Luận rằng: Giáo pháp của Đức Phật, tính và tướng thường trụ, bi nguyện rộng sâu, truyền khắp mười phương, ba đời, thấm nhuần như mưa móc, vang rền như sấm sét, không đi mà đến, không nhanh mà nhanh, người đắc ngũ mục[1] không thể thấy được hình tướng ấy, chứng tứ vô ngại giải[2] cũng không thể bàn thấu tướng trạng đó. Thể của giáo pháp không đi không đến, dụng thì có sinh có diệt. Cho nên, Đức Thích ca Như Lai của chúng ta từ cung trời Đâu suất[3] ngồi lầu gác chiên đàn xuống gá vào thai phu nhân Ma gia.
Đến ngày mùng 8 tháng 4 năm Giáp Dần, đời Chu Chiêu vương.[4] Thái tử sinh ra từ hông phải, trong cung vua Tịnh Phạn. Đêm ấy có luồng ánh sáng năm màu từ phương tây chiếu đến hoàng cung. Chu Chiêu vương hỏi quan thái sử Tô Do về tướng lạ ấy.
Thái sử Tô Do đáp:
- Ở phương tây có một vị thánh nhân xuất hiện.
Chu Chiêu vương lại hỏi:
- Điềm đó lành hay dữ?
Tô Do đáp:
- Vị này trên đời không ai sánh bằng. Một nghìn năm sau, giáo pháp sẽ truyền bá khắp cõi này. Lúc đầu, thái tử sống trong cung cũng giống như người bình thường.
Đến ngày mùng 8 tháng 4 năm Giáp Thân thứ bốn mươi hai, thái tử vượt thành xuất gia. Năm ấy, thái tử vừa tròn 30 tuổi. Ngài ngồi bên gốc cây thành đạo, chuyển pháp luân giáo hóa chúng sinh, như hoa Ưu đàm lâu lắm mới nở một lần.
Lúc đầu, Đức Phật nói kinh Hoa nghiêm[5]; thứ đến nói kinh Tiểu thừa, lần lượt nói các kinh Bát nhã[6], Thâm mật[7], Pháp hoa[8], Niết bàn[9], tùy cơ giáo hóa tất cả chúng sinh, theo trình độ của họ. Giống như một ngọn gió thổi mà khắp nơi đều mát mẻ, một mặt trăng đều hiện rõ trong nghìn sông. Bốn mươi chín năm, Đức Phật hóa độ chúng sinh, vì thế mọi người tôn xưng Ngài là bậc thánh ở phương tây. Lúc đó, ngài Văn thù[10] và Mục kiền liên[11] đi giáo hóa đến nước Chấn Đán[12].
Đến ngày 15 tháng 2 năm Nhâm Thân thời Mục vương, [13] Đức Phật nhập diệt ở Quỳnh Lâm[14], thọ 79 tuổi. Lúc ấy, mười hai đường cầu vòng màu trắng nổi lên suốt đêm không dứt.
Mục vương hỏi thái sử Hỗ Đa điềm lạ ấy.
Hỗ Đa đáp: - Ở phương tây có bậc thánh nhân mới vừa diệt độ. Lúc ấy, các tôn giả A nan..v.v.. kết tập kinh điển, ghi lại đầy đủ trong lá bối. Cũng từ đó, kinh, luật, luận và giới, định, tuệ mới bắt đầu lưu truyền rộng rãi. Nhưng riêng kinh Hoa nghiêm vẫn thường diễn thuyết và được lưu giữ ở long cung. Bấy giờ, các tà thuyết hoành hành, những bộ phái thì suy tàn. Sau đó, có ngài Mã Minh[15] ra đời chấn hưng Phật pháp, rồi đến ngài Trần na[16], Hộ Pháp[17] lần lượt ra sức xiển dương; dẹp bỏ tà thuyết làm cho chính pháp hiển hiện; diễn giảng ý nghĩa kinh điển, nhờ đó mà giáo pháp được truyền khắp Ấn Độ[18]. Rồi có người đem giáo pháp truyền sang phía đông.
Sau khi Phật nhập diệt một trăm mười sáu năm có vua A dục[19] ở nước Đông Thiên Trúc[20] thâu lấy xá lợi Phật, rồi sai binh lính quỉ thần xây dựng tám vạn bốn nghìn ngôi bảo tháp khắp cõi Diêm phù đề[21]. Đến năm Đinh Mùi, đời Chu Kính vương[22] thứ hai mươi sau (493 trước T.L), bảo tháp đã xuất hiện khắp mọi nơi. Trải qua hai mươi hai đời vua, đến vua Tần Thỉ Hoàng[23] năm ba mươi bốn (225 trước T.L), ông ta ra lệnh đốt hết kinh sách và đập phá bảo tháp. Vì thế, những ngôi bảo tháp do vua A dục xây dựng không còn.
Lúc bấy giờ, có sa môn Lợi Phương và mười tám vị hiền giả mang kinh điển đến truyền bá ở Hàm Dương[24]. Tần Thỉ Hoàng không những không nghe theo mà còn bắt giam họ. Đêm đó, ông ta nằm mộng thấy có một người cầm chày kim cương phá ngục dẫn những người kia ra. Ấy là vì cơ duyên chưa đến.
Mãi đến niên hiệu Vĩnh Bình thứ mười hai (67), đời Hậu Hán, có ngài Ca diếp Mađằng[25] và Trúc pháp lan[26] đến Trung Quốc. Từ đó, mây lành trùm khắp chín châu[27]; mưa pháp rưới cùng bốn biển. Nhưng theo bộ truyện Hoắc khứ bệnh[28] ghi: “Vua Hưu Chư[29] cúng tượng vàng. Sau này, ông thấy hình người vàng xuất hiện giống như tượng ông cúng đi vào sa mạc”. Lại nữa, vào thời vua Ai Đế[30] đời Tiền Hán, có Tần Cảnh[31] đi sứ đến nước Nguyệt Thị[32] mới thỉnh được tượng Phật và kinh điển mang về. Lúc ấy mới biết, đời Tiền Hán giáo pháp đã được lưu hành. Sáu mươi ba năm sau, vua Minh Đế[33] mới nằm mộng thấy người vàng.
Như người Hải Đông[34] ta, vào đời vua Giải Vị Lưu, nước Cao cú li[35] có ngài Thuận Đạo[36] mang kinh sách đến thành Bình Nhưỡng, tiếp đó có ngài Ma lanan đà[37] từ nước Tấn đến nước Bách Tế, [38] nhằm thời vua Chẩm Lưu[39]. Sau đó, vua Pháp Hưng nước Tân La[40], năm thứ hai mươi ba lên ngôi.
Đến ngày 11 tháng 03 năm Đinh Mùi, niên hiệu Đại Thông thứ nhất (527) đời nhà Lương, có ngài A Đạo[41] đến ở huyện Nhất Thiện. Từ đó, những người có lòng tin Tam bảo làm một ngôi am tranh cho ngài cư ngụ. Bấy giờ, gặp lúc sứ giả nước Ngô qua, nghe tiếng tăm của ngài, liền thỉnh vào hoàng cung, nhưng lúc ấy Phật pháp chưa truyền bá rộng rãi. Sau đó, Xá Nhân Yểm Độc, Xích Tâm Diện Nội mới giải quyết được những mối nghi ngờ của nhân dân trong nước về giáo pháp Đức Phật. Vua tự hỏi:
- Ôi! Phu tử ta phải theo giáo lí nào!
Từ đó, có các ngài như Viên Quang, [42] Từ Tạng[43] ở Tây Vực vào truyền pháp, mọi người đều kính tin và thực hành Phật pháp. Mọi người đều ủng hộ ngày càng đông đúc.
Đến thời Tam Hàn[44], tổ tiên của chúng ta từ lâu rất tôn kính Phật giáo, phần nhiều áp dụng giáo pháp để cai trị nhân dân. Phàm làm vua thì phải tuân theo tổ tiên, nối tiếp truyền thừa không dứt, chỉ có vua Thái Tổ[45] truyền thừa đến bốn đời cháu.
Đến tháng 4 năm Ất Sửu, đời Tuyên vương thứ ba, quốc sư Đại Giác[46] theo thuyền vượt biển đi về phía đông ra nước ngoài cầu học ngũ giáo[47] như Tiểu thừa giáo, Đại thừa thỉ giáo, Đại thừa chung giáo, Đốn giáo, Viên giáo và các tông phái khác; ngài đều thông suốt tất cả. Sau đó, ngài trở về nước, nhưng Phật giáo bắt nguồn từ nhà Chu, truyền vào từ đời Hán, phát triển vào thời Tấn, Ngụy, thịnh hành vào thời Tùy, Đường và kéo dài đến đời Tống, rồi truyền đến Hải Đông
Tính chung, từ khi Đức Phật nhập diệt đến năm Ất Hợi, trải qua hai nghìn một trăm sáu mươi mươi bốn năm. Đức Phật diệt độ một nghìn không trăm mười bốn năm, giáo pháp truyền vào nhà Hậu Hán, đến nay được một nghìn một trăm năm mươi mốt năm. Từ lúc ngài Thuận Đạo vào nước Cao cú li đến nay là tám trăm bốn mươi bốn năm.
Vả lại, đạo không thể tự truyền bá mà do con người xiển dương, cho nên viết ra thiên Lưu thông này là để giải thích văn sau.
Căn cứ theo bộ Cao Tăng truyện của các đời Lương, Đường, Tống đều có ghi lại việc phiên dịch kinh điển. Đến triều đại của ta thì không còn việc phiên dịch kinh điển, nên không được ghi lại ở đây.