Lục Độ Vạn Hạnh
Thượng Tọa Thích Trí Siêu

Bồ Tát Ðạo; Bồ Tát Hạnh; Bồ Tát Nguyện là chuẩn đích thực tại hay lý tưởng của Bồ Tát độ sinh. Bồ Tát phát nguyện hóa thân vào đời để độ sinh mà không hoàn thành 3 yếu tố: ÐẠO, HẠNH và NGUYỆN thì công hạnh Bồ Tát chưa rốt ráo viên mãn. Công hạnh của Bồ Tát là tu tập cho chính mình, tu tập cho chúng sinh và tu tập cho cả hai hoàn toàn viên mãn – Tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn. Pháp môn của một vị Bồ Tát tu tập để được thành tựu công hạnh viên mãn rốt ráo là Lục Ðộ Vạn Hạnh hay còn gọi là Lục Ba-La-Mật (Sàdpàramità)

Lục Ba La Mật có nghĩa là 6 pháp môn tu tập “đến bờ bên kia” mà Hán dịch là Ðáo Bỉ Ngạn – viên mãn rốt ráo sự việc – Ðộ có nghĩa là vượt qua. Vượt qua khỏi bờ sông sinh tử bên này để đạt đến bờ giác ngộ bên kia.

Lục Ba La Mật là:

1.    Bố Thí Ba La Mật (Dànapàramità)

Sự đem cho một cách rốt ráo viên mãn. Sự đem này có 3 cách:

a. Tài Thí: Sự đem cho tài vật một cách rốt ráo viên mãn – Bố Thí bất nghịch ý. Trong sự đem cho tài vật phải được xác lập trên 3 phạm trù thanh tịnh:

- Người cho phải thanh tịnh.
- Vật cho phải thanh tịnh.
- Người nhận vật cho phải thanh tịnh.

b. Pháp thí: Sự đem cho giáo pháp một cách rốt ráo viên mãn – Cúng dường pháp là cúng dường tối thắng. Vì giáo pháp là chiếc bè đưa người qua sông; là phương tiện chuyển mê khai ngộ, chuyển phàm thành thánh. Giáo pháp là phương tiện duy nhất để cho con người nương vào đó mà tu tập để chứng đắc quả Phật.

c. Vô Úy Thí: Sự đem cho không sợ hãi. Khuyến tấn khích lệ, dẫn dắt chúng sinh vượt qua sự sợ hãi của đêm dài sinh tử, băng qua những đồng hoang của sự sống và sự chết, của sự vô minh vọng động. Ðem sự bình an và hạnh phúc thật sự cho chúng sinh.

Đây là pháp môn thứ nhất mà Bồ Tát phải hoàn thành một cách viên mãn rốt ráo.

2. Trì Giới Ba La Mật (Sìlapàramità)

Gìn giữ giới luật một cách viên mãn rốt ráo. Giới có nhiều loại:

a. Năm Giới:
Không được sát sanh
– Không được trộm cắp
– Không được tà hạnh
– Không được nói dối
– Không được uống rượu.

b. Tám Giới (Giới Tu Bát Quan Trai):
–Không được sát sanh
– Không được trộm cắp
– Không được đam mê sắc dục
– Không được nói dối
– Không được uống rượu
– Không được đeo vàng bạc, ngọc ngà châu báu, xoa ướp nước hoa dầu thơm
– Không được nằm gối trên giường cao, rộng lớn, sang trọng
– Không được ăn phi thời.

c. Mười Giới (Sa di Giới):
– Không được sát sanh
– Không được trộm cắp
– Không được đam mê sắc dục
– Không được nói dối
– Không được uống rượu
– Không được đeo vàng bạc, ngọc ngà châu báu, xoa ướp nước hoa dầu thơm
– Không được ca múa, hát xướng
– Không được nằm giường cao, rộng lớn, sang trọng
– Không được ăn phi thời
– Không tham lam cất chứa vàng bạc.

d.  250 Giới (Tỳ Kheo Giới)
e.  348 Giới (Tỳ Kheo Ni Giới)

Tất cả các loại Giới trên Bồ Tát thọ trì một cách trang nghiêm, thanh tịnh, rốt ráo viên mãn.

3.    Nhẫn Nhục Ba La Mật (Ksàntipàramita):

Sự kham nhẫn để tu tập một cách rốt ráo viên mãn.

Bồ Tát thương chúng sinh như Mẹ hiền thương con đỏ, cho dẫu trong bất cứ môi trường, hoàn cảnh khó khăn, gian lao nào Bồ Tát vẫn thể hiện lòng Từ Bi mà kham nhẫn để hóa độ, để tu tập như lời Ðức Thế Tôn đã giảng dạy trong Giới Luật:

“Nhẫn nhục đệ nhất đạo
Phật thuyết vô vi tối”

Pháp môn tu Nhẫn Nhục là con đường đạo cao cả thứ nhất, là pháp vô vi, tối thượng.

Bồ Tát luôn nhẫn nhục để chinh phục chính mình và chinh phục người khác. Chinh phục chính mình là để sự sân si nóng giận không có cơ duyên dấy khởi. Vì vậy hạt giống Từ Bi luôn được nuôi dưỡng để trưởng thành – hóa độ chúng sinh. Chinh phục người khác là làm cho chúng sinh thấy được bản chất sân hận si mê của bản thân hầu buông bỏ để thành vô sân vô si. Sự nhẫn nhục này được biểu hiện qua hình ảnh của Bồ Tát Thường Bất Khinh trong Kinh Pháp Hoa, dù Bồ Tát có bị đánh đập, xua đuổi, nặng lời, nhưng Bồ Tát luôn nói rằng: “Tôi không dám khinh Ngài, Ngài tu hành sẽ thành Phật.”

Ðây là pháp môn tu thứ ba mà Bồ Tát tu tập một cách rốt ráo viên mãn.

4. Tinh Tấn Ba La Mật (Viryapàramità):

Sự siêng năng tu tập một cách rốt ráo viên mãn.

Trong Kinh Pháp Cú, Ðức Phật dạy:
“Tinh tấn giữa đám người buông lung
Tỉnh táo giữa đám người mê ngủ
Kẻ sĩ thẳng tiến như con tuấn mã
Bỏ theo sau một lũ ngựa gầy hèn

Hay:

Ta phải có thái độ như đàn voi lâm trận
Mạnh tiến giữa rừng gươm đao giáo mác
Bình tĩnh hứng lấy những nỗi chua cay của đời
Và thản nhiên vững bước trên đường phẩm hạnh.

Bồ Tát luôn tinh tấn tu tập để chứng đắc và luôn tinh tấn để hóa độ chúng sanh. Sự tinh tấn này Phật pháp đã dạy:

Tinh tấn phòng hộ những điều ác chưa phát sanh thì không cho phát sanh.

Tinh tấn diệt trừ những điều ác đã phát sanh rồi thì không cho tái phát nữa.

Tinh tấn phát khởi những điều thiện chưa phát sanh thì làm cho phát sanh.

Tinh tấn duy trì những điều thiện đã phát sanh rồi thì làm cho lớn mạnh hơn nữa.

Ðây là pháp môn thứ Tư mà Bồ Tát tu tập một cách trang nghiêm rốt ráo viên mãn.

5. Thiền Ðịnh Ba La Mật (Dhyànapàramità)

Sự Ðịnh tĩnh trong mọi thời xứ một cách rốt ráo viên mãn.

Bồ Tát luôn sống trong Thiền định. Ðây là pháp môn tu tập để giữ tâm ý luôn tỉnh giác, không có vọng động dấy khởi làm loạn tâm. Thiền định của Bồ Tát được hòa tan vào cuộc sống bình thường của chúng sinh, trong khi Bồ Tát vân du hóa độ. Như Bồ Tát Ðại Bi Quán Thế Âm có ngàn tay, ngàn mắt để thấy và nghe âm hưởng, cảm niệm của chúng sanh mà Bồ Tát cứu độ, nhưng lúc nào Bồ Tát cũng ở trong Thiền định. Như Bồ Tát Ðại Nguyện Ðịa Tạng ở trong địa ngục để độ chúng sinh như lời phát nguyện:

Chúng sinh độ tận
Phương chứng Bồ Ðề
Ðịa ngục vị không
Thệ bất thành Phật

Ðộ hết chúng sinh
Mới chứng Bồ Ðề
Ðịa ngục chưa không
Thề không thành Phật

Dù ở trong địa ngục nhưng tâm luôn thiền định, không bị những hình ảnh và sự khổ đau của địa ngục chi phối. Như Bồ Tát Ðại Hạnh Phổ Hiền làm tất cả những công việc độ sinh, nhưng việc làm nào cũng nằm trong ý nghĩa và giá trị của Phổ Hiền Hạnh – tạo sự bình an hạnh phúc cho khắp chúng sinh. Chỉ có tâm định tĩnh thanh lương mới tạo được sự bình an hạnh phúc cho con người, bằng ngược lại chỉ là sự đau khổ và bất an. Như Bồ Tát Ðại Trí Văn Thù dùng trí tuệ vô lậu, nhứt thiết chủng trí, trí tuệ giác ngộ giải thoát để cứu độ chúng sinh và hoàn thành công năng tu tập chứng đắc của chính Bồ Tát qua con đường trí tuệ siêu việt ấy. như vậy Thiền định là cảnh giới sống và hành hoạt của Bồ Tát.

6. Trí Tuệ Ba La Mật (Prajnàpàramità)

Pháp môn tu tập bằng trí tuệ cuối cùng của Bồ Tát một cách rốt ráo, viên mãn.

Một pháp môn tu được tán dương là “Duy Tuệ Thị Nghiệp” - lấy trí tuệ làm sự nghiệp. Tạo dựng sự nghiệp để tu tập đó chính là trí tuệ. Giáo pháp tam vộ lậu học: GIỚI, ÐỊNH, HUỆ –  Nhơn Giới sanh Ðịnh, nhơn Ðịnh phát Huệ. Huệ là thành quả tối hậu của Giới và Ðịnh. Nhờ Giới và Ðịnh mới có trí tuệ Vô Lậu – Trí tuệ xuất thế gian là con đường tu tập và công hạnh độ sinh của Bồ Tát dùng trí tuệ vô lậu này mà thành tựu
Vậy, Lục Ba-La-Mật, hay Lục Ðộ Vạn Hạnh là pháp môn tu của chư vị Bồ Tát. Y cứ trên pháp môn tu này mà Bồ Tát thành tựu vạn hạnh độ sinh trong ý nghĩa:

Thật tế lý địa bất thọ nhất trần
Phương tiện môn trung bất xả nhất pháp

Trên thực tế của cuộc sống, trong ý nghĩa của thế gian Bồ Tát tu tập và độ sinh hoàn toàn không mảy may bị cấu trần ô nhiễm. Trong tất cả mọi phương tiện độ sinh ấy Bồ Tát không hề bỏ một pháp nào.

Như vậy, Giáo pháp Lục Ba La Mật là một giáo pháp lý tưởng siêu thoát cho những ai, hành giả nào phát nguyện tu tập để độ sinh. Giáo pháp Lục Ba La Mật là những đức tính, yếu tố kiến tạo một người toàn thiện, tri thức và vượt thoát để thể nhập tự tánh thanh tịnh, đồng thời ban vui cứu khổ đến mọi loài chúng sinh trong cuộc trần ai này.

Ðây là tinh thần Ðại thừa Phật giáo – Bồ Tát Ðạo – Bồ Tát Hạnh và Bồ Tát Nguyện. Con đường Bồ Tát đi. Việc làm của Bồ Tát làm và ước nguyện của Bồ Tát lập nguyện độ sinh vô cùng tận:

Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ
Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học
Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.

Bồ Tát có ý nghĩa là giác hữu tình, hay hữu tình giác. Là một chúng sinh được giác ngộ, rồi đem sự giác ngộ ấy mà giác ngộ cho các chúng sinh khác được giác ngộ như Bồ Tát, mà Giáo pháp Lục Ba La Mật là phương tiện thù thắng, cao cả, tối thượng để Bồ Tát thi hành công hạnh tu tập và độ sinh:

Gate, gate, pàragate, pàrasamgate, bodhi, Svàha!
Ði qua, đi qua, qua bờ bên kia, qua đến bờ bên kia.
 
Trích từ: Gia Đình Phật Tử
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ