Home > Pháp Luận > Sa-Di-Thap-Gioi-Oai-Nghi-Luc-Yeu

Sa Di Thập Giới Oai Nghi Lục Yếu Tập: 1


Kính chào quý vị Pháp sư, quý vị Đại đức đồng tu, chúc mọi người tốt lành! Chúng ta lợi dụng kỳ Bát Quan Trai Giới và đợt xuất gia ngắn ngày của Trại Hè Học Phật, để cùng nhau học tập giới luật của Sa di. Vì sao phải học giới luật Sa di? Sư phụ Tịnh Công thượng nhân chúng ta, yêu cầu mỗi vị đồng tu học Phật, đều phải nỗ lực xây chắc nền tảng đức hạnh của mình, sau mới thâm nhập một môn, huân tu lâu dài, như vậy quý vị mới tu hành thành tựu được. Phật Pháp là giáo dục, mục tiêu của Phật Pháp là giáo dục mỗi một chúng sanh, đều viên mãn thành Phật. Mỗi một chúng sanh đều có Phật tánh, bổn lai đều là Phật. Chúng ta hiện nay phải nương theo dạy bảo của Phật mà tu học, thì mới hy vọng thành Phật đạo ngay trong đời này.

Tu học như thế nào? Quý vị trước hết phải đóng cho chắc nền tảng là giới luật (giới luật đó là đức hạnh), trên kinh Phật nói, phải là thiện nam tử, thiện nữ nhân. Tiêu chuẩn để là thiện nam tử, thiện nữ nhân, thì trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật nói được rất rõ ràng: là Tịnh Nghiệp Tam Phước (Pháp sư Tự Tánh sẽ giới thiệu và cung cấp đến mọi người Tịnh Nghiệp Tam Phước). Thứ nhất là thuộc về phước báo trời người, “Hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, từ tâm bất sát, tu Thập Thiện Nghiệp”. Làm tốt điều thứ nhất này rồi mới được gọi là người thiện của thế gian, sau đó mới có tư cách học Phật. Điều phước thứ hai là “Thọ trì Tam Quy, cụ túc chúng giới, bất phạm oai nghi”, Tam Quy là bắt đầu học Phật, quy y Tam Bảo: Phật, Pháp, Tăng. Đồng học chúng ta trong đây còn có ai chưa quy y? Thì quý vị giơ tay lên à? Thật còn không ít. Thuận tiện bây giờ xin giới thiệu một chút về thường thức Phật học này.

Quy y Phật, tức là giác ngộ, giác mà không mê đó tức là Phật. Tự tánh mỗi người vốn là Phật. Quý vị có thể giữ được giác ngộ trong mọi lúc, như vậy mới không mê hoặc điên đảo, người như vậy mới gọi là Phật. Quy y không phải quy y bên ngoài, không phải là quý vị quy y với tượng Phật, người ta thường nói “Bồ tát đất qua sông, khó giữ được thân”. Quý vị thực hành việc quy y Phật như thế nào thì việc đó mới có tác dụng thật sự? Việc đó là nhắc nhở quý vị trở về Tự tánh Phật bảo, đó là Tự tánh giác ngộ. Như vậy việc quy y mới có công đức. Chúng ta tạo tượng Phật, vì sao có công đức lớn? Bởi vì tượng Phật có công năng nhắc nhở giúp chúng sanh giác ngộ.

Quy y Pháp, Pháp là chánh, chánh tri chánh kiến, đây cũng vốn sẵn có trong Tự tánh, vốn là viên mãn. Chúng ta đạt tới quy y chánh tri chánh kiến của Tự tánh mà không tà tri tà kiến. Đó gọi là quy y Pháp. Cụ thể phải thông qua việc nghiên cứu học tập kinh điển thì mới có chánh tri chánh kiến. Xét lại chính mình đọc kinh cũng không đúng, thường thường đem ý của mình để lý giải nghĩa kinh, giải sai lầm nghĩa chân thật của Như Lai. Nên phải có Sư thừa, phải học tập theo thiện tri thức, từ đó mới có năng lực hình thành chánh tri chánh kiến của chính mình.

Quy y Tăng, Tăng là tịnh vậy, ý nghĩa là thanh tịnh, là hòa hợp. Tự tánh chúng ta vốn là thanh tịnh, chúng ta hiện nay từ ô nhiễm mà quay đầu lại, dựa vào sự thanh tịnh của tâm. Trong tâm thanh tịnh thì đầy đủ tất cả trí huệ, tất cả công đức, tất cả năng lực. Chúng ta phải quay về tâm thanh tịnh, đó chính là quy y Tăng Bảo. Cho nên, chúng ta quy y Tam Bảo là đem toàn bộ cảnh giới bên ngoài quay về với Tự tánh của chính mình, đó là Tự tánh Tam Bảo: Phật, Pháp, Tăng.

Quý vị có nền móng là Tam Quy, chân thật học Phật thì phải trì giới, “Thọ trì Tam Quy” rồi quý vị phải “Giữ gìn đầy đủ các giới, không phạm oai nghi”. Nền tảng của người học Phật chúng ta trước hết là thọ 5 giới, không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm, không vọng ngữ, không uống rượu. Đó là Ngũ giới. Các đồng tu ở Chùa Viên Minh thọ Bát quan Trai giới trong 7 ngày này, còn đồng tu xuất gia ngắn hạn thì thọ 10 giới Sa di. Bát quan Trai giới rất gần với 10 giới Sa di, 9 điều là giống nhau, chỉ một điều khác. Đó là điều gì? Người xuất gia không giữ tiền bạc, ngoại trừ điều đó, 9 điều còn lại đều hoàn toàn giống nhau. Ở trong chùa viện thọ Bát quan Trai giới làm người xuất gia trong một ngày một đêm thì công đức này rất lớn. Nhưng nền tảng của 8 giới, 10 giới đều là từ Ngũ giới, 5 giới không làm được thì 8 giới, 10 giới đều là nói suông, giả dối, không thật.

Phía dưới giới luật cũng có nền tảng. Nền tảng đó là gì? Là 10 Nghiệp Thiện, tức là phải làm người thiện. Nếu như tâm địa quý vị không lương thiện, thì dù có giữ giới ngoài tướng, trên hình tướng thì trì giới được rất tốt, không có lỗi lầm. Nhưng trên thực tế chỉ là giả. Vì sao? Bởi nếu tâm không thiện, trong ý niệm vẫn là những phiền não tham sân si mạn nghi, thì khẳng định sẽ phạm giới. Thí dụ như nói đến sát sanh, vì sao lại sẽ sát sanh? Không ngoài nguyên nhân là tham sân. Như quý vị muốn ăn thịt mà sát sanh, vì sao vậy? Vì quý vị thích ăn nó nên phải giết chúng để ăn. Còn với sân, thí như quý vị hận một người nào đó, thì quý vị đem người đó giết đi. Là sự nóng giận, tâm sân hận. Cho nên, trong tâm còn có những thứ phiền não tham sân si mạn nghi thì giới luật của quý vị không thể thanh tịnh, khẳng định sẽ khởi ý niệm phạm giới. Chiếu theo Giới Kinh nói, nếu tâm khởi lên thì coi như phạm giới, không đợi đến lúc quý vị phạm, mà đã phạm giới rồi. Đó là phạm trọng tội. Do đó, muốn trì giới tinh nghiêm, ắt phải làm được Thập thiện nghiệp. Thập thiện nghiệp, thân không tạo sát sanh, trộm cắp, tà dâm; Miệng không tạo vọng ngữ, lưỡng thiệt, ác khẩu, ỷ ngữ; Ý không khởi tham, sân si. Những điều vừa nói chỉ là tên gọi, tôi sẽ từ trong Sa Di Thập Giới Oai Nghi Lục Yếu dẫn diễn giảng ra cho mọi người rõ ràng. Vì Thập thiện nghiệp là nền móng căn bản của trì giới, quan trọng là chúng ta bỏ ác tu thiện.

Có người nói 10 nghiệp thiện cũng rất khó làm được. Thí như nói, đó rất là xưa rồi. Ngày nay ai trong ý nghĩ có thể không khởi tham sân? Xin quý vị nào không có tham, không có sân thì giơ tay cho tôi xem. Đương nhiên si thì quý vị tự mình không phát hiện ra được, người ngu si thì tự họ cũng không có cách phát hiện ra, tự mình có sân si mà cũng không biết được. Đó gọi là ngu si. Tôi cử ra thí dụ nhỏ đơn giản, mọi người phát tâm đến đây tu học rất khó được, có thể chưa quen những ngày khổ như vầy, đến đây được ngủ trên mặt đất, trên sàn nhà, sáng thì phải dậy sớm; Rồi lại có người cầm cây Hương bản đi tuần xem như tội phạm, rồi ăn cơm cũng không được phát ra tiếng động, ngồi thì phải giữ lưng cho thẳng, lỡ rớt một hạt cơm thì phải nhặt lên mà ăn. Trải qua những ngày khổ như vậy. Tôi có nghe một đứa bé nói với mẹ nó: mẹ! con không ở đây nữa, con phải về ở khách sạn 5 sao. Lại có một cháu bé khoảng 10 tuổi, hôm nay cháu nổi nóng nói với tôi rằng mẹ nó đã lừa gạt để nó đến đây. Quý vị xem đó không phải là tham sân si đó ư? Thật không dễ dàng.

Vì vậy, chúng ta thật muốn tu hành, phải buông xả tham sân si từ trong tâm địa của mình. Phải buông xả như thế nào? Là ngay trong cảnh giới mà rèn luyện. Quý vị không có trải qua những khảo nghiệm, rèn luyện này thì làm sao có thể mài mòn đi những phiền não trong tâm địa quý vị được. Cổ thi có câu:

“Chẳng phải một phen xương buốt lạnh,
Hoa mai đâu dễ thoảng mùi hương”.

Quý vị xem hoa mai không chịu khuất phục trước tuyết, vào mùa đông có hương thơm truyền đến từ trong tuyết, đây gọi là hương tuyết hoa mai. Hoa mai đều nở vào mùa đông, phải trải qua khảo nghiệm của cái lạnh thấu xương, mới mang lại hương thơm cho đời. Đây nói sự tu hành của chúng ta cũng như vậy, chúng ta thật sự muốn đoạn được phiền não, tiêu trừ nghiệp chướng, khai trí huệ, thì quý vị phải đấu tranh với tập khí của chính mình. Đó gọi là đại trượng phu, đại anh hùng chân chánh, là chiến thắng tập khí, phiền não của chính mình, đây là điều mà từ trước đến nay chưa có làm được. Cho nên, quý vị đến nơi đây là khá tốt rồi, tôi xem thấy rất nhiều vị còn trẻ, mười mấy, hai mươi mấy tuổi mà đã phát tâm được như vậy. Thậm chí có vị chỉ mới 6 tuổi thôi, làm tiểu Sa di, đó là khó được. Nếu như mọi người đã thật sự phát tâm đến đây thì trong 6 ngày 6 đêm này hãy giữ Bát quan Trai giới cho tốt, nghiêm túc học Phật pháp thì quý vị có thể đắc định, khai trí huệ. Cương lĩnh của tu học Phật pháp là Tam vô Lậu học, đó là giới, định, huệ, trì giới đắc định, nhân định khai trí huệ. Nên trong 6 ngày này, quý vị cần buộc tâm lại, cắn răng chịu đựng, giữ giới luật cho tốt trong 6 ngày 6 đêm “Tôi bỏ ra 6 ngày tới đây, xem tôi có thể thách thách với giới hạn của mình!”. Quý vị phát tâm dũng mãnh như vậy, thì chúc mừng quý vị, quý vị sẽ thành công.

Vừa rồi Lão sư Vương cũng nói với chúng ta, lúc quý vị thật sự phát đại nguyện thì nhất định sẽ đỗ nghiệp. Tôi nhớ lúc tôi thọ Tam đàn Đại giới, thì bị cảm mạo, thân thể ăn không tiêu. Đêm trước khi thọ giới Sa di phải lạy Phật, lạy Phật suốt cả đêm. Quý thầy Giới sư chỉ khích lệ chứ không có yêu cầu, bởi vì không phải người nào cũng có khả năng lạy Phật cả đêm. Tôi lúc đó buộc tâm lại, cắn răng chịu đựng, thật sự là lạy Phật đến hết đêm. Cho nên, tu hành nhất định phải lấy khổ làm thầy, lấy giới làm thầy. Chúng ta trải qua sự chịu đựng, thì mới có hàng phục được nghiệp chướng, thì chúng ta mới thoát thai hóa cốt.

Vì vậy, trong 6 ngày 6 đêm này, chúng ta làm sao phải giữ vững tâm nguyện của mình, đó là gì? Là tôi phải thoát thai hóa cốt, tôi đến để làm Phật, làm Bồ tát, tôi đến thật sự vì hạt giống Phật, tương lai phải lớn lên tiếp nối huệ mạng của Phật, hoằng pháp lợi sanh. Phát khởi được đại nguyện như vậy thì Trời Rồng hoan hỷ, sau đó quý vị trì giới sẽ không khó khăn, vì sao vậy? Vì có Phật, Bồ tát gia trì cho quý vị, quý vị có một phần thành kính thì được một phần lợi ích, có 10 phần thành kính thì được 10 phần lợi ích. Quý vị thật sự có đầy đủ tâm thành kính thì những điều giới luật, trong mỗi niệm quý vị toàn đều làm được. Đại sư Ấn Quang nói khái quát bắt đầu giới luật chỉ có 8 chữ “Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành”, 8 chữ này có thể mọi người đều đã nghe qua. Không tạo tất cả ác, có thể tu tất cả thiện, đó là viên mãn giới luật. 5 giới, 8 giới, 10 giới, cho đến nếu tương lai quý vị xuất gia lâu dài, thọ giới Tỳ kheo, giới Tỳ kheo ni, hoặc giới Bồ tát, tất cả đều có thể viên mãn. Chúng ta đã trì giới, cộng với niệm Phật, và sự gia trì của Phật lực thì chúng ta có thể làm được.

Xây dựng tốt 4 căn bản đức hạnh, đó là nền tảng của tu học. Vừa rồi tôi đề cập đến Thập Thiện Nghiệp Đạo, đó là căn bản của nhà Phật, còn có cơ sở thấp hơn là Đệ Tử Quy của nhà Nho, Thái Thượng Cảm Ứng Thiên của nhà Đạo. Thập Thiện Nghiệp Đạo là nền tảng của nhà Phật. Khi tôi chưa xuất gia, Lão sư Tịnh Công Thượng Nhân dạy tôi học tập những Kinh điển nền tảng của Đạo Nho, yêu cầu tôi đối với mỗi một bộ kinh học xong rồi, phải giảng được, phải làm được, đó là cắm chắc nền tảng giáo dục. Vì sao người hiện nay cảm thấy rất khó làm được Thập Thiện Nghiệp Đạo? Nguyên nhân là không có những gốc Đệ Tử Quy, Thái Thượng Cảm Ứng Thiên. Bởi vậy, chúng ta muốn làm được Thập Thiện Nghiệp Đạo, thì tương lai mới có khả năng trì giới được tốt, hiện nay chúng ta phải đem Đệ Tử Quy và Cảm Ứng Thiên thực hiện, sau đó rất dễ dàng làm được cái gốc của nhà Phật là Thập Thiện Nghiệp Đạo. Đệ Tử Quy là dạy chúng ta luân lý đạo đức làm người. Thái Thượng Cảm Ứng Thiên là giáo dục nhân quả báo ứng, chúng ta biết được, tin sâu nhân quả thì tự nhiên trì được tốt giới luật, bởi vì trên thực tế giới luật là giảng về nhân quả. Nếu quý vị tin nhân quả, hiểu rõ từng hành vi từng hành động đều có báo ứng, thì quý vị đương nhiên sẽ giữ giới tinh nghiêm. Trên 3 gốc nền tảng đó, sẽ tiếp tục thực hiện Sa Di Luật Nghi, đây là tầng lầu thứ 4. Trước đó có 3 tầng lầu dưới, nếu như nền tảng 3 tầng dưới không vững thì thông thường tầng thứ 4 này không làm được.

Có thể có đồng học hỏi, tôi không tu tốt 3 nền tảng trước, giờ từ dưới bay lên đến tầng 4, thì làm sao? Phật pháp là viên dung, Kinh Hoa Nghiêm nói, viên dung không chướng ngại thứ lớp, thứ lớp không chướng ngại viên dung. Thứ lớp tức là thứ tự, từ tầng 1 đến tầng 2, đến tầng 3, đến tầng 4, hễ mà đều viên dung, có thể đồng thời cùng tu. Trong Sa Di Luật Nghi có cả Đệ Tử Quy, cũng có Thái Thượng Cảm Ứng Thiên, cũng có Thập Thiện Nghiệp Đạo; Một tức là bốn, bốn tức là một, chúng ta không cần chia ra. Nên chúng ta phải phát nguyện làm được 4 cái gốc đó ngay trong 7 ngày này. Từ trước giờ chưa làm, quá khứ thì đã là quá khứ, từ hôm nay trở đi ta phải làm người mới, tôi phải thoát thai hóa cốt, tôi phải thành Thánh thành Hiền. Quý vị có chí khí đó chưa? Tốt! Có chí khí như vậy thì việc sẽ thành. Chỉ lo ngại quý vị không có chí hướng, tức không lập chí. Một khi đã lập chí thì không có việc gì không thành. Hơn nữa, gốc không phải là cầu ở người khác mà ở chính mình, vả lại Tự tánh vốn đầy đủ đức năng, đầy đủ giới hạnh. Ngay trong 7 ngày này, thông qua sự tu trì quý vị có thể khôi phục ra năng lực trong Tự tánh của chính mình. Do đó, mọi người không nên cho là điều quá khó. Quý vị cho là quá khó sợ rằng không làm được, không đủ niềm tin thì rất là khó. Niềm tin là mẹ sinh ra các công đức. Đầu tiên quý vị cần có niềm tin, tin tưởng mình có thể làm được, nhất định sẽ làm được. Đương nhiên cũng không được quá coi thường, nếu coi thường thì sẽ giải đãi, có câu nói “Chớ sợ khó, chớ coi thường”. Đối với Sa Di Luật Nghi, chúng ta cần phải thật nghiêm túc, thật cung kính mà học tập, nỗ lực mỗi một điều cần phải đều làm được, 10 giới, 24 môn oai nghi, tất cả đều làm được. Có thể làm được trong một ngày một đêm thì công đức ấy vô lượng, huống là làm được trong 6 ngày 6 đêm.

Chúng ta tu học giới luật, mục đích không phải cầu phước báo trời người, trì giới ắt hẳn được phước báo. Nếu như quý vị chỉ mong đạt được phước báo trời người, thì tương lai quý vị vẫn bị luân hồi, ở cõi người, cõi trời mà hưởng phước, nên Phật khuyên chúng ta chí cầu Bồ đề. Hiện nay, pháp môn dễ dàng nhất, tiện lợi nhất với chúng ta đó là niệm Phật vãng sanh Thế Giới Tây Phương Cực Lạc, một khi sanh qua Thế Giới Cực Lạc thì nhất định thành Phật. Cho nên, chúng ta đem tất cả công đức trì giới hồi hướng cầu sanh Tịnh độ, không cầu hưởng phước ở hiện tại. Chúng ta nương theo Kinh Vô Lượng Thọ là Tịnh Độ Đệ Nhất Kinh, cũng gọi là Tịnh Độ Đại Kinh, hiện nay tôi cùng với Lão Hòa thượng Tịnh Không là chuyên tu, chuyên hoằng bộ kinh này, một môn thâm nhập, cầu sanh Tây Phương Cực Lạc Thế Giới, hy vọng tất cả đồng tu có duyên đồng sanh Tịnh độ. Mọi người hôm nay ngồi tại nơi đây, đều là người có duyên, tương lai chúng ta đều có thể cùng sanh Tây Phương Cực Lạc Quốc. Chúng ta thấy đạo tràng nơi đây hơn 300 người, đó là số mà như Lão sư Vương vừa mới nói, còn số chúng sanh vô hình theo quý vị đến thì không thể đếm được, khẳng định rằng mỗi vị đồng tu đều mang theo rất nhiều, rất nhiều chúng sanh đến. Chúng ta hy vọng trong 7 ngày của pháp hội này, những chúng sanh đó đều có thể niệm Phật vãng sanh Thế Giới Tây Phương Cực Lạc, cũng được công đức viên mãn. Những chúng sanh này đều có duyên với chúng ta. Có thể làm được hay không? Thật sự được.

Quý vị thấy trong tháng 6 năm nay, là 2 tháng trước, chúng ta ở tại Hương Cảng tiến hành hội nghị Báo Cáo Chia Sẻ Tâm Đắc Học Tập Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa. Thỉnh mời cô giáo Lưu Tố Vân, Pháp sư Ngộ Hạnh, vân vân. Những lão sư đó vì chúng ta thay nhau dâng lên chia sẻ tâm đắc học tập Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa mà lão Hòa thượng Tịnh Không đã giảng. Tôi cũng là một trong những người được lên giảng chia sẻ. Hai ngày trước tôi có nhận được một bức thư cảm ơn của vị đồng tu, cô ấy đã tham gia Pháp hội tháng 6 đó. cô ấy nói với tôi, chị của cô ấy khi trẻ có một vị bạn trai, duyên rất sâu. Nhưng người bạn ấy vào đầu năm nay không may đã qua đời vì tai nạn xe, sau đó anh ta thường đến báo mộng cho cô đó. Trong mộng hiện ra hình dạng rất thê thảm, khả năng là bị đọa vào ác đạo rồi, hình dạng rất thê thảm, chị của cô ấy không có cách nào. Kết quả vị đồng tu đó phải đến Hương Cảng để tham gia Pháp hội, chị của cô ấy nhờ viết một bài vị tại Pháp hội của chúng tôi. Sau đó mời chúng sanh đó đến tham gia Pháp hội, đến nghe kinh, đến niệm Phật. Sau khi Pháp hội kết thúc, cô ấy trở về nhà, chị gái cô lại nằm mộng, thấy hình dạng của chúng sanh đó hoàn toàn khác, vô cùng xinh đẹp, đến nói với chị gái cô ấy là tôi đã vãng sanh Thế Giới Tây Phương Cực Lạc rồi. Đó là đến để cảm ơn cô ta, chứng minh là anh ta đã đến Pháp hội nghe giảng kinh. Vì vậy, đây khiến chúng ta tin tưởng, tất cả chúng sanh có duyên với chúng ta từ nhiều kiếp đến nay, khẳng định bám theo chúng ta, họ đến Pháp hội thì nhất định có được sự lợi ích. Nhưng tự chúng ta phải thật sự tu học, chứ giả dối thì họ nhìn thấy, họ không phục, “Ngươi ra bộ dạng như vậy, ta sẽ đến dạy cho ngươi một bài học”, họ khiến quý vị không đau bụng thì đau đầu, đó là không tốt. Bởi vậy, chúng ta phải thật sự phát tâm, tâm địa phải quang minh chính đại, chân thành cung kính, thì được Phật, Bồ tát khen ngợi, Thiên Long thiện thần ủng hộ giúp đỡ. Một người chân thật trì giới như quý vị giữ 5 giới, mỗi một giới đều có 5 vị thần đến bảo hộ quý vị, 5 giới đều trì tốt thì có 25 vị thần bảo hộ quý vị. Quý vị trì 8 giới thì còn có nhiều hơn, 10 giới thì còn có nhiều vị thần ủng hộ hơn nữa. Thành thử, nếu quý vị thật tu thì khẳng định âm dương đều được lợi.

Có đồng tu nói, Pháp sư Định Hoằng không phải đã phát nguyện là chỉ chuyên giảng Kinh Vô Lượng Thọ, sao hôm nay lại khai giảng Sa Di Luật Nghi, đó không phải là xen tạp hay sao? Tôi trả lời với họ là không có xen tạp, bởi vì phù hợp với lời dạy của Kinh Vô Lượng Thọ. Quý vị thấy trong Kinh Vô Lượng Thọ, Bồ Tát Pháp Tạng khi còn tu hành ở nhân địa làm một gương mẫu cho chúng ta, Ngài đã “Khéo giữ gìn khẩu nghiệp, không chê bai lỗi của người; Khéo giữ gìn thân nghiệp, không mất luật nghi; Khéo giữ gìn ý nghiệp, thanh tịnh không nhiễm”. Đó là khéo giữ gìn 3 nghiệp thân khẩu ý. Khéo giữ tức là trì giới được rất tốt, không để thân khẩu ý tạo tác ác nghiệp. Miệng thì không nói sự phải trái của người, không nói dối, không ác miệng mắng chửi người, không nói những lời vô nghĩa không lợi ích. Trong 7 ngày này, chúng ta đều được các Bồ tát làm tình nguyện trông coi tận tình để hạn chế tối đa việc tạo khẩu nghiệp. Làm sao để có thể đỡ tạo khẩu nghiệp? Lời nói phải chân chánh, không nói chuyện. Mọi người có thể làm được không? Im lặng là như đồng ý rồi. Cổ nhân nói “Bớt nói một câu chuyện, niệm nhiều thêm một câu Phật hiệu, đánh chết được ý nghĩ, khơi sống Pháp thân mình”. Quý vị thật muốn tu hành thành Phật đạo, thì quý vị trước hết phải kiểm soát được cái miệng của mình. Cho nên, A Di Đà Phật khi đang tu hành, trước là khéo giữ gìn khẩu nghiệp. Bởi miệng tạo ra rất nhiều nghiệp, một lời nói thì liên quan đi kèm với vọng ngữ, lưỡng thiệt, ỷ ngữ, ác khẩu. Vì vậy, tốt hơn chúng ta nên niệm Phật, niệm Phật có thể chứng Pháp thân, thành Phật đạo. Hơn nữa, trong đạo tràng này có nhiều vị thần hộ pháp, thần hộ giới, nếu mọi người tạo khẩu nghiệp dù nhỏ cũng là đắc tội với các Ngài, đây là điều cần phải lưu ý. Cho nên, cần chánh ngữ, giữ chắc chánh nghiệp cho miệng thì tâm được định, không chạy đi. Một khi nói chuyện, tâm liền theo lời nói đó mà động, sau đó theo lời nói mà bay ra ngoài, thì quý vị làm sao có thể được định, có thể khai trí huệ? Vậy là trì giới không được tinh nghiêm.

Tối qua, mọi người đều đã xem phim truyền hình nói về cuộc đời của Lão Hòa thượng Hư Vân. Chúng ta chọn ra 7 tập để coi trong 7 ngày, chỉ mới xem từ lúc Ngài còn nhỏ đến lúc Ngài xuất gia, xem đến đoạn Ngài 3 bước một lạy đến Ngũ Đài Sơn, quá trình chân chánh tu hành của Ngài, thật quá giá trị để chúng ta học tập noi theo. Hư Lão sống cách thời đại chúng ta không xa, Ngài ra đi năm 1959, quý vị thấy Ngài thật rất ít nói. Để xem một người có chân thật tu hành hay không, thì phải xem xét từ đâu? Là xem ở lời nói và việc làm của họ. Rất ít nói chuyện đó là người chân tu hành; Người mà ham nói nhiều, thì khẳng định không tu hành. Vì sao vậy? Người thích nói chuyện, khẳng định vọng niệm nhiều, vọng niệm nhiều thì làm sao có thể kiểm soát tâm của họ được. Tu hành thì phải quản tốt tâm của mình.

Không chỉ có chánh ngữ, mà còn cần phải trì giới, khéo giữ nghiệp của thân, đó là chúng ta dùng giới luật để bảo vệ hành vi của mình. Thông qua giữ gìn thân khẩu thì quý vị sẽ giữ gìn được tâm, tức là khéo giữ ý nghiệp thanh tịnh không nhiễm. Quý vị trì Bát quan Trai giới, trì Thập giới có đắc giới hay không? Thì hãy xem tâm quý vị có thanh tịnh hay không. 8 giới của Bát quan Trai mà làm được rồi thì tâm sẽ thanh tịnh, giữ giới được thì đạt định, khai trí huệ, định là tâm thanh tịnh. Nếu như quý vị thọ giới rồi mà không trì tốt thì tâm của quý vị sẽ không thanh tịnh được, đó tức là quý vị không trì giới. Quý vị lãng phí thời gian trong 6 ngày này, lãng phí công sức khổ nhọc truyền giới của Lão Hòa thượng Sướng Công, phụ lòng công sức của các vị Bồ tát làm công quả, phụ lòng những Pháp sư. Do đó, chúng ta cần phải cố gắng nỗ lực làm tốt. Đây là cơ hội khó gặp được trong đời người mà đã gặp được thì cần nắm cho chắc, cần phải tận dụng tối đa cơ hội này để đạt được hiệu quả lớn. Trên Kinh Vô Lượng Thọ nói khéo giữ 3 nghiệp, nên hôm nay chúng tôi bắt đầu giảng Sa Di Luật Nghi, chuyên giảng khéo giữ 3 nghiệp, đó chính là giải thích cho một câu văn Kinh, không hề rời khỏi Kinh Vô Lượng Thọ.

Ngoài ra, có đồng tu chúng ta ở đây chuẩn bị xuất gia lâu dài, thì càng cần phải học thật tốt Sa Di Luật Nghi. Hiện nay quý vị có thể thật sự làm được Sa Di Luật Nghi, thì quý vị là người xuất gia ưu tú, quý vị kham thọ cúng dường, thì quý vị sẽ là ruộng phước của thế gian. Người ta cúng dường quý vị để tu phước, mới thật đã gieo phước. Hiện nay Phật pháp rất suy, dù thấy Kinh sách, đĩa giảng Kinh rất nhiều, còn có mạng Internet, nhưng trên thực tế thì người chân chánh tu hành rất ít, người chân thật thành tựu lại càng ít hơn. Khổng Tử nói “Người có thể hoằng đạo, đạo không hoằng người”. Trong nhà Phật chúng ta không có người tu hành chân thật thành tựu thì Phật pháp sẽ suy. Bởi vậy, Đại sư Ấn Quang nói “Xuất gia làm tăng vì để giữ gìn đạo pháp của Như Lai và lập bày cách lưu thông đạo pháp”. Đây là một sự nghiệp rất đặc biệt, đó là đại diện cho Phật lập bày, giữ gìn chánh pháp, là truyền thừa, lưu thông chánh pháp, pháp truyền được là nhờ tăng. Cho nên, “Trước cần lập vững chí hướng đi lên, phát tâm đại Bồ đề, nghiên cứu Phật pháp, triệt ngộ tự tánh, hoằng dương tam học (giới, định, huệ), mà chuyên khen ngợi Tịnh độ”. Hoằng pháp thì đối với các Pháp môn chúng ta đều tán thán, song chúng ta đặc biệt tán thán Pháp môn Tịnh độ. Vì sao? Vì Pháp môn Tịnh độ giúp đỡ rất rộng lớn chúng sanh, đặc biệt là chúng sanh trong thời kỳ mạt pháp, đều nương vào Pháp môn Tịnh độ để thành tựu, do đó chúng ta đặc biệt đẩy mạnh tuyên dương Pháp môn Tịnh độ. “Ngay trong một đời liền thoát khổ luân”, chỉ một đời này cúng ta có thể ra khỏi Tam giới, vãng sanh đến Thế Giới Tây Phương Cực Lạc, đó là vĩnh viễn thoát biển khổ, lợi mình, lợi người. Người làm được như vậy đương nhiên là không còn gì tốt hơn, là xuất gia thật sự.

Khi tôi xuất gia, tôi nhớ ngày xuất gia là 15 tháng 7. Vào chiều ngày 14 tháng 7 tôi đã có mặt tại Chùa Viên Minh, đêm đó là một đêm trăng sáng, sao thưa. Tôi không thể ngủ được, bèn đi tản bộ ở sân trước chùa. Tại cuộc khảo vấn về tư tưởng, tôi được hỏi là làm nghề nghiệp gì? Động cơ nào mà xuất gia? Tôi không phải là đường cùng bỏ chạy mà xuất gia, tôi ở đời đang là giảng viên Đại học, tôi không phải chán, buồn công việc đó; Tôi cũng không phải vì danh lợi mà xuất gia, nếu vì danh lợi, thì tôi ở đời có thể truy tìm danh lợi rồi. Sư phụ đã nói bên tai tôi “Xuất gia là vì hoằng pháp lợi sanh, không phải vì hoằng pháp lợi sanh thì không cần xuất gia”. Cũng như Đại sư Ấn Quang nói “Phải lập chí cao, phát tâm đại Bồ đề, vì trụ trì chánh pháp, vì hoằng dương chánh pháp”.

Đương nhiên đầu tiên quý vị phải làm tấm gương tốt, như thế nào là tấm gương tốt? Quý vị phải nắm chắc và làm được Sa Di Luật Nghi. Đó là tấm gương tốt nhất. Hiện nay, giới Tỳ kheo khó có người làm được. Đây không phải là lời nói của tôi, tôi không dám bạo gan nói điều nầy. Đó là lời của Đại sư Hoằng Nhất, Ngài là Thiện tri thức rất vĩ đại của Luật tông thời cận đại. Ngài nói, Trung Quốc từ sau thời Nam Tống hầu như không có Tỳ kheo. Đó cũng là điều mà Đại sư Ngẫu Ích cũng thường nói qua. Tác giả biên tập của những tài liệu giới luật, mà chúng ta học đang đây là Đại sư Ngẫu Ích. Ngài Đại sư Hoằng Nhất nhận Đại sư Ngẫu Ích là thầy giáo tư thục của mình, và chuyên học theo Ngài Ngẫu Ích, quy tâm về Tịnh độ. Ngài Đại sư Ngẫu Ích tự xưng mình là Sa di Bồ tát giới, Ngài Hoằng Nhất nói giới Bồ tát, giới Sa di, Ngài đều không làm được, không dám tự xưng mình là Sa di, mà chỉ tự xưng là Xuất gia Ưu bà tắc. Ưu bà tắc làm nam cư sĩ tại gia, giữ 5 giới, vì là cạo tóc, xuất gia nên gọi là Xuất gia Ưu bà tắc, không dám tự xưng là Tỳ kheo. Có thể làm được Sa Di Luật Nghi, thật sự không lỗi lầm, đó là tiêu chuẩn của người xuất gia chân chánh.

Người tại gia có thể học tập được không? Đương nhiên là được. Bởi vì, tuy đối tượng chủ yếu của Sa Di Luật Nghi là người xuất gia, song nếu người tại gia chân thật phát tâm tu hành, lấy đó làm tiêu chuẩn cao, nghiêm túc mà cần cầu cho mình thì đương nhiên lại càng thù thắng hơn. Kỳ thật xuất gia hay tại gia không phải là ở hình thức, mà ở trong tâm của chúng ta. Cổ đức có phân thành 4 hạng đơn giản, có thân xuất nhưng tâm không xuất; Thân và tâm đều xuất; Thân không xuất nhưng tâm xuất; Thân và tâm đều không xuất. 4 hạng như vậy. Thân xuất gia và tâm cũng xuất gia, như các vị Tổ sư Đại đức, các Ngài có thể nối dòng giống Phật, hoằng pháp lợi sanh; Quý vị tuy thân không xuất gia nhưng tâm thì xuất gia, tâm đều buông xả đối với tất cả tiếng tăm lợi dưỡng, với hưởng thụ ngũ dục lục trần của thế gian, chỉ chí cầu vãng sanh Thế Giới Tây Phương Cực Lạc, cầu thoát 3 cõi, 6 đường, thì quý vị là tâm xuất gia, dù rằng thân là người tại gia cũng không vấn đề, quý vị có thể hộ trì chánh pháp, hành Bồ tát đạo. Hai hạng người đó thật sự là Sa môn, Sa môn là “Cần tu giới giới định huệ, dứt diệt tham sân si”. Những người tu hành nếu như thân đã xuất gia nhưng tâm thì không xuất, đó là giả, không chỉ không có công đức, còn sẽ tạo tội nghiệp.

Lúc tôi mới xuất gia, vào sáng ngày 15 tháng 7 là thế độ, thế độ xong, buổi chiều tôi về Tinh xá của Lão sư Tịnh Công Thượng Nhân, ở đó với Ngài. Buổi tối khi tôi cùng Ngài đi tản bộ, Ngài nói, chén cơm xuất gia ăn không ngon, còn khó ăn hơn thức ăn của người ăn xin. Người ăn xin đi xin ăn, người ta bố thí cho thì họ không cần hồi báo; Quý vị là người xuất gia đi xin, người ta bố thí cho quý vị là có hy vọng gieo trồng ruộng phước, hy vọng tương lai quý vị sẽ thành tựu, họ nhờ ơn đó mà có công đức. Nếu quý vị không có thành tựu, thì quý vị phải trả nợ, cho nên có câu “Một hạt gạo thí chủ, lớn như núi Tu Di, đời này không liễu đạo, mang lông đội sừng trả”. Lão sư nói với tôi như vậy, tôi nói với Lão sư, sao bây giờ Sư phụ mới nói ra? Đương nhiên thật sự là Sư phụ vì cảnh tỉnh tôi, thật tế tôi không có thoái tâm, tôi đã theo học Sư phụ 20 năm rồi, những vấn đề này tôi đã sớm suy nghĩ thấu đáo rồi.

Năm nay tôi đã 40 tuổi rồi, tôi xuất gia năm 39 tuổi, còn có thể sống thêm 40 năm nữa hay không thì không biết được. Sư phụ chúng ta nói, người đến trung niên là đi vào mùa thu của đời rồi. 20 tuổi trở về trước là mùa xuân, chúng ta ở đây có bao nhiêu người đang ở mùa xuân? Những vị nào tuổi từ 20 trở xuống xin giơ tay, có hay không ạ? 20 tuổi trở xuống, tốt. Đó là nhưng bông hoa đang trong mùa xuân, cần lập chí hướng đi lên, đây là thời kỳ tu hành tốt nhất. Có rất nhiều Tổ sư Đại đức thành tựu khi tuổi mới hơn 20, các Tổ sư làm được, vì sao vậy? Nền tảng của các Ngài làm được tốt, từ nhỏ đã bắt đầu học. Chúng ta xem ngài Trung Phong Quốc sư, 15 tuổi thì bắt đầu đọc Kinh Pháp Hoa, tối không ngủ nghỉ, khi buồn ngủ thì đập đầu vào cột, ép buộc mình để tu học, 15 tuổi đã có ý chí như vậy, nên năm 27 tuổi thì Ngài đại triệt đại ngộ, làm Tổ sư; Ngài Đại sư Huệ Năng năm 24 tuổi khai ngộ; Ngài Đại sư Ngẫu Ích, sách tài liệu Sa Di Giới Yếu chúng ta học đây do Ngài trước tác, Ngài khai ngộ năm 24 tuổi. Đều là hơn 20 tuổi, trước 30 tuổi thì đã hoàn thành đại sự rồi, tức là phải mau mau nắm lấy thời gian. Từ 20 đến 40 tuổi là mùa hạ của đời người, thời kỳ đơm bông kết trái, có bao nhiêu vị ở trong thời kỳ này thì mời giơ tay? Tốt, là đa số, rất tốt. Trong giai đoạn này, quý vị nhất định phải vững vàng nắm lấy cơ hội nỗ lực thành tựu, qua tuổi 40 rồi, quý vị muốn thành tựu thì rất khó. Tôi năm nay là 40 tuổi, vào mùa thu của đời người, thêm 20 năm nữa là đến mùa đông, bởi vậy cảm thấy đời người qua quá nhanh. Nếu như chúng ta không tranh thủ thời gian tuổi thanh xuân để nỗ lực tu hành, thì sau này có hối hận cũng muộn rồi. Đại sư Hoằng Nhất xuất gia năm 39 tuổi, đến hơn 60 tuổi thì đã vãng sanh, xuất gia được 20 năm.

Hôm nay chúng ta có cơ duyên đến nơi đây cùng nhau học tập, thật là điều khó được, khó gặp. Chỉ cần quý vị nắm thật chắc trong mấy ngày này, nếu còn chưa phát tâm, thì phải tâm Bồ đề rộng lớn; Nếu đã phát tâm thì quý vị cần nâng lên thêm một tầng nữa, phải bảo vệ tâm ấy, phải tinh tấn, phải xây dựng nền tảng cho thật tốt, thì quý vị thành tựu rất thù thắng. Tương lai không kể là ở tại gia hay xuất gia, quý vị chân chánh là một người hành giới, đối với Phật pháp biết rõ, quý vị lại có thể tu trì, có thể niệm Phật, có khả năng thâm nhập với giáo lý Phật pháp, quý vị có thể làm ngọn đèn sáng soi đường cho chúng sanh trong thế gian tối tăm. Vì vậy, chúng ta cần phải nghiêm túc học tập Sa Di Luật Nghi.

Làm sao để học tập Sa Di Luật Nghi? Đầu tiên chúng tôi sẽ giảng rõ ràng Sa Di Luật Nghi, giảng khéo giữ tam nghiệp, thế nào là tam nghiệp, 3 nghiệp của mình, không phải 3 nghiệp của người khác. Cho nên, quý vị đang ở trong một Tăng đoàn, chúng ta ở đây là một Tăng đoàn, vì có hơn 300 người thì đây là Tăng đoàn lớn, Tăng đoàn trong 6 ngày. Sư phụ Thượng Nhân chúng ta cả cuộc đời xót xa vì chưa thấy qua Tăng đoàn. Tăng đoàn là gì? 4 người trở lên ở chung một chỗ, cùng tu Lục hòa kính, thật sự làm được Lục hòa kính, thì đoàn thể đó là một Tăng đoàn. Nơi nào có Tăng đoàn thì không bị thiên tai, tai nạn. Vì sao vậy? Bởi được chư Phật hộ niệm, Trời Rồng ủng hộ. Hiện nay trên thế giới này thiên tai, tai nạn rất nhiều, tại làm sao? Vì không có Tăng đoàn. Do đó, Phật, Bồ tát, Trời Rồng đều muốn giúp đỡ che chở nhưng không được, phàm phu chúng ta có cảm thì các Ngài mới ứng; Chúng ta không có cảm thì các Ngài không ứng. Năm nay là 2012, rất nhiều đồng tu đều quan tâm đến có hay không đại nạn. Xem bộ phim 2012 của Mỹ, thì ngày 21 tháng 12 là ngày tận thế rồi, phải làm sao đây? Rất lo lắng, sợ hãi. Tôi khuyên quý vị hãy buông xả, trong 6 ngày này nỗ lực tu học cho tốt, trì giới niệm Phật, tu 6 pháp Hòa kính. Chúng ta hợp thành một Tăng đoàn trong 6 ngày, thì công đức không thể hạn lượng, quyết định có thể hóa giải thiên tai, tai nạn.

Sáu pháp Hòa kính là yêu cầu chính mình hòa với người khác, không phải là yêu cầu người khác hòa với mình. Mọi người trong 6 ngày này Kiến hòa đồng giải, cần có kiến giải giống nhau để học Phật, buông xả các tri kiến xưa nay của chính mình, hiện nay lấy Tri kiến Phật làm tri kiến bản thân, Kiến hòa đồng giải. Về Thân hòa đồng trụ, là mọi người cùng ở một nơi. Khẩu hòa vô tranh, miệng không làm nên sự đối lập. Nếu xung đột, cãi nhau. Như vậy là không được rồi, đó là phá hoại Lục hòa kính, tội nghiệp đó rất nặng. Nên khẩu nghiệp tốt nhất là chánh ngữ, không nói chuyện. Các đồng tu tình nguyện và Pháp sư đều phải giám sát chúng ta, mọi người có đồng ý chịu sự giám sát hay không? Tốt, mọi người nói là đồng ý, không được vọng ngữ đấy nhé. Nếu như Pháp sư chúng ta hoặc đồng tu tình nguyện mà thấy ai nói chuyện thì cầm Hương bản đánh, không có khách sáo, đó là giúp quý vị tiêu nghiệp chướng. Khi tôi đi thọ giới cũng bị Hương bản đánh, cây Hương bản rất cứng, đánh một cái tiêu rất nhiều tội nghiệp. Dừng khẩu nghiệp của mình thì Khẩu hòa vô tranh, tuyệt đối không tranh cãi với người. Ý hòa đồng duyệt, ở chung cùng với đại chúng rất vui vẻ, chúng ta nghe kinh nghe pháp được pháp vị, rất hoan hỷ. Còn Lợi hòa đồng quân, là những điều thọ dụng của đời sống chúng ta, chúng ta ở cùng một chỗ, thì những thọ dùng đều phải giống nhau, từ việc ngủ dưới đất, ăn cháo, ăn rau. Điều kiện của Tự viện có hạn nên có thể đồ ăn uống ở đây không bằng ở nhà quý vị, nhưng quý vị không nên vì cái ăn mà để tâm vì hưởng dụng đó, hãy nên buông xả những điều ấy. Quý vị xem Quân tử Nhà Nho đều có thể làm “Mưu đạo bất mưu thực”, chính yếu là cầu đạo. Quý vị đến đây để làm gì? Tôi đến đây để cầu đạo, để tu đạo, tôi không phải đến để cầu ăn. Tôi tin tưởng không có người nào đến đây là vì cầu ăn, bởi chỉ được ăn hai bữa thôi, khẳng định không phải vậy. Cho nên, đem những ý nghĩ tham thức ăn đồ dùng buông xả đi, thì chúng ta sẽ qua được 6 ngày gian khổ này.

Đồng thời cần liên tưởng đến trên thế giới này còn có nhiều người khổ hơn chúng ta. Đêm chúng ta có được giấc ngủ ngon, nhưng có thể rất nhiều người đêm không ngủ được. Quý vị không cần phải đi đâu xa, đến bệnh viện của Hương Cảng, đến khu dãy phòng bệnh mà xem, khá nhiều bệnh nhân than van cả đêm, đêm không ngủ được, chịu sự dày vò của cơn bệnh. Chúng ta ngày có ăn được hai bữa cơm, có thể trên thế này còn nhiều người ngay cả một bữa cơm để ăn cũng không được. Theo thống kê của Ngân hàng thế giới, hiện nay trên địa cầu tống số nhân khẩu bị nạn đói lên đến 10 ức, tức là một tỉ người chịu nạn đói. Quý vị thấy ở Châu Mĩ La Tinh, những quốc gia Nam Mĩ như Haiti, họ ăn gì? Là dùng bùn để làm bánh, ăn bánh bùn, ăn bùn, ngay cả được ăn gạo, bột mì đối với họ đó là cuộc sống như thiên đường.

Cho nên, qua những ngày tập sống đời sống của người xuất gia này, vì sao mọi sự ăn uống, nơi ở, hưởng thụ đời sống của người xuất gia đều giản dị, hạ đến mức thấp nhất? Đó là vì lòng thương, lòng từ bi, đồng cảm với những người chịu khổ, vì còn rất nhiều chúng sanh khổ hơn chúng ta. Ví dụ như chúng sanh Ngạ quỷ, họ khổ hơn chúng ta rất nhiều, cả nghìn năm không nghe đến âm thanh của cháo loãng nói chi đến được ăn. Chiều tối, quá ngọ chúng ta không ăn vì sao vậy? Bởi quý vị ăn vào buổi tối, cầm chén đũa, va chạm với nhau sinh ra âm thanh, Ngạ quỷ ở bên cạnh nghe thấy, lửa ghen ghét của họ liền khởi, rằng “Ngươi được ăn, chúng ta thì không được ăn”. Một ngọn lửa cháy lan đốt cháy cả thân thể họ, lửa này từ cổ họng của họ sinh ra, điều này ghi trong Kinh. Do đó, người xuất gia giữ quá ngọ không ăn, bởi vì loài Ngạ quỷ, chúng sanh trong quỷ đạo đều đến vào chiều tối, lúc họ ban ngày thì chúng ta là ban đêm, đảo ngược với chúng ta. Chiều tối họ đến thấy chúng ta được ăn, họ rất khó chịu, bởi vậy người xuất gia có tâm đại bi, mà không ăn. Đây đều là thương xót chúng sanh, phải hạ sự hưởng thụ của mình xuống thấp nhất.

Trong 6 pháp Lục hòa kính, chúng ta phải yêu cầu chính mính hòa với người. Mọi người ở chung một chỗ, thì trong đời sống khó tránh khỏi va chạm, thí dụ như quý vị tắm rửa, giặt dũ quá lâu, tôi phải chờ đợi lâu ở bên ngoài, thì va chạm nổi lên, thậm chí xung đột, phát sanh cãi nhau. Như vậy thì phải làm sao? Phải cầu mình hòa với người. Tôi phải kiên nhẫn, thiện ý nhắc nhở, nếu như bạn tắm giặt trước thì bạn nhớ là còn có người sau đang chờ đợi, mà tranh thủ tắm cho xong, đó đều là yêu cầu chính mình, không phải yêu cầu người khác. Cho nên, khi xảy ra mâu thuẫn, xung đột, thì quyết định chính mình có lỗi. Trong quá khứ ở một Tòng Lâm, Lão Hòa thượng thấy hai vị tiểu Hòa thượng tranh cãi, không chịu ngừng lại, đến trước Lão Hòa thượng để phán xét, Lão Hòa thượng không nói đến hai lời, đều đuổi hai người đó đi. Vì sao vậy? Hai người đều sai, nếu chỉ một bên không phản ứng lại, thì hai bên không thành chuyện. Quý vị không cùng tranh với họ, thì làm sao mà dẫn đến tranh cãi được. Nên phải yêu cầu mình hòa với người khác. Lục hòa kính, Sa Di Luật Nghi đều là yêu cầu chính mình, tuyệt đối không phải yêu cầu người khác. Đại sư Ấn Quang nói: “Người chân thật tu hành thì xem tất cả mọi người đều là Bồ tát, duy chỉ có một mình ta là phàm phu”. Từ trên xuống dưới toàn là Bồ tát, giả như chúng ta ở đây có 330 người, thì tôi nghĩ có 329 vị Bồ tát và một phàm phu. Ai là phàm phu? Chính là tôi. Quý vị nghĩ được như vậy là chánh tri chánh kiến, được như vậy thì quý vị mới có thể sanh tâm cung kính đối với người khác, có thể cùng người ta tu 6 pháp Lục hòa, quý vị mới có thể trì tốt được giới luật. Nếu không thì giới luật của quý vị, hình dạng bên ngoài trì được rất tốt, thấy người khác phạm giới, liền sanh ngạo mạn, xem thường người khác, thậm chí hủy báng họ. Đó là quý vị đã phạm trọng giới rồi, tạo khẩu nghiệp rồi, tâm không thanh tịnh.

Cho nên học tập Sa Di Luật Nghi, mỗi một điều là quay về chính mình, phải yêu cầu chính mình làm được, tuyệt không yêu cầu người khác. Không xem người khác có phạm giới hay không, mà chỉ xem chính mình. Đại sư Lục tổ Huệ Năng nói: “Nếu người chân chánh tu hành thì không thấy lỗi của thế gian”. Quý vị có chân chánh tu hành hay không? Thì xem quý vị có thấy lỗi lầm của người khác hay không. Chính mình đầy lỗi lầm, sửa còn không kịp, còn rảnh rỗi thấy lỗi của người ta ư? Quý vị thường thấy người ta có lỗi, thì khẳng định quý vị không thấy lỗi của mình, mắt quý vị đều là hướng ra bên ngoài, không nhìn ở bên trong tâm của mình. Do đó, phải yêu cầu chính mình, không yêu cầu người khác. Riêng mỗi ngày phải dùng 10 giới, oai nghi Sa di để kiểm điểm chính mình, xem mình làm được những gì, chưa làm được gì, những điều chưa làm được thì ngày mai nỗ lực làm được. Ngày ngày sửa đổi, phản tỉnh lỗi lầm, đó chính là bước tiến tu học vững vàng.

Thời gian buổi học đầu tiên hôm nay hết rồi, chúng tôi giảng đến đây. Bởi thời gian nên chúng tôi không kéo thêm nữa, đến 3 giờ rưỡi thì kết thúc. Nên chỉ giảng đến đây thôi, bài học sau chúng tôi sẽ tiếp tục báo cáo với mọi người. Cảm ơn mọi người.

( Hết tập 1)

Nguyện đem công đức này
Hướng về khắp tất cả
Đệ tử và chúng sanh
Đều sanh về Tịnh độ.

Nam Mô A Di Đà Phật.

Từ Ngữ Phật Học Trong: Sa Di Thập Giới Oai Nghi Lục Yếu Tập: 1