Home > Giảng Kinh > Truyen-Gioi-Chinh-Pham

Tựa


Bước lên một nấc, sẽ dự vào hàng xuất gia tôn quí. Một nấc nữa sẽ có năng lực làm thầy trời người. Một nấc nữa sẽ đủ tư cách nhập thế độ sinh. Ba nấc thang ấy làm thay đổi thân phận và tư cách của một con người, là nền tảng để từ phàm phu bước vào dòng thánh. Như vậy, ba nấc thang ấy há tầm thường sao? Ba nấc thang ấy là gì? Đó là ba đàn truyền nhận giới pháp của Phật. Ngày nay, nếu một người không dự đàn sa di và tì kheo thì không có tư cách tham dự vào hàng đệ tử xuất gia của Phật; không dự đàn Bồ tát thì không đủ năng lực cứu giúp chúng sinh. Vì quan trọng như vậy, nên ngày xưa, dù căn tính con người còn thuần thục mà đức Phật đã chế định phép tắc truyền giới tì kheo với đầy đủ “tam sư thất chứng”. Truyền giới Bồ tát cần phải thỉnh Phật và các vị Đại sĩ truyền trao và chứng minh.

Ngày nay cách Phật quá xa, khả năng lãnh ngộ Phật pháp của con người thấp kém, lòng tin lại cạn mỏng, cần phải nhờ sự tướng như pháp để phát khởi lòng tin sâu dày và tâm đắc giới. Cho nên, các Luật tổ y cứ theo lời Phật dạy mà lập đàn truyền trao giới pháp. Đã có đàn thì phải đủ sự tướng, phép tắc, lễ nghi như pháp. Những phép tắc, lễ nghi như thỉnh sư, cầu giới, hỏi già nạn, sám hối, yết ma, truyền y, bát v.v, càng tôn nghiêm, thì giới tử càng thấy được tầm quan trọng của việc nhận lãnh giới pháp, từ đó đạt được giới thể vô tác nơi tâm. Trên đàn các thầy truyền trao phải thật thanh tịnh, bên trong phải thể hiện sắc tướng uy nghiêm, vâng lời Phật truyền trao mạng mạch Phật pháp cho hậu học. Còn người thụ giới phải như cái bình không nứt bể hay sứt mẻ, thân tâm hoàn toàn thanh tịnh thì mới chứa đựng được giới pháp xuất thế cao quí này. Giới tử phải biết:

- Yết ma trao giới lần thứ nhất xong, thì tất cả giới pháp thuần thiện cao quí của mười phương thế giới đều chấn động.

- Yết ma trao giới lần thứ hai xong, thì tất cả giới pháp thuần thiện cao quí của mười phương thế giới như mây như lọng phủ trùm đỉnh người thụ giới.

- Yết ma trao giới lần thứ ba xong, thì tất cả giới pháp thuần thiện cao quí của mười phương thế giới từ đỉnh môn người thụ giới tuôn vào trong thân tâm, đầy khắp chính báo.

Một đàn truyền giới được gọi là thành tựu, đó là khi lãnh thụ giới pháp xong, giới tử cảm nhận được tâm mình đã đắc giới thể, nên vô cùng xúc động và vui mừng; còn thân là một chiếc bình chứa giới quí giá, nên lúc nào cũng lo sợ bị hư bể. Nếu muốn được như vậy, ngoài điều kiện thầy trò ra thì đàn phải thật thanh tịnh, uy nghiêm và đúng đủ phép tắc. Nếu làm qua loa, đại khái, hoặc chỉ chuộng hình thức suông thì thật phí công mà chẳng thành tựu gì.

Đại sư Độc Thể (1601 1679) nới pháp sở tổ Tam muội Tịch Quang, làm tổ thứ hai của phái Thiên Hoa, Luật tông. Tuy sư ngộ yếu chỉ Hoa nghiêm, nhưng suốt đời sư xiển dương Luật học. Tất cả các pháp sự như lập đàn truyền giới, tổ chức an cư, kết giới v.v, . sư đều làm đúng như giới luật, nên mọi người gọi sư là Nam Sơn Đạo Tuyên tái thế. Sư soạn rất nhiều sách về giới luật, trong đó có bộ Truyền giới chính phạm. Nội dung sách này trình bày rất rõ ràng chi tiết về phép tắc của ba đàn truyền giới, thật là kim chỉ nam cho người truyền Luật, nghiên cứu và trì Luật đời nay.

Qua bản dịch của đại đức Thích Thọ Phước, một thành viên trong ban Dịch thuật Luật tạng Giới đài viện Huệ Nghiêm, tôn xin có vài lời giới thiệu dịch phẩm này đến tất cả chư tôn đức và người học.

Giới đài viện Huệ Nghiêm cuối mùa an cư PL. 2559.

Tì kheo Thích Minh Thông.

Kinh Sách Liên Quan

 
1.    Phạm Võng Bồ Tát Giới, Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Quang
2.    Giới Tướng, Hòa Thượng Thích Nhất Chân
3.    Tổng Quan Về Giới Luật, Hòa Thượng Thích Nhất Chân
4.    Bồ Đề Chánh Đạo Bồ Tát Giới Luận, Đại Sư Thang Hương Danh | Hòa Thượng Thích Tịnh Nghiêm, Việt Dịch
5.    Phạm Võng Bồ Tát Giới Bổn, Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Quang
6.    Giới Đàn Tăng, Hòa Thượng Thích Thiện Hoa
7.    Nghi Thức Thọ Ngũ Giới, Hòa Thượng Thích Thiện Hoa
8.    Địa Trì Luận Bồ Tát Giới Yết Ma, Tam Tạng Pháp Sư Đàm Vô Sấm | Hòa Thượng Thích Pháp Chánh, Việt Dịch
9.    Tại Gia Bồ Tát Giới Kinh, Đời Dao Tần, Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập | Hòa Thượng Thích Tịnh Nghiêm, Việt Dịch
10.    Phạm Võng Kinh Bồ Tát Giới Bổn Giảng Ký, Đại Lão Hòa Thượng Thích Diễn Bồi | Sa Môn Thích Trí Minh, Việt Dịch
11.    Phật Nói Luận A Tỳ Đàm Về Việc Thành Lập Thế Giới, Tam Tạng Pháp Sư Chơn Đế | Hòa Thượng Thích Như Điển, Việt Dịch
12.    Giới Sa Di và Giới Sa Di Ni, Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Quang, Việt Dịch
13.    Kinh Phạm Võng Bồ Tát Giới Giảng Giải, Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Tịnh
14.    Giới Thiệu Tạp A Hàm, Thượng Tọa Thích Nguyên Hùng
15.    Kinh Phạm Võng Bồ Tát Tâm Địa Giới, Tỳ Kheo Thích Thiện Hạnh
16.    Ưu Bà Tắc Giới Kinh, Tam Tạng Pháp Sư Đàm Vô Sấm | Hòa Thượng Thích Tịnh Nghiêm, Việt Dịch