Home > Giảng Kinh > Niem-Phat-Ba-Van

Tựa


Nhất tâm niệm Phật, toàn niệm là Phật, tức tự tánh A di đà. Quán tưởng Tây phương, y chánh đều nơi quán, tức duy tâm Tịnh độ. Hễ tâm thanh tịnh tức cõi Phật thanh tịnh. Như vậy, tất cả chúng sanh, toàn tánh hôn mê điên đảo thì A di đà ở đâu? Toàn tâm duyên theo cảnh thì Tịnh độ nào còn? Dù đầy đủ tánh đức Như Lai, nhưng chưa từng tu tập, bị tam tế, lục thô vùi lấp, lãng quên hạt châu trong chéo áo, lưu chuyển khắp sáu đường.

Đức Phật gọi đó là “những người đáng thương xót”. Sự giàu sang ở thế gian, phước báu ở cõi trời luôn phải siêng năng khổ nhọc mà còn khó được thỏa nguyện, huống gì xuất thế gian, xa lìa sanh tử? Đã sanh tâm mong cầu, lại sợ khổ tu, nói suông tánh đức, thì chỉ tự dối mình dối người, đến ngày ba mươi tháng chạp[1] dù hối hận cũng không kịp. Nhưng cũng có rất nhiều người tin pháp môn này, cũng chịu tu tập, nhưng vì ít xem đọc khế kinh, mà vọng sanh tà kiến. Nên ngày xưa đại sư Trí Giả soạn luận Thập nghi. Về sau đến ngài Thiên Như lại soạn Tịnh độhoặc vấn.

Chúng sanh đời tượng mạt, bệnh chướng rất nhiều, các vị đại bồ tát nhận lãnh mật ấn của Như Lai tùy thời khai phá, tùy cơ chữa trị. Đó là đại sư Thiên Thai và ngài Sư Tử Lâm[2] vậy. Đến hôm nay, đã trải qua mấy trăm năm, căn lành của chúng sanh ngày càng cạn mỏng, bệnh chấp lúc càng sâu dày, chợt có phát tâm, cũng khó gặp được thiện hữu. Thủy Vân[3] đạo nhân trí thông cùng biển giáo, nghĩa đạt tận ba tông[4], thấu suốt nguồn Thiền, huệ trùm năm phái. Nhưng ngài chỉ hoằng đương Tịnh Độ để tiếp hóa ba hạng căn cơ. Hơn nữa, gần thì có phép tắc của ngài Tĩnh Am, xa thì có tôn chỉ của ngài Châu Hoằng, cho đến các trứ tác của chín vị tổ Tịnh Độ. Nhưng trùm khắp các cơ nghi, gồm thâu cả Tông và Giáo, người mới học có thể trông mong, hàng tu lâu nhất định nương gá, thì chỉ một quyển Tịnh Độ bách vấn mà thôi.

Sách này, trong ngoài đều một vị, trước sau đều xuyên suốt, đã giản lược mà bao trùm, đã sâu mầu mà cạn mỏng, chẳng bàn duy tâm, chẳng luận tự tánh, lại đúng là Quyền thừa mà chẳng ngại Thật pháp. Nhưng từ trước các bậc tôn túc chưa từng khai diễn, vì sao? Vì người chấp lý tánh thì bỏ sự tu, mê lầm việc sanh Tây phương. Người theo sự tướng thì chẳng lìa hữu vi, không ngại việc trực vãng. Đúng là Quyền thừa, vì phương tiện mà lập bày, thật là “tắt trong lối tắt”. Rõ ràng Đức Phật rủ lòng từ bi, tha thiết chỉ dạy như thế. Thật là thuyền báu của Liên tông, là chỉ thú của Tịnh Độ.

Một phen trình bày hết, chẳng giữ lại một lời. Người sau, nếu có thể với tâm vui thích, chân thành xem đọc rồi như thuyết tinh tấn tu hành, nhất định đấng Từ Tôn sẽ từ xa nhiếp thọ. Trong ao nước tám đặc tính nhất định hiện hoa sen; thần hóa, hình dời, nhất định thân sẽ gá sanh cảnh Tịnh. Có đạo nhân ta minh chứng, chẳng mãy may hư vọng. Người học đời sau, rửa tay đốt hương kính cẩn xem đọc, tán thán không cùng.

Thập nghi, Hoặc vấn, ngài Liên Trì đốt hương, trích tủy chân truyền. Như thế, nơi nào có sách này, Phật Tổ sẽ hộ niệm. Người có duyên may mắn gặp, nên lưu truyền rộng khắp, rải hoa, đốt hương cúng dường!

Mồng 1 tháng 11 niên hiệu Đạo Quang thứ năm (1825)

Tịnh nghiệp học nhân Giang Nguyên kính soạn.