị Phật Pháp mà còn làm sáng tỏ tư tưởng thâm sâu huyền diệu của Phật Giáo trên bình diện khoa học thực nghiệm.

Trên lãnh vực Duy Thức Học, Đại Sư Thái Hư sáng tạo rất nhiều tư tưởng theo chiều hướng nhận thức mới qua nhiều tác phẩm của ngài. Điều đáng ghi nhận là ngài đem những đặc điểm của Duy Thức Học so sánh với các Triết Học Tây phương giúp cho đọc giả dễ nhận thức những ưu khuyết điểm giữa tư tưởng Duy Thức Học và tư tưởng các Triết Học Tây phương. Ngài đã ghi lại những sự so sánh này trong quyển Pháp Tướng Duy Thức Học Khái Luận và quyển luận này đã được ghi trong Thái Hư Toàn Thư. Dịch giả mạo muội xin dịch quyển Pháp Tướng Duy Thức Học Khái Luận nói trên ra tiếng Việt với hy vọng nhằm giúp quý đọc giả có cảm tình Duy Thức Tông tiện viện nghiên cứu thêm tư tưởng mới của Duy Thức Học trên lãnh vực Triết Học và góp phần tư liệu vào công cuộc phát huy Phật Giáo trong nền văn hóa dân tộc. Lối dịch thuật của dịch giả phần lớn chú trọng về tư tưởng nhiều hơn là chú trọng lối cấu trúc văn chương bóng bảy và cố làm sao phơi bày được giá trị của tác phẩm. Lối văn pháp của Trung Quốc khác hơn lối văn pháp của Việt Nam và văn pháp của nước nước này không có mệnh đề cụ thể, cho nên khi chuyển qua văn pháp Việt Nam phải thêm một số chữ Việt vào hoặc bớt đi một số chữ Hán để được rõ nghĩa mà không sai ý, đó là điều khó khăn cho người dịch. Dịch giả cố gắng sắp xếp theo chiều diễn tiến của tư tưởng Duy Thức trong tác phẩm này cho khỏi lạc ý của tác giả.

Nhằm phát huy tư tưởng Duy Thức Tông trong thời đại mới, thời đại văn minh cơ giới cực thịnh và để gieo duyên với các đọc giả tân học học muốn nghiên cứu Duy Thức Học, dịch giả phát nguyện dịch tác phẩm Pháp Tướng Duy Thức Học Khái Luận của Đại Sư Thái Hư với nhan đề là "Khái luận về Pháp Tướng Duy Thức Học" ngõ hầu cống hiến đến quý đọc giả những nhận thức mới về Duy Thức Học trong kho tàng tư tưởng của Duy Thức Tông. Dịch giả hy vọng có thể góp một phân nhỏ nhoi cùng các bậc cao minh thạc học trong công cuộc xây dựng nền văn hóa Phật Giáo dân tộc càng thêm phong phú nơi vườn hoa tư tưởng, để làm nền tảng căn bản cho giống nòi ở hải ngoại được nảy nở và phát triển. Về vấn đề dịch thuật, dịch giả vì tài sơ trí thiển, học cạn hiểu gần nên tác phẩm này không thể nào chu toàn giáo nghĩa của nó. Nếu có chỗ sai lầm hoặc thiếu sót, kính mong các bậc cao minh niệm tình chỉ giáo. Thành thật cảm ơn chư Tôn túc, quý thức giả và quý đọc giả bốn phương.

Trân trọng cẩn bút,

THẮNG HOAN.

(Đại Sư Thái Hư giảng tác phẩm này tại Hạ Đại Văn Triết Học Hi, tháng 12 năm thứ 21)