Pháp Lan
Minh Thành Tổ Chu Lệ | Đức Nghiêm Đức Thuận Nguyên Nhứt, Việt Dịch


Sư người Thiên Trúc, làu thông đến mấy vạn chương kinh luận, là thầy của các học giả ở nước này. Lúc bấy giờ, Thái Âm vừa đến. Pháp Lan và Ma đằng đã kết nguyện giáo hóa nên cùng đến Lạc Dương. Không bao lâu, sư đã thông thạo tiếng Hán nên đã dịch những bộ kinh Thái Âm thỉnh từ Tây Vực về. Sư dịch được 5 bộ: Thập địa đoạn kết, Phật bản sinh, Pháp hải tạng, Phật bản hạnh, Tứ thập nhị chương. Gặp lúc đất nước loạn lạc, bốn bộ kia bị thất truyền, ở Giang Tả chỉ còn lại bộ Tứ thập nhị chương hơn hai ngàn từ. Trong số các kinh hiện còn ở đất Hán, bộ kinh này xuất hiện đầu tiên.

Khi sang Tây Vực, Thái Âm thỉnh được tượng Đức Phật Thích ca ngồi, đó chính là bức họa thứ tư tượng chiên đàn[4] do vua Ưu điền sai thợ khắc. Khi Thái Âm mang bức tượng đến Lạc Dương, vua Hán Minh Đế sai thợ vẽ lại, an trí trên đài Thanh Lương và trong lăng Hiển Tiết. Tượng xưa nay không còn nữa.

Lại nữa, xưa Hán Vũ Đế cho đào ao Côn Minh, thấy dưới đáy có lớp tro đen, bèn hỏi Đông Phương Sóc. Sóc trả lời:

– Bệ hạ nên hỏi vị tăng người Tây Vức.

Khi Pháp Lan đến Lạc Dương mọi người nhớ lại hỏi sư việc đó. Sư trả lời:

Đây chính là tro khi lửa thiêu rụi thế giới vào kiếp hỏa[5].

Lời này có chứng cứ, mọi người đều tin tưởng.

Về sau, sư mất ở Lạc Dương, thọ hơn 60 tuổi.