Tạm chia kinh này làm ba phần: 1. Đề danh; 2. Giáo nhiếp; 3. Bản văn.
1. Đề danh
Kinh này có ba tên gọi khác nhau: 1. Kinh Dược Sư Lưu ly Quang Như Lai bản nguyện công đức; 2. Kinh Thuyết thập nhị thần tướng nhiêu ích hữu tình kết nguyện thần chú; 3. Kinh Thuyết bạt trừ nhất thiết nghiệp chướng.
Trong đây, bản dịch vào đời Tống, vua Hiếu Vũ niên hiệu Đại Minh thứ nhất (457), lấy tên thứ ba, gọi là kinh Bạt trừ quá tội sinh tử đắc độ. Bản dịch vào đời Tùy, niên hiệu Đại nghiệp thứ mười một (615), dịch ở nhà dịch kinh, Thượng lâm viên, phía nam sông Lạc, Đông đô, lấy tên thứ nhất, gọi là kinh Dược Sư Như Lai bản nguyện. Nay bản dịch của tam tạng Huyền Trang vào đời Đường, niên hiệu Trinh quán (627 650), lấy tên thứ nhất, gọi là kinh Dược Sư Lưu ly Quang Như Lai bản nguyện công đức. Đây là một bộ kinh mà tên gọi thứ nhất được lấy đầy đủ.
Văn và nghĩa của tên gọi thứ nhất có rộng, có lược. Văn và nghĩa của hai tên gọi sau cũng tương tự như vậy.
Dược Sư Lưu ly Quang Như Lai: là đối tượng hướng về của mọi người.
Bản nguyện công đức: là đức được chiêu cảm. Có thể trừ các khổ là dụ cho danh xưng Dược Sư. Không có nhân duyên thì không cảm thông gọi là Lưu ly Quang. Diệu hành tu tập gọi là bản nguyện. Thắng quả chứng được gọi là công đức. Tức lấy nhân quả của Như Lai làm tông. Khuyên chúng sinh quy y, thoát khổ làm thú. Vì thế, tên đầu lấy ‘đề’ làm xưng. Hai tên sau lấy ‘thú’ làm hiệu.
Kinh hay gọi đủ là Khế kinh, là một danh từ có thể giải thích được. Nói ‘Khế kinh’ là hợp với nghĩa. Có nghĩa: là vật xuyên thấu, giữ gìn pháp, làm cho pháp không bị rơi mất, cho nên gọi là Khế kinh.
Là bản nguyện công đức của Dược Sư Như Lai; là khế kinh của bản nguyện công đức. Vì vậy, trong lục hợp thích thì đó là y chủ thích.
2. Giáo nhiếp
Các sư phía nam nói: giáo pháp của Phật chia làm ba loại: một là Đốn giáo, hai là Tiệm giáo, ba là Thiên phương bất định giáo. Trong đó, Đốn giáo và Tiệm giáo thì theo lệ thường. Nay kinh Dược Sư thuộc Bất định giáo. Vì nói trong giới hạn tùy duyên nên khác với Đốn giáo, Tiệm giáo. Quan điểm này không hợp lý. Vì ngoài Đốn giáo và Tiệm giáo không có sự giác ngộ riêng. Vì thế, chớ cho rằng lìa Đại thừa, Tiểu thừa mà có giáo khác. Vì một khi Đức Phật đã nói trực tiếp với Bồ tát Mạn thù thất lợi về đặc tính nhân quả của Đại thừa, thì những điều Đức Phật nói đó phải là Đốn giáo. Lại nữa, nói Tịnh độ không có tướng che đậy. Và liễu nghĩa thứ ba thuộc Đại thừa giáo.
Văn kinh:
Đúng như thế, chính tôi được nghe! Một thời, đức Bạc già phạm du giáo hóa, trải qua các nước, đến thành Quảng Nghiêm, ngồi nghỉ dưới tán cây Nhạc âm. Bấy giờ, có vô lượng đại chúng, gồm tám nghìn vị đại bí sô, ba vạn sáu nghìn vị đại Bồ tát, vua, đại thần, bà la môn, cư sĩ, trời, rồng, tám bộ, nhân, phi nhân v.v.. cung kính, ngồi xung quanh Phật, nghe Ngài nói pháp.
Giải thích:
Bản văn chia làm ba phần: 1. Nhân duyên nói kinh; 2. Trả lời thắc mắc; 3. Nghe danh hiệu hoan hỉ thực hành.
3.1. Nhân duyên nói kinh
Đúng như thế, chính tôi được nghe v.v..: như lệ thường, nên biết.
Bạc già phạm: là danh hiệu của Đức Phật, gồm có sáu nghĩa. Sáu nghĩa đó là: 1. Tự tại:
vĩnh viễn không còn bị các phiền não trói buộc. 2. Xí thạnh: như tấm lụa trắng bị ngọn lửa trí tuệ lớn đốt cháy. 3. Đoan nghiêm: được tổ điểm bởi những diệu tướng hảo. 4. Danh xưng: công đức viên mãn ai cũng biết. 5. Cát tường: gần gũi cúng dường chắc chắn sẽ được lợi ích. 6. Tôn quý: đầy đủ các công đức, làm lợi ích, an lạc cho chúng sinh và không lười biếng.
Luận Phật địa, tụng:
Tự tại, Xí thạnh và Đoan nghiêm
Danh xưng, Cát tường và Tôn quý Sáu nghĩa sai khác như thế ấy Nên biết, gọi chung là Bạc già.
Quảng nghiêm: phiên âm tiếng Phạn là Tì xá ly, hoặc Tì da li: ý chỉ, có đầy đủ các đặc tính, các điều kiện, các tiện nghi (chúng đức).
Đến thành Quảng nghiêm: ý chỉ, nơi chúng sinh thích cư ngụ. Cây Nhạc âm: khi những làn gió nhẹ thổi qua, cây phát những âm thanh hay giống như tiếng cung, thương, v.v.. nên gọi là cây Nhạc âm.
Chúng: có ba chúng: 1. Chúng Thanh văn; 2. Chúng Bồ tát; 3. Chúng thế gian. Giống như trong văn kinh, có thể hiểu được. Trong ấy, chỉ cho hàng cư sĩ, là những người sống ở nhà. Dạ xoa: có nghĩa là đáng sợ hoặc oai thế.
3.2. Trả lời thắc mắc Văn kinh:
Bấy giờ, Mạn thù thất lợi pháp vương tử nương oai lực của Đức Phật, từ chỗ ngồi đứng dậy, vén y để lộ vai phải, gối phải chạm đất, hướng về đức Bạc già phạm, cúi người, chắp tay bạch Đức Phật. Thế Tôn, cúi xin Ngài giảng nói danh hiệu của chư Phật giống với danh hiệu, và công đức bản nguyện thù thắng của Đức Phật kia để cho những người đang nghe pháp tiêu trừ nghiệp chướng; và muốn làm lợi ích, an lạc cho tất cả chúng sinh trong thời tượng pháp.
Giải thích:
Từ đây trở xuống là phần trả lời thắc mắc.
Phần này có năm nghĩa, đó là: 1. Bồ tát thưa hỏi thành tựu; 2. Pháp vương khen ngợi, chấp nhận thành tựu; 3. Đại chúng thích nghe thành tựu; 4. Như Lai nói pháp thành tựu; 5. Dạxoa báo ơn thành tựu.
3.2.1. Bồ tát thưa hỏi thành tựu
3.2.1.1. Nhân duyên thưa thỉnh
Bấy giờ, Mạn thù thất lợi pháp vương tử nương oai lực của Đức Phật:
Mạn thù thất lợi: bản dịch đời Đường dịch là Diệu Cát Tường. Bồ tát này được sinh ra bởi pháp và đắc pháp của Phật nên gọi là Pháp vương tử.
3.2.1.2. Oai nghi thưa thỉnh
Từ chỗ ngồi đứng dậy, vén y để lộ vai phải, gối phải chạm đất, hướng về đức Bạc giàphạm, cúi người, chắp tay.
Từ chỗ ngồi đứng dạy: ý chỉ từ chân tế đứng dạy.
Vén y để lộ vai phải: ý chỉ làm việc đem đến lợi ích, an lạc.
Gối phải chạm đất: ý chỉ trụ ở thế gian.
Hướng về đức Bạc già phạm: tức hướng ra khỏi thế gian.
Cúi người: tức xa lìa mạn.
Chắp tay: ý chỉ chuyên tâm.
3.2.1.3. Chính thức thưa thỉnh
Bạch Đức Phật Thế Tôn, cúi xin Ngài giảng nói danh hiệu của chư Phật giống với danh hiệu, và công đức bản nguyện thù thắng của Đức Phật kia để làm cho những người đang nghe pháp tiêu trừ nghiệp chướng; và muốn làm lợi ích, an lạc cho tất cả chúng sinh trong thời tượng pháp.
Giải thích:
Đoạn kinh này trình bày ba việc: 1. Hỏi danh hiệu của Phật; 2. Hỏi đại nguyện của nhân; 3. Hỏi công đức của quả. Nói pháp cho họ nghe rồi, sau đó mới nói tất cả lợi ích.
Trong thời tượng pháp: Kinh Đại tập ghi: “Có sáu loại kiên cố, đó là: trụ trong pháp thân kiên cố, trụ trong giải thoát kiên, trụ trong thiền định kiên cố, trụ trong đa văn kiên cố, trụ trong phúc đức kiên cố, trụ trong đấu tranh kiên cố.”
Trong sáu loại kiên cố ấy, được phân bổ trong hai giai đoạn: trụ trong pháp thân kiên cố thuộc giai đoạn đầu, là khi Đức Phật còn ở đời. Giai đoạn sau, là năm trăm năm, sau khi Đức Phật nhập diệt. Nếu theo thứ tự thì cứ mỗi một vòng năm trăm như vậy là năm trăm năm. Nói tóm lại, có ba thời kì: Một là thời kì chính pháp: thời kì này có năm trăm năm, gồm có hai loại kiên cố: trụ trong giải thoát kiên cố và trụ trong thiền định kiên cố. Hai là thời kì tượng pháp: gồm có hai loại kiên cố: trụ trong đa văn kiên cố và trụ trong phúc đức kiên cố. Ba là thời kì mạt pháp: là trụ trong đấu tranh kiên cố.
Theo thứ tự như vậy thì có đủ: giáo, hành, quả. Nếu chỉ có hai thì không có ‘quả’. Nếu chỉ có ‘giáo’ thì không có hành và quả.
Nay vì muốn làm lợi ích, an cho chúng sinh trong thời tượng pháp một nghìn năm sau nên mới thắc mắc như vậy.
3.2.2. Pháp vương khen ngợi và chấp nhận thành tựu Văn kinh:
Bấy giờ, đức Thế Tôn khen Bồ tát Mạn thù thất lợi: Quý thay! Quý thay! Này Mạn thùthất lợi, ông đã vận lòng đại bi khuyến thỉnh Ta nói danh hiệu và công đức bản nguyện của chư Phật, là vì muốn nhổ sạch nghiệp chướng trói buộc chúng sinh và làm lợi ích, an lạc cho các chúng sinh trong thời tượng pháp. Nay ta sẽ nói, ông phải lắng nghe và tư duy kĩ. Giải thích:
Từ câu “Bấy giờ, đức Thế Tôn, … cho đến, … nói cho ông nghe.” Ý chỉ, vì có thể ghi nhớ những gì đã nghe được, nên mới nói ‘quý thay’. Vì đáp ứng đúng lúc đang cần nên lại nói ‘quý thay’. Vì muốn làm cho người nghe nghiền ngẫm văn kinh nên nói ‘lắng nghe’. Vì muốn làm cho người nghe hiểu được nghĩa nên nói ‘tư duy kĩ’. 3.2.3. Đại chúng thích nghe thành tựu Văn kinh:
Bồ tát Mạn thù thất lợi thưa: Cúi xin đức Thế Tôn nói, chúng con rất muốn nghe.
Văn kinh:
Đức Phật nói với Bồ tát Mạn thù thất lợi: cách thế giới này hơn mười căng già sa cõi Phật về phương Đông có thế giới tên là Tịnh Lưu ly, có Đức Phật hiệu là Dược Sư Lưu ly Quang Như Lai, Ứng chính đẳng giác, Minh hạnh viên mãn, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật, Bạc già phạm.
Giải thích:
3.2.4. Như Lai nói pháp thành tựu
3.2.4.1. Trả lời những điều đã thỉnh
3.2.4.1.1. Trả lời ba thắc mắc
Giải thích rộng rãi mười hiệu, giống như Du già v.v...
Văn kinh:
Này Mạn thù thất lợi, đức Thế Tôn Dược Sư Lưu ly Quang Như Lai kia khi đang thực hành Bồ tát đạo có phát mười hai nguyện lớn, giúp cho tất cả chúng sinh cầu gì được nấy. Giải thích:
3.2.4.1.2. Trả lời thắc mắc thứ hai
3.2.4.1.2.1. Nêu vắn tắt
Kinh A tu la ghi: “Bồ tát Lưu ly Quang gặp Phật Trí Thắng phát nguyện chung lần đầu tiên; đến khi ở trước Phật Bảo Đỉnh mới phát nguyện riêng.” Kinh Thập phương chư Phật hiện tiền ghi: “Ở trước Phật Thanh Long Quang phát mười hai thệ nguyện.”
3.2.4.1.2.2. Nói rộng rãi Văn kinh:
Nguyện lớn thứ nhất: Ta nguyện đời sau, khi Ta chứng đắc a nậu đa la tam miệu tambồ đề, thân Ta có hào quang sát suốt, rực rỡ chiếu khắp vô lượng vô biên thế giới, dùng ba mươi hai tướng đại trượng phu và tám mươi tùy hình trang nghiêm thân ấy, khiến tất cả chúng sinh đều được thân giống như Ta.
Nguyện lớn thứ hai: Ta nguyện đời sau, khi Ta chứng đắc bồ đề, thân Ta như ngọc Lưuly, trong ngoài sáng suốt, trong sạch không tì vết, ánh sáng rộng lớn, công đức vòi vọi, thân khéo an trú, diệm võng trang nghiêm, hơn mặt trời mặt trăng. Chúng sinh trong chỗ tối tăm đều nhờ ánh sáng ấy mà được hiểu biết và muốn đi đến đâu, làm các sự nghiệp gì cũng được.
Nguyện lớn thứ ba: Ta nguyện đời sau, khi Ta chứng đắc bồ đề, Ta dùng vô lượng vô biên trí tuệ, phương tiện làm cho tất cả chúng sinh đều được tất cả những vật cần dùng, chớ để cho chúng sinh chịu sự thiếu thốn.
Nguyện thứ tư: Ta nguyện đời sau, khi Ta chứng đắc bồ đề, nếu có chúng sinh nào tu hành tà đạo thì Ta đều làm cho an trụ trong đạo bồ đề. Nếu có người nào tu hành theo Thanh văn thừa, Độc giác thừa thì Ta làm cho họ đều được an lập trong Đại thừa.
Nguyện lớn thứ năm: Ta nguyện đời sau, khi Ta chứng đắc bồ đề, nếu có vô lượng vô biên chúng sinh, ở trong giáo pháp của Ta, tu tập Phạm hạnh, thì Ta khiến cho tất cả đều không hủy phạm giới, đầy đủ ba tụ tịnh giới. Giả sử có người hủy phạm giới, nhưng khi đã nghe danh hiệu của Ta rồi thì giới được thanh tịnh trở lại và không bị rơi vào đường ác.
Nguyện lớn thứ sáu: Ta nguyện đời sau, khi Ta chứng đắc bồ đề, nếu chúng sinh nào thân hình thấp hèn, các căn không đủ, xấu xa khờ khạo, tai điếc, mắt đui, câm, ngọng, tay chân tật nguyền, lưng gù, bị các chứng bệnh bạch lại, điên cuồng; mà khi đã nghe được danh hiệu của Ta rồi, thì tất cả đều được thân hình đoan chính, tâm ý thông minh, các căn đầy đủ, không có các bệnh khổ.
Nguyện lớn thứ bảy: Ta nguyện đời sau, khi Ta chứng đắc bồ đề, nếu chúng sinh nào bị các chứng bệnh hiểm nghèo, không người cứu chữa, không người nương nhờ, không gặp thầy, không có thuốc, không bà con, không nhà cửa, chịu nhiều nỗi nghèo hèn khốn khổ; mà danh hiệu của Ta đã lọt vào tai một lần, thì những bệnh khổ ấy đều tiêu trừ, thân tâm an lạc, gia quyến, của cải đều được sum vầy, đầy đủ, cho đến chứng đắc Vô thượng bồ đề.
Nguyện lớn thứ tám: Ta nguyện đời sau, khi Ta chứng đắc bồ đề, nếu có người nữ nào, bị trăm điều xấu xa của thân nữ làm cho bực tức, phiền não, sinh tâm chán lìa, muốn bỏ thân gái; mà khi đã nghe được danh hiệu của Ta rồi, thì tất cả người nữ đều được chuyển thân gái thành thân trai, đầy đủ tướng trượng phu, cho đến chứng đắc Vô thượng bồ đề.
Nguyện lớn thứ chín: Ta nguyện đời sau, khi Ta chứng đắc bồ đề, Ta sẽ làm cho các chúng sinh ra khỏi lưới ma, giải thoát tất cả sự trói buộc của ngoại đạo. Nếu có chúng sinh nào rơi vào rừng tà kiến rậm rạp, Ta đều dẫn dắt chúng trở về với chính kiến và từ từ khiến họ tu tập các Bồ tát hành, chóng chứng Vô thượng chính đẳng bồ đề.
Nguyện lớn thứ mười: Ta nguyện đời sau, khi Ta chứng đắc bồ đề, nếu chúng sinh nào vướng vào pháp luật nhà vua, bị xiềng xích, đánh đập, bị nhốt trong ngục, hoặc sẽ bị giết, và bị vô lượng tai họa khác, bị lăng nhục, sầu muộn, tra tấn, v.v.. thân tâm chịu khổ. Nhưng nếu chúng sinh nào nghe được danh hiệu của Ta và nhờ sức oai thần phúc đức của Ta mà tất cả đều được thoát khỏi tất cả khổ não.
Nguyện lớn thứ mười một: Ta nguyện đời sau, khi Ta chứng đắc bồ đề, nếu có chúng sinh nào bị sự đói khát bức bách, vì tìm cầu ăn uống mà tạo các nghiệp ác. Nếu chúng sinh nào nghe danh hiệu của Ta, chuyên tâm thụ trì, thì trước tiên Ta sẽ dùng các thức ăn uống ngon lạ cho họ được no đủ, sau đó Ta dùng pháp vị an lạc rốt ráo để làm cho chúng đều được an lạc.
Nguyện lớn thứ mười hai: Ta nguyện đời sau, khi Ta chứng đắc bồ đề, nếu có chúng sinh nào nghèo đến nỗi không có y phục, bị muỗi mòng cắt đốt, bị nóng lạnh, bị bức bách cả ngày lẫn đêm. Nếu những chúng sinh đó nghe danh hiệu của Ta, chuyên tâm trì niệm, thì Ta sẽ làm cho chúng được các thứ y phục tốt đẹp, những đồ trang sức quý báu, vòng hoa, hương bột, các thứ đồ chơi như trống, nhạc; tùy tâm muốn gì đều làm cho chúng đầy đủ.
Giải thích:
Trong mục nói rộng rãi chia làm sáu cặp: Một là nhiêu ích và tịnh uế, gồm nguyện thứ nhất và thứ hai. Vì Tịnh độ và tất cả chúng sinh đều giống như thân của Ta. Cho đến, chúng sinh ở thế gian và chúng sinh ở chốn tối tăm đều được toại ý.
Hai là xuất thế gian, gồm hai nguyện tiếp theo. Vì làm cho nhân thừa và thiên thừa đều không chịu sự thiếu thốn. Cho đến, người thực hành theo tà đạo, thì cũng tùy theo chủng tính của họ, giúp họ an trụ trong đạo bồ đề thuộc Tam thừa. Hàng Bất định nhị thừa đều lấy Đại thừa để an lập.
Ba là giữ giới và giữ thân thể, gồm hai nguyện tiếp theo. Các giới trọng không bị khuyết và có đầy đủ ba tụ tịnh giới.
Trong đây nêu ra ý nghĩa của câu ‘thân hình thấp hèn, các căn không đủ’. Tuy đầy đủ các căn, nhưng chúng không thắng diệu và có sự thiếu khuyết. Nói ‘xấu xa’ là giải thích thân hình thấp hèn. Nói ‘khờ khạo’ là giải thích ý chí thấp hèn. Nói ‘đui, diếc, v.v…’ là giải thích mắt, tai, mũi, lưỡi, thân căn không đầy đủ. Nói ‘cuồng điên’ là giải thích ý căn không đầy đủ. Các chứng bệnh khổ là những bệnh thuộc về mũi, v.v… Nói bốn trường hợp ‘thân hình đoan chính, v.v…’ theo thứ tự như ở trên đã dịch.
Bốn là trừ khổ ở trong và ở ngoài, gồm hai nguyện tiếp theo. Một là có thể trừ diệt những khổ do ngoại duyên bức bách. Nói ‘không có người cứu chữa’ là nói không có thầy thuốc và không có thuốc. Nói ‘không có người để nương tựa’ là không có người thân v.v.. Nay có được Phật là thầy thuốc, Pháp là thuốc và được tài sản của bậc thánh, nên có thể trừ được bệnh, cho đến, được đầy đủ mọi thứ. Hai là có thể chuyển khổ của thân nữ do nội duyên gây ra. Như kinh Niết bàn ghi: “Tất cả người nữ đều là nơi chất chứa các điều xấu ác.”
Năm là mở trói buộc ở trong và ở ngoài, gồm hai nguyện tiếp theo. An trụ trong chính kiến để mở trói buộc của ác kiến; chứng đạo vô thượng thoát khỏi lưới ma; và dùng sức oai thần thoát khỏi giam cầm, hình phạt.
Sáu là tìm cầu thức ăn, y phục, gồm hai nguyện cuối. Dùng hương vị của pháp thực làm cho chúng sinh được no đủ; dùng diệu y, v.v.. làm cho chúng sinh được sung túc.
Văn kinh:
Mạn thù thất lợi, mười hai lời nguyện vi diệu trên đó được đức Thế Tôn Dược Sư Lưu ly Quang Như Lai, Ứng, Chính đẳng giác kia đã phát ra khi còn hành Bồ tát đạo.
3.2.4.1.2.3. Tổng kết
Giải thích: Văn kinh:
Lại nữa, Mạn thù thất lợi, những nguyện lớn mà đức Thế Tôn Dược Sư Lưu ly Quang
Như Lai, Ứng, Chính đẳng giác kia đã phát ra khi còn hành Bồ tát đạo, và những công đức trang nghiêm ở cõi nước của Ngài, nếu Ta nói trong một kiếp hay hơn một kiếp cũng không thể nói hết.
Nhưng ở cõi nước của Đức Phật kia hoàn toàn thanh tịnh, không có người nữ, cũng không có đường ác và không có tiếng khổ, đất bằng Lưu ly, dây bằng vàng ngăn các đường, thành quách, cung điện, lầu gác, mái hiên, cửa sổ đều làm bằng bảy thứ báu. Ở cõi ấy công đức trang nghiêm giống như ở thế giới Tây phương Cực lạc.
Ở cõi nước ấy có hai vị Bồ tát ma ha tát, một vị tên là Nhật Quang Biến Chiếu, một vị tên là Nguyệt Quang Biến Chiếu. Hai vị ấy đứng đầu trong vô lượng vô số chúng Bồ tát. Là hai vị được bổ xứ làm Phật tiếp theo, và đều có khả năng duy trì kho báu chính pháp của Thế Tôn Dược Sư Lưu ly Quang Như Lai kia.
Vì thế, Mạn thù thất lợi, nếu những thiện nam tử, thiện nữ nhân nào có tín tâm thì nên nguyện sinh về thế giới của Đức Phật kia.
Giải thích:
3.2.4.1.3. Trả lời thắc mắc thứ ba
3.2.4.1.3.1. Bản xứ trang nghiêm công đức thành tựu
Những đại nguyện đã phát, cõi Phật trang nghiêm, nói không thể hết: nói rõ ràng giống trong như đại nguyện, quả cũng vô biên, và thân cũng phải dựa theo nguyện. Nói tóm lược về cõi nước ấy, thì có tám loại công đức thành tựu. Một là thành tựu không bị dính mắc các nhơ uế; như kinh nói ‘không có người nữ’. Hai là thành tựu xa lìa sợ hãi các điều ác; như kinh nói ‘cũng không có đường ác và không có tiếng khổ’. Ba là thành tựu thanh tịnh; như kinh nói ‘lấy lưu ly làm đất’. Bốn là thành tựu đường đi thành hoa văn; như kinh nói ‘dây bằng vàng ngăn đường’. Năm là thành tựu cung điện trang nghiêm; như kinh nói ‘giống như cõi Tây Phương’. Sáu là thành tựu đại thánh không dứt; như kinh nói ‘có hai vị Bồ tát sắp bổ xứ’. Bảy là thành tựu lợi lạc không gián đoạn; như kinh nói ‘đều giữ gìn chính pháp tạng của Đức Phật kia’. Tám là thành tựu nguyện sinh không chướng ngại; như kinh nói ‘nên nguyện sinh về thế giới của Đức Phật kia’.
Văn kinh:
Bấy giờ, Thế Tôn lại bảo Mạn thù thất lợi đồng tử: “Mạn thù thất lợi, có những người không phân biệt được thiện ác, chỉ ôm lòng tham tiếc, không biết bố thí, không biết quả báo của việc bố thí, ngu si vô trí, thiếu các tín căn, tích chứa tài bảo, gìn giữ bo bo, thấy người đến xin, trong lòng không vui. Giả sử đã không được của mà còn phải bố thí, thì như cắt thịt cho người vậy, đau đớn, luyến tiếc vô cùng. Lại có vô lượng người tham tiếc, chỉ biết tích trữ của cải, tự mình không dám tiêu xài, huống gì có thể bố thí cho cha, mẹ, vợ, con, nô tì, người giúp việc và những người hành khất. Những người ấy sau khi chết liền sinh làm ngạ quỷ, hoặc bàng sinh. Nhưng nhờ đời trước, khi còn ở nhân gian, những người ấy đã từng nghe qua danh hiệu của đức Dược Sư Lưu ly Quang Như Lai, nay ở trong đường ác bỗng nhiên nhớ lại danh hiệu của đức Như Lai ấy. Khi đang nhớ đến danh hiệu Phật, liền chết và sinh lại làm người. Khi đã được làm người, lại nhớ đến đời trước, sợ khổ ở đường ác, nên không còn ham muốn dục lạc, muốn thực hành bố thí, khen ngợi người thực hành bố thí, không còn tham tiếc những thứ mình có, rồi dần dần còn có thể đem cả đầu, mắt, tay, chân, máu, thịt và các bộ phận trên thân thể bố thí cho những người đến xin, huống chi của cải là những vật dư thừa.” Giải thích:
3.2.4.1.3.2. Ngoại phương văn danh công đức thành tựu
Trong đây có năm môn, khiến cho những người nghe pháp trừ năm chướng ngại thực hành thí, giới và tu tập mười thiện nghiệp đạo sinh về nơi an lạc.
Một hiển bày trừ chướng ngại của phúc nghiệp thí tính, có ba trường hợp:
Bị chướng ngại vì tự tính: như kinh nói, ‘không biết thiện các, … cho đến…, người đến xin’. Nói ‘không biết ác’ ý chỉ tham tiếc. Nói ‘không biết thiện’ ý chỉ không biết bố thí. Đó gọi chung là không biết thiện ác. Vì ngu si, vô trí nên chỉ ôm lòng tham tiếc; vì thiếu tín căn nên không biết bố thí, v.v.. mà chỉ lo tích trữ cho nhiều và không chịu buông xả.
Bị chướng ngại vì những lỗi lầm; như kinh nói, ‘các chúng sinh kia sinh vào đường ngạ quỷ, súc sinh’. Vì tham tiếc nên bị sinh vào đường ngạ quỷ; vì ngu si nên bị sinh vào đường súc sinh.
Nghe danh hiệu Phật, được lợi ích thù thắng; như kinh nói, ‘Do người kia khi xưa còn ở nhân gian…, cho đến…, huống chi của cải là những vật thừa’.
Văn kinh:
Lại nữa, Mạn thù thất lợi, có những người tuy thụ trì các học xứ với Như Lai, nhưng lại phá giới. Có những người tuy không phá giới nhưng phá phép tắc. Có những người tuy không phá giới và phép tắc nhưng hủy hoại chính kiến. Có những người tuy không hủy hoại chính kiến nhưng bỏ sự đa văn, nên không hiểu được những nghĩa lý sâu xa Phật nói trong Kinh. Có những người tuy đa văn nhưng tăng thượng mạn. Vì tăng thượng mạn che tối tâm trí, nên cho mình đúng, người sai, lại còn nghi ngờ, hủy báng chính pháp và làm bạn với ma. Những người ngu si ấy chẳng những tự mình làm theo tà kiến mà còn khiến cho vô lượng chúng sinh bị rơi vào hố nguy hiểm. Những chúng sinh ấy chắc chắn sẽ bị quanh quẩn mãi trong các đường địa ngục, ngạ quỷ, bàng sinh không dứt. Nhưng nếu chúng nghe được danh hiệu của đức Dược Sư Lưu ly Quang Như Lai ấy, thì họ liền bỏ những ác hành, tu theo những thiện pháp và không bị rơi vào đường ác. Giả sử có những chúng sinh không thể bỏ những ác hành, không tu các thiện pháp, mà bị rơi vào đường ác, thì nên dùng bản nguyện, oai lực của đức Như Lai kia, khiến cho những chúng sinh đang ở trước mặt tạm nghe qua danh hiệu của Đức Phật Dược Sư. Nhờ nghe được danh hiệu Phật Dược Sư, nên vừa chết ở đường ác liền sinh lại đường người. Khi đã được làm người lại đạt được chính kiến, tính tấn tu tập, khéo điều hòa tâm ý; đồng thời, có thể bỏ đời sống gia đình, hướng đến đời sống không gia đình, ở trong giáo pháp của Như Lai, thụ trì học xứ, không hủy phạm, được chính kiến, đa văn, hiểu được nghĩa lý sâu xa, trừ bỏ tâm tăng thượng mạn, không hủy báng chính pháp, không làm bạn với ma, dần dần tu tập các hạnh Bồtát, viên mãn nhanh chóng.
Giải thích:
Hai là hiển bày trừ chướng ngại của phúc nghiệp giới tính, có ba trường hợp, giống như trước nên biết.
Trong trường hợp thứ nhất: bị chướng ngại vì tự tính, có ba ý. Chướng ngại nhiếp luật nghi giới: như kinh nói, ‘phá thi la và quỹ tắc’. Thi la là biệt giải thoát. Quỹ tắc là khi đi, đứng, ngồi, nằm v.v.. phải an trụ trong chính tri. Chướng nhiếp thiện pháp giới: như kinh nói, ‘hủy hoại chính kiến, bỏ đa văn và tăng thượng mạn…’. Chướng nhiếp hữu tình giới: như kinh nói, ‘còn khiến cho vô lượng chúng sinh bị rơi vào hố nguy hiểm’.
Bị chướng ngại vì những quá hoạn: như kinh nói, ‘bị quanh quẩn mãi trong các đường địa ngục, ngạ quỷ, bàng sinh không dứt’.
Nghe danh hiệu Phật, được lợi ích thù thắng: như kinh nói, ‘cho đến, ba tụ… viên mãn nhanh chóng’.
Văn kinh:
Lại nữa, Mạn thù thất lợi, nếu có những người nào tham tiếc, ganh ghét, khen mình, chê người, thì sẽ rơi vào trong ba đường ác, trải qua vô lượng năm chịu đủ mọi khổ sở. Chịu khổ sở xong, chết liền, rồi sinh vào cõi người, làm trâu, ngựa, lạc đà, lừa; thường bị đánh đập, bị đói khát dày vò; thường bị đi đường xa, mang kéo nặng. Hoặc được làm người, thì sinh vào gia đình hạ tiện, làm kẻ nô tì, bị người khác sai khiến, mãi không được tự do. Nếu những chúng sinh ấy, khi làm người, đã từng nghe qua danh hiệu của đức Thế Tôn Dược Sư Lưu ly Quang Như Lai; nhờ nhân lành ấy, nay nhớ lại, chí tâm quy y, nhờ thần lực của Phật, nên thoát khỏi các khổ, các căn lanh lợi, trí tuệ, đa văn, thường cầu pháp thù thắng, thường gặp bạn lành, cắt đứt lưới ma, đập nát hạt vô minh, tát cạn sông phiền não, thoát khỏi sinh, già, bệnh, chết, buồn lo, khổ não.
Giải thích:
Ba hiển bày có thể diệt trừ chướng ngại của phúc nghiệp tu tính, cũng có ba trường hợp:
Bị chướng ngại vì tự tính: như kinh nói, ‘tham tiếc, ganh ghét, khen mình, chê người’. Trong đây, tham tiếc có thể làm chướng ngại tu từ; vì không ban vui. Ganh ghét làm chướng ngại tu hỷ; vì không tùy hỷ. Khen mình, chê người làm chướng ngại tu bi; vì có thể gây ra não hại. Ba chướng ngại vừa nêu giống với chướng ngại xả tính; vì bị nhiễm ô. Vì cách nói ấy phù hợp với thứ tự, nên không trái nghịch nhau.
Bị chướng ngại vì quá hoạn: như kinh nói, ‘bị rơi vào ba đường ác và phải chịu khổ’.
Nghe danh hiệu Phật, được lợi ích thù thắng: như kinh nói, ‘cho đến vĩnh viễn phá trừ được bốn ma’. Giống như văn kinh, có thể hiểu được.
Văn kinh:
Lại nữa, Mạn thù thất lợi, hoặc có những người chỉ thích chống trái, chia lìa, tranh đấu, kiện tụng nhau, làm não loạn cho mình và người, tạo thêm các nghiệp ác thuộc về thân, miệng, ý; cứ làm những việc không đem đến lợi ích hết lần này đến lần khác, mưu hại nhau, hoặc cáo triệu các thần ở núi, rừng, cây, mả, v.v.. để sát hại chúng sinh; hoặc lấy máu, thịt chúng sinh cúng tế dược xoa, la sát bà, v.v..; hoặc viết tên người mình thù oán, làm hình tượng người ấy, dùng chú thuật tà ác nguyền rủa người ấy; hoặc dùng chú thuật yểm người, dùng chú để sai khiến quỷ khởi thi giết hủy hoại thân thể và hại mạng người. Những người bị hại ấy, nếu nghe được danh hiệu của Dược Sư Lưu ly Quang Như Lai này thì những việc ác kia đều không thể gây hại. Người bị hại, kẻ gây hại đều lần lượt phát khởi tâm từ, làm lợi ích, lạc, không có ý gây tổn hại, không có tâm hiềm giận, cả hai đều vui vẻ; đối với những vật dụng của mình tự biết đủ, không xâm phạm nhau và thường làm lợi ích. Giải thích:
Bốn hiển bày có thể diệt trừ chướng ngại của mười nghiệp đạo, cũng có ba trường hợp.
Chướng ngại vì tự tính: như kinh nói, ‘chỉ thích chống trái, … cho đến, … tăng trưởng bốn nghiệp ác’. Thích chống trái: ba nghiệp đạo thuộc về ý, đều có thể làm cho người khác xa lìa các mong muốn. Tranh tụng nhau mãi: bốn nghiệp thuộc về ngữ, theo lý không tương ưng nhau, nên thường xảy ra tranh tụng. Não loạn mình và người: ba nghiệp đạo thuộc về thân, khi quả của ba nghiệp đầy đủ thì làm não loạn cho người. Nếu quả của ba nghiệp không đầy đủ thì làm não loạn cho chính mình.
Chướng ngại vì quá hoạn: vì chính mình làm điều ác nên chuốc lấy quả báo bị người khác mưu hại. Như kinh nói, ‘cứ làm những việc không đem đến lợi ích hết lần này đến lần khá, … cho đến, … dùng chú sai khiến quỷ khởi thi để hủy hoại thân thể và hại mạng người’.
Nghe danh hiệu Phật, được lợi ích thù thắng: hiện tại còn bị chia lìa, hảm hại, huống gì chịu khổ ở tương lai. Văn kinh đã nói rõ có thể hiểu được.
Văn kinh:
Lại nữa, Mạn thù thất lợi, nếu có bốn chúng bí sô, bí sô ni, ô ba sách ca, ô ba tư ca và những tịnh tín thiện nam tử, thiện nữ nhân khác, v.v.. những người có thể thụ trì tám phần trai giới, hoặc có những người thụ trì học xứ trải qua một năm, hoặc ba tháng; đem căn lành ấy nguyện sinh về thế giới Tây Phương Cực Lạc của Đức Phật Vô Lượng Thọ để nghe chính pháp nhưng chưa định.
Nếu người nào nghe được danh hiệu của Thế Tôn Dược Sư Lưu ly Quang Như Lai thì khi qua đời sẽ có tám vị đại Bồ tát từ trên hư không xuống chỉ đường, giúp cho những người ấy tự nhiên hóa sinh vào trong các hoa sen báu, đủ màu, ở thế giới Tây Phương Cực Lạc kia. Tám vị đại Bồ tát đó là: Văn thù sư lợi, Quán Thế Âm, Đắc Đại Thế, Vô Tận Ý, Bảo Đàn Hoa, Dược Vương, Dược Thượng, Di lặc.
Hoặc có người nhờ nguyện lực của Đức Phật Dược Sư mà được sinh làm trời. Tuy sinh làm trời nhưng nhờ căn lành xưa, và khi căn lành xưa chưa hết thì không bị sinh lại trong các đường ác khác. Khi tuổi thọ ở cõi trời hết, sinh lại cõi người, hoặc làm Chuyển luân vương thống lãnh bốn châu, oai đức tự tại, khiến cho vô lượng trăm nghìn chúng sinh thực hành mười điều thiện; hoặc sinh vào dòng dõi Sát đế lợi, hoặc sinh vào dòng dõi bà la môn, hoặc sinh làm cư sĩ giàu sang, có nhiều tài bảo, kho lương đầy ngập, hình dáng đẹp đẽ, người thân đông đúc, thông minh trí tuệ, dũng cảm mạnh mẽ, như Đại lực sĩ.
Nếu có người nữ nào nghe được danh hiệu của đức Thế Tôn Dược Sư Lưu ly Quang Như Lai rồi chí tâm thụ trì thì đời sau không làm người nữ lại nữa.
Giải thích:
Năm hiển bày trừ chướng ngại của sinh về nơi an lạc, có hai trường hợp.
- Hiển bày trừ chướng ngại thích sinh về nơi thanh tịnh. Như kinh nói, ‘sinh về thế giới Cực lạc’. Trong đây người thụ trì tám phần trai giới trải qua năm, tháng. Sư Tĩnh Mại nói:
“Trải qua một năm: là nói sáu ngày mỗi tháng trong một năm. Sáu ngày ấy là ngày thứ tám, ngày thứ mười bốn và ngày thứ mười lăm của nửa tháng có trăng và nửa tháng không có trăng. Hoặc ba tháng: là nói không thể giữ sáu ngày trai mỗi tháng trong một năm, mà chỉ có thể giữ trai giới ba mùa trong một năm. Ba tháng trường trai đó là tháng giêng, tháng năm và tháng chín. Trong ba mùa ấy, giữ trai giới, vào đầu tháng của mỗi mùa, ý chỉ thường tu thiện trong một năm.”
Như bản kinh dịch đời Tống ghi: “Thường tu sáu ngày trai trong một tháng và tu ba tháng trường trai trong một năm.” Luận Đại trí độ, quyển 13 ghi: “Sở dĩ nên giữ tám giới vào ngày trai là vì những ngày đó các quỷ dữ tìm người để đoạt mạng. Vì thế, các bậc thánh nhân ở kiếp Sơ chỉ dạy mọi người phải trì trai. Nhưng vào thời ấy, pháp trì trai không thụ tám giới mà chỉ lấy một ngày không ăn làm trai giới. Sau khi Đức Phật ra đời, Ngài mới chế ra tám giới.” Hỏi: Năm giới, tám giới, giới nào thù thắng?
Trả lời: Vì mỗi loại giới đều có nhân duyên nên cả hai loại giới ấy đều đồng nhau.
Hỏi: Niệm danh hiệu Phật mười lần còn được vãng sinh, huống gì niệm suốt một năm, vì sao không đạt được định?
Trả lời: Vì dũng mãnh và do dự có sự sai khác.
Luận Đại trí độ ghi: “Lúc lâm chung mà tâm dũng mãnh thì hơn dụng công một trăm năm”, tự nhiên hóa sinh. Kinh Niết bàn ghi: “Am là thụ nữ”, là người nữ sinh ra từ hoa của cây am la nên gọi là thấp sinh. Vậy ở Tịnh Độ sinh ra trong hoa sen sao gọi là hóa sinh?
Sư Tĩnh Mại nói: “Trước khi gá sinh vào thì cây có khí ẩm ướt. Hoa sen ở Tịnh độ hóa sinh cùng với người.”
- Hiển bày có thể trừ chướng ngại muốn sinh về cõi uế. Như kinh nói “hoặc có người nhờ nguyện lực của Đức Phật Dược Sư mà được sinh làm trời, v.v..”. Trong đây lại có bốn: sinh làm thiên luân vương bằng thân nam tôn quý, thù thắng. Như trong văn kinh nói, có thể hiểu được.