Home > Khai Thị Phật Học
Gần Gũi Thầy Lành Bạn Tốt Có Thể Diệt Trừ Được Các Phiền Não ()
Thích Hậu Quán | Thích Vạn Lợi, Việt Dịch


Kính bạch quý Thầy cô, kính thưa các Phật tử!

Hôm nay, tôi xin chia sẻ cùng quý vị một câu chuyện Phật giáo, được trích từ kinh Đại trang nghiêm luận, trong Đại Chánh tạng quyển 4, trang 323 326.

Trong kinh dạy, người thân cận thiện hữu tri thức, gần gũi thầy lành bạn tốt, có thể khiến cho lửa phiền não được tiêu trừ.

Nghe nói xưa kia, có con của vua Tố tì la tên là Sa la na. Lúc bấy giờ, nhà vua đã băng hà, vì thái tử Sa la na không chịu kế thừa ngôi vua, nên nhường ngôi cho em trai kế vị, còn thái tử đi đến chỗ của tôn giả Ca chiên diên cầu xin xuất gia. Sau khi Sa la na xuất gia, ông theo tôn giả Ca chiên diên đi về lãnh thổ của vua Ba thụ đề, chuyên tâm tu hành trong một khu rừng thuộc lãnh thổ này.

Có một lần, vua Ba thụ đề dẫn theo các cung nữ cùng tùy tùng đến săn bắn tại khu rừng mà tì kheo Sa la na đang cư ngụ. Sau buổi săn bắn, nhà vua mệt mỏi, nằm ngủ dưới một tán cây.

Lúc đó, tì kheo Sa la na sau khi khất thực trở về, liền ngồi bên một gốc cây để tĩnh tọa. Những cung nữ và tùy tùng của vua Ba thụ đề rất thích các loại hoa quả, nhân dịp vua ngủ say, họ liền tản mác vào rừng dạo chơi.

Do thầy Sa la na là vị xuất gia trẻ tuổi, tướng mạo rất đoan chánh, nên khi những cung nữ nhìn thấy vẻ trẻ trung, cường tráng, dung mạo tuấn tú của vị tì kheo, họ cảm thấy thật hiếm có, liền xôn xao bàn tán:

- Trong Phật pháp mà có được người như thế xuất gia học đạo sao?

Do đó, mọi người ngồi vây quanh tì kheo Sa la na.

Lúc này, vua Ba thụ đề thức dậy, không thấy cung nữ và những tùy tùng bên cạnh, nhìn khắp bốn phía cũng không thấy ai. Vua Ba thụ đề liền đứng dậy đi tìm, ông nhìn thấy những cung nữ của mình đang ngồi vây quanh một vị tì kheo trẻ, chăm chú lắng nghe vị này thuyết pháp. Vua Ba thụ đề liền nói bài kệ, đại ý như sau:

“Tôi tuy mặc quần áo cực kỳ trắng sạch, là vị vua tôn quý nhất trong đất nước này, nhưng lại thua kém vị xuất gia khéo tài biện luận kia (những cung nữ này không ở cạnh tôi, mà đều đến bên vị tì kheo ấy), hàng nghìn cung nữ ngồi vây quanh vị đó, họ tôn sùng, mến mộ dung mạo của thầy đó đến vậy sao?”.

Lúc ấy, vua Ba thụ đề nổi tâm sân giận, hỏi tì kheo Sa la na rằng:

- Ông đã chứng được tứ quả a la hán chưa?

Thầy Sa la na trả lời:

- Tôi vẫn chưa chứng đắc.

Vua lại hỏi:

- Ông chứng được tam quả a na hàm chưa?

Thầy đáp:

- Vẫn chưa chứng đắc.

Vua hỏi tiếp:

- Còn nhị quả thì sao?

- Tôi vẫn chưa chứng.

- Thế thì sơ quả tu đà hoàn, ông đắc chưa?

Đáp:

- Tôi vẫn chưa chứng đắc.

Vua lại tiếp tục hỏi:

- Ông chứng được sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền chưa?

Vị tì kheo trả lời:

- Tôi đều chưa chứng.

Sau khi vua Ba thụ đề nghe thầy Sa la na trả lời, ông ta càng thêm căm phẫn, tiếp tục cật vấn:

- Ông chưa phải là người xa lìa dục vọng, tại sao lại cùng với nhiều cung nữ tụ tập một chỗ?

Nói xong, vua liền ra lệnh tùy tùng bắt giữ tì kheo Sa la na, cởi hết y phục của thầy, chỉ chừa lại một chiếc áo mỏng, rồi lấy những cây gậy có gai, đánh tới tấp vào người thầy.

Lúc này, các cung nữ đều khóc lóc, nói với vua Ba thụ đề:

- Tôn giả không có lỗi lầm gì, tại sao lại đánh ngài ấy?

Vua Ba thụ đề nghe cung nữ của mình nói như vậy, lại tức giận gấp bội, liền sai người ra sức đánh thêm.

Vì tì kheo Sa la na trước kia vốn là thái tử, nay tuy xuất gia nhưng da dẻ vẫn mịn màng mềm mại, không chịu đựng nổi những đau đớn dày vò này, máu tuôn chảy khắp thân. Các cung nữ nhìn thấy tình cảnh này, không có người nào không khóc.

Sau khi tì kheo Sa la na bị đánh đập tàn khốc như thế, tính mạng giống như nghìn cân treo sợi tóc, thầy nằm mê man trên đất, một hồi lâu mới tỉnh lại. Toàn thân thầy đầy thương tích, giống như bị chó dữ cắn gặm, lôi kéo; cũng như có người bị mãng xà nuốt vào trong miệng, khó có thể thoát khỏi, dù có thể từ trong miệng mãng xà thoát ra được, nhưng muốn tiếp tục sống cũng rất khó, tì kheo Sa la na từ trong hoạn nạn này muốn thoát ra cũng như vậy. Thầy mở to mắt, kinh hoàng run rẩy, toàn thân máu chảy không ngừng, ngay cả mặc áo quần cũng khó khăn. Sợ lại bị đánh đập, thầy vội vàng lấy áo quần chạy trốn, vừa chạy vừa nhìn xung quanh, e rằng còn có người muốn đến bắt mình.

Những vị tì kheo đồng phạm hạnh thanh tịnh nhìn thấy hoàn cảnh của Sa la na như vậy, liền nói một đoạn kệ, đại ý như sau:

“Kẻ nào không có tâm từ bi, lại đem vị tì kheo này đánh đập, làm tổn thương đến như vậy? Tại sao đối với một vị xuất gia lặng lẽ tu hành mà cố ý ra tay độc ác, rồi lại tự cho mình là dũng cảm, oai hùng? (vì sao đối với người xuất gia lại cậy thế, ỷ quyền, ức hiếp, xúc phạm như thế?)

Tại sao không bớt phóng túng, mà tàn nhẫn hãm hại người khác như thế? Vị tì kheo này không có lỗi lầm gì mà lại tùy tiện làm hại, quả thật là người không biết đạo lý!

Người xuất gia từ bỏ vinh hoa phú quý, một thân một mình không cất giữ dư thừa. Cuối cùng là ai tàn nhẫn, nỡ đem vị thầy này đánh đập, hại thành như thế?”.

Những bạn đồng học dìu tì kheo Sa la na đến chỗ tôn giả Ca chiên diên. Vừa nhìn thấy Sa la na, tôn giả liền lớn tiếng khóc than, trong tâm tràn đầy thương cảm, liền nói một đoạn kệ, đại ý như sau:

“Thân thể của Sa la na bây giờ giống như quả Diêm phù đề, các màu hồng, xanh, trắng… đan xen lẫn nhau; những vết bầm tím, thậm chí máu đỏ tươi vẫn còn chảy khắp thân. Ai thô bạo ngang ngược mà xúc phạm, tổn thương đến thân thể tì kheo như thế, đánh đập thầy ấy ra nông nỗi như vậy?”.

Lúc đó, tì kheo Sa la na hướng đến tôn giả,

chỉ vào chỗ máu chảy, nói một đoạn kệ, đại ý như sau:

“Con đây vốn không nhận được sự bảo hộ nào, một thân một mình tự khất thực để sống lây lất qua ngày, xét lại bản thân mình không có lỗi lầm sai trái gì, nhưng lại bị người khác khinh thường bắt nạt, vô cớ bị đánh đập một trận tàn nhẫn.

Vua Ba thụ đề bản tính phóng đãng không biết kiềm chế, làm chủ một đất nước, có tài cao nghiệp lớn, ông ta đột nhiên sanh khởi tâm hung ác, tàn nhẫn, dùng roi đánh đập con khốc liệt, giống như lửa cháy liên tục không ngừng, muốn thiêu hủy, đốt phá thân thể của con.

Con đâu có lỗi lầm sai trái gì mà ông ấy lại thô bạo, ngang ngược đánh đập con tổn thương đến thế này”.

Tôn giả Ca chiên diên biết tì kheo Sa la na trong tâm đang sân hận, ngài liền nói:

- Ông xuất gia học pháp không phải vì bảo vệ thân thể của mình, mà là vì diệt trừ phiền não trong tâm.

Tôn giả nói tiếp bài kệ, nội dung như sau:

“Thân thể của ông đã bị tai nạn khốn khổ rồi, vì sao trong tâm lại sinh khởi oán hận? Dù sao ông cũng không nên sinh tâm oán giận, phẫn nộ, bởi vì tâm trí rối loạn, kiêu ngạo sẽ làm thương tổn bản thân mình (thân đã chịu khổ rồi, nhất thiết không nên sinh khởi tâm sân hận, khiến cho tự mình càng khổ thêm)”.

Lúc đó, trong tâm của tì kheo Sa la na sinh khởi rất nhiều phiền não thống khổ, nên biểu hiện sự sân hận, phẫn nộ ra cả bên ngoài như thế. Giống như con rồng trong cuộc chiến, phun ra ánh sáng, cũng như sấm sét đùng đùng liên tục. Tì kheo Sa la na nói bài kệ, nội dung đại khái như sau:

“Hòa thượng! Ngài nên biết, lửa dữ của sân hận, kiêu ngạo, thiêu đốt nội tâm của chúng ta, giống như cây cối khô héo, thân cây trống rỗng bên trong mà sinh ra lửa dữ mãnh liệt (ví dụ như từ trong tâm mà sinh khởi lửa sân hận).

Con xuất gia tu hành đã được một thời gian rồi, nhưng bây giờ con muốn trở về nhà thế tục. Thông thường người khiếp nhược đều không chịu nổi sự đau khổ này, huống gì là con. Làm sao con có thể chịu đựng những thống khổ mãnh liệt như thế?

Bây giờ con muốn trở về nhà thế tục, lấy lại ngôi vua, triệu tập tướng mã, quân binh, con sẽ khiến cho khắp đại địa đều bao phủ bởi màu đen.

Tâm sân hận của con đang hừng hực cháy mãnh liệt, bất luận ban ngày hay ban đêm đều không dừng nghỉ, chẳng khác gì lửa mạnh thiêu đốt núi rừng đồng ruộng, đến con đom đóm nhỏ cũng bị thiêu rụi, vua Ba thụ đề cũng như vậy (sẽ bị thiêu đốt bởi lửa dữ sân hận)”.

Sau khi nói xong bài kệ, Sa la na liền lấy ba y giao cho bạn đồng phạm hạnh thanh tịnh. Thầy rơi nước mắt, nghẹn ngào đảnh lễ dưới chân Hòa thượng để từ biệt, rồi nói một bài kệ, đại ý như sau:

“Bạch Hòa thượng! Xin ngài cho phép con hướng về ngài sám hối để diệt trừ những lỗi lầm đã qua, bây giờ con nhất định phải về nhà. Nếu như nỗi oán hận này không được trừ bỏ, thì dù con ở trong pháp xuất gia, tâm cũng không được vui vẻ hạnh phúc, (tâm của con đã không còn

thích xuất gia nữa rồi, vì tuy ở trong pháp xuất gia, nhưng không biết cách diệt trừ cơn oán giận này)”.

Lúc đó, tôn giả Ca chiên diên là người thiện xảo phân biệt đệ nhất đối với pháp nghĩa trong kinh, nhạo thuyết biện tài cũng đệ nhất, ngài nói với Sa la na:

- Ông không nên làm như vậy! Thân thể này không kiên cố, cuối cùng cũng suy yếu, sẽ hư hoại, hủy diệt. Ông không nên vì thân thể này mà xa lìa Phật pháp, cần phải quán sát sắc thân này là vô thường, bất tịnh.

Tôn giả Ca chiên diên nói tiếp mấy bài kệ, đại ý như sau:

“Thân thể chúng ta rất nhơ nhớp không sạch sẽ, chín lỗ ở trên thân (đó là hai mắt, hai tai, lỗ mũi, miệng, đường đại tiểu và đường đại tiện) thường chảy ra những thứ dơ dáy, đã hôi hám lại còn bẩn thỉu, quả thật khiến cho người chán ghét. Chín lỗ trên thân của chúng ta thường chảy ra những thứ không sạch, thân thể này chỉ là đồ đựng, được trang hoàng lộng lẫy bởi các thứ phiền não mà thôi.

Thân thể này hết sức xấu xa, là nơi tích tụ các bệnh quái ác, nếu có tiếp xúc, va chạm, sẽ nảy sinh rất nhiều khổ não.

Tâm ý của ông không nhận ra những điểm này, quả thật là người không đủ trí huệ, ông cần phải bỏ đi những ý nghĩ đê hèn này.

Như Lai từng nói bài kệ tụng, ông cần phải ghi nhớ trong lòng, không được quên mất: Khi có oán hận, khổ não, người nào có thể ràng buộc, chế ngự, kiểm soát được nó thì chính là kiểm soát được bản thân mình, giống như dùng dây cương buộc quanh đầu ngựa, điều khiển, chế ngự ngựa dữ chưa được điều phục.

Nếu ai có thể kiềm chế, kiểm soát được tâm hành của mình thì mới đáng được gọi là người giỏi chế ngự, nếu không có cách kiểm soát ràng buộc, thì gọi là phóng dật.

Tại gia giống như bị trói buộc trong lao ngục, xuất gia thì được giải thoát khỏi trói buộc, ông đã được thoát khỏi sự ràng buộc của gia đình, tại sao lại muốn khoác thêm gông xiềng, trói buộc trong lao ngục?

Sân hận là giặc cướp của tâm, dù thế nào, thì ông cũng không được thuận theo sân hận, để cho sân hận điều khiển.

Bởi thế, đức Phật thường tán thán người học rộng nghe nhiều. Đức Phật là vị Đạo sư được bậc Thánh tôn quý nhất, ông cần phải vâng theo lời dạy bảo Ngài. Bây giờ, ông nên nhớ nghĩ đến lợi ích của việc được học rộng nghe nhiều chánh pháp, không nên đuổi theo sân hận nữa.

Đức Phật từng khai thị giáo pháp điều phục tự tâm cho tôn giả Phú lâu na, cho dù có người dùng cưa cắt lìa thân thể, chân tay, cũng không nổi lên sân hận; ông cần phải thường tư duy, nghe nhiều pháp như vậy.

Cũng nên nhớ lại tôn giả Xá lợi phất đã nói ra năm pháp không não hại:

1. Nếu có người thân không hành thanh tịnh, nhưng miệng lại nói lời thanh tịnh, thì chúng ta không nên học theo thân không hành thanh tịnh của người này, mà học theo người này nên nói lời thanh tịnh.

2. Nếu có người miệng không nói lời thanh tịnh, nhưng thân lại làm những việc thanh tịnh thì chúng ta không nên học người này miệng không nói lời thanh tịnh, mà nên học người này thân làm việc thanh tịnh.

3. Nếu có người thân không làm việc thanh tịnh, miệng cũng không nói lời thanh tịnh, mà tâm có chút hành thanh tịnh, thì chúng ta không nên học người này thân không làm việc thanh tịnh, miệng không nói lời thanh tịnh, mà chỉ nên học người này tâm có chút thực hành thanh tịnh là tốt rồi.

4. Nếu có người thân miệng ý đều không thực hành thanh tịnh, thì chúng ta nên sinh khởi tâm thương xót, đừng khởi niệm mong rằng người này vì thân miệng ý không hành thanh tịnh mà đọa trong ba ác đạo; cần phải suy nghĩ: “Nếu người này gặp được thiện tri thức khuyên bảo chỉ dạy, xả bỏ hành động không thanh tịnh của tam nghiệp, tu tập thực hành pháp thanh tịnh của thân miệng ý, thì khi chết liền được sanh về cõi lành của trời người”.

5. Nếu có người thân miệng ý đều hành thanh tịnh, thì chúng ta nên tùy hỷ tán thán, không nên khởi tâm tật đố mà tự sinh ra ưu não.

Ông nên khéo quán sát tám pháp ở thế gian (lợi lộc, suy tổn, hủy báng, khen ngợi, tán thưởng, châm biếm, khổ bức, sung sướng). Ông nên cố gắng suy xét lỗi lầm do sân hận gây nên.

Ông nên quán sát tướng mạo đặc trưng của xuất gia, tự kiểm điểm lại bản thân xem mình đã phù hợp hay chưa phù hợp với tướng xuất gia.

Chánh pháp của tì kheo là cầu xin thức ăn nơi người khác để duy trì sự sống; sao có thể thọ nhận sự cúng dường của tín chúng, mà lại còn sinh tâm sân hận nặng nề như vậy?

Thức ăn người khác cúng dường đã ăn vào trong bụng của mình, làm sao có thể khởi tâm sân hận? Vì sao chỉ bị người tại gia đánh mà ông đã tổn thất đạo tâm của mình như thế?

Nếu ông muốn thực hành chánh pháp, thì không nên khởi tâm sân hận; người có thực hành Phật pháp, thì nên lấy thân làm mẫu mực, với mục đích làm gương tốt cho đại chúng, nếu sinh khởi tâm sân hận là việc không nên làm. Bởi vì sân hận, phẫn nộ chẳng những não hại tự tâm mà miệng còn thốt ra lời ác, bị người trí cơ hiềm trách mắng, ông không nên có những hành vi như thế.

Những người xuất gia cần phải giữ gìn thân miệng ý thanh tịnh, tì kheo cần nên điều phục, hòa thuận, tu nhẫn nhục, không khởi tâm sân hận.

Kiên định trì giữ giới luật thanh tịnh, nói lời chân thật, quyết không nói dối, cần nên cố gắng tu học nhẫn nhục, không nên sinh khởi tâm sân hận.

Người xuất gia không nên nói lời ác, mà nên mặc áo nhẫn nhục nhu hòa.

Người xuất gia không nên khởi tâm sân hận rồi thốt ra lời thô bạo, nếu như thế, thì khác nào vị tiên tuy đang ngồi thiền, nhưng lại rút thanh gươm ra ôm vào trong ngực.

Bình bát, y phục… của tì kheo, tất cả đều khác với người thế tục, nếu còn khởi tâm sân hận, phẫn nộ giống như kẻ thế tục, thì thật không nên.

Nếu người xuất gia mà còn phát ngôn ra lời thô tục giống như người tại gia, thế thì sao có thể được gọi là tì kheo?

Tì kheo cạo bỏ râu tóc, tháo gỡ những thứ trang sức đẹp, tự hạ thấp mình, xin người cho phẩm thực; sao có thể bên ngoài biểu hiện vẻ khiêm hạ nhún nhường, nhưng trong tâm lại không có pháp đoạn trừ ngạo mạn? Nếu muốn lìa ngạo mạn, thì nên trừ bỏ tâm niệm tà ác dơ bẩn, nhanh chóng tìm cầu giải thoát.

Sắc thân này phải dùng vào mục đích giống như mục đích của môn bắn cung, chỉ cần có mục đích và mũi tên thì có thể đạt được mục tiêu. Nếu như có sắc thân thì sẽ có các loại khổ não, ví bằng không cảm thấy được khổ báo trong tam giới của thân thì sẽ không có những khổ não này.

Giống như ở ngay nơi cổng thành có để một cái trống, có người từ nơi xa đến, rất mệt mỏi muốn được nghỉ ngơi, nhưng những ai muốn vào thành, trước tiên đều phải đánh trống thì cửa mới mở, thế nên, hết người này ra, lại có người kia vào, tiếng trống vẫn vang lên không dừng nghỉ, khiến cho người này không có cách nào ngủ được, do đó, anh bỗng nổi giận với những người đánh trống.

Sau khi tranh cãi với rất nhiều người, anh ta lại suy nghĩ: “Vấn đề là ở nơi cái trống này, không phải do lỗi của mọi người”, vì vậy, anh ta đập vỡ cái trống, từ đó, anh có thể yên ổn ngủ một giấc ngon.

Sắc thân của tì kheo cũng giống như cái trống, vì muốn đạt được an vui cho nên xuất gia; không luận là ruồi, muỗi, gián, cho đến cỏ độc đều có thể đốt, cắn làm tổn thương người ấy. Vì vậy, tì kheo phải luôn luôn siêng năng tinh tấn, khiến sắc thân này xa lìa sự trói buộc, không được đam mê, ở lâu dài trong tam giới.

Cần phải quán sát nguồn gốc của khổ, đó là năm uẩn, lục trần, lục giới hòa hợp bởi sắc thân này. Nếu như có thể giải thoát khỏi năm uẩn, lục trần, lục giới, thoát khỏi các khổ trói buộc thì mới có thể chứng được niết bàn an vui”.

(Đây là câu chuyện rất dài, phần sau còn một đoạn nữa, muốn biết thêm cụ thể, xin mọi người vui lòng đợi lần sau, chúng tôi sẽ tiếp tục phân tích).

Lớp Giáo dục mở rộng Phước Nghiêm, ngày 28.03.2015