Tổ Vân Thê Chu Hoành (1535 1615) là một trong bốn vị Cao tăng
(Tử Bách Chân Khả, Hám Sơn Đức Thanh, Ngẫu Ích Trí Húc) cuối đời nhà Minh Trung Hoa. Tổ là người đất Hàng Châu họ Trám húy Chu Hoành. Tên chữ là Phật Tuệ, biệt hiệu Liên Trì. Tổ xuất gia thọ Cụ túc giới năm 30 tuổi, sau đó vân du tham học nhiều nơi, chín vượt ba trèo, chẳng ngại gian khổ, dãi gió dầm sương trên vạn nẻo. Cuối cùng Tổ dừng lại ở chùa Vân Thê – Hàng Châu. Tổ được xưng tụng là Vân Thê đại sư hoặc Liên Trì đại sư.
Cả cuộc đời của Tổ chỉ đề xướng và cổ xúy cho pháp môn Niệm Phật (Tịnh độ), đồng thời là Tổ thứ 8 của Liên tông. Sở học của Tổ gồm rất nhiều phương diện khác nhau. Tổ không những là Đại sư của Tịnh độ mà còn là một danh Tăng của tông Hoa Nghiêm. Trong Vân Thê di cảo (Quyển 3 – Phả thị trì danh niệm Phật Tam muội) chép:
"Pháp môn niệm Phật chia làm 4 loại là:
Trì danh niệm Phật.
Quán tượng niệm Phật.
Quán tưởng niệm Phật.
Thật tướng niệm Phật.
Tuy phân ra như vậy nhưng rốt ráo đều gom về thật tướng mà thôi". Được như vậy mới vĩnh biệt sinh tử, trường từ Lục đạo, thân cận đức Di Đà nơi cảnh giới Liên đài.
Ngoài sự nghiệp hoằng dương Tịnh độ, Tổ còn trước thuật rất nhiều, số lượng trên 30 bộ. Năm 1637, Ngài Tỷ khiêu Trí Anh tập hợp và cho khắc bản lấy tên là “Vân Thê pháp vựng”, bao gồm:
Bồ đề giới sớ phát ẩn – 5 quyển
Di Đà sớ sao – 4 quyển
Cụ túc tiện mông – 1 quyển
Thiền quan sách tiến – 1 quyển
Truy môn sùng hành lục – 1 quyển
Lăng nghiêm mạc tượng ký – 10 quyển
Thủy lục pháp hội nghi phạm – 6 quyển
Trúc Song Tùy Bút – 3 quyển
Sơn phòng tạp lục – 2 quyển
Vân Thê di cảo – 3 quyển v.v…
Đến năm 1987, Kim Lăng khắc kinh đã cho khắc lại bộ này.
Tổ thị tịch vào giờ Ngọ, ngày 4 tháng 7 năm Vạn Lịch thứ 43 (1615) thọ 81 tuổi, để lại bài kệ ngộ đạo:
Nhị thập niên tiền sự khả nghi
Tam thiên lý ngoại ngộ hà kỳ
Phần hương trịch kích hồn như mộng
Ma Phật không tranh thị dữ phi
(Hai chục năm xưa chuyện vẫn nghi
Ngoài ba ngàn dặm việc ly kỳ
Tàn hương phảng phất dường như mộng
Ma Phật đều không dứt thị phi)
"Trúc Song Tùy Bút" là tác phẩm được viết trong suốt cuộc đời của Tổ. Những điều mắt thấy tai nghe, những tự thuật, những tâm đắc gan ruột của bậc Đại sĩ được chép cẩn thận. Những ngày cuối cùng của cuộc đời tức năm Vạn Lịch thứ 43, đời Minh (1615) - đích thân Tổ đề tựa cho Trúc Song Tùy Bút.
Nội dung của tác phẩm chia làm 3 phần:
Phần I: Sơ bút: Gồm 159 bài tùy bút.
Phần II: Nhị bút: Gồm 139 bài tùy bút.
Phần III: Tam bút: Gồm 125 bài tùy bút.
Cả thảy là 423 bài tùy bút ngắn gọn được phân tích tường tận. Văn phong như gió lướt qua cây báu ở Cực Lạc, như đàn cầm của Thát bà trỗi lên trong thanh không. Kể từ khi xuất gia cầu đạo, phân biệt giữa
Phật giáo với các Tôn giáo khác, những luận bàn giáo nghĩa Phật đà, những sinh hoạt, hành trì của người xuất gia, mối quan hệ giữa Thiền, Tịnh, và Giáo ra sao, thói mê tín dị đoan cho đến Nho Phật dung hợp thế nào v.v... đều được ghi chép tỉ mỉ càng cho chúng ta thấy được phong độ cốt cách của Đại sư trong suốt cuộc đời.
Như chúng ta đã biết, Nho giáo Trung Hoa mà thâm căn cố đế của nó đã ăn sâu vào tầng lớp trí thức Khổng Mạnh mục đích là trị thế. Tổ không phải không biết điều đó, Tổ cũng đã từng là Nho sĩ, vì vậy quan điểm là cố gắng dung hòa những gì có thể. Từ "Nho Thích hòa hội" (Phần I) đến "Nho Phật giao phi" và "Nho Phật phối hợp" (Phần lI).
Về quan điểm cơ bản là không giống nhau nhưng dưới ngòi bút cẩn trọng của mình, Tổ lưu ý trước hết và không ngoài những gì người Phật tử với chí nguyện giải thoát tối hậu mà đức Bổn Sư đã dạy.
Xem vậy cũng đủ thấy tư tưởng, hành trạng của Tổ Vân Thê xứng danh là bậc Tôn sư, là hàng Bồ tát dũng xuất chốn Phật môn. Như bài minh khắc trên tháp Tổ tại Hàng Châu: "... Tiềm thần mật dụng, lòng an nhẫn, sức tinh tiến [của Tổ Vân Thê] há không phải là Bồ tát tòng địa dũng xuất hay sao!”
Phần tôi, xuất gia đầu Phật từ thưở ấu niên, tháng ngày phụng thị Tôn sư (Hoà thượng Thanh Chân, Tổ thứ 10 Sơn môn Hương Tích) được Tổ chỉ bày yếu chỉ của Tông môn. Ngoài những lúc tụng tập, Tôn sư tôi thường lấy những đoạn tùy bút trong Trúc Song cắt nghĩa giảng giải. Lĩnh ý Thầy, tôi đã ghi chép một cách cẩn trọng. Ngày này qua ngày khác, tích thiểu thành đa, số lượng chẳng mấy chốc đã nhiều. Thế rồi Tôn sư tôi quẩy dép về Tây (Ngày 12 tháng Giêng năm Kỷ Tỵ 1989). Đến nay thấm thoát đã hơn 10 năm, phần còn lại nay tiếp tục dịch nốt cũng đã vừa xong. Nhờ sự gia bị của đức Quán Âm đại sĩ, mượn trúc non Hương làm thẻ tre thay giấy, lấy nước suối Thiên Trù mài mực Khêu ngọn đèn tâm nguyệt để viết lời tựa cho bản dịch Việt ngữ này.
Ngõ hầu, gần là để báo đáp công đức của Tôn sư, xa là hoằng truyền hạt giống Liên trì của Đại sư trên đất Việt.
Vì xuất bản lần đầu, không thể tránh khỏi những sơ xuất trong bản dịch. Kính mong được phủ chính bởi các bậc cao minh, thức giả.
Non Hương Trọng Thu Tân Tỵ P.l 2545 Thích Viên Thành Cẩn bút.